Mấy hạt "xá lợi"
Hà Nội, đầu tháng 12, tiết trời se lạnh, có chút hửng, đẹp vô cùng. Tôi may mắn được ra công tác trúng mấy ngày đẹp trời ấy, tự dưng cảm thấy mình may mắn lạ. Gọi là công tác cho oai, chứ thực tình chỉ là một buổi họp báo duy nhất mà thôi. "Được đà lấn tới", ở nán thêm vài ngày tìm vui với anh em cũ, bạn bè xưa.
Trưa ấy có hẹn với một người anh luôn chiều tôi hết mực. Anh chọn quán cũng gần khách sạn, với lời nhủ "cậu đợi, anh sang đón thằng Hoàng, bọn anh lên xe rời khỏi nhà nó thì anh nhắn cậu, lúc ấy cậu đặt xe ra quán là vừa tầm". Đúng như tính toán, cả tôi và anh trờ tới quán gần như cùng lúc. Anh em bá vai bá cổ nhau líu ríu bước vào khuôn viên chẳng khác gì cách đây 30 năm cũng bá vai bá cổ nhau kéo ra quán bia hơi gần sân bóng đá sau mỗi buổi chiều.
"Cậu muốn uống bia hay uống rượu thì tùy cậu. Anh là chỉ bia thôi. Thằng Hoàng thì nó toàn uống rượu rồi, hay là cậu uống rượu với nó?", anh đặt câu hỏi ngay khi mới vừa ngồi xuống ghế. Tôi chọn uống rượu, nhưng vẫn xin "làm nhẹ" cốc bia hơi cho đã cơn thèm. Ở Sài Gòn bây giờ cũng có nhiều nơi bán bia hơi Hà Nội nhưng quả thực vẫn không phải là cái hương vị bia quen thuộc mà tôi vẫn nhớ. Phải là bia "cắt tiết" từ bom mới đúng chứ không phải thứ bia được đóng trong những chai nhôm 5 lít. Nhấm một ngụm bia sâu, cảm nhận cái mát lạnh của nó, tưởng tượng lại Hà Nội của những chiều mùa Hè dù đang ngồi giữa quán mùa Đông, tôi lim dim mắt. "Cậu muốn ăn gì nào?", anh hỏi. Tôi khe khẽ trả lời sảng khoái: "Em gì cũng được anh ạ. Thực ra, em chỉ cần mấy cái nem chua và bìa đậu là đủ rồi".
Nem chua, bìa đậu, đĩa rau kinh giới, đúng nghĩa là bia hơi Hà Nội truyền thống rồi. "Chủ quán, lấy thêm cho ít "xá lợi" đi", anh rổn rảng sau khi đã gọi vài món đúng theo yêu cầu. Tôi bật cười. Ông anh này tếu táo từ xưa, giờ gần 60 tuổi rồi mà vẫn còn nguyên cái tếu táo ấy. "Xá lợi" là cách anh gọi lạc rang, một cách gọi rất riêng, đặc trưng kiểu nói lóng của Hà Nội hiện đại. Cái cách nói lóng ấy, người địa phương khác khó lòng mà hiểu. Rồi còn cả cách nói trại đi nữa. Ví dụ, muốn dùng từ "mặt", người Hà Nội hiện đại lại hay nói "khăn". Thế nên nhiều khi người nơi khác nghe câu "Ôi, khăn xinh thế" là ngã ngửa ra vì khó hiểu. Nhưng một khi đã hiểu lối ám chỉ này, có khi lại thích, và học theo.
Nhìn đĩa "xá lợi" chủ quán bày trên bàn, tôi sực nhớ tới những bịch lạc rang húng lìu ngày thơ bé. Hồi đó, quán nước trà chén nào cũng có bán lạc rang húng lìu. Ban đầu, lúc còn thập niên 80, lạc rang ấy được gói trong những gói giấy quấn lại như hình con ốc, kiểu như vỏ kem ốc quế hôm nay vậy. Mãi sau mới có túi nylon, mỗi túi nhỏ nhỏ xinh xinh chưa bằng bàn tay. Cha tôi ngày đó mỗi khi có khách tới nhà lại thường đưa tôi mấy đồng vặt ra quán nước đầu phố mua chục bịch lạc rang. Công đi mua thì được một gói, ngồi nhẩn nha nếm cái vị bùi bùi, mặn mặn, ngọt ngọt thơm nức ấy là cái thú thực sự với một đứa trẻ ở thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Sau này đủ đầy rồi, tự dưng lại thấy món lạc rang húng lìu kia nó bình thường quá. Nó bình thường đến độ nhiều lúc mình quên bẵng nó đi để rồi chợt ngẫu nhiên gặp lại đâu đó, lại bâng khuâng nhớ đến cả một tuổi thơ, cả một thời.
Hồi mới vào Nam lập nghiệp, khoảng 22 năm trước, mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi đều mua ít lạc rang húng lìu vào làm quà. Không còn loại lạc rang đóng trong bao nylon nhỏ cỡ gần bằng bàn tay trẻ con nữa mà là loại túi nửa ký một, thậm chí hút chân không. Khoảng thời gian đó, đồ Bắc ở trong Nam không nhiều, nên người nhận quà cũng thấy thích vì lạ miệng. Còn bây giờ, sự phát triển của giao thông đã khiến đặc sản các vùng miền phủ kín bất kỳ nơi nào có nhu cầu rồi. Giữa Hà Nội muốn kiếm đồ miền Tây không hề khó và giữa TP Hồ Chí Minh muốn tìm hương vị Quảng Ninh, Hải Phòng cũng dễ như trở bàn tay. Mà cái gì dễ quá, tự dưng lại không còn quý giá nữa.
Nhắc tới lạc rang húng lìu làm quà, tôi nhớ dãy hàng ở đường Bà Triệu, Hà Nội. Chỉ một đoạn phố ngắn ngủi thôi mà có tới hơn chục hàng bán lạc rang húng lìu. Cái lạ là hàng nào cũng lấy tên "Bà Vân". Người thì "Bà Vân chính gốc"; kẻ thì "Bà Vân chính hiệu"; tiệm lại "Bà Vân gia truyền". Trong số đó, không biết có bao nhiêu bà thực sự tên là Vân nhỉ? Và chính sự trùng hợp nhau về thương hiệu này làm tôi nghĩ mãi về một tập quán xấu của người Việt mình. Đó là sẵn sàng đội lốt người khác, miễn là có lợi cho mình.
Giờ không còn mấy ai ăn thịt chó nữa nhưng chắc những người sống ở Hà Nội lâu năm còn nhớ con đường Nhật Tân với san sát những hàng thịt chó quạt chả thơm nức mũi. Ngày ấy, cũng chỉ một cái tên thương hiệu thôi nhưng lại được nhân bản ra thành mấy quán chẳng hề liên quan đến nhau. Nó cũng tương đồng như vô vàn thương hiệu lừng danh của các thức đặc sản khác vậy. Cứ hễ có một nhà nổi tiếng với một món nào đó là y như rằng sẽ có bản sao. Mà lạ lùng thay, cái bản sao ấy sẵn sàng nằm chình ình ngay bên cạnh bản gốc mà không hề biết ngượng chút nào. Đã đành là ở thời kỳ trước, thời của lạc hậu và chưa mở cửa, ý thức về cái gọi là sở hữu trí tuệ, của bảo vệ thương hiệu chưa cao và kiểu kinh doanh làng xóm, quán chợ vẫn còn, chuyện ấy có thể không khiến người ta chú ý quá. Nhưng ở thời này, khi mà các công cụ luật pháp đã chắc chắn hơn, cái việc xâm hại nhau đó vẫn cứ nghiễm nhiên như không và chính sự thản nhiên ấy mới là thứ rào cản lớn nhất cho phát triển chung của xã hội.
Nếu ai mê hai món trà chanh vỉa hè và bún đậu mắm tôm thì ắt hẳn còn nhớ cái thời kỳ nở rộ của nó. Chỉ một tiệm làm ăn được nhờ món ấy, tự dưng cả phố, cả thành rộ lên cùng bán. Cách nay 10 năm hơn, bún đậu mắm tôm bỗng được ưa thích bởi người Sài Gòn và thế là nhà nhà bán bún đậu, người người bán bún đậu, tới mức bão hòa. Phải chăng, người Việt lười nghĩ, thiếu dũng khí để đi con đường riêng của mình và luôn nghĩ đến chuyện bắt chước cho nó an toàn?
Tôi sực nhớ về một người quen, vẫn đang là một nhân vật nổi danh cõi mạng. Cậu ta từng có rất nhiều dòng trạng thái lý thú vô cùng, đầy tính dí dỏm, sâu sắc và bắt kịp xu hướng. Nhưng đến một ngày, cậu bị "bóc phốt" là chuyên đi thuổng dòng trạng thái của vài đồng nghiệp nước ngoài rồi dịch lại và đăng tải như thể nó là của mình. Tôi thấy tiếc cho cậu trai đó, vì qua thời gian cộng tác cùng nhau, tôi biết cậu là người thông minh, có năng lực thực sự. Nhưng cậu đã chọn cái cách để nổi tiếng theo kiểu dễ dãi nhất, nhàn hạ nhất nhưng cũng vô liêm sỉ nhất là đánh cắp. Dường như, ám ảnh về lượt ưa thích (likes), chia sẻ (shares), bình luận (comment) đã khiến cậu bất chấp tất. Nó cũng y như lạc rang húng lìu mang chung thương hiệu bà Vân vậy thôi. Vì số lượng khách hàng, vì doanh thu, họ sẵn sàng đổi tên mẹ của mình để gắn lên cái bịch lạc rang hay sao?
Nhẩn nha cũng hết vại bia, tôi chuyển sang chén rượu. Rượu làng Vân ngày xưa giờ còn không nhỉ? Nhưng làng Vân là một chỉ dẫn địa lý, người ta cần minh định rõ thương hiệu trong vùng địa lý ấy. Như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết cũng vậy. Thương hiệu mới tạo nên di sản của một thương nhân dựa trên di sản chung là chỉ dẫn địa lý. Đánh cắp di sản của người khác, việc ấy e đã quá mức mất rồi.
Có ai ngồi nhấm nháp "xá lợi" rồi nghĩ vớ vẩn như tôi?