Kiểm chứng thông tin

Thứ Tư, 15/09/2021, 11:14

Tin giả là thứ nhức nhối bậc nhất hiện nay khi sự lộng hành của nó tạo ra vô vàn tác động tiêu cực trong xã hội. Kiểm chứng là một đòi hỏi cấp thiết trước khi lan truyền một thông tin. Và việc kiểm chứng ấy là trách nhiệm của ai: người đọc, người đưa tin hay cả cơ quan quản lý?

Cuộc đuổi bắt linh dương của báo gê-pa

Ở chỗ tôi đang sống, địa phương đang tổ chức tiêm vắc-xin, một loại hàng đầu của các nhà sản xuất Trung Quốc, và một tin đồn lan ra rất nhanh: vắc-xin "Tàu" thì tiêm cũng như là không.

Kiểm chứng thông tin -0

Những người từ chối tiêm viện dẫn ra rất nhiều đường link và kênh Youtube sử dụng các thuyết âm mưu, nói rằng vắc-xin Tàu hoàn toàn chẳng có hiệu quả gì, và có nhiều người đã chết vì tiêm. Các trang tung tin thì từ những domain rác, viết còn sai chính tả, còn các kênh Youtube đã được làm méo giọng thuyết minh, với hình ảnh cắt ghép từ nhiều nguồn. Nói chung là không uy tín.

Tôi gửi họ một số đường link về chuyện loại vắc-xin đó của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, cũng như hiệu quả chống dịch của Trung Quốc và Campuchia, hai nước đã tiêm nó cho hàng trăm triệu người, từ các tờ báo uy tín trong lẫn ngoài nước. Có lẽ là khá thuyết phục. Nhưng những người nghe theo tin đồn phủ nhận quyết liệt: họ cho rằng Trung Quốc đã "giấu dịch", mặc kệ việc có cả những hãng tin uy tín như AFP hay Reuters xác nhận chuyện này.

Điều đáng nói không hẳn là việc có những người hiểu lầm về tin đồn, mà là việc họ từ chối tiếp nhận các sự kiện (facts): các nỗ lực thuyết phục là hoàn toàn vô ích. Thậm chí cố gắng của tôi chỉ làm củng cố thêm sự tin tưởng của họ vào tin đồn kia. Hai thế giới đã khác nhau từ đầu rồi, đừng cố mà giao tiếp thêm nữa.

Chúng ta bắt gặp chuyện này thường xuyên. Các bác sĩ cố gắng thuyết phục những người đang tin theo thuyết chống vắc-xin. Các trang báo uy tín cố gắng chạy theo đính chính những tin giả trên mạng xã hội. Sự bế tắc có hình hài rõ nét: cho dù những nỗ lực sửa sai có lớn đến đâu, thì vẫn sẽ có những người tin rằng ăn giun đất trị được COVID-19, cũng như niềm tin rằng trái đất, bất chấp những bằng chứng khoa học và thực nghiệm, có dạng… phẳng.

Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là “buồng vang” (echo chambers), một trạng thái phức tạp hơn “bong bóng nhận thức” (epistemic bubbles). Cả hai đều loại trừ các nguồn thông tin khác một cách có hệ thống, và phóng đại sự tự tin của mỗi người vào niềm tin của họ, nhưng có một khác biệt cơ bản ở đây: một người bị che mắt bởi "bong bóng nhận thức" đơn giản là không nghe thấy những tiếng nói khác, còn "buồng vang" xảy ra khi bạn không hề tin tưởng những tiếng nói ấy, dù đã nghe thấy chúng.

“Bong bóng nhận thức” được tạo ra từ mạng lưới thông tin mà trong đó các tiếng nói khác đã bị loại trừ bằng cách bỏ sót. Có thể là chủ động bỏ sót: chúng ta có xu hướng tránh tiếp xúc với các quan điểm trái ngược vì chúng khiến ta khó chịu. Nhưng cũng có thể là vô tình, ví dụ ngay cả khi ta không chủ động tránh bất đồng, thì bạn bè trên Facebook có xu hướng chia sẻ chung các quan điểm và sở thích với chúng ta. Khi ta coi truyền thông xã hội như nguồn cấp dữ liệu đầu vào cho bản thân, thì các thuật toán dễ dàng đưa chúng ta vào trạng thái đồng thuận quá mức.

Nhưng trong khi “bong bóng nhận thức” chỉ đơn giản là bỏ qua các quan điểm trái ngược, thì một “buồng vang” khiến những người ở trong nó chủ động không tin tưởng vào người khác. Các bong bóng rất dễ vỡ: chúng ta chỉ cần cung cấp cho những người rơi vào trạng thái này dữ liệu mà họ đã bỏ qua. Nhưng “buồng vang” là một hiện tượng mạnh mẽ và nguy hiểm hơn nhiều.

Kathleen Hall Jamieson và Frank Cappella, hai đồng tác giả của cuốn sách về trạng thái này, đã phân tích ra bản chất của nó: những người ở trong “buồng vang”  có toàn quyền truy cập vào các nguồn thông tin bên ngoài, nhưng không chấp nhận các ý kiến trái ngược. Họ bị cô lập không phải vì sự chọn lọc của thuật toán, mà bởi những ai họ đã chấp nhận là các chuyên gia và những nguồn tin đáng tin cậy. Thế giới quan của họ không hề bị suy suyển khi tiếp xúc với các tiếng nói bên ngoài, bởi hệ thống niềm tin của họ đã bật chế độ chống lại những lần xâm nhập.

Nguy hiểm hơn, việc tiếp xúc với những quan điểm trái ngược thậm chí còn củng cố lòng tin của những người ở trong “buồng vang”. Triết gia Endre Begby gọi hiệu ứng này là "bằng chứng mua trước": những gì xảy ra là một loại judo tâm trí, trong đó sức mạnh và sự nhiệt tình của những tiếng nói trái chiều lại trở thành thứ chống lại chính nó. Những người trong “buồng vang”  tin rằng đó là một nỗ lực làm hại họ, và những người đã gieo niềm tin cho họ.

Trong cuốn sách "The Great Endarkenment" (2015), tác giả Elijah Millgram đã lý giải rằng mọi kiến thức hiện đại đều phụ thuộc vào sự tin tưởng một chuỗi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Hãy nghĩ về cách chúng ta tin tưởng người khác trong cuộc sống hàng ngày: ta tin một thợ máy khi đến cửa hàng sửa xe, và phó mặc tính mạng cho bác sĩ khi đến bệnh viện. Các chuyên gia cũng tin tưởng lẫn nhau: một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm buộc phải tin kết quả từ máy móc do những chuyên gia khác chế tạo.

Không một ai có thể một mình kiểm tra độ tin cậy của mọi thành viên trong chuỗi này, và họ buộc phải chọn việc nghe theo ai đó mình tin tưởng. Trong số những người đã phát tán đi thông tin rằng vắc-xin Trung Quốc "tiêm cũng như không" trong đại dịch, có không ít những người tự xưng là nhà chuyên môn ở nước ngoài, và cũng có số lượng theo dõi đông đảo và trung thành trên mạng xã hội từ lâu. Cộng thêm với định kiến về hàng hóa Trung Quốc đã tồn tại từ rất lâu, việc vắc-xin Trung Quốc tiêm cũng như không trở thành một điều thuận tai.

Và sự bế tắc trong cuộc nói chuyện giữa tôi và những người từ chối tiêm vắc-xin "Tàu" bắt đầu từ sự xa lạ của tôi trong thế giới quan của họ, vốn đã được củng cố không chỉ bằng một, mà là hàng ngàn cuộc nói chuyện, và vô số dữ liệu được nạp vào liên tục từ các nguồn họ cho là đáng tin cậy, được củng cố theo thời gian.

Cuộc chiến chống lại tin giả, vì thế, không chỉ đơn thuần gói gọn trong tư duy tuyến tính đơn thuần: tôi thấy người ta nói A, thì chỉ cần nói rằng không phải A đâu là được. Nó là nỗ lực giành giật lại những người đã sống trong “buồng vang” quá lâu bằng sự thật một cách khéo léo, với một đội ngũ những người đáng tin cậy hơn nữa. Nó là một hành trình kéo dài có thể là mãi mãi về sau, khi chúng ta càng dấn sâu vào thời đại hậu sự thật (post-truth). Giống như ví dụ cổ điển về cuộc đuổi bắt dường như vô tận của loài báo gê-pa và linh dương: cả hai đều không ngừng khắc chế nhau. Đôi khi báo gê-pa bắt được con mồi, và đôi khi để nó trốn thoát. Cũng như hành trình chống lại ảnh hưởng của tin giả, điều duy nhất có ý nghĩa ở đây là tiếp tục không ngừng nỗ lực, dù chưa biết khi nào chúng ta sẽ hoàn toàn giành chiến thắng.

Phạm An

Đem thân thử thuốc

Khi Hải Thượng Lãn Ông lên kinh thành Thăng Long năm 1782, ông phát hiện ra có rất nhiều người "đem thân thử thuốc".

Năm đó, Hải Thượng Lãn Ông được mời thượng kinh để chẩn bệnh cho Thế tử Trịnh Cán - con trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Chúa Trịnh Sâm.

Kiểm chứng thông tin -0

Nếu bạn đã đọc “Thượng kinh ký sư”, thì ngoài một chương đầy tiếc nuối và dằn vặt khi Lãn Ông vô tình gặp lại… người yêu cũ, phần lớn ấn tượng còn lại của sách là hành trình chữa bệnh tại kinh thành. Quý tộc khắp đất Thăng Long tìm đến vị thần y mong được chẩn bệnh.

Trong hành trình đó, cảm giác cuối cùng đọng lại, là sự chua xót của một nhà khoa học. Người bệnh của ông, từ vương tôn cho đến quan lại, thay vì nghe những phân tích biện chứng, thường xuyên dao động bởi những lời đồn đại, đem thân thử thuốc, tự diệt đường sống.

Lãn Ông đặc tả ví dụ về một vị quan "tham tụng tả binh", đến xin thuốc khi bệnh đã rất nặng. Theo cách gọi này, nhiều khả năng đó là Vũ Miên - người khi đó đang kiêm nhiệm chức hành tham tụng (quyền tể tướng) và tả thị lang bộ binh (tương đương thứ trưởng quốc phòng).

Những thang thuốc đầu tiên của Lãn Ông khiến người bệnh kinh ngạc, "mười phần đỡ đau bảy, tám". Đại quan rất cảm kích, cầm tay thầy thuốc như tri kỷ, trách mắng bọn lang băm trước kia. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, bệnh lại tái phát. Lãn Ông lại kê đơn mới. Rồi cứ dăm bữa nửa tháng, bệnh tình cứ thuyên giảm lại nặng thêm. Đến lần thứ ba, danh y mới phát hiện: ông quan "chỉ vì nghe nói bên đông có thầy thuốc thần diệu là thử dùng một lần, hoặc nghe nói đằng tây có thầy thuốc giỏi lại dùng một thang".

Lần thứ tư người nhà bệnh nhân đến kêu nài, Lãn Ông từ chối không tới nữa. "Vị quan này đem thân thử thuốc… tính mạng chắc chẳng còn nữa", Hải Thượng Lãn Ông viết. Vũ Miên mất sau đó ít lâu.

Đó chỉ là trường hợp tiêu biểu cho những gì vị danh y gặp ở Thăng Long. Người bệnh của ông thường xuyên "đem thân thử thuốc", nghe lời bọn lang băm "ghen tài tranh công", thậm chí không ngừng tin vào "fake news" sau khi đã gặp bác sĩ đầu ngành.

Người duy nhất phản biện nghiêm túc và lắng nghe lập luận của Hải Thượng Lãn Ông năm ấy, rồi đưa ra quyết định dựa trên lập luận, là chúa Trịnh. Nhưng tiếc rằng Trịnh Sâm đã gặp đúng thầy quá muộn.

Người Việt thuộc lòng câu "Có bệnh vái tứ phương". Nhưng trong câu chuyện của tham tụng tả binh Vũ Miên, Lãn Ông có bình: "Kẻ có dư cũng là kẻ có bệnh". Nhân vật quyền lực bậc nhất trong triều đình nhà Lê, đã chết vì thừa mứa lựa chọn. Và nếu có một bài học nào được rút ra từ “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn ông, đó là việc biết tiết chế lựa chọn.

Một nguồn thông tin có đủ uy tín (ethos) không quá khó để nhận diện. Đó là một người như Hải Thượng Lãn Ông, đã được thừa nhận rộng rãi về chuyên môn hẹp. Sau đó, vị KOL này luôn đưa ra các lập luận "biện chứng" - đây là chữ mà Lãn Ông sử dụng để tự mô tả về quá trình kê đơn.

Sâu hơn một chút, là cảm nhận về tính khách quan: Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng là một ông già lười sống trên núi, khước từ quan chức, quay lưng với bổng lộc, bao nhiêu ngày được hậu đãi ở Thăng Long là bấy nhiêu ngày xin được về quê. Thậm chí khi kê đơn cho Vũ Miên, ông còn xin giấu danh tính. Đó là một người đưa ra nhận định không phải vì tư lợi.

Và nếu lần sau bạn phải tìm cái gì đó để đọc, để hấp thụ, để tin tưởng trong thời đại số này, hãy tìm một nguồn như Hải Thượng Lãn Ông.

Nếu bạn bực dọc, bạn bức xúc, hoặc bạn thấy hưng phấn khi lướt Facebook, xem YouTube hoặc đọc trang mạng, đó là khi não bạn đang tiết ra cortisol hay dopamine, những chất có thể khống chế cảm xúc. Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng chúng ta thực sự đưa thêm các chất hóa học vào cơ thể chỉ bằng việc… đọc Facebook. Và kỳ lạ hơn nữa khi rất có khả năng thứ bạn vừa đọc (và đưa một lượng cortisol vào cơ thể) lại là tin giả, là ngụy biện, là một nửa sự thật hay là một sự cường điệu nào đó để kiếm likes theo phong cách lang băm thành Thăng Long thế kỷ 18.

Bạn cầm điện thoại lên với một tâm thế hoàn toàn ngây thơ, và thế là bạn "đem thân thử thuốc". Chúng ta cũng đang ở trạng thái thừa mứa lựa chọn.

Bạn nhanh tay bấm chia sẻ một chiếc status đầy bức bối và tin rằng nó "giải quyết vấn đề gì đó" cho đời sống tinh thần của mình, bạn có thể đã tự tiêm thuốc lăng nhăng vào người.

Bạn xem một cái livestream, đọc một bài viết không hề thấy lập luận biện chứng, rồi comment phấn khởi kiểu "Hay quá nữa đi anh ơi", bạn đã tiêm thuốc lăng nhăng vào người.

Rồi một lúc nào đó cơ thể bạn thừa cortisol, hoặc ngược lại, nghiện dopamine, bạn có thể đã mang bệnh. Vì tiêm quá nhiều thuốc lăng nhăng.

Trí não bạn cũng là một phần quan trọng kiến tạo nên sức khỏe của bản thân. Sức khỏe theo định nghĩa của WHO phải bao gồm 3 khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Nếu bạn "đem thân thử thuốc" và hấp thụ bất kỳ cái gì đọc được trên mạng thời này, bạn có nguy cơ hủy hoại sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội của mình trước - chưa bàn đến việc bạn định can thiệp sức khỏe thể chất theo lời… Google và Facebook (thì Hải Thượng Lãn Ông cũng bó tay).

Các cư dân của thế kỷ 18, tổ tiên của chúng ta, đã sinh ra trong một thời đại đầy các thông tin huyền hoặc, phản khoa học. Nhưng có lẽ một bộ phận trong số họ đã tồn tại được, và sinh ra chúng ta, vì vẫn có nhiều người biết tìm đến KOL có biện chứng như Hải Thượng Lãn Ông.

Đến đây có thể bạn sẽ hỏi rằng than ôi biết lấy đâu ra KOL như Lãn Ông tầm này, với tất cả các yếu tố danh tiếng, lập luận khoa học và khách quan kể trên?

Việc thiếu những chuyên gia như thế có thể cũng là một vấn đề của xã hội Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ bàn nó trong khuôn khổ một bài báo khác. Ngay lúc này, việc cần lưu tâm, là tiết chế các lựa chọn, kiểm soát kỹ những gì bạn hấp thụ vào cơ thể, và đừng "nghe nói bên đông" rồi lại "nghe nói bên tây". Kẻ có dư cũng là kẻ có bệnh, Hải Thượng Lãn Ông đã nói.

Đức Hoàng

Thời của trục lợi thông tin

Trong những ngày giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16, đã có những tờ báo quen thuộc phải đình bản báo in tạm thời. Đó là những quyết định khó khăn, nhưng là bắt buộc khi cả một hệ thống xoay quanh cũng phải tạm ngừng vì dịch bệnh. Không sạp báo, việc giao nhận được thắt chặt hơn để ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu, những tờ báo in dĩ nhiên cũng phải đợi chờ ngày gặp lại độc giả quen của mình.

Kiểm chứng thông tin -0

Tất nhiên, ở thời đại này, sinh quyển của báo in cũng đã bị thu hẹp lại rất nhiều và nó là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Đã từng có những tranh luận về sinh mệnh của báo in, tương lai của cả ngành, phương hướng chuyển đổi, sự hoài niệm về một thói quen đọc nội dung thể lý… suốt mấy năm qua và giờ đây, giữa cơn đại dịch này, nỗi nhớ báo in bỗng dày thêm lên. Ngay cả những người từng bỏ thói quen đọc báo in một thời gian rồi cũng tự nhiên thèm cảm giác cầm một tờ báo in khi họ ngồi nhớ những sớm cà phê vỉa hè giữa 4 bức tường giãn cách xã hội.

Với những người làm trong ngành truyền thông, có lẽ lúc này cũng là lúc họ càng trân trọng hơn tờ báo in. Tại sao? Nhiều lý do. Nhưng có một lý do nhỏ thôi, nhưng phổ biến, và cơ bản, là tờ báo in tưởng như đang vật vã khó khăn trong thời đại mới này mang một giá trị rất lớn: giá trị của giấy trắng mực đen.

Tin giả là một vấn đề nhức nhối của thế giới hôm nay và nó phổ biến hơn với các phương thức truyền thông kiểu mới, hiện đại, tốc độ và độ tỏa rộng đa luồng. Không hẳn là thời kỳ chưa có Internet và báo in là phương tiện đọc tin duy nhất của con người thì không có tin giả nhưng tính phổ biến của nó không cao. Dễ hiểu, cái sự giấy trắng mực đen của một sản phẩm thông tin thể lý là bằng chứng rõ rệt nhất không thể chối bỏ.

Ở đây không phải là thứ bằng chứng để người ta kiện nhau ra tòa mà là bằng chứng cho uy tín của những người chịu trách nhiệm với nguồn tin mình đưa ra. Và ở Việt Nam hôm nay, nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng người đọc chắc chắn tin vào thông tin báo in đưa ra hơn là báo điện tử hay mạng xã hội. Với họ, báo in là một thứ để kiểm chứng thông tin có độ tin cậy cao nhất.

Là một nhà báo, thực tế bản thân tôi cũng có những trải nghiệm về kiểm chứng thông tin ở giai đoạn giãn cách xã hội này. Trong hộp thư Facebook của mình, gần như ngày nào tôi cũng nhận được những đường dẫn được gửi từ bạn bè, kèm theo câu hỏi đại loại "Cái này là thật hay là giả?". Thực tế, không phải tôi có khả năng phân biệt mọi tin tức là giả hay thật nhưng với bạn bè, họ coi tôi là một nguồn tin đáng tin cậy.

Và thế là có những lúc, chính bản thân tôi cũng phải đi hỏi những người thực sự có liên quan để kiểm chứng những thông tin mà bè bạn nhờ kiểm tra. Quá trình kiểm chứng ấy, có kết quả hay không đi nữa, nó cũng giúp tôi nhận ra một việc. Đó là nếu mình chậm lại trước một thông tin mới đón nhận, mình bớt đi được rất nhiều lo âu, hoang mang cũng như cảm xúc tiêu cực.

Loan tin là một thứ khoái cảm của loài người, phải dùng đúng từ khoái cảm ấy. Cảm giác mình là kẻ biết trước thiên hạ, mình là người cảnh báo được người khác, mình quan trọng chút đỉnh so với mặt bằng chung… đã khiến người ta rất dễ loan đi một cái tin nóng hổi nào đó mình nhận được. Và tốc độ của mạng xã hội lại càng khiến cuộc đua ai là người loan tin sớm trở nên khốc liệt hơn. Thôi thúc này làm cho nhiều người trong chúng ta dễ dàng loan tin đi mà thiếu đi khâu quan trọng nhất: kiểm chứng.

Song, việc loan tin nếu chỉ đơn thuần là chuyển tải 100% nội dung một thông tin mình nhận được đơn thuần thì sự phức tạp của tin giả mang lại cũng chưa đến mức độ tạo ra các ảnh hưởng nghiêm trọng lắm. Các công cụ mạng xã hội hiện thời cấp cho người dùng khả năng để gắn quan điểm cá nhân của mình kèm theo các tin tức.

Chính điều đó mới tạo ra các hỗn loạn trên xa lộ thông tin. Khi đã gắn quan điểm cá nhân, cái mục đích riêng cũng bắt đầu thể hiện trong đó và nó rất dễ làm méo đi nội dung của thông tin gốc. Và một khi cái gọi là quan điểm riêng, nhận định riêng được thiết kế hợp khẩu vị một nhóm nào đó trong xã hội, nó rất dễ lôi kéo đám đông vào những âm mưu mà chính những người tiếp nhận cũng không thể hình dung ra. Cái này, chúng ta hoàn toàn có thể gọi tên là "trục lợi thông tin" và thực tế, pháp luật chưa hề có một quy định nào để khi xử lý sai phạm, việc định lượng thiệt hại cụ thể từ hành vi trục lợi này được lấy làm thước đo để chế tài.

Hãy đơn cử bằng việc gần đây Bộ Thông tin - Truyền thông có nhắc nhở, cảnh cáo một cô ca sỹ tuyên truyền tác dụng chữa bệnh COVID của giun đất chẳng hạn. Cảnh cáo một cô ca sỹ chỉ có tính răn đe như một tấm gương xấu trước truyền thông mà thôi. Tận gốc của xử lý phải là định lượng rõ nhóm người nào đứng đằng sau câu chuyện giun đất kia, họ có bán chế phẩm từ giun đất hay không, họ trục lợi bao nhiêu tiền, họ gây tác hại đến mức độ nào… Và song song đó, thứ để bình ổn lại dư luận phải là một thước đo thông tin kịp thời, tức là phải có kênh để giúp cộng đồng có thể kiểm chứng thông tin ngay khi một tin giả vừa được lan truyền.

Tờ Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam đã mở mục "kiểm chứng thông tin" được vài năm và mục này của họ đã được giải thưởng báo chí truyền thông quốc tế. Gần đây, báo Nhân Dân cũng mở trang "Kiểm chứng thông tin" để tuyên chiến với tin giả. Đó là những động thái cực tốt của báo chí mà rất nhiều tờ báo có thể cùng tiến hành. Song, nếu coi chuyện kiểm chứng thông tin là nhiệm vụ của báo chí thì có lẽ là không được chuẩn xác.

Bản thân các ngành, các địa phương phải có kênh kiểm chứng riêng của mình, phải coi việc xác lập vị thế công bố chính thức những gì liên quan đến ngành, đến địa phương mình là nhiệm vụ riêng chứ không thể phó mặc cho báo chí mà thôi. Và thực tế, nếu một người dân ở tỉnh A muốn đối chứng thông tin liên quan đến chính sách của tỉnh, họ sẽ tin cậy vào website chính thức của ủy ban nhân dân hơn là một tờ báo nào đó. Đơn giản, tờ báo không đại diện chính thức cho bộ máy chính quyền mà nhiệm vụ của báo chí chỉ là thông tấn đơn thuần.

Nhưng chuyện tạo ra một kênh kiểm chứng chính thức và cập nhật của bộ máy chính quyền cũng chỉ là vấn đề bề nổi. Quần chúng có chịu tin vào kênh kiểm chứng ấy hay không mới là chuyện quan trọng. Điều gì đủ sức nặng khiến quần chúng tin vào kênh kiểm chứng đây? Nó chính là tư cách, uy tín của những người trong bộ máy ấy và cách làm việc của họ nữa. Một ví dụ đơn giản là chuyện chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh suốt thời gian qua. Trước khi áp dụng Chỉ thị 16, trước khi tiến hành thắt chặt việc không ra đường sau 18h hàng ngày có những sự kiện mà chúng ta đáng lưu tâm. Đó là có tin đồn bắt đầu rải ra về các quy định kể trên. Rồi kế theo tin đồn ấy là những khẳng định "đó là tin thất thiệt" từ chính một vài nhân vật trong bộ máy, được đăng tải chính thức trên các báo. Sau đó là gì?

Mọi thứ diễn ra đúng như tin đồn, chỉ chậm hơn 1-2 ngày. Vậy thì làm sao có thể thuyết phục quần chúng không tin vào tin đồn đây? Ở đây, trách nhiệm không chỉ quy vào chỗ một vài nhân viên "nhanh tay" chia sẻ tin tức từ các cuộc họp cho người quen rồi từ đó loang ra tin đồn. Trách nhiệm cần phải quy vào chính sự nhất quán của cả một tập thể trong bộ máy đang đảm trách những nhiệm vụ chống dịch thì đúng hơn.

Đòi hỏi người dân tự có trách nhiệm kiểm chứng thông tin thực tế là một đòi hỏi chưa chính đáng nếu chính bộ máy chính quyền không cung cấp một kênh kiểm chứng thông tin đáng tin cậy cho họ và chính các cá nhân trong bộ máy không tạo được một uy tín tin cậy đối với quần chúng. Và còn giữ cái đòi hỏi chưa chính đáng ấy, sẽ vẫn còn những vụ xử lý kiểu "phạt 7,5 triệu" trong khi tin giả vẫn liên tục vươn vòi.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.