Phỏng vấn cánh cửa
PV: Thưa anh, có phải “cửa” là một vật thể không tồn tại một mình. Nó luôn luôn gắn với “nhà”, phải không ạ?
Cửa: Đúng vậy. Sự liên quan của tôi với một căn nhà hay một căn phòng là vô cùng mật thiết.
PV: Vậy thưa anh, nếu vậy chắc chắn anh biết trong thời gian gần đây, giá nhà ở Việt Nam đột ngột tăng rất cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cửa: Tôi biết và tôi cực kỳ lo lắng.
PV: Tại sao anh lo lắng khi bản thân mình lên giá?
Cửa: Giá trị của một vật thể không phải chỉ nằm ở chỗ đáng bao nhiêu tiền, mà còn ở chỗ nó tác dụng gì cho xã hội.
PV: Xin anh nói rõ ý này?
Cửa: Giá nhà, hay nói rộng ra, giá bất động sản luôn luôn là một chỉ số quan trọng về kinh tế và đặc biệt hơn, về an sinh xã hội.
PV: An sinh xã hội?
Cửa: Ừ. Để cho một công dân sống trong một quốc gia cảm thấy an toàn và hạnh phúc, thì họ phải được thụ hưởng những tiêu chuẩn an tâm sinh sống cơ bản. Bất cứ một nhà nước nào cũng phải biết và hướng về mục tiêu đó.
PV: Ví dụ?
Cửa: Ví dụ như quyền được đi học, quyền được khám chữa bệnh, quyền được bảo vệ an toàn và quyền… có nhà ở.
PV: Thưa anh, nhà ở không bao giờ từ trên trời rơi xuống.
Cửa: Đúng vậy. Muốn sở hữu nhà, đa số công dân phải mua. Nhưng bảo đảm và giữ cho một con người có khả năng mua lại là chủ đích của nhà nước.
PV: Vâng. Nhưng thưa anh, đã là mua và bán, thì thị trường đôi khi tự nó quyết định kia mà.
Cửa: Nghe thì điều ấy có vẻ khoa học và khách quan, nhưng thực ra không hoàn toàn đúng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, nơi mà các chính sách của chính phủ có tác dụng can thiệp và điều tiết rất cao.
PV: Vâng.
Cửa: Nếu tôi không nhầm, giá bất động sản luôn luôn là một trong những vấn đề nóng nhất và quan trọng nhất với bất cứ quốc gia nào chứ không riêng gì Việt Nam.
PV: Và mục đích cuối cùng của Chính phủ luôn luôn làm sao cho mỗi công dân có nhà ở?
Cửa: Sai! Không phải mọi công dân đều có nhà ở, mà mọi người lao động đều có khả năng mua được nhà ở với lao động thực tế của mình.
PV: À vâng.
Cửa: Và bất cứ ai cũng biết, giá nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay cao đến nỗi nếu như một cặp vợ chồng viên chức có thu nhập bình thường thì việc mua được căn hộ là bất khả kháng.
PV: Chính xác. Và sự bất khả kháng này, theo quan điểm của an sinh xã hội là không thể chấp nhận được. Không thể biện minh và không thể kéo dài được.
Cửa: Có rất nhiều ý kiến, giải pháp đang được chúng ta đề ra nhằm giải quyết vấn đề này. Ở đây tôi không bàn sâu vào nó, nhưng chỉ nói rằng đúng là “quy luật cung cầu” thì chỉ là một cách nói để lẩn tránh trách nhiệm.
PV: Vâng.
Cửa: Mục tiêu của lãnh đạo là phải điều hành các chính sách làm sao để mỗi người lao động đều có khả năng sở hữu nhà tương xứng với đồng lương.
PV: Nếu không?
Cửa: Nếu không như thế, nếu để mọi công dân cảm thấy việc có nhà là không tưởng thì họ có khả năng cực kỳ nguy hiểm, mất động lực lao động và như thế năng suất làm việc sẽ giảm xuống trầm trọng, điều ấy chắc chắn là một vấn nạn lớn cho nền kinh tế và cho sự phát triển của Quốc gia.