Phong bì xưa, phong bì nay

Chủ Nhật, 20/02/2022, 09:58

Thế kỷ 21, ký ức về cái phong bì cũ kỹ của những bức thư dán tem dường như biến mất. Thời kháng chiến, phong bì chuyên chở tình cảm gia đình, kết nối tình yêu đôi lứa từ hậu phương tới tuyến lửa.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, gia đình nào cũng háo hức đọc thư con gửi từ phương xa về. Nhìn nét chữ như thấy người ở bên. Nhà nào cũng có thói quen đọc to thư cho cả nhà và láng giềng cùng vui. Câu “Thầy bu kính mến” trở nên quen thuộc thân thương.

Những lá thư tình đi qua chiến trường, công, nông trường, vào thơ ca, âm nhạc, lay động con tim xây nên hạnh phúc. Thời ấy, nếu nhờ ai chuyển trực tiếp thư tay thì người gửi lịch sự không dán kín để thể hiện không có gì bí mật. Bên ngoài đề chữ “Nhờ anh/ chị… chuyển tận tay… Xin cảm ơn!”. Thư gửi bưu điện có giai thoại rằng một cô vui tính đề “Thư đi tình cảm dạt dào/ Nhờ anh bưu điện gửi vào tận tay”. Anh đưa thư cũng chả vừa, trước khi chuyển còn ghi thêm 1 câu: “Thư này ông chẳng gửi ngay/ Để xem tình cảm chúng mày ra sao”. Thực tế có sự thất lạc hoặc do nhiều trắc trở thời chiến mà những bức thư có khi hàng tháng mới tới nơi. Vì vậy có dịch vụ thư bảo đảm để yên tâm nó không bị thất lạc.

Người đưa thư trở nên người được ngóng đợi nhất. Hình ảnh anh lính quân bưu trở nên đáng yêu trong ca khúc của Đàm Thanh: “Tôi đi sau lưng ba lô, trên vai khẩu súng yêu/ Bên này công văn Nhà nước, bên đây công văn trái tim…”.

Từ ngày thư điện tử lên ngôi, những bức thư nhòe mực cùng phong bì, tem chỉ còn trong những bộ sưu tập. Phong bì tự nhiên có nhiệm vụ mới. Ruột nó là tiền trong các dịp đặc biệt. Một trong những việc cần làm ngay sau lễ cưới là cô dâu chú rể đếm phong bì. Thời bao cấp thì người ta ngại mừng tiền vì muốn tránh tiếng thực dụng. Để thanh nhã, người ta gói chậu nhôm, phích nước, nồi xoong vào giấy màu, kết nơ hồng để mừng đôi loan phượng, thành ra cô dâu chú rể nào cũng chật nhà toàn chậu, phích… Sau đó phải tìm cách bán cho đỡ chật nhà. Sau thấy mừng hiện vật rườm rà quá, người ta mừng bằng tiền cho tiện lợi. Thế là nhà trai nhà gái đều có cái hòm “công đức”.

Rồi thời thị trường có câu:  “Hễ thấy phong bì là lại thanh kiu!” (Thank you!). Cái phong bì trở thành “dầu bôi trơn” cho mọi công việc. Phong bì được gắn cùng việc “chạy”. “Vận động viên” vượt rào mọi nội dung đều ẵm theo phong bì. Chạy vào trường, chạy điểm, chạy chức, chạy hợp đồng… Cái phong bì “đâm toạc” mọi “tờ giấy”. Dân gian truyền miệng câu hỏi: “Phong lan, phong cấp, phong bì/ Trong ba thứ ấy phong gì là hơn?”. Lời đáp: “Phong lan ngắm mãi cũng buồn/ Phong chức thì phải cúi luồn cấp trên/ Phong bì như cánh hoa sen/ Mở ra thơm phức vợ khen, con cười!”.

Những ngày cận tết Nguyên đán phải gọi là mùa ngoại giao mở rộng, người ta không ngại vượt đường xa thăm sếp. Những món quà tết gần gũi như chai rượu, lẵng hoa quả chạy như con thoi, luôn có phong bì đồng hành. Ôi dào! Chút nghĩa tình mà từ chối quá “nhẵn nhụi”, đệ tử buồn.

Quán cà phê nọ, một doanh nhân sắp xếp lại cái cặp đựng hàng chục phong bì và trần tình với bạn của đồng môn của anh ta rằng "đây là quà tết ngoại giao vui vẻ chứ vào việc thì là bài ngửa với phép tính chia phần đâu ra đấy. Cày ra tiền là khó nhưng chia tiền khó hơn nhiều". Một doanh nhân khác thường xuyên bay tới một nước Đông Nam Á với tần suất như đi chợ. Hỏi đi lắm thế? Anh này đáp rằng tôi phải sang đó mới yên tâm chia được.

Hà Nội xưa, hàng phở không mời bác ăn phở mà nói “mời bác xơi quà!”. Quà cái gì đó hương hoa mơ hồ không đáng lưu tâm. Xưa quà quê oai lắm thì có con gà, cân gạo nếp. Gần đây, có ông sếp ngành y trả lại quà là vài chục tỷ đồng. Từ đó có thể thấy hình dáng cái phong bì thời nay đã “béo phì” thế nào. Những chiếc phong bì luồn sâu là nguyên nhân để nhiều kẻ “tay cầm nắm bạc kè kè” dám nghênh ngang nói câu “Mày biết bố mày là ai không?”.

Cái phong bì “dưới gầm bàn” đã xuyên thủng những hàng rào đạo đức tưởng như kiên cố nhất và trở nên kẻ thách thức đáng ngại. Nghề làm thầy được xã hội trân quý như thầy giáo và thầy thuốc cũng không dễ giữ được mình. Khi chứng kiến chuyện tham nhũng vặt nhiều, quen mắt thì người ta chấp nhận như chuyện thường ngày ở huyện. Mọi kiểu quản lý chiếu lệ, bắt cóc bỏ đĩa, bằng cấp giả cũng có nguyên nhân từ những chiếc phong bì bôi trơn láu lỉnh. Làm sao để người ta không muốn, không dám, không thể tham nhũng là câu hỏi lớn.

Ai nhận phong bì “dưới gầm bàn” cũng thường hay nói đạo lý. Đó chính cái “mặt nạ” phải đeo nếu muốn qua mắt thiên hạ. Việc “diễn” suốt ngày đủ các vai cũng căng như dây đàn và tổn thọ; nhưng họ chấp nhận đánh đổi. Khi nói về cách dưỡng tâm, thân thanh thản, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh việc tháo bỏ “mặt nạ” ra. Việc tưởng như không thể vẫn là có thể.

Mỗi lần đất nước trong cơn thử thách, ta lại chứng kiến ngàn tấm gương quên mình, vạn việc tử tế. Đó là thành lũy vững bền, năng lượng tích cực khiến cái xấu phải chùn bước. Để sự minh bạch tồn tại, mỗi chúng ta cùng nhẫn nại ghé vai. Cần coi đó là việc của bản thân, không cần trút lên vai ai khác.

Lê Tâm
.
.