Cá gỗ

Chủ Nhật, 03/10/2021, 14:37

Nhậu thì ít, chủ yếu là trò chuyện với nhau cốt để thấy nhau còn khoẻ, còn tươi tỉnh là chính. Có ai chỉ cần bận việc nhà vắng mặt một hay hai buổi thôi, lập tức anh em đã len lén hỏi thăm vì lo. Dịch giã thế này, sợ nhất là nghe tin bạn mình dương tính.

“Tối nay lên quán không anh em ơi?”.

Đấy là câu hỏi thường xuyên được nhóm chúng tôi đặt ra vào mỗi sáng thứ Bảy. Từ bữa giãn cách xã hội tới giờ, cứ tối thứ Bảy hàng tuần là anh em chúng tôi, chừng chục người, lại rủ nhau lên nhậu online.

Nhậu thì ít, chủ yếu là trò chuyện với nhau cốt để thấy nhau còn khoẻ, còn tươi tỉnh là chính. Có ai chỉ cần bận việc nhà vắng mặt một hay hai buổi thôi, lập tức anh em đã len lén hỏi thăm vì lo. Dịch giã thế này, sợ nhất là nghe tin bạn mình dương tính.

Cá gỗ -0

“Ai có bia dùng bia, ai có rượu dùng rượu”, chúng tôi vẫn đùa nhau rằng “nhậu như thế cho nó dân chủ”. Thế là cứ thứ Bảy hàng tuần, mỗi thằng mỗi quận, cá biệt có thêm cả một hai đứa ở tận ngoài Hà Nội, cùng xuất hiện “nâng lên đặt xuống”, tâm sự chuyện nghề, chuyện đời, chuyện mình, chuyện làm sao mua con cá, lá rau khi phong tỏa giãn cách.

Nhóm chúng tôi ngần ấy con người, đã quen rồi cái việc mỗi tuần phải một hai bữa kéo nhau ra quán, đặc biệt là mỗi khi anh em đi chơi nhạc, tập nhạc xong show. Bây giờ giãn cách, không gặp được nhau từ Tết, đâm ra nhớ. Nhớ quá đâm ra hay đùa. “Ơ sao Hữu về cất đàn lâu thế nhỉ?” là một câu đùa kiểu ấy, khi một cậu bạn vì còn bận lu bu cho con ăn cơm chưa “lên quán” kịp giờ. Online mà cũng như quán thật sự. Rôm rả đáo để.

Cá gỗ -0

“Sơn mìn hả, hôm nay có món gì thế?” là một câu hỏi khác mà chúng tôi cũng hay dành cho nhau. Mỗi thằng mỗi góc, một dĩa mồi riêng. Bởi thế nên chúng tôi có trò “góp cỗ” ảo để xem mâm nhậu nó xôm nhường nào. Món của mình thì mình ăn, món của bạn thì mình ngó. Ngó rồi tưởng tượng ra mình cũng đang ăn món đó. Kiểu gì cũng khen ngon thôi vì ở quán thật còn dám chê nhân viên chứ trên quán online này mà chê, nhân-viên-mà-lại-kiêm-bà-chủ cắt cơm cho thì khốn đốn.

Cá gỗ -0

Tự dưng mới đầu tuần mà thấy nhớ mấy bữa nhậu online thứ Bảy ấy, tôi nghĩ về câu chuyện cũ. Chuyện con cá gỗ mà ba tôi kể tôi nghe từ ngày còn bé thơ. Sống qua nhiều năm, trưởng thành rồi, phiên bản chuyện cá gỗ cũng được nghe rất nhiều nhưng hằn trong tâm trí tôi vẫn là hai thái cực đối lập rõ rệt. Con cá gỗ ấy qua lời cha kể, là hình ảnh thể hiện của nghị lực vượt khó, của lạc quan và của tưởng tượng.

Cá gỗ -0

Còn con cá gỗ ấy qua lời mỉa mai dành cho người gốc Nghệ Tĩnh của chúng bạn “Hà Nội xịn” thời còn đi học lại là một thứ tiêu cực, chê bai ám chỉ sự hà tiện. Chẳng hiểu sao ngày ấy cứ nhắc tới “cá gỗ” là đám bạn học trò lại coi là điển hình của thói ky bo. Tôi có hỏi ba tôi vài lần. Người chỉ cười rồi nói “Lớn rồi con hiểu. Xứ mình không mấy ai khen quê người khác bao giờ”.

Bạn sẽ nhìn nhận thế nào về chuyện con cá gỗ ấy? Có lẽ bạn cũng chẳng mấy khi nhớ đến nó nữa. Nhưng chắc hẳn bạn cũng có lần trong đời gọi người Nghệ bằng ba tiếng “dân cá gỗ”. Nó cũng không khác gì họ gọi người Thanh Hóa là “dân rau má” và từng rất lâu rồi gọi người Thái Bình là “xứ bị gậy”.

Cá gỗ -0

Mỗi địa phương ở Việt Nam mình hình như đều bị gán cho một biệt danh để nhạo kiểu ấy. Nghe lại chỉ thấy buồn. Đúng là người ở địa phương nào cũng có một nhược điểm, tập quán chưa hay nào đó, nhưng tại sao chúng ta thích nhìn vào cái tiêu cực, cái không hay, cái xấu hơn là cái tích cực đến thế nhỉ? Nó giống như trên một trang báo điện tử quen có mục tên là “Năng lượng tích cực” mà tôi có xem và hỏi dò bộ phận thống kê của họ thì được biết, ấy là mục ít người vào đọc nhất.

Tôi sực nhớ cách đây gần 1 tháng, đúng thời điểm đỉnh điểm căng thẳng dịch bệnh nhất, có ông anh thân thiết nhắn tin hỏi “Em dạo này sao rồi?” và tôi đã trả lời: “Em ổn anh ạ. Dạo này em tập mấy thói quen. Thứ nhất, không đếm ca. Thứ hai, không xem mấy cái tin bi thảm về dịch bệnh. Thứ ba, chỉ ở yên trong nhà tập trung làm việc. Thứ tư, rảnh thì đọc sách, nghe nhạc, tập đàn, uống rượu”. Và đúng là tôi tập thói quen ấy thật. Điều tôi thu nhận được là tôi không có cảm giác dịch bệnh đang đe dọa mình dù ý thức rõ mình đang sống trong thời kỳ nào. Thói quen ấy khiến đầu óc mình nhẹ nhàng hơn, thư thả hơn và không bị dồn nén căng thẳng bởi những thứ thực sự mình có liên quan đến cũng không thể giúp giải quyết được gì.

Nó là cách nhìn con cá gỗ mà ra thôi. Nếu nhìn con cá gỗ ấy bằng con mắt kỳ thị và mỉa mai, người ta sẽ nhìn thấy mọi thói xấu của người dùng cá gỗ. Mà phàm trên đời này, có ai dám nói mình không có bất kỳ thói xấu nào đâu. Tôi cũng xấu, thậm chí là rất xấu. Nhưng tôi sẽ chỉ xấu trong mắt ai mà tôi đối xử với họ bằng thói xấu ấy. Còn với những người khác thì sao? Tại sao họ có thể gần gũi tôi được, chịu đựng tôi được? Vì họ không nhìn tôi qua lăng kính của thói xấu nào. Họ tìm ở tôi điểm được nhất, tốt nhất, đáng chơi nhất.

Mới đầu tuần mà tôi đã nhớ “quán nhậu online” với anh em thân thiết rồi. Nhớ những món ăn “ngó” mà chúng tôi chia sẻ với nhau, không khác gì con cá gỗ là mấy. Trước mặt tôi mỗi bữa lên quán có khi chỉ có dĩa dưa leo chẻ, hay miếng cá khô chỉ vàng nướng nhưng trong mắt tôi thì sơn hào hải vị đủ đầy. “Anh Ngô mời cả nhóm ăn tôm”; “chú Hữu hôm nay góp phần sashimi cá hồi”; “thằng Dzừa hôm nay có sườn nướng với mì xào”…, tất cả những thịnh soạn hình ảnh ấy cũng đủ để chúng tôi no nê rồi, no nê tình bằng hữu.

Không một ai than thở về khó khăn ngày dịch bệnh cả. Không một ai nhăn nhó vì bữa cơm không được như ngày thường. Bởi vì chúng tôi cùng tin con cá gỗ kia của chúng tôi là thật, với sức mạnh tưởng tượng, sức mạnh của lạc quan đủ giúp chúng tôi vượt qua những ngày tháng này, với lời hẹn không bao giờ quên là “hết dịch về Hạ Long, quê thằng Dzừa phá phách một bữa” hoặc “hết dịch kéo nhau đi, mấy gia đình mình xuống Vũng Tàu chơi một hôm cho thỏa”.

Có thể là tôi may mắn. May mắn vì có chúng bạn đồng cảm quanh mình. May mắn vì lớn lên trong câu chuyện cá gỗ mà ba kể không có bất kỳ một sự dè bỉu, chê bai nào ở đó. Tất cả dạy tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt khác đi. Và theo tháng ngày, khi càng có tuổi, tôi càng cố níu giữ thói quen ấy để khi bắt buộc có phải phê phán gì, mình cũng cố tìm ra một giải pháp mà gợi ý cho đối tượng được phê phán. Đời tôi chưa bao giờ phải ăn “cá gỗ” lần nào. Nhưng chắc hẳn, luôn có một con cá gỗ vô hình theo tôi suốt cả cuộc đời này, như một hành trang, lúc có thể rán vàng, lúc có thể nấu canh riêu, lúc có thể đem kho lạt cho bữa “cơm đời” lúc nào cũng thêm phần phong phú…

Hà Quang Minh
.
.