Việt Phủ Thành Chương
Sưu tập kiến trúc dân gian truyền thống là bộ phận vừa hữu cơ trong sự kết thành bộ sưu tập của Thành Chương, vừa là khuôn khổ và nền cảnh hữu cơ cho việc trưng bày những đồ cổ, những vật phẩm văn hoá đời sống, không thể tách lìa khỏi nhau.
Trên diện tích rộng chừng một héc-ta, họa sỹ đã cấy ghép vào địa hình những nếp nhà, di chuyển nguyên vẹn từ nơi khác, hoặc có sự tận dụng tối đa những thành phần cấu trúc cũ. Nếp nhà 3 gian nhỏ bé, nhìn mà cứ tưởng dựng lên từ tầm vóc người, bằng vật liệu gỗ - tre - rơm, ẩn né vào một góc vườn.
Bên cạnh là căn nhà sàn của dân tộc Mường, được bày biện tự nhiên, gây cảm giác nó không phải được trưng, mà đang là nơi trú ngụ. Một nếp nhà khác, tường đất nện theo kỹ thuật xây cất của dân vùng cao, với cái cổng thấp bé, thoạt nhiên gây cảm nghĩ, cái sản phẩm kiến tạo cỏn con này đích thực là kiến trúc sinh thái, kiến trúc hô hấp, nơi cơ thể của ta có cơ may ngơi nghỉ.
Họa sĩ Thành Chương. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh |
Các công trình kiến trúc gỗ khác, như ngôi nhà được mệnh danh là Tường Vân, nhà đại khoa, nhà thủy đình, nhà hát có tên Long Đình v.v ... là những bằng chứng thuyết phục về nghệ thuật dụng gỗ của người Việt, - hợp lý bởi không có gì thừa, chắc chắn bởi hệ liên kết không gian y hệt đám người đứng choãi chân và nắm chặt tay nhau, đẹp bền bởi cái sự mộc.
Có những kiến trúc, ta còn bắt gặp đôi khi, Thành Chương bằng cách nào đó sở hữu được và đem ghép đặt vào từng góc đất chọn kỹ, như tháp đá, như những cái giếng cổ, những cầu đá, những cái am và cái miếu, nhỏ không thể nhỏ hơn... mang lại cho ta sự "thụ" thị giác, sự "cảm" tâm thức của người Việt.
Một góc Việt Phủ Thành Chương. |
Trong bộ sưu tập của Việt Phủ Thành Chương, hiện hữu 2 sưu tập thành phần. Đó là sưu tập đồ sứ gốm thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam, Lý - Trần - Lê - Nguyễn, sưu tập các đồ vật văn hoá đời sống - sản xuất - tâm linh. Sưu tập đầu thuộc dạng chơi đồ cổ, thiên về những tiêu chí cổ - hiếm - đẹp.
Gốm sứ Việt, chưa đạt độ tinh xảo và quý phái như của Trung Hoa, song vẫn làm cho ta yêu mến bởi sự ích dụng, được hình thể hóa một cách giản dị mà tưởng như không thể khác thế và bởi chất mộc, thời nay được tương đồng với vẻ đẹp. Sưu tập cổ vật và đồ vật từ cuộc sống thường nhật, đời sống tâm linh có vị trí kiệt xuất trong tổng bộ sưu tập của Việt Phủ Thành Chương. Và, có lẽ, là một tập hợp hiếm hoi về nhiều phương diện trong số những tích lũy được biết ở Việt Nam.
Nhằm dễ bề bao quát hàng ngàn đơn vị trưng bày, ta có thể phân chia thành 2 nhóm: nhóm phục vụ các hoạt động tín ngưỡng - tâm linh, và nhóm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Hoặc phân chia thành nhóm là đối tượng của mỹ thuật và nhóm là sản phẩm thực dụng. Hoặc nhóm đồ vật là sở hữu của giới đẳng cấp và của giới bình dân. Cũng có thể phân chia theo chất liệu và kỹ thuật chế tác, như làm bằng tre, bằng gỗ, gỗ khảm nạm và sơn son thếp vàng, làm bằng đất nung, bằng đá...
Một góc Việt Phủ Thành Chương. |
Ta kinh ngạc và choáng ngợp trước số lượng, sự đa dạng, độ cổ xưa, sự tinh tế, và trong nhiều trường hợp, độ tráng lộng của những sản phẩm, nằm ở giữa địa hạt nghệ thuật và thủ công. Lâu nay, do chưa nhìn thấy ở dạng tập trung và chưa đánh giá đủ, ta cứ đinh ninh là vốn liếng ấy ở ta có phần nghèo nàn.
Sự hiện hữu của hàng chục pho tượng các thời làm bằng gỗ sơn thếp, hàng trăm pho tượng quan hầu và con giống đá, vô vàn những đồ thờ và hương án, sập gụ tủ chè, bình phong, hoành phi, câu đối v.v... tạo ra sức thuyết phục lớn ngay cả về số lượng.
Không thể tưởng tượng nổi, bằng sự nhẫn nại nào và bằng công sức cùng tiền của nào, mà họa sỹ Thành Chương đã phát hiện và thu gom về đây cả một khối lượng ghê gớm những tài sản văn hóa như thế. Hễ ai muốn biết, muốn thấm và thụ hưởng tài nghệ của những người thợ thủ công - nông dân Việt, hãy đến với sưu tập động sản của Việt Phủ Thành Chương, ít nơi nào có thể sánh được.
Nhiều năm xem tranh và đồ họa của họa sỹ Thành Chương, tôi cứ phân vân về phong cách biểu đạt không giống ai của anh. Dĩ nhiên, nhận ra dấu ấn ảnh hưởng của chủ nghĩa lập thể quốc tế, song cái phần kia, cái phần của riêng anh và là cái chất Thành Chương, bắt nguồn từ đâu? Tôi đã có cho mình câu trả lời, lang thang giữa bộ sưu tập chảy thành mạch, thành dòng trong không gian Việt phủ.
Ai đó hỏi tôi, bộ sưu tập của Việt Phủ Thành Chương trị giá bao nhiêu? Có quá nhiều thông số để đưa vào bài tính. Tôi chỉ biết vận ra đây cách nói chẳng có gì là mới: Vô giá. Vô giá đối với di sản văn hoá của dân tộc Việt chịu nhiều mất mát.
Vô giá, bởi không thể đưa vào việc định giá sự gắng gỏi, sự bền bỉ, tấm lòng và nhiệt huyết phi thường của một Con người 60 năm tuổi đời, một sự nghiệp sáng tác hội họa thành danh, một bộ sưu tập những di sản văn hoá đem dâng hiến cho người đời. Cùng với tranh và cùng với Việt Phủ Thành Chương, chợt nghĩ, Thành Chương cũng đã trở thành niềm ngạc nhiên và sự thán phục.
2…Họa sỹ Thành Chương có lẽ là người đầu tiên đem ra giới thiệu với công chúng hầu như toàn bộ sự tích lũy trong hơn 40 năm đời mình. Và, anh cũng là người đầu tiên triển khai bộ sưu tập của mình tại một địa điểm cách xa thành phố, dưới bầu trời, trong một khuôn viên - vườn cảnh. Hơn thế nữa, anh cũng là người đầu tiên vận dụng sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt, thâm nhập vào Việt Nam chưa lâu, vào việc trưng bày các đối tượng của bộ sưu tập - di sản.
Tham quan Việt phủ Thành Chương, người ta có cảm giác, anh đã đi ra từ chính mình. Và, cũng từ chính mình, anh tạo ra sản phẩm nghệ thuật và sự nghiệp thứ hai, sau mảng hội họa, - tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, hoàn toàn độc đáo.
Trên mảnh đất cằn cỗi, Thành Chương vừa làm quy hoạch theo cách thức riêng, vừa soạn thảo kịch bản triển khai trưng bày và thực hiện dần dà từng bước, khi túi tiền cho phép. Tự anh cân nhắc, đắn đo, mày mò và khám phá, để cuối cùng tạo nên một tác phẩm, kết hợp kiến trúc và nghệ thuật sắp đặt, trọn vẹn mà không nhận ra sự manh mún.
Thành Chương không trưng bày theo niên đại, không theo loại hình, không theo chất liệu... Anh nhận rõ, sự không thể tách lìa đồ vật ra khỏi kiến trúc, ra khỏi môi trường nơi chúng từng cộng sinh. Và, như một kiến trúc sư phong cảnh, anh lồng ghép vào từng góc đất những công trình kiến trúc và những kiến trúc vật thể duy nhất phù hợp.
Trong và quanh những công trình ấy, họa sỹ bày đặt mọi đồ vật, đúng thứ tự và tự nhiên, như thuở xưa các cụ mình đã từng bày đặt. Có những ngôi nhà anh khéo léo cơi nới hoặc bổ sung cái này cái nọ, bài bản như là một bác thợ mộc cổ truyền. Không gian được chia nhỏ, thành những sân, thềm, lối lên, đường đi, bể cạn... Khung cảnh luôn luôn biến đổi, hé mở ra những cái duyên và vẻ đẹp theo lối tạo cảnh thời xưa.
Cây thế, cây cổ thụ và những loại cây cỏ thân quen của miền đất Bắc Bộ cũng lập thành sưu tập sống của Việt Phủ. Hiểu rõ và giải mã được những đặc tính và vẻ đẹp riêng biệt của từng loài cây cỏ, Thành Chương hành động như một người thợ về cây cảnh và tạo cảnh, như một nghệ sỹ sắp đặt, hòa phối chúng vào thể đất, lồng ghép chúng vào các tế bào của trưng bày, tạo nên một bản giao hưởng đặc sắc.
Ở Việt Phủ, Thành Chương thể hiện mình, cùng một lúc, như là một curator (quản thủ bảo tàng), chuyên gia trưng bày, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, người thực thi dự án, người thợ thủ công đích thực. Người thợ thủ công, xuất xứ từ nông dân và chưa hề bao giờ tách lìa khỏi lũy tre làng cùng ruộng đồng, với những phẩm chất quý báu, - cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, cầu toàn và khéo tay.
Có thể, cũng từng ấy những nhà chuyên môn từ những lĩnh vực không phải hội họa sẽ phát hiện ra khiếm khuyết nào đó, sẽ chê Việt Phủ Thành Chương về mặt này mặt nọ. Song, tôi tin chắc rằng, với sự tích lũy những di sản văn hóa có một không hai, với nghệ thuật sắp đặt chúng trong sự quấn quện với đất trời, anh quả là một người lao động nhiệt huyết và tận tụy, vô song trên cánh đồng nghệ thuật.
Nhìn từ sự nghiệp của Thành Chương, dù nghe có lạ tai, ta vẫn nhất trí với ai đó tôn vinh anh là Người khổng lồ