Vời vợi Trung thu thơ ấu

Chủ Nhật, 18/09/2016, 05:54
Năm qua đi, tháng qua đi với bao sự đổi thay chóng mặt diễn ra hàng ngày, vẫn in đậm trong tôi hình ảnh những ngày Tết Trung thu thơ trẻ tại làng quê yêu dấu.

Tuổi ấu thơ của tôi trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, cuộc sống vật chất lúc ấy thật vất vả, thiếu thốn nhưng đời sống tinh thần, đặc biệt là kỷ cương, phép nước và tình làng nghĩa xóm chốn thôn quê theo nếp ngàn xưa bền chặt lắm.

Ngoài Tết Nguyên Đán ra, trẻ con ở Bình Lục - Hà Nam như những làng quê đồng bằng Bắc Bộ, luôn háo hức ngóng chờ Tết Trung thu để được vui chơi, đua tài, rước đèn, hát múa và liên hoan phá cỗ tại sân đình dưới ánh trăng rằm vằng vặc và gió nồm nam mát rượi thơm mùi đồng nội.

Trung thu là mùa nước của vùng đồng chiêm trũng, nên khắp nơi ao chuôm đều ăm ắp nước mưa. Cứ buổi tối là ếch nhái kêu uôm uôm khắp chốn. Lũ đom đóm từ các đám rễ cỏ, bèo tây, năn lác bay lên lập lòe khắp hang cùng, ngõ hẻm. Bọn trẻ con thu xếp cơm nước sớm để còn kịp ra sân đình tập trung bàn kế hoạch Trung thu, tập đội ngũ và múa hát.

Trước Tết Trung thu chừng một tháng, cha con ông Binh Thanh vốn là thợ cắt tóc xóm Chợ lại tranh thủ làm đầu sư tử, đèn ông sao để kiếm thêm tiền. Trẻ con lại được dịp túm tụm xem ông vót nan, phết hồ dán giấy bóng kính màu… rồi bình phẩm, chỉ trỏ những sản phẩm cha con ông làm ra cho đỡ thèm. Bởi gia đình chúng đều nghèo, chả mấy đứa có thể xin tiền bố mẹ mua được các đồ chơi đẹp đẽ ấy.

Mỗi khi ăn bưởi, chúng tôi lại tỉ mẩn ngồi bóc hạt lấy nhân xâu vào sợi dây thép, rồi phơi khô để dành làm pháo hoa đốt lúc rước đèn ông sao dịp đêm Rằm tháng Tám.

Quá mong đợi, háo hức bọn trẻ con đếm ngược từng ngày để được tắm mình trong không khí tưng bừng của Tết Trung thu, trong tiếng trống thì thùng khắp thôn xóm xa gần giục giã, tiếng hò reo cổ vũ các trò chơi, tiếng hát trong rồng rắn rước đèn…

Ở từng thôn, các bậc ông cha, huynh trưởng đều cố gắng hết sức mình lo tết cho con trẻ thật chu đáo. Vật chất làm phần thưởng và liên hoan chỉ có mấy chục cân bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, hoa quả… còn mấy cây tre, luồng, mấy chú vịt, vòng đeo tay nhựa, ít niêu đất, chai thủy tinh… để dùng trong các cuộc chơi.

Vài ngày trước cuộc thi và Tết Trung thu, mọi việc đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Bố tôi hồi ấy là kế toán hợp tác xã nông nghiệp toàn thôn nên cũng có chân trong Ban Tổ chức.

Khi theo bố lên nhà bác Thưởng - phụ trách thương nghiệp và lo mua bánh kẹo, thế nào tôi cũng được bố nhón cho vài cái kẹo bọc giấy bóng kính để nếm thử. Sao mà sung sướng đến thế! Tôi cất ngay vào túi, để dành đến lúc đưa trâu ra gò đống sau làng cùng ăn với mấy thằng bạn thân. 

Chúng tôi chuyền nhau mút từng chút một vị thơm ngọt của cái kẹo. Hương vị của những cái kẹo ấy và tình cảm bạn bè của chúng tôi còn mãi với thời gian. Nó tươi đẹp, ấm áp, lung linh kỳ ảo trong lòng mỗi đứa, tuy chúng tôi đều đã ở tuổi xế chiều, phiêu bạt khắp bốn phương trời trong cuộc đời dâu bể. 

Anh Long, thằng Khôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường xa; thằng Quang bệnh tật định cư xứ người, tận nước Đức xa xôi; thằng Duyệt hiền lành lận đận, vất vả sinh nhai tại Nam Định…

Mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi vẫn bá vai, bá cổ mày mày, tao tao ôn lại bao kỷ niệm không quên thấm đẫm nghĩa tình thời thơ ấu ấy.

Khi người lớn lo Tết Trung thu là lúc chúng tôi cũng tất tả chạy ngược, chạy xuôi lo toan không kém. Đứa nào may mắn sinh ra ở gia đình khá giả hơn được bố mẹ mua cho từ đầu sư tử, đèn ông sao, đến cái trống tang gỗ sơn đỏ tí xíu thì vô cùng tuyệt vời. Nó chỉ cần đội đầu sư tử, tay cầm trống, tay nâng đèn ra ngõ là lập tức cả một đoàn trẻ em rồng rắn, xin được cầm đèn ông sao, gõ trống hay đội mũ sư tử một tí cho đỡ thèm.

Hầu hết lũ trẻ tụ tập nhau thành từng nhóm làm lấy đồ chơi. Mọi vật dụng từ nan tre, giấy loại, giấy bóng kính đến nhựa sung, hồ dán… cả bọn đều nhặt nhạnh mang về sử dụng.

Riêng có cái Tý còm hàng xóm là khó khăn hơn cả. Bố nó là liệt sỹ Điện Biên. Mẹ nó là phụ nữ lại bận rộn công tác trong Ban Quản trị Hợp tác xã. Bà nội Tý già yếu, mắt mũi kèm nhèm. Biết thân biết phận, nó chỉ buồn bã đứng xa xa ngắm nhìn tất cả. Thấy vậy, tôi bàn với lũ bạn cho Tý tham gia cùng nhóm và ưu tiên làm cho nó cái đèn ông sao đầu tiên. Tý mừng lắm, chạy lăng xăng giúp việc vặt cho cả nhóm. 

Đến tận bây giờ, khi tất chúng tôi đã già, mà mỗi khi gặp lại người bạn thuở thiếu thời ấy, trước mắt tôi lại hiện lên sống động, rõ ràng hình ảnh cái Tý bé bỏng tóc đuôi gà, áo nâu sờn cũ, khuôn mặt rạng ngời, tay cầm chiếc đèn ông sao - sản phẩm đầu tay của cả bầy con nít sà vào lòng bà nội mừng rỡ khoe rối rít trước ngõ xóm, khi bà nó đang lập cập chống gậy đi chợ vừa về đến.

Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến! Từ sáng sớm, nhóm thanh niên được chi đoàn thôn phân công tổ chức cuộc thi và vui chơi cho các em thiếu nhi tại hai địa điểm khác nhau. Ở ao lớn, ao Hàng tổ chức leo cầu phao, bắt vịt và thi bơi. Cùng lúc đó, tại sân đình là các trò chơi như: bịt mắt bắt dê, đập niêu, ném vòng cổ chai, hái hoa dân chủ…

Cầu phao là đoạn gốc luồng to, tròn đều, dài chừng 10m, một đầu kê trên ống luồng cố định tại bờ ao Hàng, đầu kia buộc chão treo lên ba cây tre được chụm ngọn chân kiềng cắm chặt xuống ao. Cầu phao chỉ cách mặt nước tầm 30cm, nó đu đưa, không ổn định nên rất khó đi qua. 

Người chơi phải bình tĩnh, thận trọng và khéo léo như diễn viên xiếc đi trên dây, không trượt ngã xuống ao mới được công nhận thắng cuộc thi. Phải vài chục lượt mới có một người may mắn thành công trước sự reo hò, cổ vũ của đám đông chen chúc quanh bờ ao Hàng.

Đuổi vịt và bơi thi tổ chức tại ao Lớn mênh mông ngay cạnh ao Hàng. Mấy chú vịt bị nhốt sẵn trong lồng sợ khiếp vía và bị tù cẳng, nên khi hiệu lệnh phát ra chúng liền nhảy ào xuống mặt nước bơi, lặn, kêu váng lên tìm nơi ẩn nấp. 

Những người tham gia đuổi bắt cũng nhanh chẳng kém, vừa chen lấn, xô đẩy, reo hò ào xuống đuổi theo lũ vịt. Lũ vịt còn khỏe nên nhanh nhẹn và tinh khôn lắm. Chúng bơi, lặn sâu xuống nước ẩn mình dưới bụi bèo tây, cụm năn hay đám cỏ rác nổi trên mặt nước chỉ để hở hai lỗ mũi để thở làm mọi người tìm bở hơi tai mà không thấy. Cuộc vui kéo dài cả tiếng đồng hồ, chỉ khi chú vịt cuối cùng bị tóm mới kết thúc.

Cuối cùng là cuộc thi bơi được chia theo lứa tuổi. Cây tre đực non để ngọn xanh rờn được cắm giữa ao cách bờ vài trăm mét làm mốc. Người tham gia xuất phát từ bờ, phải bơi vòng qua ngọn tre về nơi xuất phát mới hoàn thành bài thi.

Trong khi đó, tại sân đình, các tiết mục: ném vòng cổ chai, đập niêu, bịt mắt bắt dê, hái hoa dân chủ… cũng diễn ra hết sức hào hứng, sôi nổi. Cuộc vui kết thúc vào tầm 4 giờ chiều để mọi người lo cơm tối sớm cho lũ thiếu nhi có thời gian tham gia tụ tập phá cỗ tại sân đình và rước đèn.

7h tối mới bắt đầu, trẻ con thường ra sớm để chọn chỗ ngồi ưng ý. Dưới ánh đèn tọa đăng sáng trưng và ánh trăng rằm vằng vặc, cả lũ trẻ làng Họ theo đội hình ngồi ngay ngắn giữa sân đình rộng thênh thang chăm chú nghe bác Chủ nhiệm hợp tác xã chúc tết Trung thu. Tiếp theo là tiết mục phát bánh kẹo, hoa quả để liên hoan mà chúng háo bức, mong chờ. Danh sách trẻ em toàn thôn đã được lập từ trước, vì vậy đứa nào không tham gia, anh chị em trong nhà có thể nhận giúp. 

Cũng chả nhiều nhặn gì, mỗi phần quà chỉ gồm gióng mía đã róc vỏ, tiện sẵn, quả chuối, quả cam, múi bưởi, mấy cái kẹo, góc bánh dẻo, góc bánh nướng mà sao ngày ấy chúng tôi háo hức, mong chờ và ăn ngon lành quá đỗi. Cuộc sống thiếu thốn chỉ là một phần nhỏ, chủ yếu là không khí tưng bừng đón Tết Trung thu cổ truyền ngấm vào máu thịt trải qua bao thế hệ Lạc Hồng.

Khoảng 8h30 tối, cuộc vui kết thúc, bọn trẻ con tỏa về bày cỗ trông trăng ở các gia đình. Chiếu được trải ra trước hiên nhà dưới ánh trăng vằng vặc. Ngoài bánh, kẹo, những đàn lợn, bánh cá chép ra, bưởi, hồng được các mẹ, các chị kỳ công tỷ mỷ cắt tỉa sắp xếp thành chó bông, thỏ… trông rất đẹp mắt. Cả gia đình quây quần phá cỗ, chuyện trò sôi nổi, đầm ấm.

Tầm 10 giờ tối, bọn trẻ con đã hẹn nhau từ trước, từng tốp tay nâng cao đèn ông sao, đèn con thỏ… tay kia cầm xâu hạt bưởi đốt cháy sáng, nổ lép bép bắn ra những tia lửa nhỏ như pháo hoa, miệng hát vang bài hát trung thu.

Tùng dinh dinh, dinh dinh tùng dinh dinh…

Đoàn rồng rắn khắp ngõ ngách, xóm thôn. Tiếng trống thì thùng giục giã. Cuộc rước đèn sôi nổi diễn ra tới đêm khuya. Khi đã mệt nhoài và buồn ngủ díp mắt, cả bọn mới lưu luyến chia tay nhau, ai về nhà nấy ngủ trong gió mát, trăng thanh. Nhiều đứa nằm ngủ mắt nhắm nghiền mà tay vẫn nắm chặt cán đèn ông sao, miệng vẫn ú ớ, tay vung chân đạp:

- Tùng, dinh dinh…

Những cái Tết Trung thu xưa luôn rực sáng lung linh, tươi đẹp trong mỗi chúng tôi mỗi khi nhớ về quê hương yêu dấu một thời khó khăn mà thấm đẫm tình người. Nó là một trong những thỏi nam châm cuốn hút chúng tôi - những đứa con xa quê hương hướng về nguồn cội.

Hà Nội, tháng 8-2016

Bảo Ngọc Minh Châu
.
.