Nghệ sĩ vạ miệng và trịch thượng

Thứ Hai, 25/09/2023, 14:56

Câu chuyện Hoàng Thùy Linh ứng xử trước hai câu hỏi của một nhà báo trong buổi họp báo giới thiệu live concert tưởng như sẽ chỉ ồn ào vài ngày nhưng cuối cùng lại trở thành một khủng hoảng truyền thông kéo dài. Lời xin lỗi của Hoàng Thuỳ Linh sau đó cũng bị mang ra mổ xẻ về độ chân thành và nó tác động trực tiếp tới việc bán vé của êkíp sản xuất.

Và có thể nói, nó là một bài học lớn thực sự đối với giới nghệ sĩ mà nếu không rút kinh nghiệm từ bài học ấy, chắc chắn hệ quả mà họ nhận được sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

1. Đầu tiên, phải thừa nhận là Hoàng Thùy Linh đã có một cách ứng xử, phát ngôn rất dở khi đối diện những câu hỏi không cần phải trả lời quá phức tạp. Cộng hưởng thêm vào cái dở của Hoàng Thùy Linh chính là buổi họp báo giới thiệu live concert của Trung Quân. Khi được hỏi về giới tính, Trung Quân thẳng thắn trả lời đại ý "với tôi, quan trọng là kết quả nghệ thuật mà tôi đạt được, mọi tiểu tiết khác, nhất là giới tính, là chuyện không quan trọng". Cách trả lời khôn khéo của Trung Quân vô tình thành một "tiêu chuẩn so sánh" cho những gì mà Hoàng Thùy Linh đã nói và khi có một so sánh trái chiều, chắc chắn cái dở của Hoàng Thùy Linh càng dở hơn. Thêm vào đó, bản thân Hoàng Thùy Linh lại đang là một cái tên rất thu hút sau những thành công mấy năm qua. Bởi thế, khi có chuyện nảy sinh, cái tên ấy càng được khai thác nhiều hơn và từ đó, chuyện ồn ào trở thành khủng hoảng lớn là tất yếu.

1.png -0
Hoàng Thùy Linh vấp phải nhiều tranh cãi với hai câu trả lời về khả năng hát live cũng như vai trò của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong concert.

Nhưng cũng phải nhìn vào một sự thật là hoàn cảnh của nhân vật. Chúng ta đều hiểu Hoàng Thùy Linh từng phải trải qua những "tai nạn" lớn như thế nào ở quãng đời thanh xuân đẹp nhất của mình. Khi một cô gái ở tuổi mơn mởn xuân thì gặp một "tai nạn" như thế, vết sẹo trong tâm lý cực kỳ khó lành. Nếu chưa từng trải qua một bi kịch như vậy, chưa chắc Hoàng Thùy Linh đã có cách đối đáp thiếu khôn khéo đến vậy. Nói một cách đơn giản, Hoàng Thùy Linh không còn là con "phượng hoàng" (như cách ví von mà người chấp bút tự truyện của Linh đã sử dụng) mà đã trở thành một con chim sợ cành cong nên trước các câu hỏi không quá nhạy cảm, tâm lý phản kháng lại đã được hình thành từ những suy luận tự thân đúng theo kiểu bị "chạm nọc". Đó là điểm chúng ta cần thông cảm cho Linh. Và chúng ta cũng nên nhìn nhận lại sự quá đà của truyền thông mạng xã hội cũng như truyền thông chính thống mấy ngày qua. Không một ai nói về nỗ lực của Linh suốt nhiều năm trời, với những album mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải khen ngợi. Tất cả chỉ xoáy vào hai chữ "trịch thượng" không hơn không kém.

Có một chuyện nhỏ mà người viết bài này muốn chia sẻ là thái độ của Linh. Sau buổi họp báo với những câu trả lời gây bão của cô, người viết bài có làm một video nhỏ chia sẻ trên Facebook đưa ra quan điểm của mình về chuyện Linh đã làm. Những nhận xét hoàn toàn vô tư, cái nào dở thì chê, cái nào được thì động viên. Bản thân người viết cũng chưa từng có dịp nào gặp mặt Linh hoặc cộng tác với cô. Nhưng bằng cách nào đó, cô tìm được số điện thoại của người viết và trực tiếp liên lạc. Cô cảm ơn về những góp ý phê bình và chia sẻ đại ý rằng sau cuộc họp báo ấy, cô thấy mình cần phải học hỏi hơn nữa, phải tự biết điều chỉnh bản thân mình hơn. Đó là một thái độ cầu thị ít có. Phần lớn nghệ sĩ ở Việt Nam, mỗi khi được khen thì nghiễm nhiên cái khen ấy là "buộc phải có", còn khi bị phê bình, họ có thể nổi đóa, thậm chí huy động lực lượng fans cuồng lao vào tấn công người phê bình mình.

Từ chuyện của Hoàng Thùy Linh, có hai vấn đề mà chúng ta cần nhìn nhận về giới showbiz Việt hiện nay. Đó là những phát ngôn vạ miệng và sự trịch thượng. Liệu có hay không cái trịch thượng kia và bản chất của những vạ miệng là gì. Lý giải được hai điểm này, chúng ta sẽ càng nhận diện rõ hơn diện mạo của showbiz Việt.

Vạ miệng thực tế là những tai nạn phát ngôn do bốc đồng, thiếu cân nhắc hoặc đôi khi là cách dùng từ chưa khéo. Chuyện vạ miệng thì không cứ gì nghệ sĩ, ngay cả nhiều nhân vật công chúng khác cũng từng mắc phải. Nhưng giữa cái gọi là "vạ" với cái phát ngôn kém cỏi là hai khái niệm khác nhau rất xa. Một người phát ngôn khôn ngoan, cẩn trọng vẫn có thể có lúc vạ miệng. Còn một người thường xuyên có những phát ngôn "trời ơi đất hỡi" thì lại không còn là vạ miệng nữa. Nó là biểu hiện của kém văn hóa, kém trình độ và cả cái kém về thái độ ứng xử.

Thật ra, nghệ sĩ showbiz Việt đa số rất ít đọc và do hình thái công việc quá bận rộn, họ cũng ít có thời gian cũng như ít chú tâm trau dồi bản thân. Chính vì vậy, khả năng lập ngôn của họ không tốt. Kể cả những người nói nghe rất văn chương nhưng thẳm sâu trong ngôn từ họ sử dụng, nhiều khi những câu họ nói rất vô nghĩa. Đã vậy, ở cương vị người của công chúng, được dư luận quan tâm, họ lại có quá nhiều cơ hội để nói. Và một khi năng lực tích lũy đã ít nhưng cơ hội được nói lại quá nhiều, cái "nói dài, nói dai thành nói dại" là chuyện có thật. Thêm vào đó, một khi một nghệ sĩ từng có những phát ngôn "dậy sóng", các phát ngôn sau đó của họ rất dễ bị dư luận đưa vào tầm soi. Một khi đã bị soi, cái lỗi càng dễ bộc lộ và từ đó dẫn tới chuyện họ bị coi là "thảm họa phát ngôn". Ví dụ như một nhân vật giải trí đình đám gần đây chẳng hạn. Sau những phát ngôn khiến dư luận ồn ào công kích của anh, anh lại tiếp tục có nhận xét hơi quá đà (do cách dùng từ) về các trường kịch nghệ ở Việt Nam. Chính những phát ngôn ấy của anh đã khiến nhà sản xuất bộ phim mà anh có tham gia lo ngay ngáy. Họ chỉ sợ những phát ngôn sau này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới phát hành phim và rõ ràng, suốt thời gian qua, anh im tiếng dường như cũng là có lý do.

2. Nhưng có một điểm mà chúng ta cũng nên lưu tâm chính là lực lượng fans hùng hậu của nghệ sĩ luôn tỏ ra "sống chết với thần tượng của mình". Với họ, nghệ sĩ có sai lè lè ra thì họ vẫn bảo vệ bằng mọi cách, thậm chí lao vào các cuộc chiến trên mạng xã hội để chứng minh thần tượng của mình bị hãm hại vì sự ghen ghét và đố kị. Chính điểm tựa này đã khiến không ít nghệ sĩ chủ quan, cho rằng mình mới là chân lý và bất chấp. Đó là điểm mấu chốt để sinh ra cái gọi là tính "trịch thượng" của một bộ phận nghệ sĩ showbiz Việt.

2.jpg -0
Hoàng Thùy Linh tại buổi họp báo gây bão vừa qua.

Nếu mọi người tìm kiếm lại, chắc không khó để có kết quả về một ngôi sao ca nhạc từng tự xem mình là "vùng cấm". Hai chữ "vùng cấm" này thể hiện rõ tính trịch thượng và cái trịch thượng ấy là do đâu? Thực chất, không ít người trong giới nghệ sĩ showbiz có chung một cách hành xử. Đó là khi họ còn chưa là ai cả, họ rất "ngoan". Nhưng khi họ đã đạt được thành công ở mức độ nào đó, xoay quanh họ toàn là những tung hô và ca tụng, sự chủ quan bắt đầu hình thành. Lý do chính mà rất nhiều nhà sản xuất đã phải chia tay với nghệ sĩ sau một thời gian hợp tác cũng bắt nguồn từ đây. Khi còn chưa là ai cả, nhà sản xuất nói gì, nghệ sĩ đều nghe lời theo. Nhưng khi đã thành ngôi sao, nghệ sĩ coi mình mới là trọng tâm của thành công và họ muốn người khác, bao gồm cả nhà sản xuất, phải nghe theo mình. Sở dĩ họ có cách ứng xử ấy là bởi những tôn vinh quá thường xuyên xoay quanh đã ru ngủ họ, khiến họ nghĩ rằng chỉ cần khả năng của mình là đủ và chính sự thành công của mình là thước đo chân lý. Từ đó, họ xem mình là chân lý và lời mình nói ra "kiểu gì cũng đúng".

Sẽ không có vạ miệng nếu như nghệ sĩ biết trau dồi nền tảng văn hóa và kiến thức của mình hơn. Nghệ sĩ được quyền kiêu, nhất là khi cái tôi của nghệ sĩ luôn lớn, nhưng giữa kiêu và ngạo mạn là khác nhau. Sẽ không có sự trịch thượng, ngạo mạn nếu nghệ sĩ đánh giá được đúng bản chất của thế giới giải trí và truyền thông đồng thời hiểu được hạn chế của mình là gì. Nhưng thú thực, tất cả những điều kể trên đều là không tưởng. Đa phần nghệ sĩ Việt xưa nay luôn chỉ thích những ngợi khen và luôn khó chịu khi có ai góp ý, phê bình. Đó cũng là lý do vì sao ở mảng truyền thông văn hóa văn nghệ, ngày càng ít đi những bài viết phê bình mà thay vào đó chỉ là những bài ngợi khen phù phiếm, từ manh quần tấm áo cho tới đời sống sang chảnh, trong khi cái đích thực mà nghệ sĩ cần mang lại lại không phải là những thứ viển vông ấy. 

Văn Đoàn
.
.