Phía khuất của đô thị

Thứ Năm, 15/09/2022, 09:21

LTS: Những lộng lẫy, sang trọng, rực sáng không đủ để làm đại diện hình ảnh cho đô thị Việt Nam hiện nay. Cần phải nhìn vào phía khuất của nó, để hiểu rằng muốn văn minh không chỉ tập trung cho những công trình, mà cần tập trung cho chính những con người trong cộng đồng…

Hy sinh cho vỉa hè

Tháng Sáu vừa qua, một bức ảnh lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội và gây ra nhiều tranh cãi: cựu Phó chủ tịch quận 1, TP Hồ Chí Minh , ông Đoàn Ngọc Hải khoe mình đang ngồi thưởng thức món ăn vỉa hè.

299796456_825250838851371_399955555755373818_n.jpg -0
Ảnh: S.t

Bức ảnh gây tranh cãi dữ dội vì khi còn đương chức, ông Hải đã tạo tiếng tăm với một chiến dịch dẹp sạch vỉa hè rất quyết liệt. Giờ nếu bật công cụ Google và gõ tên ông với từ "dẹp vỉa hè", bạn có thể nhận được ngót 2 triệu kết quả, đa số là đến từ các tờ báo có tiếng tăm trong nước, với đủ mọi kiểu tin. Từ chuyện ông Hải 5 giờ sáng đã một mình đi dẹp vỉa hè, rồi mưa lớn cũng đội mưa để giám sát xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè.

Tất nhiên là chiến dịch của ông đã thất bại, như mọi câu chuyện cố "bắt cóc bỏ đĩa" khác ở Việt Nam. Nhưng người ta vẫn chưa hiểu thực sự lý do tại sao, ngoài việc đổ lỗi cho chuyện "một con én chẳng làm nổi mùa xuân", cho đến khi chính ông Hải, trong một ngày cao hứng, đã đăng lên mạng câu trả lời: chính ông, trong vai một người tiêu dùng, cũng không thể cưỡng lại được thú vui ăn uống vỉa hè.

Tôi biết một anh bạn nay đã là phó tổng biên tập một tờ báo lớn, lớn lên ở phố cổ. Anh kể rằng hồi bé nhà rất nghèo, và anh chỉ may mắn được đi học nhờ hàng thuê truyện kê sát vỉa hè của gia đình. Hàng truyện ấy đã đưa anh vào cánh cổng trường đại học, thậm chí trong những năm đầu đi làm khốn khó. Nói rằng vỉa hè đã làm đời anh sang trang cũng không hẳn là quá lời.

Nền kinh tế phi chính thức, theo các chuyên gia quốc tế, có thể tạo ra đến 20% GDP, và trong đó, kinh tế vỉa hè đóng góp 11 triệu trong số khoảng 22 triệu người tham gia nền kinh tế phi chính thức. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, việc kinh doanh trên vỉa hè, cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra khoảng 11-13% GDP của toàn bộ TP Hồ Chí Minh. Việc ăn uống và sinh hoạt trên vỉa hè không chỉ là một dịch vụ đơn thuần. Nó còn tạo ra cảm xúc, thậm chí đi vào tiềm thức nhiều người.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt thường, như chính ông Hải, sự nhếch nhác của những đô thị mà vỉa hè bị xâm lấn quá thô bạo. Bạn có thể sẽ phải chửi thề khi đi qua những con phố ngập rác, nơi người đi bộ thường xuyên phải nhảy chân sáo xuống lòng đường để tránh hàng xe dựng ngay trước một quán ăn đang đông khách. Rồi bạn đi qua một con phố đang đẹp thì tiếng "dzô dzô" cứ thế tống vào tai bạn, từ hàng bia kê đầy bàn ghế nhựa ra sát lòng đường. Sau đó, cố len lỏi qua một đoạn vỉa hè mà cứ đến hẹn lại lên người ta lại "đè" ra… lát lại.

Nhưng thái độ với vỉa hè thì luôn đầy rẫy tiêu chuẩn kép, thậm chí kép của kép. Điều đó đến từ đâu? Vào năm 2016, một học giả người Mỹ từng sinh sống tại TP Hồ Chí Minh 15 năm đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng người thành phố cùng chia sẻ một không gian vỉa hè, vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Kiểu như buổi đêm thì chỗ này là nơi ngả lưng của người này, và đến sáng sớm lại được kê cái ghế cho người khác ngồi uống cà phê.

Khi yên vị trong công sở buổi sáng và đọc một bài báo về thực trạng vỉa hè, bạn có thể rất bức xúc. Nhưng cũng có thể chính bạn, vào buổi sáng, đã ngồi góc phố gặm bánh mỳ và uống cà phê, rồi chiều lại lê la làm mấy chai bia, ngay sát lòng đường. Hoặc cũng chính bạn, trong một phút giây bấn loạn đi tìm chỗ đỗ xe, cũng có thể dễ dàng lái theo cái vẫy của một bãi xe lấn chiếm tạm bợ nào đó trên phố. Chính tập quán sinh hoạt của chúng ta, cao hơn tất thảy, mới là thứ định hình diện mạo đô thị.

Khi tôi sang Melbourne (Australia) và ra đường tản bộ vào một giờ sáng cuối tuần, dòng người vẫn rất tấp nập, vào ra các quán bar. Nhưng đường phố thì vẫn sạch đẹp và quy củ không khác gì ban ngày. Các cô ăn mặc gợi cảm vẫn có thể đi lại thoải mái mà không sợ bị trêu ghẹo, hay quấy rối, dù trong suốt một tuần ở lại đây, tôi thậm chí không thấy bóng dáng một cảnh sát nào.

Khi tôi hỏi liệu đô thị ban đêm như thế có rủi ro không nếu thiếu các lực lượng duy trì trật tự, đại diện của bang Victoria trả lời rằng không cần thiết, vì ngay từ nhỏ, đàn ông ở đây đã được giáo dục rằng phải cư xử kiềm chế, dù "chúng tôi biết rằng ai cũng có dục vọng". Khi chúng tôi đi uống rượu ở một quán bar, sau ba "shot" (cốc nhỏ) rượu mạnh ban đầu uống hơi nhanh, phục vụ quầy đã bắt mấy anh em phải "chờ 30 phút" để tránh say xỉn, có thể dẫn đến các rắc rối không cần thiết. Ngày cuối cùng, khi tôi tham gia một quán bar lưu động ở một bãi đất trống, nhạc đang lên nhưng đúng một giờ sáng, theo quy định, DJ lập tức tắt nhạc và đám đông giải tán. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị phạt rất nặng.

Tất nhiên bạn có thể tự ái, khi tôi đưa ra một ví dụ ở "bển" để soi lại tình hình Việt Nam. Nhưng bạn hẳn cũng hiểu thông điệp này: những vỉa hè sạch sẽ và an toàn đều có một "chi phí" hy sinh nào đó. Ai đó phải kiềm chế lại. Ai đó phải thay đổi thói quen, và tập quán sinh hoạt. Nếu ở Việt Nam, chúng tôi có thể uống thâu đêm, bao nhiêu cũng được, thậm chí có những hàng quán còn sập cửa cuốn xuống cho khách ngồi tới sáng. Và tất nhiên, rắc rối có thể phát sinh từ việc uống quá mức như thế. Cũng như chuyện ăn uống vỉa hè vậy: bạn không thể sử dụng dịch vụ này bừa bãi như lúc này, nếu muốn có một bộ mặt đô thị sạch đẹp và quy củ hơn.

Tất nhiên, bạn có thể tiếp tục giữ nguyên cách sinh hoạt như hiện tại, và mong muốn một kết quả khác đi. Điều này chỉ có trong giấc mơ.

Phạm An

Những người “ăn” rác

bai 2.jpg -0
Ảnh: S.t

Bà xã tôi có thời gian làm việc cho một tổ chức tình nguyện quốc tế. Nhiệm vụ chính là lo hậu cần cho các tình nguyện viên trẻ quốc tế đến Việt Nam. Vì tình nguyện viên hầu hết là các bạn ở tuổi sinh viên, có bạn mới tốt nghiệp phổ thông, lại đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, và có nguyện vọng được tình nguyện trong các lĩnh vực khác nhau, nên đủ thứ rắc rối có thể xảy đến. Có lúc các bạn lúng túng làm hỏng việc (của ngôi trường các bạn dạy tiếng Anh, của cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi bạn giúp đỡ), cũng có bạn hư ăn nhậu hát hò đêm khuya (thanh niên mà), cũng có khi các bạn chành chọe nhau trong nhà tập thể (vì đa quốc tịch, đa văn hóa). Nhưng có một dạng tình huống khó xử nhất trong các năm tháng ấy, khiến bà xã tôi thường xuyên bối rối và bó tay: các bạn sợ bẩn.

Hà Nội nhiều chỗ cũng bẩn thật chứ không phải vọng ngoại rồi kỳ thị Việt Nam. Chỗ trông bẩn nhất: dưới gầm bàn các quán ăn. Có bạn tình nguyện viên nữ, đến Việt Nam được một ngày, đến buổi tối được dắt đi ăn vịt nướng, ngồi giữa quán khóc tu tu không chịu ăn uống gì, đòi về luôn. Dưới gầm những cái bàn nhựa, là một đại dương giấy ăn trắng xóa, xương vịt, dầu mỡ, rau cỏ được vứt la liệt. Nếu quán đông, có thể cả ngày nhân viên chỉ đi lùa cái chổi một hai lần - còn lại thì người ta sẽ ngồi ăn trên một bãi rác theo đúng nghĩa đen.

Tưởng tượng rằng cả đời bạn sống ở những nơi mà một vết sốt McDonalds rớt xuống sàn cũng không chấp nhận được, ngồi ăn ở cái đại dương giấy trắng đó thì cảm giác đáng sợ đến thế nào.

Rác ở đó nếu có được lùa lại cũng sẽ được vun dưới một cái gốc cây ngay trước quán, tức là cũng chỉ xa chỗ ăn của thực khách thêm được hai mét. Nó sẽ nằm đấy cả ngày, ngay mặt tiền, cạnh cái lò than nướng vịt để chờ hệ thống thu gom rác đi qua.

Nếu bạn đã từng đến các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, bạn sẽ nhận ra một điểm mấu chốt của "bộ mặt đô thị", là rác. Tại Bangkok, Busan, Hong Kong, đặc trưng hình thành của các đô thị châu Á cũng tạo ra những con ngõ quanh co, nhà cửa lố nhố, chuồng cọp, cơi nới, những lối đi một người và những bức tường rêu khuất nẻo. Không phải nơi nào cũng được quy hoạch thẳng băng như Singapore. Nhưng khung cảnh ở đó vẫn có một vẻ tươm tất - của những mặt đường không bóng rác, những vỉa hè chỉ có lá rụng, và những quán ăn mà sàn nhà trông giống cái… sàn nhà.

Các chuyên gia có thể mổ xẻ khái niệm "bộ mặt đô thị" thành rất nhiều thứ, như quy hoạch, quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn giao thông. Nhưng rác dường như là vấn đề then chốt nhất.

Những túi rác của các quán ăn đã làm bạn tình nguyện viên Tây khóc thét, không dừng cuộc diễu hành ở cửa quán. Nó được thu gom, mỗi ngày một lần, bởi một lực lượng công nhân vệ sinh mỏi mệt. Rất nhiều người trong số đó không có hợp đồng lao động: họ là "công nhân nước 2". Những công nhân thực sự có biên chế của các công ty môi trường, đã bỏ việc vì lương thấp, bán suất lao động của mình cho những người nhập cư nghèo hơn, lấy một chút tiền chênh lệch và vẫn giữ sổ bảo hiểm xã hội. Những công nhân vệ sinh thực sự đi gom rác này không tồn tại trên giấy tờ. Họ không được bảo vệ, không có chế độ đãi ngộ gì tử tế (vốn từ công nhân nước một đã chẳng tử tế lắm), và họ vẫn thu gom rác theo cách mà Tố Hữu mô tả từ 60 năm trước, bằng tiếng chổi tre.

Bạn tình nguyện viên Tây sẽ bắt gặp các xe rác chất cao như núi này, hơn một lần trên những con đường Hà Nội. Bạn sẽ phải tránh nó trên đường đi về nhà tập thể - nó được tập kết cách quán vịt nướng kia không xa. Ngày hôm sau, khi đã quyết tâm ở lại Hà Nội để hoàn thành sứ mệnh, bạn có thể bắt gặp lại nó một lần nữa trên những con đường quê, khi bạn về các trung tâm bảo trợ xã hội để làm nhiệm vụ - trên đường quê, là những bãi rác lộ thiên tràn xuống mương cống, mù mịt muỗi nồng nặc mùi.

Ở đó, trong bức tranh, có những người hưởng lợi. Các quán ăn bày biện trên vỉa hè kia, theo lời một vị lãnh đạo công an nổi tiếng từng nói, "có chống lưng". Các cán bộ hưởng lợi từ việc mắt nhắm mắt mở cho bà con mưu sinh. Những công nhân nước 2 kia cũng không hẳn là tàng hình. Chỉ là hệ thống có thói quen ứng xử tồi với công nhân vệ sinh trong suốt nhiều năm: công nhân thu gom rác, công nhân thủy lợi (cũng nghề chính là thu gom rác dưới kênh mương) bị nợ lương tràn lan và thậm chí có những nhóm công nhân hàng nghìn người, chỉ riêng tại Hà Nội, bị nợ lương tới vài năm. Các gói thầu vệ sinh môi trường đô thị đã được vận hành theo một cách bí ẩn nào đó, tạo ra lợi tức ở nơi bí ẩn đâu đó ngoài chính… nơi có rác.

Đó là một hiện trạng cũ. Nhưng chính vì nó cũ, nên chúng ta cần đặt câu hỏi rằng tại sao ngành quản lý đô thị Việt Nam vẫn được tiếp tục sống như cách nó đã sống suốt nửa thế kỷ qua. Câu trả lời cũng không khó khăn gì: chính người dân cũng được hưởng lợi từ việc đó, nhưng là cái lợi trước mắt, cái lợi của sự thuận tiện, của việc bày bàn ghế và ném rác đầy vỉa hè kinh doanh, của việc quăng phịch cái túi ra bất kỳ đâu trên đường với phí vệ sinh rẻ mạt. Cái hại lâu dài không thể đo đếm được, với hình ảnh đô thị, với sức khỏe các thế hệ. Nhưng cái lợi thì nhìn thấy ngay. Không thể nói rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người "bảo kê".

Nếu có một cuộc cải tổ bộ mặt đô thị, có lẽ thứ tự ưu tiên sẽ dành cho việc xem lại các nhà cao tầng, bãi đỗ xe, rồi cây xanh,… chứ không phải dành cho rác và nguồn cơn của rác. Bởi vì có những miếng bánh dày hơn, nhiều lợi ích kinh tế hơn và cái thiệt hơn của người dân có vẻ to. Bây giờ xem xét lại một cái bãi đỗ xe thì đơn vị tiền tệ đo lường toàn tính bằng tiền tỉ - từ ông chủ bãi đỗ đến chủ những chiếc xe. Rác thì rẻ quá. Trong một vụ bảo kê vỉa hè bị phát hiện tại TP Hồ Chí Minh cách đây vài năm, giá của một tiệm chi cho ông trật tự chỉ có 3 triệu đồng. Và có lẽ nó rẻ, nó nhỏ, nên "ăn" rác sẽ là thứ thuận tiện cho nhiều bên.

Câu hỏi cuối: Chúng ta, một trong những nền kinh tế đứng thứ 23 toàn cầu nếu xét theo GDP sức mua - tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới, sẽ còn muốn ngồi ăn trên đống rác bao lâu nữa?

Đức Hoàng

Diện mạo đô thị từ đâu?

Đô thị văn minh được hình thành từ đâu? Không phải từ những công trình hiện đại, thời thượng, thông minh và gần gũi với môi trường tự nhiên… đô thị văn minh phải được hình thành từ những con người văn minh. Trong đó, cụ thể nhất là những con người đang sống trong nó, cùng góp phần tạo nên một cộng đồng với bản sắc văn hóa riêng của địa phương và những con người đang nắm các trách nhiệm từ nhỏ đến lớn trong chính đô thị ấy.

637316413428012080-ho-3.jpg -0
Ảnh: S.t

Cách đây vài hôm, UBND quận 3 - TP Hồ Chí Minh đã có buổi lễ mừng hoàn công công trình chỉnh trang lại vỉa hè khu vực xung quanh Hồ Con Rùa. Trước buổi lễ ấy chỉ một, hai ngày, những công nhân vẫn phải cặm cụi cầm máy mài đi mài thủ công từng viên đá lát đường thuộc dải đá dẫn đường cho người khiếm thị. Số là những viên đá được sử dụng có góc cạnh hơi sắc, có thể gây ra những chấn thương không đáng có cho những đôi chân không may. Và nó cần được mài bo tròn lại. Cái việc từng người thợ cặm cụi đi mài những viên đá cho thấy đó là một hành vi rất nhân văn, chu đáo và… vớ vẩn vô cùng. Câu hỏi đặt ra ở đây là "Tại sao ngay từ ban đầu không lựa chọn một loại đá lát phù hợp hơn để không phải tốn công sức, tiền của cho một việc thủ công đến thế?". Và hơn tất cả, thứ đáng nói nhất chính là sự lấp liếm, tạm bợ khi thực tế những viên đá được mài chỉ là các viên nằm ở hai đầu của một dãy vỉa hè mà thôi. Còn những viên nằm ở giữa của dãy vỉa hè ấy vẫn ở nguyên hiện trạng ban đầu của nó. Như vậy, nếu nghiệm thu không kỹ lưỡng, người nghiệm thu có thể ký xác nhận công trình đã hoàn thành 100% theo đúng chất lượng yêu cầu trong khi thực tế thì khác xa hoàn toàn.

Chuyện mấy viên đá lát đường ấy cũng chẳng ai nhớ lâu. Vì ai mà biết được khi nào chúng lại được nạy lên để lát thay thế. Chuyện thay đá lát vỉa hè ở đô thị Việt Nam thì năm nào chẳng có.

Nhưng có một chi tiết thú vị của vụ chỉnh trang vỉa hè quanh Hồ Con Rùa. Ấy là ngay sau khi những chiếc ghế đá rất đẹp xuất hiện, chúng đã được các hàng quán xung quanh sử dụng thay cho bàn ăn, bàn cafe. Quá tiện, quá đẹp và quá chắc chắn. Nếu có "biến", chỉ việc cầm cái ly, cái tô chạy biến đi là xong, khỏi cần phải dọn bàn dẹp ghế mất thời gian và tránh được nguy cơ bị tịch thu phương tiện hành nghề.

Cái cách những chiếc ghế đá kể trên được khai thác nhắc chúng ta nhớ về một thời kỳ sôi nổi với các hoạt động của một ông cựu phó chủ tịch quận 1. Ở thời điểm đó, số lượng lời khen dành cho ông là quá nhiều, tới mức độ có người xem ông như thần tượng. Ít ai quan tâm tới các ý kiến phản biện bị rơi tõm vào trong đám đông tung hô ào ạt kia chỉ vì nó không đồng thanh. Đó là các ý kiến đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và thực chất nó có đúng với phương pháp quản lý đô thị khoa học hay chưa.

Một cái vỉa hè sẽ luôn sạch đẹp nếu người được quyền khai thác lợi ích từ nó bị ràng trách nhiệm chăm sóc nó vào đó. Trách nhiệm ấy cũng đi đôi với chế tài nghiêm khắc là tước quyền khai thác nếu để xảy ra vi phạm. Đó là cách làm phổ biến ở các đô thị văn minh hiện nay. Nó phổ biến vì nó khoa học, hợp lý và minh bạch. Nhưng tại sao nó không được áp dụng ở các đô thị Việt Nam cho dù không đòi hỏi phải đầu tư bất kỳ một thứ to tát gì? Chỉ có thể nói là do ý muốn của con người. Đơn giản, nếu áp dụng một hệ thống quản lý vỉa hè như thế, sẽ có không ít những cá nhân vốn dĩ đang hưởng lợi ngoài luồng từ vỉa hè bỗng dưng mất đi nguồn thu nhập cố định rất đáng kể này. Nói thẳng, đang tồn tại cả một "hệ thống chui" trong quản lý đô thị hiện nay mà không ai trong "hệ thống chui" ấy muốn nó bị xóa bỏ cả.

Cách đây vài năm, ở một cây cầu giáp ranh hai quận nội thành TP Hồ Chí Minh có một bãi xe hình thành từ một bãi đất trống chân cầu vốn là tài sản công. Và cuộc chiến giành giật bãi xe ấy đã diễn ra khốc liệt, không chỉ bằng đao, kiếm mà còn là cả súng đạn, với nạn nhân thương tật nằm liệt giường vĩnh viễn. Và cho tới hôm nay, cái bãi xe ấy vẫn còn tồn tại. Và tình trạng của bãi xe đó cũng chẳng khác gì vô vàn bãi xe nào khác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ v.v và v.v… Ở đây, cũng tồn tại một "hệ thống chui" và chính những "hệ thống chui" kiểu này đã và đang làm nát bấy đi diện mạo của rất nhiều khu vực trong mỗi đô thị.

Thực tế, câu chuyện quận 1, TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng như Singapore chỉ là một diễn dịch sai lệch của các "chém gió viên" mà thôi. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đặt ra mục tiêu là phải xử lý vi phạm "nghiêm như Singapore". Đây mới chính là điều chúng ta cần suy ngẫm. Muốn có một đô thị văn minh, cần nhất là những con người trong đô thị ấy phải văn minh với những chính sách quản lý cũng văn minh tương xứng. Chính hành vi và ứng xử của cộng đồng mới là thứ khắc họa rõ nhất bản chất của một địa phương. Và bởi thế, mỗi khi chúng ta nói về sự lộn xộn của đô thị mình đang sống, chính chúng ta cũng nên nhìn lại bản thân mình ở cương vị là một cá thể đã góp phần tạo nên văn hóa chung của cả một địa phương.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.