Gỏi cuốn và World Cup

Thứ Sáu, 21/10/2022, 14:04

Mới cữ 3 rưỡi chiều, vừa xong một buổi thảo luận sôi nổi, tôi và người bạn đồng nghiệp không hẹn mà cùng thốt lên “đói nhỉ?”. Hóa ra, để kịp buổi họp lúc 1g trưa, cả hai thằng đều quýnh quáng ăn chút gì đó nhanh nhanh.

Nó thì làm suất bún chả ở tiệm ngay cạnh văn phòng còn tôi thì tạt ngang ăn bát phở trên đường ghé điểm hẹn. Không còn sức trai trẻ thanh xuân nữa, cùng xấp xỉ 50 tuổi rồi, ấy vậy mà cả hai vẫn không thể cảm thấy được “nai nịt” đủ với hai khẩu phần ăn như thế. Bởi vậy, mới họp xong đã than đói.

Nhưng mới cữ 3 rưỡi chiều, kiếm cái gì ăn cũng lỡ dở. Ăn no quá thì tới tối muộn mới dùng bữa, ăn trễ quá không tốt cho sức khỏe, lại dễ béo bụng. Cố mà nhịn để tới cữ ăn tối luôn thì cồn cào quá, tới bữa ăn mất cả ngon. Đó là còn chưa kể lỡ có độ nhậu đột xuất, uống vào bào mòn bao tử, hôm sau ngủ dậy mệt phải biết. Cữ này, chỉ có cái gì đó nho nhỏ, gọn gọn, gọi là tạm lót dạ chút xíu thì hay biết mấy. Vừa may, có cái xe bì cuốn, gỏi cuốn đi ngang. Không nói không rằng, tôi gọi một phần bì cuốn, 1 phần gỏi cuốn, mỗi phần 3 cuốn. Hai thằng chia nhau cũng đủ qua cái đói ngang hông này.

a (4).jpg -0

Phải thừa nhận, Việt Nam có một đặc trưng ẩm thực rất tiêu biểu là các thứ cuốn. Từ nem (chả giò) cho tới bò bía, bánh xèo…, tất tần tật đều được cuốn với một công thức chung nhất là món chính (như bì chẳng hạn), rau kèm và nước chấm. Nhìn rộng ra, thực tế các món cuốn kiểu ấy không khác với salad của phương Tây hay nộm/gỏi trộn ở ta là mấy. Cái khác duy nhất là thay vì trộn lẫn, tất cả được xếp lớp và được bao lại bằng bánh tráng/bánh đa hoặc rau bản lớn trong hình dạng cuốn. Và với hình dạng, công thức cơ bản này, vô vàn món cuốn sáng tạo đã được ra đời đủ để ta có thể tổ chức một bữa tiệc toàn cuốn là cuốn, từ khai vị, món chính cho tới tráng miệng.

Hai thằng ngồi tỉ mẩn mấy cái cuốn được cắt đôi, nhìn dòng xe xuôi chiều trên phố và bỗng dưng nói chuyện bóng đá. Trên trời dưới bể gì, đàn ông nhiều khi cũng chỉ quy về một mối là bóng đá. Sắp World Cup nên lại càng có chuyện để nói. Và thằng bạn tôi, với mặc định suy nghĩ tôi là “chuyên gia”, đã hỏi một câu mà tôi ngán tận cổ vì nhiều người hỏi quá, rằng “bao giờ Việt Nam mình đi World Cup nhỉ?”.

Gỏi cuốn và World Cup  -0

Sực nhớ tới World Cup futsal, rồi World Cup U20, những giải đấu mà Việt Nam góp mặt ở Vòng chung kết rồi, tôi buông một câu rất “chuối”: “bao giờ đừng ăn bún chả với phở nữa ông ạ”. Thằng bạn tưởng sẽ há hốc miệng vì câu trả lời đầy tính ném đá cuộc họp và vô cùng thiếu trách nhiệm nhưng ai dè đâu nó lại gật gù: “Ừ, ông nói đúng. Ăn thế thì đá thế nào được. Nhìn thể lực, thể chất người Việt mình so với bọn mắt xanh mũi lõ mà nản ông ạ”. Câu nói ấy của người bạn khiến tôi ngẩn người nhớ lại cái cách mà Quang Hải ra sân ở giải hạng nhì của Pháp. Đúng là cái yếu, cái thiếu của ta so với đối thủ nằm ở cái nền tảng thể chất ấy. Thể chất kém hơn, dẫn tới các va đập ta yếu thế hơn. Mà muốn cải thiện nền tảng thể chất, chỉ có cải thiện lại dinh dưỡng mà thôi.

Gỏi cuốn và World Cup  -0

Thực tế, ăn một tô phở buổi sáng, hay thậm chí hai tô một bữa sáng, kèm thêm hai trứng trần chẳng hạn, có làm con người ta có sức mạnh được như người phương Tây hay không? Thể hình Á đông vốn dĩ đã nhỏ con hơn phương Tây, cách ăn của người Á đông cũng khác, do đó thể chất chúng ta luôn có phần lép vế. Hai tô phở, hai trứng trần thực tế chỉ là một sự cố gắng bù đắp bằng lượng mà thôi. Người phương Tây chưa chắc đã khỏe vì họ ăn nhiều. Cơ bản, họ có thể chất như vậy là từ cách họ ăn, ăn cái gì, ăn thế nào mà thôi.

Thế thì điều chỉnh lại, vẫn ăn một tô phở, nhưng thay vì ngần ấy bánh, ngần ấy thịt, thử điều chỉnh thành ít bánh hơn và thịt thì đầy nhóc, kiểu như gần 1kg thịt bò cho một tô phở thì sao nhỉ? Ăn kiểu này có khỏe hơn hay không còn phải chờ các bác sĩ dinh dưỡng đưa ra kết quả cuối cùng, nhưng chắc chắn là sẽ không ngon hơn rồi đấy. Gớm chết, một tô phở mà tới 1kg thịt bò thì rõ ràng đó là một sự xúc phạm nặng nề đối với phở mất rồi.

Người Nhật, người Hàn bắt đầu có được thể chất có thể đối đầu được với người phương Tây cũng do cả hơn 1 thế kỷ qua họ thay đổi cơ chế dinh dưỡng trên bàn ăn phổ thông thông qua việc dùng thịt bò nhiều hơn. Nhưng để tạo ra một cơ chế dinh dưỡng phổ thông như thế, họ cần có cả những quá trình kiến tạo các món ăn mới từ loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để từ đó món ăn mới đi vào phổ cập được. Nói gì thì nói, ăn là phải ngon. Còn nếu để cho có chất thì thà mang thịt bò ra xay sinh tố rồi nhắm mắt nhắm mũi mà uống là được rồi.

Một tô phở, một suất bún thực tế không làm người ta có thể đủ no để lao động cả ngày. Hàm lượng dinh dưỡng từ nó mang lại không nhiều. Nhưng hàm lượng văn hóa từ những tô phở, suất bún, cái bì cuốn… thì lại phong phú vô cùng. Thực sự, dù chưa phải là kẻ đi nhiều, nhưng so với những quốc gia tôi đã đi qua, tôi dám khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia có thực đơn ăn sáng phong phú số 1 thế giới. Ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng hay Sài Gòn đi nữa, mở cửa bình minh là ta có thể gặp vô vàn lựa chọn. Nội phở không thôi đã có nào chín, tái lăn, tái nạm, phở xào, phở gà, phở trộn, phở chấm. Rồi bún thì thiên la địa võng với bún thang, bún bung, bún mọc, bún bò, bún xương... Đó là còn chưa kể đến các thức điểm tâm sáng khác nữa. Nói không ngoa, mỗi sớm, người Việt có thể có tới vài chục lựa chọn cho bữa sáng của mình.

Và quà sáng của người Việt cũng thể hiện chính cái tinh thần văn hóa Việt rất rõ nét. Nó nhẹ nhàng, nó tinh tế, nó không “lấy thịt đè người”. Cái gì, món gì, thức gì cũng chỉ chút chút chứ không ngồn ngộn như ở vài quốc gia khác. Cái chút chút đó khiến người Việt no đấy nhưng không no lâu, không nặng bụng và dù là bất kỳ món nào đi nữa, được bán giữa thành thị đô hội đến mấy đi nữa, cái gốc gác ruộng vườn vẫn còn vương vấn đấy, từ cái riêu cua đồng trở đi cho tới lá rau gia vị trộn lẫn…

Sẽ ra sao nếu một mai chúng ta tỉnh dậy và thực đơn ăn sáng của người Việt chỉ còn gói gọn lại trên đầu ngón tay. Thay vào những tinh tế kia là những món đủ đầy dinh dưỡng, có thể biến chúng ta thành những người “khổng lồ”? Buồn phết đấy, hay là buồn lắm đấy, bạn nhỉ?

Gỏi cuốn và World Cup  -0

Nghĩ đến đó, tự dưng tôi buột miệng nhìn sang anh bạn “Mà Việt Nam cũng chẳng cần đi World Cup. Đi được thì vui, không đi được cũng chả chết ai”. Nếu phải đánh đổi cái tinh tế của từng bữa ăn sáng để được giàu dinh dưỡng hơn, có thể chất đủ đối kháng với người phương Tây, tôi nghĩ nhiều người sẽ chẳng đánh đổi làm gì. Mà suy cho cùng, việc gì phải đổi khi cái sự đổi ấy là không cần thiết. Muốn nâng cao thể chất Việt, với chế độ dinh dưỡng khác, tại sao chúng ta không sáng tạo món mới cho bữa trưa, bữa tối. Còn bữa sáng, cứ để nguyên như thế mà vui.

Mấy cái bì cuốn, gỏi cuốn đã hết rồi. Tôi và anh bạn cũng hơi ấm bụng. Chừng đó là đủ để cầm cự tới 6-7 giờ chiều. Tôi tự hỏi, nếu không phải là ở xứ mình mà đang lang thang ở một nước nào đó, trong lúc đói giữa bữa như lúc này, tôi sẽ có những lựa chọn gì nhỉ? Chắc chắn là có, nhưng có thể đa dạng như những gì đang bày sẵn ở quê nhà hay không? Câu hỏi này, những người xa quê chắc rành hơn tôi nhiều lắm…

Hà Quang Minh
.
.