Phỏng vấn chị Hằng

Thứ Tư, 07/09/2022, 21:02

Phóng viên (PV): Thưa chị Hằng, có phải cả ngàn năm nay chị toàn ngồi trên Cung trăng không ạ?

Chị Hằng: Đúng thế. Tôi ngồi trên đó và lúc nào cũng nhìn xuống trần gian.

PV: Trần gian có tươi đẹp không, thưa chị?

Phỏng vấn chị Hằng -0
Minh họa: Lê Tâm.

Chị Hằng: Rất đẹp. Đặc biệt là vào tháng Tám khi có Tết Trung thu.

PV: A, Tết Trung thu có trẻ em ca múa, có đèn ông sao, có đèn cá vàng.

Chị Hằng: Và có bánh trung thu.

PV: Đúng quá ạ. Bánh trung thu quan trọng đến mức với rất nhiều người lớn và trẻ con, không có bánh là không có Trung thu.

Chị Hằng: Trẻ con nào?

PV: Ơ, sao chị lại hỏi thế?

Chị Hằng: Vì với trẻ con của những ngày xa xưa, bánh trung thu rất tuyệt vời. Nhưng chúng rất ngon, rất giản dị. Còn với trẻ con hôm nay, bánh cũng ngon, nhưng đã trở thành thứ hàng xa xỉ.

PV: Bánh trung thu là xa xỉ ư?

Chị Hằng: Đúng vậy. Tôi không thể tưởng tượng được, không tin vào mắt mình khi thấy có những hộp bánh trung thu năm, bảy triệu đồng bán đầy ở khắp nơi.

PV: Năm bảy triệu đồng? Nghĩa là mấy trăm nghìn một cái bánh? Bên trong có dát vàng ư?

Chị Hằng: Ôi, nếu dát vàng ta không tức. Đằng này nhân bánh là đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn… những nguyên liệu cực kỳ bình dân, thậm chí bình dân tới hết mức.

PV: Trời ơi, một cục khoai môn bọc bột nướng, làm sao có thể bán tới cả vài trăm ngàn?

Chị Hằng: Đã từ lâu, trên Cung trăng, chú Cuội và chị Hằng hỏi nhau chuyện đó và không cách gì giải thích một miếng khoai, hay một nắm đậu lại bán giá khủng khiếp như thế.

PV: Hay những cái bánh ấy được nướng trong lò vàng?

Chị Hằng: Không hề. Chúng nướng trong bếp than hay bếp củi…. Nhìn đi nhìn lại, tôi phát hiện ra, có lẽ giá đắt là do cái hộp.  Những hộp bánh chế tạo rất cầu kỳ, có khi đắt hơn bánh tới cả trăm lần.

PV: Thế ăn bánh xong người ta dùng hộp làm gì?

Chị Hằng: Đa số là vứt đi. Hết chuyện.

PV: Nghĩa là những nhà kinh doanh thay vì bán bánh, lại bán cái hộp bánh?

Chị Hằng: Rõ ràng vậy. Và buồn cười nhất là họ đua nhau, cứ thế mỗi năm lại sáng tạo ra một loại hộp cầu kỳ để “chém” người tiêu dùng. Hậu quả là giá bánh trung thu đắt một cách quái gở.

PV: Cho đến khi?

Chị Hằng: Cho đến khi đùng một cái, các loại bánh trung thu Trung Quốc ào sang, bán với giá rẻ không tưởng tượng được, có vài ngàn một chiếc.

PV: Sao lại có thể bán giá thấp như thế?

Chị Hằng: Đáng lẽ phải hỏi câu ngược lại là tại sao lại đắt, vì bột mỳ, đậu và khoai có giá bao nhiêu?

Nói ngắn gọn, thực chất bánh trung thu là rẻ. Bao nhiêu năm qua người ta quen "chém" thiên hạ vì nghĩ rằng mỗi năm có một lần và đa số bà con mua để biếu chứ không phải để ăn. Tâm lý kinh doanh "tàn sát" này khiến bánh trung thu, từ một sản phẩm dân gian trở thành một món ăn xa xỉ, nằm ngoài tầm với của rất nhiều trẻ em nghèo.

PV: Và việc bánh siêu rẻ tràn vào đã khiến nhiều người tỉnh ra?

Chị Hằng: Vâng. Là chị Hằng, mong muốn của tôi là nhiều người được ăn bánh chứ không phải Trung thu biến thành tết của gia đình giàu. Bánh trung thu không phải hàng mỹ nghệ, không phải đồ trang sức, không phải món ăn xa xỉ. Chọn hướng kinh doanh như vậy là sai lầm, và sai lầm trước sau gì cũng phải trả giá!

Lê Thị Liên Hoan
.
.