Tự do và rủi ro

Thứ Sáu, 12/04/2019, 16:55
Một xã hội tự do tuân thủ luật pháp là một xã hội ai cũng muốn hướng đến, bởi đấy là xã hội mà người dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm, còn những người làm công vụ của nhà nước thì chỉ làm những gì mà luật pháp cho phép.

Chính từ đặc điểm này mà xã hội tự do lại có những rủi ro. Rủi ro của xã hội tự do là tội phạm có thể lẩn tránh bằng việc lách luật nhưng ưu điểm của xã hội đó là rất ít có oan sai.

Nước ta hơn 30 năm chuyển sang cơ chế thị trường, tự do kinh tế từng bước thúc đẩy tự do hóa đồng bộ trong xã hội. Nguyên tắc người dân làm tất cả những gì luật pháp không cấm, còn cán bộ, nhân viên nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép đã được xác lập. Đó chính là nền tảng của một xã hội tự do, dù hệ thống luật pháp còn có bất cập, dù tình trạng lạm quyền vẫn chưa được ngăn chặn hoàn toàn.

Nhiều người cho rằng, tình trạng tham nhũng và các loại tội phạm đang gia tăng, tình trạng tiêu cực nhìn đâu cũng thấy là “mặt trái” của cơ chế thị trường, tôi cho nhận định như vậy là chưa hẳn đúng. Ở một góc độ nhất định nào đó, nó chính là sự rủi ro của một xã hội đang tự do hóa.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một cựu quan chức nọ có tham nhũng nhưng tòa không kết tội tham nhũng. Vì vậy một số người nghĩ rằng ông không tham nhũng mà tòa xử ông với mức án như vậy là quá nặng, một số người khác thì cho rằng không kết được ông tội tham nhũng là do các cơ quan bảo vệ pháp luật né tránh. 

Chúng ta không chấp nhận một thực tế rằng những kẻ tham nhũng đều vô cùng khôn khéo, không để lại chứng cứ, rằng không có chứng cứ thì biết mười mươi là tham nhũng cũng không xử được. 

Sự công khai hóa có tác dụng rất lớn trong quá trình cải cách, làm lành mạnh hóa và tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cho nên chúng ta thất vọng, chúng ta bất bình rằng tại sao cả đến các văn kiện của Đảng cũng nói tình trạng tham nhũng đang rất nghiêm trọng nhưng những kẻ tham nhũng bị mang ra xét xử không có bao nhiêu.

Hai cựu quan chức bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ cũng vậy. Chúng ta biết rằng hai nhân vật ấy nhận hối lộ, thậm chí có thể được “ăn chia” trong đường dây nhưng cơ quan điều tra và tòa án thì không đủ chứng cứ. 

Chúng ta không chấp nhận thực tế rằng tòa không thể nào mang cái “biết chắc” để thay cho chứng cứ. Cho nên chúng ta thất vọng, chúng ta nghĩ rằng cơ quan bảo vệ pháp luật đang bao che.

Là vì chúng ta muốn sống trong một xã hội tự do tuân thủ luật pháp nhưng chúng ta không có thói quen chấp nhận rủi ro.

Thời chưa Đổi mới, nhiều khi một bí thư tỉnh ủy, bí thư huyện ủy có thể chỉ đạo cho công an “xử lý” những người mà các ông ấy cho rằng phản động hay phạm pháp. Ngày nay không thể có chuyện đó. Ngày nay công an làm theo luật. 

Nếu có sự chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo và quản ly cấp trên thì sự chỉ đạo cũng chỉ xuất phát từ những chứng cứ mà các cơ quan này được phản ánh và sự chỉ đạo cũng chỉ là yêu cầu điều tra, xử lý đúng người đúng tội đúng pháp luật, chứ không thể có chuyện chỉ đạo làm theo ý chí chủ quan của cá nhân. 

Hiến pháp ghi rõ tòa án khi xét xử chỉ tuân theo luật và nghiêm cấm tổ chức, cá nhân can thiệp vào quá trình xét xử của tòa án, cho nên cái gọi là “án bỏ túi” nếu có là phi pháp. Tình trạng oan sai, tình trạng lọt người lọt tội đang diễn ra nhức nhối, chủ yếu là do trình độ năng lực của cán bộ điều tra, công tố và tòa án. Vẫn có những sức ép từ các cá nhân có quyền thế nhưng vẫn có vô số các sĩ quan công an, công tố viên và thẩm phán cương trực chỉ tuân theo pháp luật.

Người dân ngày nay biết hầu hết những tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không hẳn là tình trạng tiêu cực này gia tăng mà chủ yếu là do được công khai hóa. 

Sự công khai hóa có tác dụng rất lớn trong quá trình cải cách, làm lành mạnh hóa và tăng cường năng lực của các cơ quan này. Mặc dù tiêu cực được phơi bày không thể không gây nhiều bức xúc nhưng là điều đáng mừng hơn là đáng lo ngại.

Khi những cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng và nhiều tướng lĩnh vào vòng tố tụng, nhiều người bị xử tù, nhiều người đang bị tạm giam để điều tra, mặc dù sự phô bày tình trạng tiêu cực đã ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng vào bộ máy lãnh đạo và quản lý của nhà nước nhưng cũng đáng mừng vì điều này chứng tỏ hệ thống chính trị của chúng ta đang trưởng thành, không che giấu kể cả những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đó là quá trình trưởng thành của hệ thống chính trị trong quá trình tự do hóa đất nước.

Những năm gần đây, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng xã hội được phổ cập rộng khắp, sự tiếp cận và chia sẻ thông tin diễn ra chóng mặt, điều cách đây khoảng 20 năm không ai có thể tưởng tượng nổi. Thành tựu này đã thúc đẩy nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất những thông tin trong và ngoài nước. 

Thông qua mạng xã hội, những “người tốt việc tốt” được ca ngợi, khuyến khích, những số phận bất hạnh oan trái nơi hang cùng ngõ hẽm nhanh chóng được đồng bào mình biết đến để cưu mang, tình trạng tiêu cực, những “người xấu việc xấu” bị lên án. Thông qua mạng xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý cũng tiếp cận các ý kiến khen chê của người dân nhanh hơn bao giờ hết. 

Nhưng bên cạnh sự tích cực và hữu ích là “chủ đạo”, mạng xã hội còn phô bày vô số những “rác rưởi” độc hại, những thông tin nặc danh bịa đặt gây tổn hại đến lợi ích của công dân và nhà nước, của tổ chức và công dân. Đó cũng là rủi ro của quá trình tự do hóa, trong đó có tự do ngôn luận. 

Tham nhũng, lạm quyền phải được khắc phục từ gốc.

Nhưng lợi ích của mạng xã hội là lớn hơn nhiều so với những rủi ro mà nhà nước và công dân phải đối phó. Bởi vậy mà nhà nước ta không hề có ý định hạn chế sử dụng mạng xã hội.

Tóm lại, những thành tựu mà kinh tế thị trường và quá trình tự do hóa mang lại trên đất nước ta, sau khi trừ đi sự rủi ro, vẫn là vô cùng lớn lao, không đo đếm được. Nhưng sự rủi ro, dù là rất nghiêm trọng, vẫn phải được đối phó và xử lý theo các nguyên tắc pháp quyền. Nếu không, chúng ta sẽ vô tình phế bỏ các thành tựu. 

Nếu coi tình trạng tiêu cực bát nháo đang diễn ra là “mặt trái” của cơ chế thị trường thì biện pháp kéo theo sẽ là sẽ dùng sự can thiệp quan liêu của cơ chế cũ, như vậy sẽ kéo lùi quá trình phát triển.

Tham nhũng, lạm quyền phải được khắc phục từ gốc. Khi nguồn lực của nhà nước được chuyển dần cho khu vực dân doanh (bằng cách giảm thuế và hạn chế nợ công) thì tham nhũng sẽ ít đi. Khi luật pháp minh bạch và từng bước hoàn thiện thì sẽ giảm dần phạm vi lạm quyền và sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích. 

Khi luật pháp đủ công bằng và đủ sức răn đe chế tài, lôi mọi kẻ phạm pháp giấu mặt ra ánh sáng thì tình trạng bịa đặt bôi nhọ gây hại cho người khác trên mạng xã hội sẽ giảm. Nhưng đó là một quá trình tiệm tiến. Trong quá trình tiệm tiến đó, chũng ta vẫn phải chấp nhận những rủi ro.

Công cuộc “đốt lò” đang rất được lòng dân, thể hiện ý chí của các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước quyết làm trong sạch bộ máy, khôi phục lại niềm tin cho dân chúng nhưng chúng ta cũng hiểu rằng song song với công cuộc này thì các giải pháp gốc rễ căn bản nói trên vẫn cần được xây dựng và hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Hoàng Hải Vân
.
.