Đôi lời năm cũ

Thứ Tư, 18/02/2015, 14:51
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Không để ý thì thôi, chứ để ý thì chớp mắt đã tàn năm cũ. Một năm hầu bạn đọc mấy nỗi buồn vui, đã là cố hết sức nhưng hận vì kiến văn không phải lúc nào cũng đủ đầy khiến bạn đọc không ít lần thất vọng. Ngô thập phần cáo lỗi.

Năm hết Tết đến rồi, gió tháng Chạp cũng đã phóng khoáng ngoài phố rồi, nắng phương Nam cũng đã vàng như rơm rồi, má thiếu nữ cũng đã hây hây hồng rồi, chân trai tơ cũng đã cuồng trước hàng rào nhà con gái rồi… Trong không khí đầy phấn chấn ấy, cho Ngô xin phép lạm bàn vài điều thiển cận.

1. Ngô ngày bé ở quê, chơi gì cũng vụng. Tỉ như, chơi năm mười toàn bị bắt ngay chỗ trốn, chơi đuổi bắt thì là đứa bị túm áo đầu tiên, chơi ô ăn quan bán sạch nhà… Thậm chí, chơi ống thụt cũng bị xác tiêu bắn tả tơi áo. Thế nên, chỉ có vùi đầu vào sách thì Ngô mới thoát được cái cảnh là người bại trận. Lỗ Tấn bảo, làm gì có đường – đi mãi thì thành đường. Cái chuyện đọc sách cũng vậy, làm gì có chú tâm hay nghiện đọc sách, đọc mãi thì thành quen. Quen rồi, thì không dứt ra được, vẫn đọc mỗi ngày. Có điều, sức đọc bây giờ đã kém đi nhiều. Ngày trước, đọc cả đêm vẫn đến cơ quan được. Hiện, đọc loăng quăng mấy quãng rồi thôi.

Nói dông dài là để nhắc cái ý này, Ngô thấy các bậc tiền bối, đàn anh ra sách Ngô hào hứng tìm đọc. Đặc biệt, là thể loại hồi ký. Vì đấy là thể loại thoát ra được không khí văn chương trông có vẻ hơi thật, lại thỏa được nỗi tò mò về thời mình không sống. Bất chấp, quá khứ là thứ mà người ta có thể tư duy lại được bằng ký tự, như hồi ký của tiên sinh Nguyễn Hiến Lê, Phạm Cao Củng hay Vũ Bằng, Tô Hoài… đọc thú vị vô cùng. Sau này, còn có thêm mảng hồi ký tướng lĩnh, quan chức phía bên ấy bên kia cũng ngồ ngộ.

Thế nhưng, nhiều hồi ký của tiền bối không còn là hồi ký nữa. Đó chỉ là thái đội hậm hực với đời sống, với thể chế, với xã hội. Cứ như, Chí Phèo hận cả làng Vũ Đại. Đau là, cho dẫu hận cả làng Vũ Đại nhưng Chí Phèo vẫn cứ kiên quyết bám làng Vũ Đại mà sống. Chứ ngộ nhỡ sang làng khác, Chí Phèo mà lên cơn chí phèo, người ta tát cho rơi cả răng.

Ngô đọc Điển tích hay lạ thấy có đoạn, “Cuối đời nhà Thương (1783-1154 trước D.L.) vua Trụ hoang dâm vô đạo, tàn hại lê dân, người người oán giận. Văn Vương là Cơ Xương, vốn là một chư hầu của nhà Thương, nhân từ đức hạnh, được các chư hầu và dân chúng kính phục. Văn Vương lại có một người tôi tài giỏi là Khương Tử Nha phò tá làm cho chính trị trong nước ngày càng hưng vượng. Văn Vương chết, truyền ngôi cho con là Cơ Phát, lấy hiệu Võ Vương. Sau Võ Vương nghe lời quần thần, hội chư hầu đem binh phạt Trụ mong cứu dân chúng thoát cảnh lầm than.

Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc nghe thấy, ra nắm dây cương ngựa của Võ Vương, nói rằng, “Cha chết chưa chôn mà đã chăm việc chinh chiến, thế có gọi là hiếu được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thì có gọi là nhân được không?”. Võ Vương bảo, “Vua Trụ hoang dâm vô đạo, sát hại lê dân làm giận lòng người, trái ý trời. Nếu ta thủ phận, ngồi nhìn sự hà khắc của vua Trụ thì muôn dân còn trông cậy vào đâu! Hơn nữa, giang san có riêng gì của vua Trụ, ngày xưa vua Thành Thang chẳng chinh phạt vua Kiệt nhà Hạ để dựng nên nhà Thương đó sao?”. Bá Di, Thúc Tề chẳng nghe, cho Võ Vương là bội chúa. Những cận thần của Võ Vương tức giận, muốn giết cả hai. Tử Nha can, “Không nên. Hai ông là người nghĩa”. Đoạn, bảo quân lính đẩy hai ông ra.

Sau Võ Vương thắng trận, Trụ Vương thiêu mình, lập thành nhà Chu, các chư hầu đều thần phục. Bá Di, Thúc Tề lấy làm hổ thẹn, coi thóc gạo cũng là của nhà Chu mà không ăn nữa. Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn, và làm bài hát “Thái Vi” (Hái rau vi). Nhưng một hôm có người bảo hai ông, “Đất bây giờ là đất của nhà Chu, thiên hạ là thiên hạ của nhà Chu, hai ông đã chê, không ăn cơm gạo nhà Chu mà hái rau vi của giang san nhà Chu thì có khác gì”. Hai ông cho là có lý nên từ ấy nhịn ăn mà chết”.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

2. Bá Di – Thúc Tề có cái dũng của kẻ sĩ không? Ngô e là không, chỉ có cái phẫn chí chắc là đặng. Bá Di – Thúc Tề mà có cái dũng của kẻ sĩ thì đã không đợi người nhắc mới ngộ ra rau cỏ, cây cối cũng thuộc đất nhà Chu. Nhưng dẫu sao, Bá Di – Thúc Tề cũng có được sự minh định riêng.

Còn nhiều bậc tự xưng là trí thức, vẫn nhận được lời tán tụng của một nhóm người bây giờ đến cái minh định của Bá Di – Thúc Tề còn không có được, ngõ hầu sao xứng với chuyện này chuyện khác.

Nói, bao giờ cũng dễ. Không ngoa, chứ Ngô nói còn có khi thần sầu hơn các bậc tự xưng là trí thức hiện tại. Nhưng, nói sao cho đúng nói lại là nhẽ khác.

Tiền nhân bảo, Vai mang túi bạc kè kè/ Nói quấy nói quá người nghe rầm rầm/ Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe, không hẳn khi nào cũng chính xác đâu. Không phải ai mang túi bạc nói cũng có người nghe, không phải lúc nào lời đại gia cũng là chân lý hay lời quan nhân cũng là tuyệt đối đâu. Đại gia chỉ được nghe ầm ầm khi người nghe muốn mượn nợ, quan nhân chỉ được nghe ầm ầm khi người nghe muốn cầu cạnh… Chứ phải nói đúng, nói hợp thì người khác mới thuận chứ.

Đang yên đang lành thì tiền nhân đúc kết, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để làm gì(?). Nói là khó, huống hồ không nói mà là chửi.

Nhiều bậc tự xưng là trí thức mở miệng là chửi, đúng cũng chửi, mà sai cũng chửi; biết cũng chửi mà không biết cũng chửi; am tường cũng chửi mà không am tường cũng chửi… Đại khái, trên dưới phải quấy chửi tất. Chửi đến độ, Ngô gọi họ là kẻ nghiện chửi.

Hình như hôm nào không chửi thì họ ăn mất ngon, ngủ mất yên, sáng quên đánh răng mà chiều thì quên tắm. Khổ vô cùng tận.

Như có trí thức xưng là nhà văn, chửi một chương trình truyền hình trối chết. Chửi ghê lắm, chửi mạnh lắm… Chửi xong kết luận, “Tôi chưa xem chương trình đó”.

Cái gì vậy trời, chưa xem chương trình sao mà chửi được. Ít ra, muốn chửi thì cũng chịu khó lên trang Youtube xem lại cho biết sơ sơ rồi mới chửi chứ. Ai lại vén quần, xắn tay áo chửi thứ mà mình chưa xem bao giờ. Thầy bói mù chửi voi ốm chân à?.

Như có trí thức tự xưng là thi sĩ, cả đời không nổi danh. Đùng phát, cũng hiện hình là tay nghiện chửi. Chửi phát, được biết luôn. Vậy là lấy sự chửi để mưu cầu danh vọng. Sớm chửi thay điểm tâm, trưa chửi thay khẩu phần, còn tối thì ngưng chửi để “Coi có ai gọi điện thoại mời đi uống bia ké không?”.

Cái gì vậy trời, muốn làm gì thì làm, muốn cứu vớt xã hội thì cứu vớt, nhưng phải tự lo cho bản thân mình được đã chứ. Ngô nói thiệt, người đến bản thân mình còn lo không xong thì cao đàm khoát luận bộ không thấy là rất đáng xấu hổ sao?

Như có trí thức tự xưng là nhà báo không thẻ, chửi từ tờ mờ sớm cho đến mù mịt khuya. Vẫn lấy chuyện không có thẻ nhà báo làm tự hào.

Cái gì vậy trời, thẻ nhà báo không là gì cả. Đó chỉ là sự ghi nhận anh là một nhà báo đúng nghĩa. Tức là, anh có tính chính danh của anh, chứ có ai lại tự nhận mình là nhà báo bao giờ. Điều này cũng giống như anh tự hào vì biết lái xe gắn máy nhưng không có bằng lái vậy.

Tự hào thế, kém vô cùng. Vì rõ ràng, đó là sự mạo danh. Đó là sự mạo nhận. Đó là thấy danh vị nhà báo oai nên cũng đu dây điện mà nhận vơ vào người. Chứ làm gì có nhà báo nào mà lại không có thẻ nhà báo.

Thà anh bảo, người viết không có thẻ nhà báo, thì Ngô chẳng hơi đâu mà ngồi tán chuyện với anh. Đằng này, đã không có thẻ nhà báo còn tự xưng là nhà báo thì khác nào cứ cạo đầu là thành trụ trì à(?).

Danh không chính thì ngôn làm sao mà thuận được.

3. Trở lại chuyện Bá Di – Thúc Tề. Ngô không bàn chuyện mấy trí thức thất nghiệp nữa. Có nhiều trí thức ăn cơm vua, ở nhà công vụ, tay nhận lương hưu… vẫn chửi như đúng rồi.

Nhẽ đời nào lại vậy, nhẽ đời nào tiền thì tớ cứ lấy, mồm thì tớ cứ chửi. Làm người, phải sòng phẳng với người khác thì mới hy vọng người khác sòng phẳng với chính mình chứ. Ngay cả trẻ con còn biết cảm ơn người cho kẹo, huống hồ toàn là người lớn cả.

Hay là, cứ học Bá Di – Thúc Tề đi, thôi uống nước vua, thôi ăn cơm vua, thôi ở nhà vua… rồi muốn chửi gì thì chửi, mắng gì thì mắng.

Ngô không nghĩ rằng cứ chửi bới lăng nhăng thì đời sống sẽ từ ấy mà phát triển. Đùa hoài, mình sống trong một ngôi nhà thì phải cố gắng mà vun góp cho ngôi nhà ấy chứ. Thấy chỗ này thấm thì chống ẩm, thấy chỗ kia cũ thì sơn phết lại, thấy chỗ nọ dột thì tìm cách khắc phục…

Đã không làm được thì ngậm miệng lại cho người khác làm, đừng để diễn ra cảnh mà theo cách nói của người Tây Ban Nha, “Mặc tiếng chó sủa, đoàn lữ hành vẫn tiếp tục bước”.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.