Đường lên nóc nhà thế giới Tây Tạng

Thứ Sáu, 02/01/2015, 17:13
Năm 2000, chào thiên niên kỷ mới, ở tuổi 24, tôi đã đi gần hết các tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên, không may mắn như nhiều bạn trẻ bây giờ, tôi bước ra thế giới theo nghĩa là một cái gì đó giống như để trở thành “công dân toàn cầu”… hơi muộn.

Nhiều lúc thích câu thơ của Nguyễn Bính: “Giày cỏ gươm cùn ta đi đây”, có lúc lại véo von trong tiệc rượu “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Và nữa, “Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Quả thật, như trong câu hát văn viết về ông hoàng Mười “say nợ tang bồng, tỉnh lại say”, cái khát vọng được Đi nó đã ủ sẵn từ nghìn thuở trong nhiều người như một món nợ tiền kiếp.

Hết châu Âu, sang châu Phi…, đi dọc 5 trong tổng số 6 nước có sông Mê Kông kỳ vĩ và huyền thoại chảy qua, đến một ngày anh bạn già rỉ tai: nếu chưa đi Tây Tạng, thì cậu chưa thể hình dung được hết chiều rộng, chiều sâu của núi sông, của tôn giáo, của cõi người càng sống càng thấy mênh mang này đâu. Người ta gọi Tây Tạng là “cực thứ ba của trái đất”, bên cạnh Bắc Cực, Nam Cực, nó là cực Nóc Nhà Cao Nhất. Đó cũng là Miền Đất Chư Thiên, nơi mà chỗ nào các thiên thần cũng ngự, nơi thế giới tâm linh trùm lấp và chi phối mọi thứ. Một thế giới khác tinh khiết, cao vọi và mê đắm.

Sabine, anh bạn người Israel của tôi bảo, tớ rất giàu, giàu hơn cậu và những người bạn cậu mà tớ từng biết ở khắp Việt Nam. Không nhà lầu, không xe hơi, cũng chẳng quyền chức thọc chân vào gầm bàn để toan tính. Cậu ta chìa ra cuốn hộ chiếu chi chít “dấu triện” của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà cậu ấy đã đi qua. Tài sản là đây, trí tuệ và quyền lực của tớ là đây.

Dĩ nhiên, cậu ta chẳng đi theo kiểu leo núi cắm cờ, chụp ảnh “đánh dấu” lên face book rằng: “Lão Tôn đã đến đây”. Gặp cậu ta, bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ óc sáng tạo và sự hiểu biết của một người “đọc ba vạn cuốn sách và đi hết các núi sông trong thiên hạ”. Việc “show” (chìa) ra cái hộ chiếu lẫy lừng của Sabine đã như một hành động khích tướng, khiến tôi buông bỏ đám bận bịu đầy tham sân si của mình và lên đường.

Bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, bay tiếp từ nơi có độ cao bằng mực nước biển (với thủy triều vẫn hằng ngày ngập khắp phố phường khiến người dân Sài thành khốn đốn), vù sang Thẩm Quyến, chuyển tiếp sang Tứ Xuyên (Trung Quốc), rồi mới ù ù ì ì băng qua nghìn ngọn núi tuyết lên đến thủ phủ Lhasa cao hơn 4.000m so với mực nước biển của Tây Tạng. Nhưng không phải đợi đến đủ 4 lần cất và hạ cánh, thì miền đất chư thiên, kinh đô ánh sáng, cực thứ ba của thế giới mới hiện ra. Ngay ở sân bay Thành Đô (Tứ Xuyên), gương mặt đặc sệt không tài nào lẫn đi đâu được của người Tạng đã thấp thoáng.

Những người đàn ông vạm vỡ, mắt sắc với ánh nhìn của đại bàng núi, da khét nắng, tóc cháy gió, dáng đi uyển chuyển như con báo hoa. Vài phụ nữ túm tụm rì rầm tụng niệm. Có gì đó an nhiên tự tại, mặc kệ ông đi qua bà đi lại. Hầu  hết họ mặc áo thâm, tay lần một cái vòng với nhiều hạt gỗ bóng nhẵn. Tôi đến gần, hóa ra họ đang đọc thần chú hay kinh kệ gì đó. Đôi mắt họ, dường như lúc nào cũng vượt qua cõi người này để đến với miền chư thiên, cái việc tôi loay hoay chụp ảnh họ có gì đó thật ngớ ngẩn, nó không đáng để họ thân thiện mỉm cười hoặc tức giận.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp những người đàn bà Tạng “cổ kính” lần tràng hạt ngồi trên cỗ máy bay hiện đại vào bậc nhất hành tinh ấy là gì? Là tiếng thở dài: “mình thật vô đạo”. Tôi đã quy y cửa Phật, gặp chùa vẫn len lén thấy lòng thanh thản, vậy nhưng, ngay cả khi đứng trước tượng Bồ Tát, giữa hương, trầm và tiếng tụng kinh gõ mõ, tôi vẫn hằng nghĩ về những việc khác và muốn những việc khác - chứ chưa bao giờ đủ đau đáu và da diết với Phật.

Ngược đường trời, tôi có cảm giác máy bay đi đường dốc chếch mãi từ mặt nước biển (TP Hồ Chí Minh) lên nóc nhà thế giới với thủ đô ở nơi cao nhất của địa cầu: Lhasa. Dù “leo núi thở dốc” với con chim sắt khổng lồ ấy, nhưng các cô tiếp viên người Tạng lại không cố tỏ ra mình quan trọng thông qua việc bắt hành khách “ngồi im dựng thẳng lưng ghế” một cách hách dịch như ở Việt Nam. Các cô bé xinh như người giời, cười nói thương mến cứ như tất cả đều đang ở tiên cảnh không có một lo toan bụi trần nào ấy. Họ múa hát lí lơi, áo váy bay tung tăng. Các dải khăn trắng muốt cứ bay theo điệu dân vũ đẹp đến xiêu lòng, rồi tiếng hát ngân lên, đúng cái điệu vút cao dài như gió núi, dàn nhạc thì đặc sệt âm hưởng các bài ca hoang dã thả rông giữa các thảo nguyên miền Phật giáo Tạng truyền.

Chẳng phải là một chuyến phi cơ kiêu dũng leo lên đỉnh trời phải “thắt dây an toàn thật chặt và dựng thẳng lưng ghế, gấp bàn ăn” quá khắc nghiệt đâu, đây là một bữa tiệc giữa lòng chảo đầy băng tuyết vĩnh cửu của dãy Hymalaya, của đỉnh cao muôn trượng Everest. Một cô em tiếp viên hàng không người Tạng cứ uốn lượn cầm dải khăn trắng dài thượt đến, cúi xuống quàng vào cổ tôi. Cô nói lời chúc phúc. Vài cô khác cũng làm thế với vài hành khách khác.

Sau này, lang thang ở nhiều thành phố, ở các tu viện xứ Tạng, tôi cũng được nhiều người cầm khăn trắng quàng cổ mình để chúc phúc theo quan niệm cổ truyền của họ nữa. Nhưng bữa tiệc ánh sáng, âm thanh, các điệu dân vũ với mỹ nữ xứ Tạng ở trên bầu trời trắng nhức mắt toàn các dòng sông băng và các rặng tuyết sơn kỳ vĩ kia vẫn là ám ảnh nhất. Họ cho du khách tương đối tự do đi lại để chụp ảnh bầu trời xanh như các miếng ngọc bích khổng lồ, mây và tuyết băng cũng trắng như… không có thật.

Trong một ngôi chùa của người Tây Tạng ở Lhasa.
Đặc biệt là các dòng sông băng trắng nhức mắt, thỉnh thoảng có những thung lũng bị chính sông băng che khuất ánh nắng nên chuyển sang màu sẫm đen. Các đỉnh núi cao nhất thế giới đều quây quần dưới cánh bay của chúng tôi, đây, Everest 8.850m, kia Namzha Pawa cũng 7.756m.

Từ triệu triệu năm qua, có lẽ chưa một ai đặt chân đến các thung lũng hoang vắng tột độ, chỉ có băng giá vĩnh cửu này. Cũng chưa bao giờ núi tuyết và sông băng nơi này tan chảy. Nó cứ khắc nghiệt và đẹp tuyệt kỹ như vậy. Những người bạn tôi đều bảo rằng: riêng việc trèo lên máy bay chiêm ngưỡng, chụp ảnh các dãy núi tuyết và các dòng sông băng dài hàng nghìn cây số ngoài cửa con chim sắt hiện đại này, thì cũng đã đủ để khiến ta phải trả tiền cho người Tạng rồi. Bay lên đến xứ Tạng ngắm thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt sắc hai bên cửa kính phi cơ, rồi lại bay về ngay, cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm chứ.

Sau này có dịp đi Nepal, Nam Phi và nhiều nước khác, tôi mới hiểu, đúng là thế giới có cả hình thức du lịch ngồi máy bay ngắm cảnh một dãy núi, một vịnh biển, một kỳ quan. Tức là bỏ tiền, leo lên helicopter (trực thăng), bay vèo vèo đi ngắm cảnh rồi bay về chỗ cũ, không hạ cánh ở đâu khác cả. Ngay Nepal, các bạn có hãng hàng không Đức Phật, với tua đi ngắm Hymalaya, đỉnh Everests cao 8.850m, cao nhất thế giới như thế.

Tác giả (bên phải) với chó ngao Tây Tạng bên bờ hồ Bọ Cạp.

Thật khó để diễn tả được cảm giác là lạ ở nơi cao vời vợi với cái gì cũng nhất quả đất. Miền đất cao nhất, thủ đô cao nhất, con đèo cao nhất, Di sản văn hóa thế giới - cung điện Potala… tất tật đều cao nhất thế giới. Những hồ nước ngọt và hồ nước mặn cao và kỳ ảo nhất thế giới.

Cách “xử lý” người chết vào loại rùng rợn nhất thế giới: điểu táng (thiên táng, băm nhỏ xác người chết cho chim kền kền ăn), thủy táng (băm nhỏ thi thể người ném xuống các nhánh thượng nguồn sông Mê Kông cho cá ăn - sông ấy cuối cùng chảy về Việt Nam)… Đập vào mắt “khách ở viễn phương” mới nhập Tạng, ấy là một cái sân bay bị cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, tiếng Tạng đều gọi vui là “phi trường chuồng gà”.

Vừa rời sân vận động tổ chim ở Bắc Kinh, lên Tạng, lại gặp ngay cái chuồng gà. Thật ra thì họ không cho nhà ga tàu bay này chết danh với hai chữ “chuồng gà” thì tôi cũng sẽ gọi nó như vậy. Bởi từ chín tầng mây nhìn xuống, “cánh cửa” duy nhất đón chúng tôi nhập Tạng là sân bay đó; vậy mà nó được thiết kế hình những nan sắt thép đan nhau khá đơn giản, y như lối họ đan sọt úp gà.

Xung quanh lại xám ngoét núi non, lác đác vài đỉnh cao tuyết trắng lấp lóa, tuyết tan chảy lẫn vào đất đá xám, cứ như ai đó đổ kem ra đất cát cạnh… chuồng gà. Không cây cối, cũng chẳng thấy mây bay gió thổi. Y hệt một cái chuồng gà đan bằng nan tre, nằm giữa một khu vườn ruộng cỏ úa cháy cỗi cằn nhất.

Trong sân bay, nhiều nhất vẫn là thịt bò (trâu) yak các loại. Thứ sấy khô, thứ còn tươi nguyên đỏ máu, thứ cắt lát bằng ngón tay, thứ để cả khoanh to đùng, thứ ướp tẩm ngọt lịm, thứ cay chảy nước mắt. Sừng to, thân to, vừa kéo cày vừa vận chuyển hàng hóa, vừa thay con trâu vừa kiêm con ngựa, lông dài cả mét trùm từ lưng xuống đất, trùm từ trán xuống móng chân để chống lại cái lạnh kinh hoàng của nóc nhà băng giá của thế giới, trâu yak là con vật gắn bó bậc nhất với người Tạng.

Mà đi cả xứ Tạng, ngoài vài con cừu với đám chó ngao dữ tợn, thì chẳng thấy con vật nào khác ngoài trâu yak. Nó có mặt ở mọi nơi, ở mỗi gia đình.  Nó cấy cày cho người ta. Nó cho người ta sữa để uống mỗi ngày; cho người ta mỡ để đốt trong hàng nghìn chùa chiền, tu viện 24/24, quanh năm suốt tháng (suốt hàng trăm, hàng nghìn năm qua!); cho người ta thịt để ăn và bán ở khắp nơi; cho người ta lông để làm áo quần chăn đệm chống lại giá rét; đặc biệt, nó cho người ta phân để đốt trong mỗi cái bếp, mỗi ngôi nhà xứ Tạng. Ở các vùng nông thôn mà chúng tôi qua, không có củi, không có gas, 100% bà con nắm phân trâu yak thành bánh, thành khối, ném nó lên bờ tường cho khô ráo rồi dùng để đun nấu, sưởi ấm.

Ở Tây Tạng, chỉ lệch so với Việt Nam khoảng hơn 1h đồng hồ. Nhưng vì đây là kinh đô ánh sáng của trái đất theo đúng nghĩa đen, nên hàng năm bà con được đón lượng ánh sáng nhiều nhất nhì thế giới. Vì là nơi cao nhất, nên hẳn nhiên họ gần mặt trời nhất. Đến 20-21 giờ mỗi ngày mà ngoài trời nắng vẫn chưa tắt. Đi ngoài thảo nguyên mênh mông, trên các con đèo cao nhất thế giới như Kampala, Semola, rồi cả các bến nước huyền hoặc với tục xẻ xác người ném cho cá ăn (thủy táng), chúng tôi luôn bắt gặp thiên la địa võng các loại cờ phướn đặc trưng của người Tạng.

Những lá cờ xanh đỏ bay phất phơ trong gió. Có khi cả một ngọn núi nhuộm xanh đỏ tím vàng rực rỡ toàn cờ phướn. Có khi cờ phướn từng dây dài tết với nhau thành bó lớn, chăng ngang quốc lộ từ Lhasa đi Seagate, trùm từ núi tuyết xuống đến bờ sông Yarlung Zangbo (thượng nguồn sông Mê Kông). Có khi cả một tu viện không còn màu ngói, màu tường nữa vì cờ phướn. Người Tạng quan niệm rằng, nếu bạn viết điều “mật chú” thiêng liêng của bạn lên cờ phướn (giống như một đạo bùa), giương nó lên trong gió, trên núi, trên các đống đất đá do họ xếp (gọi là gò manidoi) thì gió dũng mãnh sẽ về và mang điều chú niệm ấy đi xa.

Đi lên với Trời, với Chư Thần ở vùng đất Chư Thiên. Sau này đi các nước như Nepal, Ấn Độ, tôi cũng gặp rất nhiều con phố, nhiều ngôi chùa, ngọn núi tràn ngập sặc sỡ toàn sắc màu cờ Tạng cũng như hàng trăm các gò đá manidoi xếp cao ngất ngưởng hoặc nhỏ xíu như đồ chơi trẻ con. Có thể đứng từ xa, có thể chỉ đảo mắt qua các góc trời cờ phướn đó, người ta dễ dàng nhận ra “di tích”, dấu ấn văn hóa không lẫn đi đâu được của cư dân xứ Tạng, dân tộc mộ đạo bậc nhất của nhân loại.

Khi từ Tạng hồi hương, nhiều người đến gặp tôi và nhờ tư vấn đi thăm Tây Tạng. Tôi bảo, đó là một thế giới hoàn toàn khác cái thường nhật ở ta, ở Mỹ, ở châu Âu, châu Úc. Đó là nơi duy nhất mà tôi luôn tin mình không có cơ hội gặp lại với cảm xúc ăm ắp và ảo diệu ngần ấy nữa, tôi đã viết vào các cuốn sách lừng danh viết về xứ Tạng như “Thiên táng”, “Bên rặng tuyết sơn” hay “Con đường mây trắng”, rằng: Everest, tôi xin hẹn gặp ngài ở kiếp sau.

Vả lại, Tây Tạng, cũng là nơi có thể tôi sẽ không dám quay lại nữa, dù miền đất chư thiên dưới chân các rặng tuyết sơn vĩnh cửu ấy đẹp nhất trong những quốc gia tôi từng may mắn đặt chân đến. Bởi, nếu có lần nào đó cận kề cái chết nhất mà tôi đã trải qua, thì đích thị đấy là khi bị hội chứng độ cao vì leo núi trong không khí quá loãng. Tôi gặn chắt từng chút sức tàn để có thể thở được thêm một hơi nữa. Thở xong, cũng chỉ dám hy vọng mình còn được thần linh cho tiếp tục thở hơi tiếp theo.

Tôi tụng niệm rằng, nếu được thở một hơi nữa trên bờ hồ Namsto không tưởng tượng nổi (1.940km², lại là nước mặn!), ở nơi cao không tưởng tượng nổi với nước xanh như miếng ngọc bích, như không có thật ấy, thì nhất định khi được sống làm người, con xin hứa với chư vị thần linh: con sẽ trở thành một tín đồ mộ đạo hơn cái thằng con còn quá nặng tham sân si như bây giờ. Bởi vì sao? Vì ở con đèo cao nhất mà loài người có thể lái xe đến được này, ở xứ sở thiên đường với các hồ nước mặn giữa lưng trời tuyết trắng này, với vẻ đẹp lộng lẫy này, con đã hiểu, ngần ấy chứ có đến mười ngần ấy tham sân si cũng thật nhỏ bé và chẳng để làm gì - trước các ân sủng to lớn của Thượng đế mà con vừa “vén mây trông tỏ mặt giời”…

Đỗ Doãn Hoàng
.
.