Chuyền chuyền một…

Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:42

Tôi đứng đợi dưới lề đường, cửa vào chung cư. O. ào đến. Chiếc xe dừng gọn gàng, ngay ngắn. "Anh cầm lên nhà cho trẻ con nhé. Bạn em nó mới bán, em ghé mua ủng hộ, mua cho trẻ con nhà anh luôn. Kem Tràng Tiền đấy"…

Kem Tràng Tiền đấy. Giọng lảnh lót của O. xa dần. Lâu rồi mới được nghe giọng con gái Bắc. Lại là kem Tràng Tiền nữa. Giữa cái nắng như thế này, những thức ấy tự dưng khiến lòng dịu hẳn lại.

"Kem ngon không anh?", lời nhắn của O. sau đó vài hôm khiến tôi sực nhớ. Mấy chục que kem Tràng Tiền đủ vị đã không còn cái nào. Lũ trẻ nhà tôi gặp kem chẳng khác gì được dịp phá kho thóc. Tôi cũng ăn, chỉ 1 cây duy nhất. Ấy là cây kem đầu tiên tôi ăn sau hơn 20 năm. Vốn dĩ không hảo ngọt, những thức ấy chẳng khi nào tôi đụng tới. Nhưng vì là thơm thảo của O. nên tôi cũng đã thử. Và chọn duy nhất một vị: vị cốm.

Chuyền chuyền một… -0

"Ngon lắm em ạ. Thực sự là hai chục năm rồi anh không ăn kem vì không hảo ngọt. Hôm nay em cho anh ăn kem Tràng Tiền, là ăn lại ký ức của hồi bé tí đấy". Tôi trả lời, thật lòng nhưng vẫn cảm thấy mình như đang nói dối. Đúng là ngon thật. Và ký ức thật. Nhưng khi mình không hảo ngọt mà lại khen đồ ngọt là "ngon lắm, ngon lắm", tôi cảm giác có lỗi như thằng Cuội.

Ngày xưa, kem Tràng Tiền là một thứ gì đó lộng lẫy lắm với tuổi thơ tôi, dù nhà tôi chẳng xa cái hiệu kem ấy là mấy. Những tối mùa Hè đi "bách bộ" với cha mẹ, kiểu gì cũng được dừng chân ở đó, ăn một que kem ngay bên vệ đường. Những cô mậu dịch viên hiệu kem Tràng Tiền oai phải biết. Kem thời đó cũng chẳng nhiều nhặn gì về vị. Chỉ là đậu xanh, cốm và vanilla.

Nhưng giữa buổi bao cấp khó khăn ấy, chỉ một vị cũng đủ rực rỡ cuộc đời lắm rồi. Và tôi luôn thích vị cốm. Nó dìu dịu, nó thơm thảo và cơ bản, nó Á Đông. Nó là cái phần rất Việt của một món quà vặt rất Tây và không hiểu sao, cho đến hôm nay, dù rất nhiều người mê kem cốm Tràng Tiền, tại sao cái món ấy không được tôn lên thành hồn túy của một địa danh nhỉ? Tại sao cứ phải lấp sau những thứ tầm thường hơn, như cafe trứng chẳng hạn.

Chuyền chuyền một… -0

Kem Tràng Tiền bây giờ vẫn giữ được cái phong cách vỉa hè thì phải. Lâu lắm không ăn kem và mỗi lần ra Hà Nội cũng chẳng ghé chân qua phố ấy nữa. Nhưng nhắc tới cái tên phố, chắc chắn là nhớ tới kem rồi, dù có thể chẳng có mảy may thèm thuồng nào. Nhớ những ngày tấm bé, mỗi trưa hè, lũ trẻ con trong xóm trốn ngủ, đứa nào cũng lủng lẳng cái chìa khóa trên cổ, dắt nhau đi bộ từ tập thể (ở gần viện 108) lên Tràng Tiền ăn kem. Có khi cả chục đứa mới góp nổi tiền mua hai ba que kem. Thế là cứ "tao một miếng"; "đến lượt tao", tranh nhau ăn cho đến tận khi cái que kem chẳng còn gì vẫn còn có đứa ngậm lấy ngậm để mà mút mát cái vị ngọt còn sót lại thấm trong thân que tre vót ẩu.

Bây giờ kem Tràng Tiền đã đóng gói công nghiệp để xuất đi ra ngoại tỉnh được luôn và cũng không còn cái que tre tội nghiệp ấy nữa. Thay cho nó là que gỗ công nghiệp dẹt dẹt, đẹp đẽ hơn nhưng lại vô hồn hơn. Tôi thích cái que tre của ngày xưa hơn vì với cái que tre ấy, lũ trẻ con thiếu đồ chơi có thể mang ra làm được bao nhiêu thứ. Thậm chí, thời đó còn đi nhặt cả que kem cũ vứt vương vãi lề đường để đem về chơi. Làm súng, làm đạn, vót trục xoay con quay hạt vải và đặc biệt là để đánh chuyền (mà trong nam gọi là chơi banh đũa).

Ngày xưa, cứ chục que kem cũ được rửa sạch sẽ với quả bóng bàn nho nhỏ là có thể bày ra một mâm chuyền được rồi. Thi thoảng, có đứa sang hơn, được bố mẹ kiếm ở đâu đó (mà đa số là từ chuyên gia Liên Xô) cho một quả bóng tennis đã cũ sờn. Cầm quả bóng tennis ấy trong tay, mặt chúng nó vênh đáo để. Nhưng bóng bàn hay bóng tennis gì thì cũng thế thôi, trên mâm chuyền, que kem Tràng Tiền cũ là nhất.

Chuyền chuyền một… -0

Cái tiếng lách cách (hay lịch bịch) của quả bóng cùng tiếng xoèn xoẹt của những que chuyền quét trên nền gạch lẫn trong câu đồng dao "chuyền chuyền một, một một đôi" đã trở thành âm thanh quen thuộc của bao nhiêu xóm nhỏ ở Hà Nội. Thời ấy thành phố vắng vẻ, thưa thớt, trẻ con nghỉ hè chủ yếu ở nhà. Cơm nước tự lo, ăn ngủ tự túc. Giờ trưa sợ ồn ào hàng xóm quá thì chơi chuyền. Phải đến 3g chiều thì các cuộc bóng đá vỉa hè, lòng đường mới bắt đầu. Nhưng bóng đá thì chỉ dành cho con trai. Còn đánh chuyền thì nam nữ phối hợp tất.

Ngồi ngẩn người nhớ ký ức với que kem Tràng Tiền ngày thơ, tự dưng lại thấy thương con mình quá. Giãn cách xã hội, 4 tháng trời lũ trẻ cứ giam chân ở nhà. Cũng may, nhà tôi còn đủ rộng cho chúng chạy nhảy. Phải những gia đình khác, căn hộ chật chội hơn, trẻ con biết chơi cái gì bây giờ. Nhìn cái sân chơi chung của chung cư vắng ngắt, như hoang phế với những sợi dây xanh đỏ ngăn chung quanh, lại càng thấy thương hơn. Ngay cả bạn quen của chúng bên láng giềng cũng có được gặp gỡ nhau đâu? Người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, con trẻ cách ly con trẻ. Ai chở mùa hè của chúng bỏ đi đâu mất rồi?

Rồi cái mùa hè tù túng ấy cũng đi qua, năm học mới cũng tới. Nhìn cảnh thằng con út của tôi bỡ ngỡ với lớp học online càng xót xa hơn. Năm nay nó mới vào lớp 1. Lớp 1 mà đã online rồi thì coi như bỏ. Trong thâm tâm, tôi tự xác định là coi như bỏ một năm, sẵn sàng cho con học lại năm sau. Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ theo cách tôi nghĩ. Nhiều gia đình chỉ có thể tính toán kế hoạch nuôi con ăn học chừng ấy năm thôi. Thêm một năm nghĩa là cha mẹ thêm một lần nặng gánh. Nhưng trẻ con lớp 1, lớp 2 thì học online đâu có hiệu dụng gì? Tuổi chúng nó cần cái sự ân cần của người thầy hàng ngày. Bây giờ, thầy nó hiện lên trên màn hình, qua cái ô nhỏ xíu xíu và tôi cũng cảm nhận được sự bất lực của người thầy ấy qua cái cách ông điều tiết một đám nhi đồng 6 tuổi cứ bật micro nói nhao nhao toàn những điều nhăng cuội. Chắc chỉ mỗi "ông giáo dục" là không hiểu cái cảnh ấy thôi. Ông cứ phải đúng kế hoạch của mình, không để năm sau dồn toa vào năm trước.

Hai năm đại dịch coi như hai năm trẻ con mất đi một khoảng thời gian rất quý giá trong tuổi ấu thơ của chúng rồi. Sẽ có người nói đại ý là có trải nghiệm qua một thứ như thế âu cũng là đáng nhớ, và giúp chúng vững vàng hơn, trưởng thành hơn. Thấy lạ cho suy nghĩ ấy quá. Đó là cách nghĩ của người lớn mà. Nó có phải cách nghĩ của trẻ con đâu? Những đứa trẻ lên 5, lên 6 thì cần gì phải vững vàng. Thứ chúng cần là niềm vui tuổi thơ, có bạn bè, có đứa để chí choé cùng, để sẻ chia những bí mật cùng chứ không phải là cần một nghị lực theo kiểu người lớn.

“Chuyền chuyền một, một một đôi”, câu đồng dao cũ cứ vang lên trong đầu tôi lúc này. Ngày còn bằng tuổi con trai tôi, chúng tôi đã dám tụm năm tụm ba lê lết kéo nhau đi quanh bờ Hồ suốt cả trưa Hè bất chấp việc có thể về ăn roi quắn đít. Thuở ấy, lũ trẻ trong xóm tôi vẫn dùng từ "chu du" hay "phiêu lưu" cho những cuộc rong chơi trưa Hè như thế. Và tôi còn nhớ mãi cái mùi hóa chất hăng hắc của khu vườn sâu trong khuôn viên đại học Dược. Ở đó chúng tôi khám phá ra vô vàn thứ, từ cả những cây quất hồng bì mới ra trái cho tới những chùm nhãn xinh xinh mà nhiều khi cái giá của hái trộm có thể là một cuộc "đi tù" mấy tiếng trong phòng chú bảo vệ già khó tính.

Con tôi cũng thường có những cuộc phiêu lưu nhỏ nhỏ của chúng trong sân chung cư trong những ngày đại dịch chưa diễn ra. Còn lúc này, giữa bốn bức tường không, nó có hiểu tại sao lại phải 5K như cha mẹ dặn không nhỉ? Chỉ biết, cũng như nhiều đứa trẻ khác, chúng khá là thuộc các quy định 5K mà "ông TV" vẫn nói. Chúng tiếp nhận tất cả một cách quá hồn nhiên, không tổn thương gì. Còn người lớn, nhiều mối lo hơn, những căng thẳng sẽ choán hết phần trong những ngày giãn cách.

Giá như người lớn giữ được cái hồn nhiên ấy nhỉ? Hay là người lớn cũng đang hồn nhiên quá, theo một cách khác, để cho qua một cách dễ dàng rằng tụi nhỏ giấu cái tổn thương của việc mất đi một mùa Hè tự do trong sâu thẳm, giấu kỹ đến nỗi chúng ta tưởng như chúng chẳng tổn thương gì?

Hà Quang Minh
.
.