Chuẩn bị có bao giờ thừa?

Thứ Sáu, 14/04/2023, 10:24

Đúng những ngày tháng này, 22 năm trước, tôi bỡ ngỡ đặt chân lên mảnh đất phương Nam này lần đầu tiên trong đời. Từ nhỏ, tôi đã luôn có hình dung rất rõ rệt rằng mình sẽ sống ở TP Hồ Chí Minh và cuối cùng, ở tuổi 24, tôi hăm hở "hành phương Nam", với hai cái túi xách tay gọn nhẹ để rồi định cư luôn như một công dân thành phố.

Ký ức cũ không được đăng tải trên bất kỳ một dòng trạng thái nào, bởi ngày ấy đã làm gì có mạng xã hội như bây giờ. Nhưng nó vẫn nằm đó, y nguyên.

Trong dòng ký ức miên man về những năm tháng định cư nơi này, tôi lục lại trên trang cá nhân của mình, để giật mình nhận ra rằng những thứ khắc ghi rõ nhất, cũng như được chép lại trên mạng xã hội kỹ lưỡng nhất, chính là những ngày tháng Tư của 2 năm trước, những tháng ngày bắt đầu vào đỉnh điểm của đại dịch. Chúng ta đã vượt qua nó như thế nào, mỗi người mỗi cách nhưng chắc hẳn không ai có thể quên được.

phong toa.jpg -0
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cao điểm chống dịch COVID-19

Đó là một biến cố chung lớn lao mà chỉ có những thứ kinh hoàng như chiến tranh mới vượt trội được nó về ấn tượng. Nhưng trước khi dịch bệnh hoành hành ở TP Hồ Chí Minh, và cả những địa phương khác nữa, đã có một ký ức khác về nó khi mà nó còn là mối đe dọa từ phía bên ngoài đầy mơ hồ. Tôi còn ghi lại trên facebook của mình, để hôm nay lục lại những gì được xem là "ký ức mạng".

Đúng 3 năm trước, một ngày giữa tháng Tư, tôi tái ngộ một người anh thân thiết mà do khoảng cách địa lý hai anh em bẵng đi một thời gian không gặp gỡ. Anh là chủ của một công ty truyền thông có tiếng, sản xuất kha khá chương trình ăn khách trên truyền hình cũng như một vài phim chiếu rạp nổi tiếng. Bữa ấy, giữa một quán bia ở quận 1, trong một buổi trưa oi ả, hai anh em cùng hàn huyên và chia sẻ ý tưởng với nhau về một kịch bản phim dã sử. Cái kịch bản ấy vẫn còn nằm trong ý tưởng, vì lười. Nhưng buổi chuyện trò hôm đó thì còn nguyên đây, trên những dòng ký ức mạng cũng như trong tâm trí của tôi.

Như lệ thường của những ngày bắt đầu chớm dịch COVID-19 trên thế giới hồi đầu năm 2020, tôi cất câu hỏi dành cho anh về công việc. Một công ty lớn với đội ngũ nhân sự cồng kềnh chắc chắn sẽ khiến người chủ của nó mệt mỏi về lương thưởng và khi dịch bệnh mờ mờ là bóng ma đe doạ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu gãy đổ, mối lo sẽ càng lớn hơn. Thời điểm tôi và anh gặp nhau, đã bắt đầu có những công ty, tập đoàn cho nhân viên làm việc theo chế độ làm tại nhà (WFH). Và anh trả lời câu hỏi của tôi bằng một đáp án vô cùng bất ngờ: "Ôi, anh chẳng có gì phải lo cả em ạ. Công ty anh vẫn đâu vào đấy, không cần cắt giảm nhân viên".

Rồi anh thủng thẳng kể, khoảng 2 năm trước đó (2018), sau một thời gian phát triển tốt ngoài sức tưởng tượng, anh và Ban giám đốc công ty đã ngồi họp lại với nhau, mổ xẻ kỹ lưỡng trong suốt gần 1 tháng trời. Họ cùng đi đến kết luận rằng, họ đang chủ quan với sức tăng trưởng mà bỏ qua mất một điểm rất quan trọng là công ty đang có sự phình to quá mức về nhân sự. Họ nhận định cả những chu kỳ khủng hoảng toàn cầu trước đó và bắt đầu e ngại rằng có thể sẽ có những khủng hoảng trong thời gian tới. Quyết sách cuối cùng là cắt giảm 60-70% nhân sự; chủ trương cái nào có thể thuê nguồn lực thời vụ bên ngoài thì tận dụng tối đa. Và quá trình cắt giảm kéo dài gần hai năm ấy được thực hiện một cách mềm mại. Mỗi nhân viên cắt giảm đều được nhận 3 tháng lương đền bù để có vốn liếng đi tìm việc khác. Anh thủ thỉ: "Đền bù thế, anh mất một mớ lớn nhưng anh nghĩ để sau này có dịp gặp lại, anh em còn ngồi uống được với nhau một cốc bia. Việc tinh giảm là bắt buộc phải làm nhưng làm thế nào cho có tình vẫn hơn em ạ".

Câu chuyện cắt giảm nhân sự ấy của anh khiến tôi nhớ mãi. Tất nhiên, muốn duy tình thì phải có tiền. Không có tiềm lực, làm sao anh có thể tiến hành cắt giảm kiểu "còn mong gặp lại" như thế. Ấy nhưng không phải ai có tiền cũng có thể hành xử có tình. Chỉ vài ngày sau khi gặp anh, tôi được nghe tâm sự của một cô em làm sếp nho nhỏ ở một tập đoàn truyền thông thuộc diện nhất nhì Việt Nam. Cô ấy kể, chủ tịch tập đoàn vừa có thư thông báo tất cả nhân viên sẽ chỉ còn nhận 75% lương để hỗ trợ tập đoàn trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Trước mắt, thời hạn giảm lương sẽ là 4 tháng. Nếu sau 4 tháng tình hình chưa yên thì lại duy trì tiếp. Ở thời điểm đó, Việt Nam mới thực hiện giãn cách xã hội, song chưa gắt gao như năm 2021.

Tính ra, trong 4 tháng giảm 25% lương thì có 1 tháng nhân viên thực hiện chế độ làm việc tại nhà. Phép tính ấy hóa ra đơn giản chỉ là 1 tháng làm việc tại nhà, nhân viên không có lương mà thôi. Cái khôn vặt ấy không ai là không nhận ra cả. Nhưng tôi còn nhớ, sau đợt cắt giảm kia, cô em có kể lại rằng việc phục hồi lương cũ không được thực hiện và kéo sang 2021, tập đoàn cho nghỉ rất nhiều nhân sự mà không có bồi thường nào. Lý do đơn giản nhất chỉ là "do dịch bệnh, tập đoàn không có việc nên buộc phải cho nghỉ". Song, cũng chính ở thời điểm dịch bệnh ấy, khi mà giải trí tại nhà lên ngôi với các ứng dụng trên mạng, tập đoàn đó là một trong những điểm sáng hiếm hoi có lời.

Bây giờ, khi dịch bệnh đã xa rồi, và chúng ta cũng gần như bỏ quên hẳn thói quen 5K ngày nào, chúng ta lại đối diện một khó khăn khác. Chiến tranh, khủng hoảng tài chính toàn cầu đang đe dọa tình hình kinh tế chung. Trước một thách thức mới lớn lao như vậy, chúng ta cần phải làm gì? Nhiều người sẽ nhìn vào cuộc khủng hoảng 2008 và chép miệng "có thịnh có suy, rồi nó cũng qua cả thôi mà". Đúng, như COVID-19, những gian nan rồi cũng qua đi để xã hội bước vào một chương khác. Song có được mấy người nhìn vào chính những giai đoạn khó khăn đã qua, dùng chính thời gian chững lại của giai đoạn khó khăn hiện hữu để chuẩn bị cho tương lai hay không? Hay chúng ta chỉ sống theo kiểu chờ thời, được tới đâu, hay tới đó?

Bài học từ câu chuyện của người anh "tinh giản có tình" vẫn còn đó. Sở dĩ công ty của anh bước qua được từng giai đoạn khó khăn vừa qua, và vẫn đang phát triển (dù chậm thôi) ở giai đoạn phục hồi chật vật này, cũng bởi anh và cộng sự đã có sự chuẩn bị từ năm 2018. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng ấy, liệu rằng công ty có còn tồn tại vững chãi ở giờ phút này?

Rồi hôm nay, tôi mới đọc được một chia sẻ của một doanh nhân thành đạt, đại ý rằng "chính trong giai đoạn khó khăn này, bắt đầu có một số công ty mới nhận thức rằng cần quay lại với gì cơ bản nhất. Đó chính là quản lý khách hàng trọng yếu". Anh dẫn ra rằng, nhiều công ty Việt Nam lâu nay bỏ qua khách hàng trọng yếu bởi lẽ họ xem các khách hàng lâu năm, trung thành là một nguồn khai thác nghiễm nhiên của mình. Từ đó, ngay cả việc thưởng hiệu suất cho nhân viên cũng không tính các doanh thu từ khách hàng trọng yếu và nó dẫn tới chuyện nhân viên không có các chăm sóc tương xứng cho tệp khách hàng này.

Câu chuyện vị doanh nhân này chia sẻ chính là bài học về sự chuẩn bị. Chúng ta không làm kinh doanh, có thể chúng ta không hiểu chuyện kinh doanh, nhưng chúng ta có thể áp dụng nó vào đời sống của mình. Đời sống mỗi cá nhân, gia đình đều cần những chuẩn bị căn cơ, kỹ càng bởi tương lai là bất khả tiên đoán. Và những ai đã từng "xất bất xang bang" những ngày tháng giãn cách xã hội cao điểm vì COVID-19 mà cơ bản nhất là do họ chưa có sự chuẩn bị tương xứng cho tương lai, chắc hẳn họ sẽ hiểu nhất về sự căn cơ. Chắc chắn, hiện tại họ sẽ là những con người rất khác, với sự cẩn trọng hơn cho ngày mai của chính mình.

Và nói gì thì nói, căn cơ vẫn là đức tính của người Việt từ ngàn xưa. Lẽ nào, vì những tiện dụng của thời đại hôm nay, chúng ta mải vui mà bỏ quên đức tính ấy???

Hà Quang Minh
.
.