Kêu ca nhân

Thứ Hai, 02/10/2023, 18:06

Trong các loại nghiện thì nghiện kêu ca là một cái nghiện có tính lây lan nhiều nhất. Khi bất bình với cuộc đời, kêu ca nhân cảm thấy mình cao hơn cuộc đời một cái đầu. "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tiêu diệt"…

Sống làm sao được ở cuộc đời này, một kêu ca nhân cho hay. Nghiện kêu ca còn lây ra cả cấp quản lý. Có vị đốc học đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng học sinh lúc đầu giờ vì e rằng học sinh không hạnh phúc. "Sáng sớm, học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài", vị đốc học cho hay.

Kêu ca nhân đòi cảnh sát giao thông cũng không được kiểm tra bất ngờ, không được đặt máy bắn tốc độ ở nơi khuất vì e rằng người tham gia giao thông sẽ buồn. Trong khi cảnh sát Âu Mỹ làm vậy thì họ lại không có ý kiến gì.

Cộng đồng kêu ca nhân rất đề cao việc học mà chơi, chơi mà học kiểu Tây. Họ chẳng hề hiểu rằng, những sản phẩm giáo dục của Tây mang tính thương mại thì luôn phải biết giữ khách. Tất cả những mánh khóe truyền cảm hứng chỉ có thể tốt đối với các nhà kinh doanh chứ chẳng giúp gì cho các nhà khoa học tương lai. Trong khi ở ta, các anh chị tinh hoa ra rả về trường học hạnh phúc thì các học sinh tại các cường quốc vẫn cạnh tranh học hành quyết liệt. Một trí thức tây nói: "Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước".

Các gia đình Việt Nam trọng việc học thường dạy con cháu rằng khi người ta chơi, mình học. Khi người ta ngủ, mình học. Khi người ta học, mình phải học nhiều hơn. Việc học là một lao động đặc biệt cần nhiều nỗ lực chứ không phải chuyện cảm hứng.

Kêu ca nhân đòi không ưu tiên bất kỳ học sinh nào ở vùng sâu vùng xa. Họ đòi những con em thành phố và con em miền núi phải "bình đẳng" trong thi cử, xét tuyển. Trong khi con em thành phố được cha mẹ đưa đón đi học, trang bị tận răng đủ môn học, mà con em miền núi thì tiền mua bộ sách cũng không đủ.

Ở những vùng cao, nơi trẻ em chưa thoát khỏi những quan niệm lạc hậu về việc học thì những con em vượt khó vươn lên không cần khuyến khích sao?

Ở bản Tả Phìn, Sa Pa có cô Mẩy Pham người Dao Đỏ là người phụ nữ duy nhất trong xã có trình độ đại học. Để có được học vấn, từ nhỏ, Mẩy Pham đã phải vượt qua định kiến để nuôi ước mơ học hành. Nơi ấy, con gái đến tuổi cập kê là tính chuyện lấy chồng, sinh con là hết chuyện. Người anh ruột còn cảnh báo, muốn đi học phải tự kiếm tiền mà ăn, mà mua quần áo. Mẩy Pham phải đi bán thổ cẩm, lá thuốc tắm ở Sa Pa, chăn trâu thuê để kiếm tiền học hành cho tới đại học. Mẩy Pham đã là người đi đầu trong việc áp dụng, nhân rộng mô hình homestay để nhiều gia đình trong xã phát triển du lịch.

Ở bản Tà Số (Mộc Châu, Sơn La) trong khi các bạn đi lấy chồng, sinh con, thì nữ sinh người Mông Mùa Thị Mai đỗ vào đại học. Mai không có tiền để theo các gói ôn thi đại học nên phải tự ôn luyện. Bố mẹ của Mai đều không đọc được chữ nên ý chí của Mai không được phép nghỉ ngơi.

Nữ sinh người Dao Chảo Thị Yến ở Lào Cai sống ở nơi mà việc học hành còn bị kỳ thị, nhưng đã đỗ đại học. Ngày về thủ đô học đại học, muốn có người chở xe máy qua 8 cây số tới bến xe nhưng không ai đồng ý. Không ai sợ tốn xăng xe nhưng việc học cao là rất kỳ dị. Nhập học đại học ở Hà Nội đã là kỳ tích, nhưng khi ấy, Yến mới biết có thể phấn đấu học nước ngoài. Yến quyết tâm và làm được.

Kể hầu vài câu chuyện để thấy rằng những kêu ca nhân đòi bình đẳng với những người vùng cao mới là bất công. Người vùng cao không thua về trí tuệ, họ chỉ thiệt thòi về hoàn cảnh. Nếu không có sự ưu tiên thì làm sao có những con người ghé vai xây dựng vùng cao ngày càng giàu đẹp. Nếu ta luân chuyển các kêu ca nhân lên đỉnh núi để ba cùng với bà con thì họ có đi không. Hỏi đã là trả lời.

Đã trót lấy kêu ca làm lẽ sống thì các kêu ca nhân cứ phải lên tiếng như dàn đồng ca ếch đồng.

Cổ nhân nói ngắn gọn, nhìn thấu thì không nhiều lời; hiểu người không cần phán xét; hiểu lý không màng tranh biện. Hãy làm cái gì đi thôi. Nói nhiều thì chẳng nghe được lời nói nào hay. Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối phải không ạ?

Tả Từ
.
.