Cá lóc đanh đá cá cày

Thứ Sáu, 29/04/2022, 14:16

Đã có "cá cày" trong "Đanh đá cá cày" ắt không thể quên đến một loại cá mà trong rất nhiều các loại cá, chưa mấy ai được thưởng thức: "cá gỗ" hay còn gọi "cá rô cây". "Cá gỗ" nổi tiếng từ Nam chí Bắc gắn với nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau nhưng chung quy chỉ tính cách cần kiệm, thậm chí hà tiện của các ông đồ hay chữ, học trò hiếu học của xứ Nghệ ngày trước. Dù nghèo, nhưng vẫn giữ thể diện và thể hiện tính phong lưu...

Trời mưa mát đất cá lóc lên đồng

Thuở xuân xanh sao không gặp, để có chồng mới gặp nhau?

Nghe ra éo le. Biết làm sao? Phải làm sao? Sực nhớ đến bài thơ “Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch (768-830) đời nhà Đường. Đại khái, dù biết nàng đã có chồng nhưng chàng vẫn tặng ngọc. Cảm động trước tấm lòng trong sáng như vầng nhật nguyệt ấy, nàng buộc ngọc vào áo lụa. Sau đó, nàng thưa vẫn thủy chung với chồng: "Trả ngọc chàng, lệ như mưa/ Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng" (Ngô Tất Tố dịch). Cảm động lắm. Xuân xanh đã qua. Thời gian thay đổi. Môi trường sống đã khác. Mọi việc đã đâu vào đó. Thế mà, oái ăm thay, nay lại gặp nhau. Và còn gì nữa? Mới nghe câu này, cô Tư ơi, có phải cô định buộc miệng bảo: "Khéo dư nước mắt người đời xưa" đấy chăng? Nếu thế, xin không bàn đến nữa, chỉ dám hỏi rằng:

"Con cá trong câu ca dao trên là cá gì?".

Hỏi thế mà cũng hỏi ư? Ngớ ngẩn vừa vừa thôi chứ. Cá lóc, chứ còn gì nữa? Ừ, cứ cho là thế. Tục ngữ có câu "Cơm với cá như mạ với con" - sự gắn bó, tương tác qua lại chặt chẽ đến thế là cùng. Mẹ với con gắn kết hợp tình hợp lý như cơm với cá. Trong bữa ăn, "Có cá khá cơm" là lẽ tất nhiên. Ai ai cũng thừa biết, động vật sống dưới nước bơi bằng vây, thở bằng mang, đích thị là con cá. Khi gọi chung các thứ cá đồng, người ta thường nói "lóc, trê, rô, sặc". Tuy nhiên, vẫn còn cách nói khác thú vị ghê gớm:

Đố anh mấy thứ cá đồng

Một mà câu anh hát trọn, mới hòng đáng khen?

Nghe hỏi, bèn trả lời:

Rô, trê, lóc, sặc dầy dầy

Rồng rồng, hủng hỉnh, lộn bày lia thia

Có hai người bạn ngồi lai rai ba sợi với cá lóc nướng trui, anh này bảo: "Chiều nay, dám chắc mưa, có cá không?". Là hỏi về chuyện cá? Không, "cá" ở đây là đánh cuộc/ cá cược/ cá độ có thắng, có thua, có trúng độ, thua độ, có ngày tay hòm chìa khóa trao kẻ khác, vác chiếu ra đê Yên Phụ mà ngủ. Chớ dại. Trong trò chơi đỏ đen "bác thằng bần" có tính hơn thua, sát phạt, hễ ai vừa bắt bên này lẫn bên kia biết đâu khi thắng thì khẳm, còn thua thì ít, người ta gọi là "Bắt cá hay tay". Cụm từ này cũng nhằm chỉ những ai ham hố, ôm đồm thái quá: "Con trê cũng muốn, con lóc cũng ưa". Tương tự "Con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn" là nhằm phê phán ai đó tham lam nhưng chần chừ, do dự những muốn được tất  - tỷ như vừa liếc mắt cô này lại đá lông nheo với cô kia. Nói như ca dao Nam Trung Bộ:

Gió đưa bụi chuối sau hè

Lăm le con chị lại dè con em

Anh về rọc lá gói nem

Con chị chưa chắc, con em chắc gì

Dù có thể biết nhưng kẻ ham hố đó, vẫn gân cổ lên mà rằng:

Con thiên lý mã, con vạn lý vân

Lòng anh muốn cưỡi một lần đôi con

Nghe phát ghét. Nói lại thế nào đặng hắn ta bẽ mặt? Thì đây:

Con thiên lý mã, con vạn lý vân

Lòng anh muốn cưỡi thì bán thân đợ mình

Loại người đó, khi nghe họ hứa hẹn, thề thốt nhưng biết đâu chỉ "Thề như trê chui ống". Chớ vội tin. Ông bà ta dạy: "Chớ nghe quân tử nỉ non/ Mà rồi có lúc bồng con một mình". Đến lúc xẩy ra cớ sự, dẫu than van, hối hận, dẫu ước gì được như "Cá sấy sống lại" thì cũng đã muộn - ngụ ý về một sự việc không thể xẩy ra, ví như cá đã hong/ hơ khô trên lửa thì xem như đã "xong phim", đã "tắt đài". Tâm cảnh "Tiến thoái lưỡng nan" này cũng bẽ bàng tựa: "Thân em như con cá rô thia/ Ra sông mắc lưới, vào đìa mắc câu".

Cá lóc đanh đá cá cày -0
Ảnh: L.G

Rành rành từ cá nhưng chắc gì là cá? Ai cũng biết, cá có mắt, nhưng "mắt cá", tùy ngữ cảnh có thể hiểu là mẩu xương lồi hai bên cổ chân. “Việt Nam tự điển” do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo (năm 1931) có ghi nhận đồng âm của từ "cá", nay ít ai biết đến: "Lối viết chữ Nôm thêm hai chấm vào một bên chữ Nho rồi mượn chữ ấy để đọc trạnh ra tiếng khác. Chẳng hạn chữ ư thêm "chấm cá" thành chữ ở. Cũng có nơi gọi là "chấm nháy". Cách viết chữ Quốc ngữ không sử dụng "hai chấm vào một bên chữ" nên từ "chấm cá/ chấm nháy" đã biến mất, vì thế nhiều từ điển hiện nay không còn ghi nhận.

Dù vậy, tâm thế của người đi học hiện thời vẫn còn nhớ đến câu "Cá chép hóa rồng"; và ước mơ: "Bao giờ cá chép hóa rồng/ Bỏ công cha mẹ ẵm bồng ngày xưa". Đừng như ai kia, mới dăm bảy tuổi đầu, hỉ mũi chưa sạch, chỉ rặt quan tâm đến mỗi chuyện gái trai nhăng nhố, suốt ngày học hành thì không, chỉ mơ màng: "Đến lúc nào cá cắn câu đây ta?". "Cá cắn câu" còn hàm nghĩa nhằm chỉ đã "cưa đổ" chàng/ nàng nào đó chưa?

Đôi khi không có từ cá nhưng người nghe vẫn biết rành rành là… cá,  chẳng hạn, một người bảo: "Có khô ở Cà Mau mới gởi lên, sang nhà lai rai nghen?". Nghe thế, người kia đáp: "Hổng dám đâu. Hễ về trễ một chút, bà xã mình lại nước mắt cá sấu". "Nước mắt cá sấu"  là nhằm chỉ những ai mau nước mắt, dễ khóc, đích thị là "mít ướt". "Khô", tức cá/ mực xẻ banh phơi khô, để dành ăn dần. Một trong những thứ "bắt mồi" nhất của dân nhậu còn là khô sặc. Đem khô nướng chín, xé nhỏ ra, cỡ bằng một hai lóng tay, trộn chung với xoài non đã cắt chỉ, thêm chanh, ớt, lá húng lủi, nêm nếm gia vị vừa phải, lúc gắp một đũa, nhai rạo rạo, rôm rốp chỉ có nước "ngậm mà nghe". Ngon quá. Mê tơi. Đưa cay là số dzách. Ngày trước, trong lời ăn tiếng nói của người miền Nam khi xẻ cá thịt phơi khô, người ta chỉ nói gọn lỏn: "xẻ khô".

Không tin à?

Kiểm chứng lại “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) ắt rõ. Mà, những từ khô cá/ khô mực đã trở thành tiếng lóng, nói có sách mách có chứng, “Phương ngữ Nam bộ - ghi chép và chú giải” (NXB Hội Nhà văn - 2016) của Bùi Thanh Kiên ghi nhận: "Khô mực: Chỉ cái cà vạt - Vào ngày lễ lớn, ai cũng bỏ áo vô thùng, đeo khô mực nghiêm chỉnh"; "Khô cá: Chỉ người quá ốm - Cô ấy như con khô cá hố mà đẹp đẽ nỗi gì!".

Ở nước ta, biển trời, sông hồ, ao rạch mênh mông tha hồ cho cá sinh sội, nẩy nở, con đàn cháu đống, vì thế "Cá vào tay ai người nấy bắt" - chỉ mối lợi ngẫu nhiên rơi vào tay ai người nấy hưởng. Xét trong chừng mực nào đó, cũng tựa như "Cờ đến tay ai, người nấy phất". Hoàn cảnh thuận lợi, gặp gỡ may mắn còn có câu: "Cá rô gặp mưa rào", "Cá gặp nước, rồng gặp mây". Hoàn toàn ngược lại "Cá nằm trên thớt" là sa vào tình thế nguy nan, khó bề xoay xở thoát thân.

Không phải khoe khoang gì với cô Tư, dẫu không phải nội trợ giỏi giang, quen việc chợ búa nhưng tôi đây cũng có thể biết cá rô ngon nhất vào tháng mấy? "Cá rô tháng Tám chẳng ai dám bảo ai, cá rô tháng Hai ai bảo thì bảo", có thể hiểu chỉ tháng Tám, cá rô mới thuộc loại số dzách. Béo ngậy. Sống ở đời, đôi lúc người ta có sự lựa chọn: "Thả con săn sắt bắt con cá rô", bỏ món lợi nhỏ để thu về mối lợi lớn hơn. Cá săn sắt tức cá đuôi cờ trông giống cá rô con.

Thời tóc còn để chỏm, nhiều cô cậu học học trò tinh nghịch, trốn học, không chịu vâng lời thầy cô, cha mẹ dạy dỗ: "Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Với từ "ăn", ai cũng biết là đưa thức ăn vào miệng nuôi dưỡng cơ thể nhưng ăn trong trường hợp này lại chỉ sự tiếp nhận một cái gì đó tác động từ bên ngoài. Chất mặn cần thiết của muối đã giữ cho cá không bị ươn. Cá ươn là cá chết sình, cá thối, vì thế muốn bảo quản, phải cho cá ăn muối. Khi nghe câu hỏi: "Sau khi Chí Phèo đến nhà ăn vạ, sự tình của Bá Kiến thế nào?". Trả lời: "Ăn muối" - lại ngầm hiểu lão ta đã ngủm củ tỏi, tức đã "đi bán muối". Cá ươn thì cá thối. "Cá thối rắn xương" là chỉ kẻ đã hư hỏng nhưng vẫn ngang ngạnh, ương bướng, đầu bò đầu bướu, ba nhe, ba bứa. Những ai cùng đánh đồng một guộc, không biết phân biệt, đối xử với nhau cho hợp lẽ trên dưới, ông bà ta có cách nói thật hay: "Cá mè một lứa". Nếu đã anh em, bạn bè, bồ tèo chớ nên "Cá lớn muốt cá bé"; đừng chèn ép, ức hiếp lẫn nhau như "Cá mè đè cá chép", phải không ạ?

Trở lại với câu ca dao: "Trời mưa mát đất cá lóc lên đồng", ta thấy gì hả cô Tư? À, đúng rồi, tùy theo vùng miền, cá lóc còn có tên gọi cá quả, cá chuối, cá tràu. Thật ra, trong câu ca dao này, khó có thể quả quyết cụ thể đó là loại cá gì, đơn giản, lóc còn là động từ: "Nhảy lên" - “Việt Nam từ điển” (1931); "Cá lách ngược dòng nước để vượt lên" - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999); "Uốn mình, lách mình để trườn tới" - “Phương ngữ Nam Bộ” (2015) v.v… Nói cách khác, lóc là nhằm chỉ hành động di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Sở dĩ có loại cá được đặt tên lóc/ cá lóc, theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): "Cá lóc: Thứ cá đồng lớn con, tròn mình mà đen, thả nó trên đất thì có tài lóc lóc, đưa mình tới, cho nên lấy đó mà đặt tên".

Tùy ngữ cảnh, lóc cũng đồng nghĩa với róc, tức dùng dao bén tách bỏ phần vỏ, phần mắt bên ngoài như róc mía, róc tre… Thế nhưng với thịt thà, cá mú, người ta thường dùng từ lóc như lóc thịt, lóc da… Nói cách khác, róc/ lóc không chỉ hoán đổi cho nhau mà còn có thể thay thế bằng lẩy/ trẩy/ tước tùy ngữ cảnh, thí dụ người mẹ bảo con: "Trước khi ăn mía, con nên trẩy hết mắt". Một người than thở: "Tớ phải trày vi tróc vảy mới xong việc", ta hiểu tróc là bong ra từng mảng của lớp phủ bên ngoài, như “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích, muốn thế, phải có tác động từ bên ngoài. Vậy, động tác bóc cũng có thể sử dụng, thí dụ: "Ăn cam thì phải bóc vỏ" v.v..

Khi cá lóc còn gọi là cá chuối, ta thường nghe nhắc tới câu "Cá chuối đắm đuối vì con". Câu này thường gắn với câu chuyện, đại khái, vì thương đám rồng rồng (cá con) nên cá chuối mẹ bèn lóc lên bờ, nằm yên cho kiến bu tới cắn, sau đó quăng mình xuống nước, lấy kiến đó làm thức ăn cho con. Thế thì câu này ra đời là do cách nói có vần "chuối/ đuối" mà ra chăng? Đúng là thế nhưng không chỉ là thế.

Theo “Từ điển động vật & khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Y học - 1998) của Võ Văn Chí, sở dĩ loại cá này có thể lóc lên bờ là do: "Có bong bóng dài, không thông với thực quản; có cơ quan hô hấp phụ ở mang trên, nên cá quả có thể sống khá lâu trong điều kiện thiếu oxy" (tr. 90). Rõ ràng, dân gian quan sát rất kỹ khả năng tồn tại của cá chuối nên mới áp dụng "đắm đuối vì con" trong trường hợp này, chứ không hẳn sử dụng cách nói có vần cho dễ nhớ. Có thể ít người biết cá chuối, còn gọi "lễ ngư". Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã sử dụng từ này: "Lễ ngư tục gọi là cá chuối / Tính không độc, vị ngọt, khí bình/ Trừ phong thấp, khai thông phù thũng/ Có thai ăn tốt, trĩ mau lành".

Nay, ít ai còn nhớ đến câu "Đanh đá cá cày" chăng? Cá cày là cá ra làm sao? Cá này lại là miếng gỗ đẽo hình con cá như cá áo quan, cá cửa…, từ đó, ta suy ra, cá cày: "Là cái cá (làm bằng tre hoặc gỗ, to bằng cái cán dao, hình như con cá) dùng để nâng bắp cày lên xuống khi muốn cày nông hoặc sâu. Cá cày tuy nhỏ nhưng điều khiển được cả lưỡi cày" - “Tiếng Việt lý thú” (NXB Giáo dục - 2002), Trịnh Mạnh giải thích; còn hiểu theo nghĩa bóng là chỉ kẻ ương ngạnh, cứng cỏi, chua ngoa, lẻo mép, không chịu lép vế thua kém ai.

Đã có "cá cày" trong "Đanh đá cá cày" ắt không thể quên đến một loại cá mà trong rất nhiều các loại cá, chưa mấy ai được thưởng thức: "cá gỗ" hay còn gọi "cá rô cây". "Cá gỗ" nổi tiếng từ Nam chí Bắc gắn với nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau nhưng chung quy chỉ tính cách cần kiệm, thậm chí hà tiện của các ông đồ hay chữ, học trò hiếu học của xứ Nghệ ngày trước. Dù nghèo, nhưng vẫn giữ thể diện và thể hiện tính phong lưu.

Lê Minh Quốc
.
.