Nhìn từ vụ Jack 60 tỷ đồng: Có hay không “truyền thông bẩn”?

Thứ Sáu, 15/09/2023, 10:21

Chỉ hơn 2 tuần sau khi ra mắt MV “Xóa tên anh đi”, nam ca sĩ Jack lại tiếp tục tung một MV mới cho ca khúc “Từ nơi tôi sinh ra”. Hai sản phẩm ra mắt liên tiếp như vậy chứng tỏ Jack đang muốn dồn tổng lực để có màn trở lại ngoạn mục sau một thời gian thất bại khi về đầu quân cho Tổ hợp truyền thông Đất Việt VAC. Và, “Từ nơi tôi sinh ra” lập tức gây chú ý mạnh mẽ, nhất là khi trong MV ấy có đoạn Jack gặp gỡ thần tượng Lionel Messi tại Pháp.

Thực tế, “Từ nơi tôi sinh ra” là một ca khúc dễ nghe, bắt tai và có khả năng thành “hit”. Bản MV của nó gắn liền với ý nghĩa bài hát, với tinh thần tự hào về nét đẹp của quê hương và cũng được xem là một MV tốt. Tuy nhiên, phần xuất hiện của Messi trong đó thực chất là không cần thiết. Nó không làm cho MV ấy sang hơn. Ngược lại, với một chút hơi khoe mẽ, nó còn mang lại những phiền toái cho Jack.

Nhìn từ vụ Jack 60 tỷ đồng: Có hay không “truyền thông bẩn”? -0
MV “Từ nơi tôi sinh ra” của Jack.

Vẫn biết Jack chủ động không bật chế độ kiếm tiền, không khai thác quảng cáo trên MV “Từ nơi tôi sinh ra” song việc đó là chưa đầy đủ điểm tựa pháp lý cho việc sử dụng hình ảnh của Messi. Một cuộc gặp ngắn ngủi trên tinh thần Messi đón tiếp người hâm mộ của mình chắc chắn sẽ luôn có các hình ảnh kỷ niệm được lưu lại. Sử dụng hình ảnh đó cho mục đích cá nhân, phi lợi nhuận chắc chắn sẽ không khiến chủ thể trong hình ảnh ấy gặp phiền toái. Tuy nhiên, khi đưa nó vào một sản phẩm, cho dù sản phẩm ấy không để bán, sự đồng ý bằng văn bản có giá trị pháp lý của Messi là rất quan trọng. Trong trường hợp của Jack, “Từ nơi tôi sinh ra” có thể không kiếm doanh thu trực tiếp nhưng nó mang lại doanh thu tương lai cho Jack nhờ vào việc tạo sức hút để kênh YouTube của ca sĩ này có thêm các khán giả đăng ký (dẫn tới doanh thu phát sinh cho toàn kênh) đồng thời giúp cho công việc của Jack thuận lợi hơn (phát sinh thêm doanh thu từ biểu diễn cũng như các hoạt động quảng cáo). Rõ ràng, suy nghĩ “không bật chế độ kiếm tiền, không khai thác quảng cáo thì sử dụng được” của ê-kíp Jack là ngây thơ, non nớt và thiếu kinh nghiệm vô cùng.

Song, điều đáng suy ngẫm ở sự kiện này lại không chỉ là vấn đề với Messi mà nó nằm ở vấn đề của truyền thông, với câu chuyện ồn ào liên quan tới con số 60 tỷ đồng.

Tháng 5/2023, thông qua một doanh nhân có thú sưu tầm bóng đá và đã từng gặp rất nhiều danh thủ trên thế giới, Jack được biết anh có thể có cơ hội gặp Messi ở Paris. Jack đưa ê-kíp của mình sang Pháp và cuối cùng, mọi chuyện thuận lợi, Jack đã toại nguyện. Chuyện nếu dừng ở đó thì sẽ đẹp vô cùng. Nhưng, nó bị đẩy đi xa sau khi hình ảnh Messi được đưa vào MV và bắt đầu có những tin đồn “Jack chi 60 tỷ đồng cho sự xuất hiện này của Messi”.

Con số quá lớn như vậy lập tức khiến vị doanh nhân kia bị ảnh hưởng khi bắt đầu có những ngờ vực từ phía Pháp cho rằng anh “ăn chặn” tiền từ Jack. Để bảo vệ mình, doanh nhân đó yêu cầu Jack lên đính chính chính thức bằng các tài khoản mạng xã hội chính chủ của mình. Jack chần chừ không nhận lời với lý do “Jack không hề tuyên bố chuyện 60 tỷ” và chỉ khi sức ép quá lớn từ dư luận, luật sư của Jack mới công bố văn bản khẳng định không có chuyện chi 60 tỷ và sẽ có hành động pháp lý với các trang thông tin đã tung tin này.

Trước làn sóng dư luận, lực lượng fans hùng hậu của Jack đổ lỗi cho “báo lá cải” và “truyền thông bẩn” đã tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng tới danh dự của nam ca sĩ. Tại sao lực lượng fans có được thông tin về “truyền thông bẩn” là một câu hỏi thực tế không khó trả lời. Chắc chắn phải có định hướng từ một ai đó và người đó có liên quan đến ê-kíp của Jack hay không thì vẫn còn cần thẩm định rất kỹ.

Nhưng, ba tiếng “truyền thông bẩn” này đã khiến rất nhiều người làm báo nổi giận khi những tờ báo đặt ra câu hỏi (chứ không phải khẳng định) “Có hay không việc chi 60 tỷ?” toàn là các báo uy tín. Vậy thì ai là truyền thông bẩn trong câu chuyện này? Rất nhanh, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn truy vết, cộng đồng mạng đã dò ra những trang Facebook (page) đầu tiên đưa tin “Jack chi cho Messi 60 tỷ”. Đó là những trang có tên “Những con người thất tình”; “Hít drama cùng M88”; “Women News”; “KTLN News”; “Ủa gì dạ?”... Những trang ấy, cùng thời điểm nhất loạt đưa chung một thông điệp mẫu rằng Jack trả công Messi 60 tỷ để xuất hiện trong MV. Và, theo thông tin đáng tin cậy từ an ninh mạng, toàn bộ các trang này thuộc sở hữu của một công ty truyền thông đăng ký trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội.

Nhìn từ vụ Jack 60 tỷ đồng: Có hay không “truyền thông bẩn”? -0
Danh thủ bóng đá Lionel Messi xuất hiện trong MV của Jack.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ một thực trạng truyền thông khoảng gần chục năm trở lại đây. Đó là việc rất nhiều trang Facebook trở thành nguồn đưa tin sốt dẻo và từ đó, báo chí chính thống thẩm định lại để đăng tải chính thức. Cách vận hành này dẫn tới ở các cuộc họp báo của các nghệ sĩ, nhân vật giải trí, số lượng phóng viên báo chí chính thống luôn lép vế hơn số lượng các quản trị viên các trang Facebook, TikTok và YouTuber. Rõ ràng, sức mạnh của mạng xã hội đã tỏ ra ưu việt hơn hẳn so với báo chí chính thống về tốc độ lan tỏa, tốc độ đưa tin. Báo chí chính thống chỉ xuất hiện với vai trò kiểm định thông tin mà thôi. Giới giải trí đã sử dụng hữu hiệu phương thức này nhiều năm qua đến mức độ nó đã được nâng lên thành công thức.

Với thực tế đó, điều đáng lo ngại nhất là các thông tin được các trang mạng xã hội nhất loạt tung ra hoàn toàn có thể gây xáo động xã hội một thời gian ngắn, nhất là khi thông tin ấy được đặt hàng bởi một cá nhân, một nhóm có mục đích lợi ích riêng. Nguy hiểm hơn, khi báo chí chính thống đặt các câu hỏi nghi vấn cũng thường sử dụng cách lấy thông tin lõi để giật tít và người đọc nhiều khi chỉ nhìn cái tít để khẳng định luôn tính chân thực của thông tin đó. Như vậy, chúng ta thấy được rằng cái gọi là “truyền thông bẩn” cơ bản nằm ở đâu. Nó không nằm ở phương thức truyền thông bởi cùng với phương thức kể trên, nếu thông tin trung thực, lành mạnh, chắc chắn sẽ có tác động tích cực tới xã hội. Ngược lại, nếu thông tin giả, thông tin bị bóp méo hoặc thổi phồng, thậm chí có xu hướng công kích một chủ thể khác để tôn vinh chủ thể trong thông tin, nó hoàn toàn sẽ tạo ra các hỗn loạn trên mạng xã hội như trường hợp “Từ nơi tôi sinh ra” của Jack. Nói thẳng, không có cái gọi là truyền thông bẩn mà chỉ tồn tại những “con người bẩn” dùng truyền thông với mục đích lợi ích tha hóa của mình mà thôi.

Từ thực trạng này, có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần có quy định nghiêm ngặt với các công ty truyền thông quản trị các trang mạng xã hội. Các trang mạng xã hội này thực chất đang hoạt động nghiệp vụ báo chí (không chính thống) nhưng lại không bị đặt dưới các quy định nghiêm ngặt của ngành báo chí. Khi không nằm dưới sự quản lý của luật báo chí, chắc chắn các vi phạm rất dễ diễn ra và chế tài cũng chưa đủ nặng tay khi mà khoản phạt hành chính chỉ là muối bỏ bể so với doanh thu mà các trang đó đã và vẫn đang khai thác.

Nếu kiểm tra, chắc chắn 100% công ty truyền thông ở Việt Nam đều có sở hữu ít nhất là vài trang thông tin mạng xã hội kiểu này. Việc lập một trang mạng xã hội đối với một cá nhân là quá dễ và pháp luật không hạn chế điều này. Song, nếu các trang mạng xã hội không thể hiện nó phục vụ việc giới thiệu cá nhân đơn thuần mà thay vào đó hoạt động như một dạng báo chí, chắc chắn nó phải được đặt trong các quy chế truyền thông phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt, nếu đó là các trang của các công ty truyền thông, các chủ thể rõ ràng đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, chúng cần phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích phải chịu trách nhiệm với nguồn tin mình đưa ra và thực hiện phương pháp đưa tin phù hợp với các quy định trong luật báo chí.

Chỉ khi nào các trang thông tin mạng xã hội được đặt dưới sự kiểm soát thực sự theo khuôn khổ của luật, khi ấy tình trạng “truyền thông bẩn” mới được hạn chế. Cơ bản, chúng ta vẫn đang đặt những “con người bẩn” hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở ngoài vòng kiềm tỏa của luật pháp và các quy định chặt chẽ liên quan tới ngành nghề này.

Văn Đoàn
.
.