Me Tây thời nay

Thứ Bảy, 20/05/2023, 20:17

Mới đây, tại Triển lãm xe hơi quốc tế Thượng Hải, gian hàng ô tô BMW đã phát kem miễn phí để thu hút khách. Hai cô khách Trung Quốc đến xin kem miễn phí thì bị từ chối vì "đã hết đợt phát".

Nhưng ngay sau đó, một người đàn ông ngoại quốc có ngoại hình gốc Âu tiến tới hỏi thì hai nhân viên lập tức tươi tắn đưa kem miễn phí cho người gốc Âu và vui vẻ hướng dẫn cách mở nắp hộp.

Một người khách khác đã quay lại video rồi bước tới nói: "Tôi có thể nhận kem miễn phí chứ?". Nhân viên xua tay từ chối. Họ giải thích: "Số lượng kem có hạn, cần phải có tài khoản đăng ký nước ngoài".

Me Tây thời nay -0

Đoạn video này lập tức dậy sóng giận dữ bởi sự phân biệt đối xử với người Trung Quốc. Để xảy ra sự cố thì lỗi trách nhiệm thuộc về hãng xe, nhưng cũng phải đặt dấu hỏi lỗi có thuộc về hai cô phát kem cũng là người Á Đông mà sao lại ứng xử vậy?

Hội chứng sính tây không chỉ ở Trung Quốc mà cũng nặng nề ở nước ta thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20. Trào lưu Âu hóa khiến xã hội ta bấy giờ nửa cười nửa mếu. Các thầy đồ lép vế trước các thầy thông, thầy ký, cô tân thời, tiểu thư, xe tay, ma cà bông (từ này có gốc Pháp là Vagabond, chỉ hạng lang bạt, vô gia cư), me tây… "bắn" tiếng Pháp như xôi đỗ và tất nhiên khá nhiều là tiếng bồi.

“Me tây” trở thành một từ lóng chỉ những người vong bản làm đoạn tuyệt với truyền thống. Câu "đồng hồ tây có bao giờ sai" được lưu lại trong văn học hiện thực phê phán. Người mất nước lại còn bị tẩy não đến mức mất hết cả tự tôn thì làm sao được tôn trọng? Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng Điện Biên Phủ đã trả lại tư thế bình đẳng với năm châu cho người Việt. Người Việt chỉ dùng tiếng Pháp kêu gọi lính Pháp đầu hàng. Một sỹ quan Pháp vừa nhảy dù xuống Điện Biên Phủ đã bị thương. Ông ta kể lại khi tỉnh dậy trong trạm cứu thương, ông được nghe tiếng Pháp từ bác sĩ Việt Minh ân cần và cao thượng: "Chiến tranh đã kết thúc đối với ông. Ông đã được cứu sống".

Thời kháng chiến, tư thế người Việt Nam kiêu hãnh bao nhiêu thì sau vài chục năm làm kinh tế, xu hướng "sính tây" lại làm cho hình ảnh dân ta bị xuống cấp bấy nhiêu. Thời xưa thì “xôi đỗ” tiếng Pháp, ngày nay thì “xôi đỗ” tiếng Anh. Thí dụ "Muốn làm ì ven (event = sự kiện) thì phải vào tim (team = đội) viết còn ten (content = nội dung). Còn ten thì quan trọng là ai đìa (idea = ý tưởng). Phải có tim uốc (teamwork = làm việc nhóm) để liên tục trên ninh (training = đào tạo) và bờ rên ninh (braining = động não).

Từ tây ông chủ đến tây ba lô đều được dân ta chiều chuộng quá mức. Marko Nikolic - nhà văn Serbia là sống ở Việt Nam đã kể rằng ông cũng được hưởng lợi từ thói “sính” tây này. Nikolic bày tỏ: "Người nước ngoài được xã hội Việt Nam đối xử khá nhiệt tình và chu đáo. Chúng tôi được quý trọng, được trẻ con chào bằng ''hello'', được phụ nữ chú ý và thậm chí được khen đẹp trai. Tại nhà hàng, chúng tôi có thể được ưu tiên phục vụ. Chúng tôi được khen ''giỏi, dễ thương quá'' khi biết một vài từ tiếng Việt và được mời tham gia video quảng cáo và chương trình trải nghiệm trên truyền hình"… "Tôi đã không ít lần có cảm giác kỳ cục rằng tôi được quý trọng chỉ đơn thuần do mình là người tây chứ không phải vì mình có một tính cách hay phẩm chất cá nhân nhất định".

Thời Pháp thuộc, "me tây" là từ miệt thị người đàn bà lấy chồng tây hoặc "đào mỏ" tây. Thế kỷ 21, từ này chỉ bất cứ ai, nam hay nữ mà cuồng tây. Họ không biết gạn đục khơi trong, thấy tây làm gì thì đòi Việt cũng phải học theo cho văn minh. Thấy tây hợp pháp hóa mại dâm, họ cũng vận động Việt Nam nên theo. Tây hợp pháp sòng bạc, họ cũng kêu ca Việt Nam phải cho hợp pháp sòng bạc.

Nếu thấy chuyện cảnh sát tây giúp dân thì họ ca ngợi tận mây xanh. Trong khi đó bao nhiêu tấm gương cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an Việt Nam đi cứu nạn, xả thân, và hy sinh thì họ cho rằng "làm màu" và những lời tiêu cực.

Không có lý do nào cứ lấy tây làm chuẩn. Càng không bao giờ lấy tây làm chuẩn về văn hóa. Văn hóa cần sự đa dạng. Nếu là công nghệ 4G hay 5G thì hiển nhiên phải theo chuẩn kỹ thuật toàn cầu. Nói đơn giản như hai bánh răng phải đồng bộ thì mới quay được. Trong thế giới phẳng là phẳng với công nghệ, còn văn hóa thì không bao giờ phẳng. Văn hóa là đại diện cho những dân tộc. Văn hóa mà phẳng thì dân tộc đó sẽ bị đồng hóa và biến mất.

Trở lại sự kiện triển lãm ôtô tại Thượng Hải. Sáng hôm sau, nhiều người đã mang túi đựng nhiều kem đến triển lãm phát miễn phí nhằm mỉa mai hành động phân biệt đối xử của hãng xe. Đài Truyền hình CCTV cũng tỏ thái độ bằng cách sử dụng một phân cảnh trong chùm hài "Chuyện hỷ trong nhà 97" để ám chỉ "người sính ngoại" tồi tệ đến mức nào.

Hậu quả là cổ phiếu của BMW đã giảm mạnh. Những cây kem miễn phí ở triển lãm ôtô này được coi là "cây kem đắt nhất" lịch sử.

Câu chuyện trên có ích cho chúng ta. Thoát thói sính tây thì giá trị riêng có của ta được trân trọng hơn. Bộ não của chúng ta đầy nếp nhăn, làm sao có thể phẳng được. Nhưng phẳng gì thì phẳng, không bao giờ cho phép phẳng văn hóa.

Tả Từ
.
.