Di sản là nguồn sống
Biển hiệu ngày xưa thường là tấm biển vừa vặn với cổng hoặc cửa nhà. Biển có thể làm bằng gỗ, kẻ chữ bằng sơn. Thời xưa thì không cần phải khổng lồ để dễ nhìn từ xa. Vì thế các biển quảng cáo thường vừa phải, gọn gàng với ngôi nhà.
Thời kinh tế mở cửa, các cửa hiệu luôn lo lắng mình bị "lép" nên có xu hướng tăng kích thước lên. Hầu hết biển hiệu làm bằng mica đủ màu với kích thước càng to càng tốt, chữ nổi kiểu 3D thật "ngầu". Chưa bao giờ font chữ vô tận như thời kỹ thuật số nên những người thợ tay khỏe chưa từng được đào tạo về đồ họa có thể tự tin thay thế những người thợ vẽ bàn tay vàng.
Công nghệ tạo chữ bằng máy tính đã làm cho những bàn tay vàng kẻ chữ tài hoa không còn được ai thuê. Kiểu chữ quá nhiều khiến các biển hiệu bị "bội thực" các kiểu chữ tả tơi hoa lá. Việc sắp chữ chỉ cần một người biết gõ text và kéo chuột. Thế là vô số những biển hiệu được treo mắc có sự hoành tráng rợn ngợp, song thẩm mỹ thì không hiếm trường hợp vô cùng thảm hại. Phố thủ đô, phố tỉnh lẻ, phố chợ thị xã bị làn sóng biển hiệu cồng kềnh, chen nhau che khuất.
Chỉ cần rời trung tâm Hà Nội ra vài chục kilomet về phía Ba Vì, chúng ta sẽ nhìn thấy bên đường nhà nhà dựng biển hiệu quảng cáo sữa tươi, sữa chua với những biển hiệu khổng lồ. Những biển hiệu sữa này to bằng ngôi nhà và tất nhiên to hơn cả một chiếc ô tô. Chỉ là sữa thôi nhưng biển hiệu thường có kích thước hơn chục mét vuông. Người ta dùng công nghệ in bạt rồi căng lên khung sắt, giá rẻ như bèo, tha hồ in những tấm biển với kích thước không hạn chế. Dọc đường là hàng trăm tấm biển tranh nhau "cưỡng bức" người tham gia giao thông phải nhìn thấy chúng. Những tấm biểu hiệu thô lỗ này đã che chắn tầm mắt của người vãng cảnh, xóa đi phong cảnh núi đồi và những cánh đồng.
Người thanh lịch nói đủ nghe, của hàng lịch sự không làm phiền mắt khách. Khu phố cổ Hội An luôn được là đối tượng của các nhiếp ảnh gia bởi sự đúng mức. Biển hiệu nơi này hầu hết được chế tác bằng gỗ thân thiện.
Những ngày này về Sa Pa sẽ khó mà có cảm giác đây là chợ của người vùng cao. Mấy chục năm về trước, khi phiên chợ chưa bị sự xâm thực của khách sạn, nhà hàng thì ta có thể gặp rất nhiều đồng bào người Mông, Dao… mang sản vật và thổ cẩm bày bán. Nam nữ người Mông hát với nhau. Các bà các chị người Dao đỏ ngồi thêu thổ cẩm trên các bậc thềm nhà. Chủ nhà và đồng bào luôn thân thiện.
Nay thì các dãy phố được khang trang hơn, những bức tường bậc thềm cũ không còn nữa. Những khách sạn hoành tráng và vô số cửa hiệu chi chít bên nhau. Những biển hiệu thô lỗ to lớn dùng kỹ thuật đèn led lập lòe làm biến dạng thành phố. Những người bán rong thổ cẩm không còn đông đảo như xưa. Họ không còn chỗ để ngồi trên bậc thềm nhà nữa. Trong nhà người ta bán rất nhiều thổ cẩm cũng không khác gì đồ của người bán rong. Hình ảnh SaPa nên thơ có sự đóng góp lớn của những đồng bào bán rong thổ cẩm đi trong mây. Nếu họ thưa vắng thì hình ảnh nơi này mất đi ký ức. Có một thực trạng nhiều năm nay là người bán rong, đặc biệt trẻ em có thói quen chèo kéo làm phiền khách nên các nhà quản lý địa phương phải nghiêm. Vì thế, trẻ em bán thổ cẩm rong không còn nữa.
Việc quản lý nghiêm là đúng đắn nhưng nên khoanh vùng triệt để sự chèo kéo. Muốn thu hút du khách thì hình ảnh quan trọng vẫn là phải có đông đảo bà con các dân tộc tụ hội. Người kinh doanh và bà con có đời sống cộng sinh cần đến nhau. Sự tương tác của đồng bào vùng cao với phong cảnh và du khách khẳng định sự tồn tại của thị trấn. Nếu thiếu hình ảnh người Mông, Dao, Giáy… thì SaPa cũng lơ lớ Tam Đảo hay Đà Lạt
Độ này, thông tin về SaPa được người ta quan tâm không phải là đẹp hay không mà là có "cháy phòng" hay không. Thị trấn chỉ còn là nơi dừng nghỉ với khách sạn tiện nghi để sau đó, du khách tỏa về các bản. Ở đó, du khách được xem in sáp ong, chế tác thổ cẩm, tắm lá thuốc, ngắm ruộng bậc thang.
Nếu quản lý khéo có thể khuyến khích du khách đến thị trấn này phải mặc trang phục thổ cẩm (mua hoặc thuê và mượn miễn phí) thì trong ống kính của nhiếp ảnh gia sẽ có một phiên chợ vùng cao màu sắc hoài niệm hơn. Việc yêu cầu du khách mặc đồ truyền thống địa phương thì một số nước khác cũng đã áp dụng chứ không phải sáng kiến gì mới mẻ.
Ở Hà Nội, trên đường phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây sấu già và biệt thự cũ, cuối tuần đông nghịt các cô gái đến chụp ảnh. Phố này tự nhiên trở thành một studio ngoài trời. Hình ảnh vừa là di sản và là nguồn sống. Không cần nói những câu to chữ lớn, phố cổ Hội An có một khẩu hiệu đơn giản: "Di sản là nguồn sống của chúng ta". Bảo vệ di sản thực ra không khác nào bảo vệ nguồn nước, sự sống của mình.