"Nhất quận công…"

Thứ Ba, 05/07/2022, 14:13

Tiểu đường là một chứng nan y thường biến chứng lên mắt, vào tim, qua gan, xuống chân nhưng không dễ kết thúc sự sống. Có những dạng "tiểu đường" lại có thể gây mất mạng không kịp trăng trối.

Cách đây nửa tháng, một người đàn ông 30 tuổi đứng tiểu bậy ngay trước đám giỗ trước nhà bà L, ở quận Tân Bình. Bà L. la mắng đuổi đi. Người đàn ông bỏ đi rồi trở lại cùng một "chiến hữu" gây gổ ném bàn ghế. Bà L. sẵn tay có con dao gọt hoa quả, đâm gã tiểu bậy gục xuống tử vong. Việc khác, sau khi đi ăn cưới về, ông Hồ Văn P. (38 tuổi, Quảng Trị) dừng xe trước nhà ông Hồ Văn L. để tiểu tiện, khi quay ra lại rú ga xe máy ồn ào nên bị gia đình ông L. đánh. P. quay trở lại gọi thêm một "anh em" quay lại nhà ông L. trả thù. Trong lúc hỗn chiến, con trai ông L. cầm thanh gỗ lớn đánh vào đầu P. khiến ông này tử vong tại chỗ.

Có trường hợp một thanh niên 17 tuổi ở Ea Kao tiểu tiện vào cột điện bị điện giật bất tỉnh và tử vong.

Thật đáng tiếc cho người không biết chọn vị trí. Nói chung thì luôn cần nhận thức mình là ai, làm gì và đứng ở đâu? "Tiểu đường" là uyển ngữ của việc tiểu tiện ngoài đường. Dân dã từ chối uyển ngữ, họ viết thẳng lên tường là "Cấm đái bậy".

Có chuyện tự trào rằng bà Tây du lịch nói tôi đã từng đi nhiều vịnh giới như San Francisco Bay, Monterey Bay, Ha Long Bay nhưng chưa có dịp tới vịnh Cam Dai. Bởi tôi thấy nhiều tường trên phố ghi là Cam Dai Bay (bay trong tiếng Anh là vịnh). Ai cũng đoán ra đây là cái biển "cấm đái bậy". Lạ lùng làm sao, chỗ nào cấm họp chợ thì người ta họp chợ, có biển cấm đái thì người ta đái. Thành phần tiểu đường đông đủ nam phụ lão ấu không sao kể xiết.

Ở Hà Nội, có những góc của con đường gốm sứ được chọn để "tháo cống". Nước tiểu xói lở cả mạch vữa, ăn mòn cột điện đến mức kêu cứu. Cột điện mà biết chạy thì chắc thành phố mất một nửa số cột điện.

Ngoài trời đã đành, dân “tiểu đường” còn vào thang máy để thực hiện hành vi.

Dân quận 12, TP Hồ Chí Minh đã từng tóm được một gã tiểu tiện trong thang máy chung cư Moscow Tower.

Thỉnh thoảng, bên cạnh việc tóm được những gã tiểu bậy trong thang máy thì người ta còn truy vết được cả hai nữ khách dùng mũ bảo hiểm che camera để tè giữa thang máy khu Tam Trinh, Hà Nội. Chủ nhà xin lỗi và nộp phạt thay khách của mình. Dư luận cho rằng như vậy chưa có tác dụng răn đe. Cần thực hiện phạt hai nữ khách đó dọn vệ sinh trong vòng 1 tuần thì may ra mới thức tỉnh được.

Để phòng chống dân “tiểu đường” thì người ta viết cảnh báo "Đái bậy, phạt 500.000 đ". Căng hơn là "Đái bậy cắt ABC, ngu thì chết", "Cấm tiểu, có camera đăng lên YouTube". Có biển căng hơn, đề "Nơi cho chó đái".

Với du khách rong ruổi trên xe bus thì cứ tới bất kỳ điểm tham quan nào, người hướng dẫn chỉ nhà vệ sinh là ưu tiên số 1 thì ai cũng  giải quyết khoan khoái rồi mới thăm thú và mua sắm nhiều. Nếu không biết tâm lý thì du khách sẽ rơi vào thế khó xử và có thể phải giải quyết một cách thiếu nghiêm túc.

Nhìn ra ngoài mới biết giặc tè bậy rất đông ở Ấn Độ. Chính quyền xứ này có khá nhiều sáng kiến chống tiểu tặc như dựng gương ở điểm tè bậy. Họ tổ chức những xe tuần tra có vòi phun nước. Hễ bắt gặp thanh niên đứng úp mặt vào tường là tuần tra viên phun nước ướt hết. Vì vậy, đang tè dở, phát hiện thấy xe tuần tra là họ bỏ chạy như vịt. Khi được phỏng vấn thì người dân nơi này thường đổ lỗi cho việc thiếu nhà vệ sinh, nhưng thực tế, họ thường từ chối vào nhà vệ sinh vì than phiền về việc nhà vệ sinh quá bẩn. Việc bẩn này cũng từ ý thức người dùng mà ra. Thế là trở thành vòng luẩn quẩn. Hội đồng thành phố Ahmedabad của Ấn Độ khuyến khích sử dụng nhà vệ sinh không phải chỉ là miễn phí mà còn được tiền. Mỗi lần vào nhà vệ sinh sẽ được 1 Rupee. Cách làm nhân văn này cũng có thể làm cho nhóm vô công rồi nghề kiếm thêm được bằng cách giả vờ đi vệ sinh hết nơi này sang nơi khác. Xứ ta cũng có cái thú giống Ấn Độ. Không rõ cụ nào nghĩ ra câu, "Nhất quận công, nhì ị đồng".

Thực ra “tiểu đường” có lịch sử lâu đời chứ không phải chỉ gần đây. Làm sao đi nặng nhẹ đúng chỗ là một việc quan trọng. Những năm 60, xây dựng đời sống mới, gia đình nào xây được hố xí hai ngăn là một thành tựu đáng tự hào. Có câu "Yêu em không lụy bạc vàng/ Yêu bởi nhà nàng hố xí hai ngăn". Để thuyết phục được quần chúng tham gia vào chính xác không gian, thời gian, địa điểm là việc không thể một sớm một chiều nên ta có thể kiên nhẫn nhiều chục năm và hy vọng không tới trăm năm. Việc nhỏ nghĩa lớn cần thức tỉnh hỡi các thanh niên thời đại!

Có 2 dạng "quận công". Một là "quận công" biết xấu hổ khi làm bậy, hai là "quận công" thấy ai phê bình sẽ tấn công ngược trở lại. Loại thứ hai thì nghiệp quật quá nhanh. Thế thôi nhỉ, thế kỷ 21, tốt nhất đừng tồn tại "quận công" nào cả.

Lê Tâm
.
.