Từ đảo đầu lâu nghĩ về việc quảng bá hình ảnh đất nước

Thứ Tư, 29/03/2017, 11:06
Phải nói rằng, một số phong cảnh đất nước hiện lên trong phim sẽ tác động tốt đến những người xem. Điều này có lợi cho sự phát triển du lịch Việt Nam. 

Ông Chu Việt Dũng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Thưa nhà báo, tôi thấy con cháu trong gia đình gần đây bàn tán và rủ nhau đi xem bộ phim về một con king kong khổng lồ do một đạo diễn người Mỹ làm. Rồi gần đây, mọi người lại xôn xao bàn tán về việc Bộ VHTT & DL đề nghị hay yêu cầu gì đó cho Hà Nội dựng tượng, dựng hình con king kong này ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Tôi đọc báo cũng thấy Bộ VHTT & DL chọn ông đạo diễn người Mỹ này làm đại sứ du lịch năm 2017 của Việt Nam. Chính thế mà tôi chưa xem được bộ phim này nhưng đã hỏi kỹ nội dung bộ phim đó thì chỉ thấy bộ phim chỉ lấy cảnh ở một số nơi của Việt Nam để quay chứ không phải bộ phim về một lĩnh vực nào đó của Việt Nam.

Điều này làm tôi hết sức băn khoăn ở hai điểm. Thứ nhất, việc chọn ông đạo diễn bộ phim này làm đại sứ du lịch cho Việt Nam có phù hợp không? Thứ hai, việc dựng chân dung con khỉ hay đười ươi này ở trung tâm Hà Nội để quảng bá du lịch Việt Nam có thực sự cần thiết và phù hợp không? Mong nhà báo có đôi lời về vấn đề này. Xin cám ơn nhà báo.

Nhà báo Minh Đức: Kính gửi ông Chu Việt Dũng, những vấn đề ông đặt ra trong thư gửi tòa soạn cũng là những vấn đề mà cá nhân tôi đang suy nghĩ. Những gì tôi thưa chuyện cùng ông dưới đây cũng là những ý kiến cá nhân trao đổi với ông.

Hy vọng, những người quan tâm đến hình ảnh đất nước nói chung và qua những điều ông đề cập nói riêng sẽ có những tiếng nói chân thành và cẩn trọng trao đổi với nhau và hy vọng những người có quyền hạn trong việc này nghe được để có thể có những quyết định sáng suốt có lợi cho đất nước.

Trước hết, tôi cũng là người như ông chưa xem được bộ phim này mà chỉ xem được một số hình ảnh và một số cảnh của bộ phim mà báo chí đã đưa. Nhưng qua báo chí, chúng ta cũng hiểu được cơ bản nội dung bộ phim. 

Việc một tập đoàn làm phim lớn của Mỹ chọn Việt Nam để quay một bộ phim là điều có lợi cho Việt Nam nếu bộ phim đó không có nội dung phản cảm, không bóp méo lịch sử của bất cứ dân tộc nào mà bộ phim đề cập và không chứa đựng trong phim những vấn đề chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, thể chế chính trị và kích động sự thù địch cũng như chiến tranh chống lại bất cứ cộng đồng hay dân tộc nào.

Phải nói rằng, một số phong cảnh đất nước hiện lên trong phim sẽ tác động tốt đến những người xem. Điều này có lợi cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Nhiều đất nước đã được du khách trên thế giới biết đến và có ấn tượng tốt thông qua những bộ phim. Đấy cũng là cách quảng cáo du lịch có hiệu quả lớn mà Việt Nam cần phải học tập.

Về vấn đề chọn đạo diễn người Mỹ của bộ phim này làm đại sứ du lịch Việt Nam năm 2017 cũng là một lựa chọn có chủ ý cho dù chưa hẳn là lựa chọn tốt nhất lần này.  Đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts là người có cảm tình với Việt Nam. Việc chọn Việt Nam để quay bộ phim của ông là chuyện bình thường của bất cứ đạo diễn nào chứ không có gì đặc biệt.

Nhưng những phát biểu của ông về Việt Nam là những phát biểu tốt cho hình ảnh Việt Nam, tôi nghĩ, việc chọn đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch năm 2017 cho Việt Nam cũng có những ảnh hưởng tốt. Chúng ta tạm thời bằng lòng với lựa chọn này. Thế nhưng việc xây dựng tượng King Kong ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô lại là một quyết định có thể nói là một quyết định đáng trách, thậm chí là một quyết định sai.

Vì sao quyết định này lại là một quyết định sai? Tôi xin đưa ra một số nguyên nhân theo và một vài ý kiến cá nhân liên quan đến bộ phim này và việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam như sau:

Một: Bộ phim Kong: Đảo đầu lâu là một bộ phim không liên quan đến bất cứ câu chuyện nào hay đề tài nào của Việt Nam. Đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts chỉ lấy phong cảnh Việt Nam để làm nền cho bộ phim. Đây là việc thông thường của các đạo diễn vì thực sự chưa nhiều người trên thế giới biết đến những phong cảnh đẹp này của đất nước Việt Nam. 

Làm như vậy họ vừa tìm được những vùng đất mới lạ và đẹp để bộ phim thêm phần hấp dẫn khán giả đồng thời họ cũng có được lượng khán giả không nhỏ là khán giả nước sở tại.

Hai: Nhân vật chính trong phim là một con linh trưởng mà điện ảnh thế giới vẫn gọi bằng một cái tên quen thuộc là King Kong. Hình ảnh King Kong có thể dựng trước các rạp chiếu, ở những nơi bộ phim đã quay nhưng cũng chỉ dựng ở một địa điểm giải trí nào đó chứ không phải là dựng ở trung tâm của địa phương đó.

Ba: Chúng ta không có bất cứ lý do gì có tính hợp lý để dựng hình ảnh King Kong ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Khán giả Việt Nam tò mò bộ phim này không phải tò mò về một bộ phim quá mới lạ và quá hay mà bởi muốn xem hình ảnh đất nước sẽ hiện lên trong bộ phim như thế nào. 

Nếu dựng hình ảnh King Kong ở trung tâm thủ đô, nhiều người nước ngoài sẽ không hiểu con linh trưởng này đại diện cho điều gì của văn hóa, lịch sử Việt Nam chứ chẳng ai lại nghĩ nó đại diện cho một bộ phim giải trí hạng hai của điện ảnh Mỹ.

Còn người Việt Nam có ý thức cũng không hiểu vì sao Bộ VHTT & DL lại đề nghị dựng tượng con vật này ở đây. Còn các nam nữ thanh niên hay trẻ em có đến khu vực hồ Hoàn Kiếm thì chỉ lấy đó là nền cho những bức ảnh "tự sướng" của mình mà thôi chứ không nhận được bất cứ bài học lịch sử hay văn hóa gì của đất nước mình cả.

Bốn: Việc dành khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cho người đi bộ vào những ngày nghỉ cuối tuần là một quyết định hay. Cho đến bây giờ, việc tạo dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam quanh khu đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chưa thật phong phú. 

Chính nơi đây, người Việt Nam và khách du lịch quốc tế có thể đi dạo, uống cà phê và thưởng thức những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Việc này chính quyền thành phố cần tập trung hơn nữa và biến không gian này trở thành nơi vui chơi giải trí cho người dân và là nơi quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tốt nhất.

Năm: Qua hiệu ứng của bộ phim này cũng như nhiều bộ phim nổi tiếng trên thế giới, chúng ta thấy được việc quảng bá hình ảnh của một đất nước qua điện ảnh là vô cùng to lớn. Những nhà quản lý Việt Nam nên nghĩ ngay đến việc phải thực sự thúc đẩy nền điện ảnh yếu kém của mình.

Đoàn làm phim Kong - Đảo đầu lâu thực hiện các cảnh quay tại Ninh Bình, Việt Nam.

Có rất nhiều câu chuyện, sự kiện và giai đoạn lịch sử Việt Nam có thể biến thành những bộ phim "bom tấn" để làm khán giả thế giới phải biết đến Việt Nam như câu chuyện về Thành Cổ Loa. 

Nếu câu chuyện Thành Cổ Loa vào tay một đạo diễn giỏi chắc chắn sẽ làm khán giả thế giới tìm đến như người ta tìm đến phim Thành Troy. Câu chuyện về Thành Cổ Loa là một câu chuyện hấp dẫn không kém bất cứ câu chuyện cổ nào trên thế giới bởi chi tiết câu chuyện và tính tư tưởng của nó.

Kính thưa ông Chu Việt Dũng, đó là những ý kiến cơ bản theo cách nhìn của cá nhân tôi mạn phép trao đổi với ông và bạn đọc. Tôi cam đoan với ông rằng: sau khi những người tò mò đã xem bộ phim này, họ sẽ không còn bàn luận lâu dài về nó nữa. Bộ VHTT & DL đã quá vội vàng khi đưa ra quyết định mà chúng ta đang bàn tới.

Cho dù TP Hà Nội không đồng ý với yêu cầu hay đề nghị của Bộ VHTT & DL thì nhiều người trong chúng ta cũng mang cảm giác thất vọng về tầm nhìn của những nhà quản lý văn hóa và du lịch của đất nước.

Và có một điều tôi tin rằng: khi ngồi uống cà phê với nhóm làm phim Kong: Đảo đầu lâu, đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts và các đồng nghiệp cũng dành một thời gian bàn luận với nhau không hiểu vì sao Bộ VHTT & DL Việt Nam lại dựng cái con "khỉ" giải trí của họ tại trung tâm thủ đô Hà Nội - trung tâm văn hóa của cả nước nhỉ?

M. Đ.
.
.