Làm thế nào sống vui khỏe trong năm 2022?

Thứ Năm, 20/01/2022, 10:48

Với một số người, 2021 là một năm sóng gió, nhiều biến cố ập đến ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Những bài học nào nên được áp dụng trong năm 2022 để có tinh thần lành mạnh và thân thể khỏe khoắn? 

Trong một cuộc thăm dò ý kiến cuối năm vừa được tiến hành tại một công ty truyền thông - giáo dục - công nghệ tại Hà Nội, hơn một nửa số nhân viên tham gia khi được hỏi "Bạn đánh giá như thế nào về năm 2021?" đã trả lời: "Tôi không muốn nhớ lại". Hải Lê, Trưởng phòng nhân sự của công ty, cho biết nhiều nhân viên ở đây trải qua một năm khó khăn khi thu nhập bị cắt giảm, nhiều người bị cắt hợp đồng, số khác sống trong căng thẳng, stress khi nhiều tháng phải làm việc từ xa, vừa xoay xở hoàn thành công việc, vừa chăm lo dạy dỗ con cái, thậm chí một số nhân viên giấu tên chia sẻ những biến cố gia đình như ly hôn, bệnh tật do tác động của đại dịch.

Thùy Tâm, một chuyên gia tâm lý, huấn luyện viên sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh cho biết, phòng khám trị liệu tâm lý của chị đón nhận một lượng khách đột biến trong suốt 6 tháng qua. Đa số bệnh nhân đều gặp triệu chứng rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, trầm cảm do mắc COVID-19, mất người thân, mất việc, kinh tế khó khăn, sống quá lâu trong cảnh cô lập vì giãn cách xã hội, bị cắt lìa khỏi những nguồn vui và tương tác xã hội vốn có giá trị nâng đỡ tinh thần.

Theo quan sát của chị, 2021 là một năm khó khăn, tác động tiêu cực không chỉ lên sức khoẻ thể chất mà cả sức khoẻ tinh thần của rất nhiều người dân, để lại hậu quả lâu dài. Chị Tâm lấy ví dụ: "Chúng ta đã quen với những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim: huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc, tiểu đường, béo phì và ít vận động. Nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là những căng thẳng tâm lý mãn tính trong cuộc sống có thể gây nên những vấn đề tiềm ẩn về tim mạch, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tử vong".

33-1.jpg -0
Ảnh: S.t.

Chị Tâm cho biết COVID-19 khiến nhiều người sinh ra chứng lo âu, hồi hộp, mất ngủ, căng thẳng, cáu giận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và nếu không chữa trị dứt điểm có thể dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, đột quỵ. Để có một sức khỏe tinh thần và thể chất tốt trong năm 2022, nhiều chuyên gia đã đưa ra các gợi ý:

1. Tìm ý nghĩa trong các hoạt động thường ngày

Theo tờ New York Times, "languishing" được giới chuyên gia gọi là cảm xúc chủ đạo của năm 2021. Đây là trạng thái một người cảm thấy mệt mỏi, trống rỗng, không có động lực làm việc hay thức dậy mỗi ngày, mất khả năng tập trung, mất cảm giác kết nối với người khác, kiệt sức, trì trệ và cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa. Trạng thái cảm xúc này là hệ quả của việc con người bị "giam cầm" quá lâu trong thời gian giãn cách xã hội, thường xuyên đối mặt với các thông tin tiêu cực về dịch bệnh, hoặc chịu tác động trực tiếp từ COVID-19. Thúy Anh, một phóng viên mảng Y tế làm việc trong thời gian làn sóng dịch thứ 4 cho biết cô thường xuyên thức dậy trong trạng thái uể oải, chán nản, không muốn động tay động chân vào việc gì, cũng không có niềm vui sống như trước kia.

"Ở nhà một mình suốt ba tháng, hầu như chỉ giao tiếp qua thiết bị điện tử, đối mặt với tin tức về ca bệnh, tử vong hàng ngày khiến tôi như phát điên", cô nói. Theo các nhà tâm lý học, một cách dễ dàng để có thể vượt qua trạng thái tâm lý này là tìm ý nghĩa trong những công việc hàng ngày, ví dụ, dọn dẹp nhà cửa, nấu bếp, cắm hoa, sắp xếp tủ quần áo, chuẩn bị giấc ngủ ngon bằng nến thơm và nhạc nhẹ… Hãy hoàn thành tất cả những công việc hàng ngày bằng cách tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và có mục đích sống hơn. Tập trung vào những "chiến thắng nhỏ", như việc hoàn thành nhiệm vụ hôm nay mà không trì hoãn, bạn cũng sẽ có động lực hơn.

2.Thiền ở bất cứ đâu

Tiến sĩ Judson Brewer, Giám đốc Trung tâm Chánh niệm của Đại học Brown, cho biết bộ não của bạn giống như một chiếc máy tính và nó chỉ có một lượng trí nhớ hoạt động nhất định. Đó là lý do tại sao những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và căng thẳng có thể khiến bạn khó suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề hơn. "Điều đầu tiên chúng ta phải làm là lắng đọng bản thân trong thời điểm hiện tại để chúng ta có thể bình tĩnh lại," tiến sĩ Brewer nói và khuyên nên thực hiện kỹ thuật thiền "5 ngón tay", có thể tiến thành ở bất cứ lúc nào bạn muốn, tại bàn làm việc hay đứng chờ xếp hàng khám bệnh.

Theo đó, bạn dùng ngón trỏ của một bàn tay để vạch đường viền của bàn tay đối diện. Khi bạn vạch một ngón tay lên, hãy hít vào. Khi bạn vạch xuống, hãy thở ra. Tiếp tục từng ngón tay cho đến khi bạn đã theo dõi toàn bộ bàn tay của mình. Bây giờ đảo ngược hướng và thực hiện lại lần nữa, đảm bảo hít vào khi bạn vạch lên và thở ra khi bạn vạch xuống. Bên cạnh đó, bạn có thể mở mắt hoặc nhắm mắt, nhưng quan trọng nhất là phải hít thở sâu. Lúc đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy ngực mình đang mở rộng và nở ra khi bạn hít vào. Hãy tiếp tục hít vào để mở rộng bụng và dạ dày rồi giữ nguyên trong một vài giây. Lặp lại động tác này từ 5 đến 10 lần và bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả mà nó đem lại.

33-2.jpg -0
Ảnh: Hải Thịnh.

3. Viết ra điều trăn trở trước khi đi ngủ

Mất ngủ triền miên sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm trí nhớ và khả năng chú ý, đồng thời tăng khả năng bị trầm cảm. Anahad O'Connor, một chuyên gia giấc ngủ nói rằng một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng "mất ngủ" là liệu pháp hành vi nhận thức, theo đó, bạn viết ra tất cả những suy nghĩ, đặc biệt là bất cứ điều gì khiến bạn bận tâm, hai giờ trước khi đi ngủ, sau đó vò nát tờ giấy và ném nó đi. Cử chỉ mang tính biểu tượng này mang lại sức mạnh cho bạn và giúp bạn xoa dịu tâm trí. Ngoài ra, nên cắt tất cả những đồ uống, thực phẩm kích thích như trà, cà phê trước 2 giờ chiều; không sử dụng thiết bị điện tử 2 tiếng trước ngủ; đọc sách, thiền, ngâm chân, nghe nhạc nhẹ hoặc sách nói về chủ đề tâm lý, giải trí; đốt nến thơm, tinh dầu, giữ phòng ngủ yên tĩnh hoặc sử dụng tiếng ồn trắng (white noise) giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng.

Linh Đan, một chuyên gia về tài chính đang làm việc tại Mỹ cho biết việc nghe những bài pháp thoại của các tôn giáo là một cách rất tốt để giúp ta buông xả những yếu tố bên ngoài, tập trung vào bên trong, an yên trước khi ngủ. Ngoài ra, nhiều chuyên gia khuyên tập thể dục là cách dễ nhất để cải thiện giấc ngủ. Ít nhất 29 nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục hàng ngày, bất kể loại hình hoặc cường độ, giúp mọi người đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ lâu hơn, đặc biệt là ở những người trung niên trở lên.

Theo Sleep Foundation, những người bị chứng mất ngủ kinh niên có thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn khoảng 13 phút và ngủ thêm 20 phút mỗi đêm bằng cách bắt đầu thói quen tập thể dục. Một lưu ý cần kết thúc bài tập của bạn ít nhất bốn giờ trước khi đi ngủ.

4. Chụp ảnh hoặc viết nhật ký biết ơn

Mỗi sáng hoặc mỗi tối đi ngủ, bạn có thể viết 3-5 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn cuộc đời. Thanh Lan, giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, nói cô đã vượt qua thời điểm mất người thân vào tháng 8/2021, khi thủ đô đang trong đợt giãn cách xã hội, là viết những điều quan trọng như trong hoàn cảnh khốn khó nhất, Lan vẫn có sức khoẻ, một mái nhà che mưa nắng và một công việc cho thu nhập. Nếu nhật ký biết ơn không phải là sở thích của bạn, hãy lên kế hoạch chụp một bức ảnh mỗi ngày về điều gì đó đặc biệt trong cuộc đời bạn. Nó có thể là một bức ảnh dễ thương về con chó của bạn, một buổi hoàng hôn, một bông hoa đang nở hoặc một bữa ăn ngon.

Hãy dành một chút thời gian để nghiên cứu bức ảnh, ngồi ngắm nghía nó với cảm xúc biết ơn, sau đó chia sẻ nó với một người bạn hoặc đăng nó lên mạng xã hội. Biết ơn cuộc sống là một trong liệu pháp quan trọng giúp con người vượt khủng hoảng.

5.Tình nguyện

Hãy tham gia nấu bữa cơm cho người bệnh ung thư, quyên góp sách cho trẻ em nghèo, trợ giúp người già trong xóm trọ neo đơn… Mỗi một hoạt động thiện nguyện, đối xử tốt với người khác, đều có giá trị cải thiện sức khỏe, giảm cảm giác cô đơn và mở rộng mạng lưới xã hội. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt ra một mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như tình nguyện mỗi tuần một lần hoặc thậm chí mỗi tháng một lần và xây dựng thành thói quen thường xuyên từ đó.

Minh Đức
.
.