Chuyện chả chuyện nem

Thứ Tư, 08/12/2021, 20:59

Hết giãn cách là bắt đầu lác đác có những rủ rê tụ tập. Phải thừa nhận là dân mình liều lĩnh chẳng ai bằng. Mới sợ đó, than đó mà đã kéo nhau “trẩy hội” như thể chẳng còn con Sars-CoV-2 nào. Ừ thì vẫn biết là có hỏi nhau “Ông hai mũi chưa?” hoặc nhắn nhủ “nó mới một mũi nhưng mắc COVID-19 xong khỏi rồi nên còn an toàn hơn người hai mũi” nhưng quả thực vẫn cứ rờn rợn thế nào đó.

Bạn mình thì mình tin tưởng thôi nhưng trên đường từ nhà mình qua nhà bạn, hoặc là la cà ngoài quán, chẳng biết mình sẽ gặp những ai, không hiểu đường nào nữa mà lần.

Chuyện chả chuyện nem -0

Sợ thì rất sợ. Chê người ta liều thì cứ chê. Ấy vậy mà có khi nhận được một rủ rê nào đó lại mềm lòng không cưỡng lại nổi. Như cái  lời mời mọc của một bà chị chẳng hạn. Chị là bác sỹ, tuổi ngoài 70 rồi, về hưu cũng lâu nhưng thuộc diện rất kỹ, 5K lúc nào cũng chuẩn chỉnh. Thế nên khi chị nhắn “chiều thứ Sáu ghé chị thẩm chai rượu mới này, chẳng có ai ngoài ba, bốn đứa trong nhóm mình, toàn những người cẩn thận, an toàn cả” là lập tức nhận lời. Tất nhiên, cũng vẫn còn run nên nai nịt kỹ lưỡng lắm. Thú thực, lén lén lút lút, né né tránh tránh sợ tiếp xúc người lạ, đi nhậu mà cứ như đi buôn lậu.

Đúng là bữa nhậu cũng an toàn thật. Chỉ có 4 người, ai cũng đủ hai mũi vaccine và cũng thuộc diện kiên quyết cố thủ trong 4 bức tường suốt gần nửa năm trời. Lại ngồi trên sân thượng nhà chị, trăng thanh gió mát, thoáng đãng, xung quanh toàn cây là cây, nên càng an tâm hơn.

Bữa nhậu thì cũng chỉ như mọi khi, như thời chưa ai biết đến COVID là gì. Món thì đơn sơ vì bản thân cả nhóm cũng không phải diện phá mồi nên luôn dặn bà chị đừng chuẩn bị nhiều, kẻo dư, bỏ uổng. Nhưng chị có làm mấy cái nem rán, đúng kiểu Hà Nội, đúng thứ mà tôi thích nhất. Bởi, mới bước chân vào sân vườn nhà chị thôi, ngửi mùi nem nức mũi đã thốt lên “chết với em rồi, chết với em rồi”. Chị biết tôi thích nem nên cười xoà “à, thằng cu này thính mũi, chứng tỏ khứu giác còn tốt, không biểu hiện bệnh tật gì”.

Chuyện chả chuyện nem -0

Bên bàn ăn đang được dọn dần lên, anh L., một ông bạn vong niên ngoài 80 mà lẽ ra tôi phải gọi bằng bác nhưng anh không cho phép, đang ngồi tỉ mẩn cắt mấy quả sung. Anh L. đi đâu cũng vậy, phải có gói sung theo người. Anh cắt sung, trộn với ớt, tỏi và ít nước mắm, lấy đó làm món khoái khẩu chủ đạo. Còn bà Bưởi, mệnh danh là Bưởi thì chắc ai cũng hiểu rồi, đang ngồi soạn ít nem tai. Thêm con gà luộc và nồi cháo chờ sẵn, thế là đủ để lai rai. Thấy bảo chủ nhà hôm nay đãi mấy chai “khói” lắm nên Bưởi háo hức tợn. Chị Bưởi vốn người miền núi phía Bắc, uống rượu gớm phải biết. Thích tính bằng đơn vị bát chị cũng chiều hết, chỉ có phần còn lại là say thôi chứ trần đời chưa thấy chị say bao giờ.

Rồi chợt anh L. buông một câu mà tôi thoáng sững lại. “Cái nem này này, xưa thời tôi còn bé, trước năm 1954 cơ, ở Hà Nội các bà các cô toàn gọi là nem Sài Gòn”, anh thủng thẳng. Quả thực, ba tiếng “nem Sài Gòn” tôi cũng được nghe từ tấm bé, nhưng là để ám chỉ cái nem (chả giò) được cuốn nhỏ bằng ngón tay cái chứ không phải to bằng nửa cổ tay như nem Hà Nội. Nhưng nghe anh L. cả quyết thế, một thằng mê nem như tôi cũng phải chững lại, không thể cãi. Thứ nhất, anh là người lớn tuổi hơn mình, trải đời hơn mình, ắt hẳn có nhiều điều anh hiểu biết hơn mình, làm sao mình cãi lại được.

Chuyện chả chuyện nem -0

Thứ hai, điều anh nói chưa biết đúng hay sai, nhưng nó cũng là một dữ kiện mà nếu mê nem, muốn tìm hiểu về nem, thay vì bác bỏ nó, tôi nên giữ nó lại để làm một đối chứng sau này nếu gặp một thông tin tương tự.

Nhưng tôi nhớ có lần, hôm tôi nổi hứng lên làm chả cá Lã Vọng đãi một ông anh rất thân trong nghề, ông anh có hỏi tôi và mấy người trong bàn “đố biết tại sao lại gọi là chả”. Tôi biết, nên trả lời cũng nhanh “nó từ chữ chá mà ra anh ạ. Chá là để chỉ miếng thịt/cá thái vuông, được nướng hoặc nướng sơ trước khi mang xử lý.

Gọi trại đi thành quen là chả”. Nhớ lại cái câu chuyện chá-chả ấy, rồi nhớ cả câu ca dao “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò”, tự dưng tôi cảm thấy cần phải tự lý giải cho bằng được tại sao lại là nem, tại sao lại là chả, và tại sao lại gọi cả nem nắm lẫn cái chả giò (theo tiếng miền Nam) cùng với chữ nem.

Chuyện chả chuyện nem -0

Theo thiển nghĩ của tôi, chả thì rõ rồi, từ trong các từ điển cũ đều nói đến từ “chá” và cách chế biến của nó. Thế nên, từ cái “chả” cơ bản nó mới sinh ra thêm các loại chả khác với các hậu tố đi kèm. Ví như chúng ta ăn suất bún chả Hà Nội chẳng hạn, nó có cả chả miếng (tức là đúng nghĩa của chá) lẫn chả băm. Còn nem, có lẽ đó là từ để chỉ một hỗn hợp được trộn lại, có thịt, có nguyên liệu thái sợi, được ghém lại với nhau theo dạng gói hoặc dạng cuốn. Thế nên cái nem trong “bầu rượu nắm nem” nó rất có thể là cái nem cơ sở của người Việt. Rồi đến khi ai đó sáng tác ra lối cuốn thêm bánh đa mà rán lên thì mới gọi là nem rán. Và cũng có một vài vùng miền ngoài Bắc vẫn gọi nem rán này là “chả nem” và thường là những ai gọi thế vẫn làm nem rán theo lối nem vuông ghém lại. Cái sự lai giữa chả với nem nó mới tạo ra chả nem chăng? Tự thấy cách lý giải này cũng khá… thuyết phục chính mình, tôi bèn tự thưởng mình một ly rượu khói.

Nhưng kỳ thực, cái tự thuyết phục chính mình là bởi chủ quan mà thôi. Sẽ có một lúc nào đó, có những khựng lại trong suy nghĩ nếu gặp một người cổ điển như anh L., một cao niên đúng nghĩa Hà Nội gốc. Ai có thể lý giải cho tôi sao là chả, sao là nem đây? Một thứ tưởng như vô cùng đơn giản, gần gũi đời sống với ta hằng ngày mà tự dưng lại khiến ta cảm thấy mù mờ về nó vô cùng. Và ai trong thế hệ của tôi có thể lý giải cho thế hệ con, cháu mình một cách cặn kẽ nhỉ? Khó quá ...

Rồi chợt nhớ đến một người anh khác, người ấy làm chả mực siêu ngon. Giật mình nhớ, giật mình lục lại anh trên facebook định nhắn tin để hỏi han thì mới thấy đã lâu lắm rồi anh không xuất hiện trên “cõi face” nữa. Gọi điện lập tức, chợt nhận hung tin. Em trai anh nói cả anh và chị đều không vượt qua được đỉnh dịch vừa rồi. Vậy mà không mấy người thân quen được biết. Những âu lo đã cuốn tất cả chúng tôi quên bẵng đi một người quen, cứ tưởng rằng họ còn ở đó, y nguyên vậy, nhưng hóa ra họ đã đi xa tự bao giờ…

Cái facebook hóa ra như một cái nghĩa trang vô hình mà ít ai trong chúng ta để ý. Người mất đi, tài khoản facebook vẫn còn đó, và những người còn lại cứ sống lẫn trong những người đã khuất giữa một thứ tưởng như là tiện dụng. Hôm qua còn là một con người sinh động, hôm nay avatar facebook đã như một bia mộ rồi.

Chúng ta cứ vội vã sống để những người quanh mình đi qua, đi qua một cách lặng lẽ. Có phải chính cái cách bỏ quên ai đó như thế cũng vô tình khiến chúng ta bỏ quên những thường thức cơ bản nhất, đời nhất mà không tự điển nào chứa đựng và chỉ được lưu giữ bởi những cá nhân rồi sẽ một ngày thành quá khứ.

Cái chả là gì, cái nem là gì, xuất xứ ra sao có lẽ cũng đã là một bí ẩn được mang theo bởi những con người cứ bị lãng quên theo từng thế hệ. Đọng lại chỉ là một miếng ngon, một công thức làm cơ bản, để cho hôm nay, và tương lai, nhấm nháp nói những chuyện bây giờ…

Hà Quang Minh
.
.