Ngan cháy tỏi mà lại nhớ muối tiêu chanh

Thứ Bảy, 24/09/2022, 09:56

Chiều, trời Sài Gòn rơm rớm mưa, tôi nhận được điện thoại của cậu giám đốc một công ty sự kiện còn non trẻ. Cậu giám đốc ấy cũng còn trẻ, mới vào nghề tuy chưa lâu nhưng cũng đã gặt hái được một số thành tựu nhất định.

Khí thế đang hăng, cậu muốn mở rộng, muốn phát triển nữa, muốn gây thanh thế lớn. Và trong quá trình theo đuổi một dự án to to cho một khách hàng cũng to to, cậu ngỏ ý mời tôi cố vấn với lý do "em rất thích các ý tưởng của anh và kinh nghiệm mà anh có trong nghề này".

Thế là hai anh em hẹn nhau ngồi đâu đó sau giờ tan sở vừa lai rai vừa bàn công chuyện luôn. Cậu gợi ý luôn, "Em thấy có cái quán bán món ngan cháy tỏi ở ngay quận 1, gần chợ Bến Thành. Hay hai anh em ghé thử xem chỗ đó như thế nào". Tôi giật mình hỏi cho kỹ để không bị lầm với cái quán ngan cháy tỏi cũng ở cùng khu vực ấy vốn dĩ để lại ấn tượng không tốt sau  một lần tôi ghé thử. Thở phào nhẹ nhõm. Quán này khác. Nó nằm ở vị trí ngày nào tôi cũng chạy xe ngang qua nhưng tôi ít để ý tới. Tông màu chủ đạo của quán này cũng đối lập với cái quán mà tôi ác cảm kia. Hi vọng ấn tượng cũng sẽ đối lập như thế.

1648350389221-8289.jpeg -0

Chiều, trời Sài Gòn vẫn không mưa nổi, cứ rưng rưng chực mưa nên không khí hầm hập dễ sợ. Trong cái không khí này, chỉ cần một luồng gió lạnh ngang qua thôi thì trời sẽ không còn rưng rưng nữa mà chuyển thành sầm sập mưa. Nhìn cái mái che khiêm tốn, liếc sơ mấy cái dù đủ lớn, tôi và cậu em tặc lưỡi chọn ngồi lề đường. Giờ tan tầm, lai rai lề đường là sướng nhất. Có mưa đi nữa cũng là cái thú. Mà Sài Gòn thì hiếm khi mưa dai. Kéo ghế, hai anh em gọi bình bia hơi Hà Nội theo gợi ý của nhân viên quán, kêu món đặc trưng như tên gọi là "cháy tỏi" và thêm cả phần ngan luộc. Vậy là đủ cho một chiều tối, đủ cho câu chuyện công việc giữa những người anh em gần gũi rồi.

Quán lên món. Mùi ngan cháy tỏi thơm lựng, mùi xáo măng cũng mời gọi vô cùng. Cẩn thận, tôi lấy cái muỗng thử chút nước dùng. Có hi vọng rồi. Cái nét thanh của nước dùng ở quán này chính là thứ mà cái quán ngan cháy tỏi cùng trên trục đường này không có được. Ở quán kia, tôi bị dội lại vì cái ngọt gượng gạo của đường từ tô nước dùng và điểm trừ quá lớn ấy đã đủ tạo thành ác cảm. Còn ở quán này, lối nấu có vẻ chân thành với cách nấu của người Hà Nội hơn nhiều lần. Cắn thử miếng ngan, thấy mềm, thơm lắm. Vậy là có thêm một địa chỉ, có thêm một chốn để rủ rê bạn bè rồi. Rõ ràng, ở đây là "ngan" chứ không phải "vịt xiêm". Muốn ăn vịt xiêm thì cứ ghé những quán thuần Nam bộ. Muốn ăn "ngan", phải ghé những quán kiểu này.

cháy tỏi2.jpg -0

Tôi kể cho cậu em nghe về quán bún ngan ở Hàm Long, Hà Nội ngày xưa, thời tôi còn đi học, quán của vợ chồng Liên - Quảng trong khi tay tôi vẫn tỉ mẩn tự pha bát nước chấm cho món ngan luộc. Đó là cái quán bún ngan ngập những kỷ niệm bạn bè lúc mới lớn. Sáng sáng, tôi và hai cậu bạn thân hay ghé quán Liên - Quảng, cổ cánh gọi riêng, bún để riêng, nước dùng để riêng, pha nước chấm đúng điệu rồi ngồi nhâm nhi vài ly rượu trắng như mấy ông già. Giờ thì không dám uống rượu bia buổi trưa chứ đừng nói là lúc sáng sớm nữa nhưng vẫn thèm và nhớ cái hương vị từ kỷ niệm ấy. Rõ ràng, vùng đất thay đổi được con người. Nếu còn ở Hà Nội, có khi sáng sáng tôi vẫn giữ thói quen phải "làm một quai" như ông cụ mất.

cach-lam-mon-ngan-chay-toi-hang-luoc-thom-ngon-kho-cuong3.jpg -0

"Chấm ngan nước này ngon ghê anh", cậu em thốt ra lời khen, "em chưa thấy ai pha nước chấm kiểu này cả". "À, ngoài Bắc họ toàn pha nước chấm kiểu này thôi em ạ", tôi trả lời. Nhưng tôi cũng giải thích thêm, thực tế đó cũng không phải là cách làm nước chấm duy nhất và chuẩn chỉnh. Người miền Bắc rất kỹ về vị nhưng không đến mức độc đoán ở nhiều món, mà cụ thể là ở món ngan này. Muốn chấm mắm gừng cũng chẳng sao. Còn nếu không thì cầu kỳ với chút nước lèo, pha thêm mắm muối, tương ớt, dấm tỏi, vài giọt chanh… Quan trọng là do mình thích, mình ưng. Thế thôi.

Rồi chúng tôi miên man chia sẻ với nhau về dự án mà cậu em đang theo đuổi. Cậu đang bỏ thầu cho một chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng về một chuỗi chương trình giải trí, nghệ thuật phục vụ khách hàng của chủ đầu tư và cả du khách lẫn dân địa phương. Cậu muốn đó sẽ là chuỗi chương trình đầy điểm nhấn đủ mang lại uy tín lớn để cậu có thể phát triển các dự án tương tự ở các địa phương khác, với các chủ đầu tư khác. Tôi lắng nghe rất kỹ những ý tưởng của em và phải thừa nhận, em có nhiều góc nhìn rất độc, lạ và sáng tạo. Nhưng đến một hạng mục thì tôi phải nhíu mày. Phần này, cậu em gần như không có một sáng tạo nào cả. Cậu chiều hoàn toàn theo ý của chủ đầu tư, với những sản phẩm trình bày đầy phức tạp nhưng cực sến súa với chủ trương sao chép mỗi nơi trên thế giới một ít mà điển hình nhất là việc tạo ra một tiêu bản thu nhỏ của tháp Eiffel bên cạnh tượng Nữ thần tự do và vài thứ kiểu ấy nữa trong các khuôn viên của khu vực dự án. Đại khái, để thu hút khách, chủ đầu tư gợi ý kiểu gom cả thế giới vào một chỗ với ý tưởng "kỷ lục nơi có nhiều phiên bản công trình nổi tiếng thế giới nhất".

Đúng lúc ấy, có chiếc xe bus chạy ngang qua mắt anh em tôi. Trên thân xe sơn một quảng cáo cho một lễ hội lớn nhất Đông Nam Á. Tôi buột miệng: "Em có biết cái bệnh rởm rít nhất của người Việt hiện nay là bệnh gì không? Đó là bệnh ám ảnh với cái gì cũng phải "nhất" trong một thực tiễn không có cuộc thi nào cho cái nhất vô bổ ấy cả và cũng chẳng ai thèm đi tranh giành cái nhất ấy với mình". Cậu em gật gù "vâng, em thấy thật ra chủ đầu tư cũng không mặn với ý tưởng kia đâu. Chẳng qua đám marketing của họ đưa ra, chủ đầu tư chưa có hướng nào hay hơn nên để trong phần yêu cầu sơ khởi thôi. Em cũng chưa có ý tưởng nào nên em để mặc đó. Anh có ý nào không?".

Nhìn vào chén nước chấm ngan luộc, tôi thong thả nói với cậu về chuyện của nước chấm, đồ chấm gia cầm của người Việt. Đại ý, các món quay, nướng của người Hoa rất ngon nhưng các món luộc của người Việt lại đặc sắc hơn và nó đặc sắc là do thứ gia vị để chấm đi kèm. Cũng là con gà luộc, người Hoa chấm xì dầu còn người Việt thì có thể chấm muối tiêu chanh, muối ớt… Và từng có một chuyên gia ẩm thực hàng đầu, là ông Yan Can Cook ngày nào, đã thừa nhận rằng "đi kèm với gà từ Âu sang Á có đủ dạng gia vị khác nhau nhưng vô địch vẫn là muối tiêu chanh của người Việt. Nó đơn giản nhưng xuất sắc vô cùng". Tôi kể chuyện ấy chỉ để nhắc cậu em về cái gọi là "đơn giản đỉnh cao". Thế giới nhiều năm nay đã và vẫn đi tìm cái đơn giản đỉnh cao ấy. Thế thì tại sao chính chúng ta lại cứ cố làm phức tạp thêm làm gì trong khi cái phức tạp ấy lại không mang về một giá trị nào?

Tôi quay lại với dự án của cậu, và gợi ý thay vì cái tháp Eiffel rởm to đùng, em hãy đặt vào đó một tác phẩm điêu khắc của một họa sỹ hàng đầu ở Việt Nam bây giờ. Chi phí đảm bảo không đắt hơn cái Eiffel rởm cồng kềnh kia. Thẩm mỹ lại được đảm bảo hơn với tính duy nhất và độc bản. Hơn nữa, nó có thể trở thành tài sản sưu tầm của nhà đầu tư và ít nhất, nếu ông ta vẫn ám ảnh với câu chuyện "nhất" hay "đầu tiên" của tư duy mê kỷ lục viển vông, ông ta hoàn toàn có thể truyền thông rằng "lần đầu tiên có một dự án bất động sản gắn liền với các tác phẩm nghệ thuật thị giác đương đại của những nghệ sỹ hàng đầu".

Hai anh em ngồi cười khà khà khoái trá với những gì được chúng tôi vẽ vời ra từ gợi ý ấy, với những cái tên lẫy lừng mà chúng tôi hướng tới. Và khi cơn mưa bắt đầu ụp xuống thành phố, tự dưng cậu em vỗ vỗ lên tay tôi nói một câu: "Công nhận muối tiêu chanh đỉnh cao anh ạ. Em sẽ luôn nhớ tới muối tiêu chanh".

Chỉ một câu ấy thôi, tôi đủ khựng lại, và cầm ly bia thật lâu, nhìn ra ngoài phố với cơn mưa đang sầm sập tới. Mưa thì mặc mưa. Thịt gà là phải có muối tiêu chanh.

Hà Quang Minh
.
.