Bổ sung câu chúc Tân Xuân
Cuối năm 2023, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết công nhận Tết Nguyên Đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ. Việc này không chỉ là tin mừng với hàng tỷ người trong văn hóa Đông Á mà còn làm vui lây hàng tỷ người các cộng đồng văn hóa khác. Tết ta sẽ trở nên nghi lễ không thể thiếu với toàn cầu, sánh vai cùng Tết Dương lịch và Giáng sinh.
Trước đây cứ mỗi dịp xuân về là một số học giả "túi khôn" lại viết bài đòi bỏ Tết ta, theo Tết Tây để hòa nhập toàn cầu. Họ cho rằng nghỉ Tết ta là lãng phí thời gian lao động, kéo lùi đất nước. Tương tự như vậy là một số "túi khôn" cho rằng chỉ có học tiếng Anh mới làm cho đất nước ra biển lớn được, còn các ngoại ngữ khác đều lỗi thời, trong đó có cả Hán tự.
Họ cho rằng bộ chữ Latin khoảng 24 chữ cái là khoa học, dễ nhớ, giúp cho việc tiếp thu kiến thức, còn Hán tự phải học thuộc 214 bộ thủ thì quá đau đầu cho học sinh ghép chữ, tất nhiên cản trở sự phát triển. Ý kiến cũ rồi. Thời thế kỷ 19 trở đi, khi choáng ngợp với văn minh phương Tây, nhiều học giả Trung Quốc đề xướng trào lưu loại bỏ chữ Hán, họ cho rằng chữ Hán lạc hậu sẽ dẫn đến diệt vong Trung Hoa. Nhà văn, thức giả Lỗ Tấn nói thẳng chữ Hán "là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ Trung Quốc", hoặc "là lợi khí của chính sách ngu dân"...
Vậy phải xem những quốc gia thuộc văn hóa này đã biến mất chưa. Tạp chí Global Finance của Hoa Kỳ công bố bảng xếp hạng các quốc gia giàu nhất thế giới năm 2023 (World's Richest Country 2023) thì xứ Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 14, chiếm 53% thị phần trên thị trường sản xuất chip toàn cầu, vị thế của xứ Đài trong thế giới về đúc chip công nghệ cao là một ông lớn chẳng kém gì vị thế của Ảrập Xêút trong OPEC. Đài Loan dùng Hán tự loằng ngoằng.
Rồi xem Trung Quốc thế nào. Hai thập niên thế kỷ trước, kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 14% so với kinh tế Mỹ nhưng nay đã lớn vùn vụt, thách thức vị trí "số 1”, kiểu nhận là số 2 thì không ai dám nhận là số 1. Năm 2003, ngân hàng Goldman Sachs tiên liệu GDP Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2041. Chưa biết mèo nào thắng mỉu nào thua nhưng người Mỹ đã cảm thấy hơi thở kinh tế người Trung Quốc nóng hầm hập sau gáy mình. Quốc gia tỷ dân này cũng dùng bộ chữ Hán tự loằng ngoằng và mặt bằng tiếng Anh của dân chúng kém xa các nước láng giềng.
Như vậy, việc hóa rồng phải bằng ý chí vươn lên chứ không nên đổ lỗi cho văn tự hay văn hóa truyền thống. Mặt trái của trào lưu toàn cầu hóa hào nhoáng là hòa tan và làm mất sức sống của truyền thống. Những xứ nào phát triển rực rỡ đều biết uyển chuyển giữ truyền thống cả. Vì vậy, giữ được Tết ta cũng góp tiếp thêm động lực cho cộng đồng vững mạnh.
Tuy vậy dự đoán về kinh tế Trung Quốc cũng có cảnh báo về sự suy giảm. Nguyên nhân là từ mức sinh đẻ của đất nước tỷ dân này đang có chiều hướng đi xuống. Đây là xu thế chung toàn cầu. Tỉ lệ sinh của Hoa Kỳ ở mức thấp nhất trong một thế kỷ. Có thể thấy nhân viên dịch vụ ở phi trường, quán xá tuổi khá cao; tiếp viên hàng không Hoa Kỳ tuổi ngũ tuần chậm chạp, tài xế taxi thì tuổi thất thập không hiếm. Tăng dân số không mong muốn lại là di cư bất hợp pháp chủ yếu từ Nam Mỹ đột nhập qua biên giới Mexico với chất lượng lao động thấp.
Tỉ lệ sinh của Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu cũng đang ở mức đáng lo ngại. Tỉ suất sinh của Triều Tiên đang ở mức 1,8. Cuối năm 2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẩn thiết kêu gọi giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh sụt giảm. Ông Kim nhấn mạnh và cảm ơn các bà mẹ vì vai trò của họ trong việc củng cố sức mạnh quốc gia. Chuyện nhà hộ sinh tưởng chuyện riêng mà thực ra là sự mạnh yếu của quốc gia đại sự.
Việt Nam vốn được ca ngợi sự phát triển cùng dân số trẻ thì thời kỳ vàng duy trì cũng không kéo dài mãi. Làm sao để quốc gia giàu trước khi già? Giảm mức sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam giảm nhanh hơn thế giới. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Năm 2023, ở nông thôn, mức sinh cũng xuống dưới mức sinh thay thế. Tổng cục Thống kê cũng dự báo với mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0; nếu ở mức sinh thấp thì 35 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt tỉ lệ tăng dân số ở mức âm. LHQ dự báo nếu mức sinh tiếp tục giảm thì năm 2.500, dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An hiện nay.
Việc của các bà đẻ bây giờ là cứu nước chứ không vừa đâu. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" nhưng các bà mẹ mà ngại đẻ thì nguyên khí quốc gia cũng cạn. Chỉ có các bà mẹ mới sáng tạo ra thế giới này. Vì vậy bà mẹ thời nào cũng là anh hùng cả. Gần đây, chúng ta đã có những dấu hiệu điều chỉnh, khuyến khích kết hôn, nhưng cần khuyến khích bằng những khen thưởng cùng quyền lợi đo đếm được mới hy vọng tình hình bừng sáng.
Việc sinh đẻ tuy một mà hai, vừa khỏe nhà, vừa mạnh nước. Trộm nghĩ, câu chúc tết quen thuộc: "Năm mới, hạnh phúc bình an đến/ Ngày xuân, tài lộc phú quý về!" nên chăng cần sửa lại dành cho chú thím cậu mợ trẻ là: "Ngày xuân cháu đống con đàn về!".