Từ Quốc phục đến… Quốc khuyển

Thứ Ba, 24/12/2019, 14:04
Chiếc áo dài quen thuộc phụ nữ chúng ta ngày nay thường mặc mà nhiều người trân trọng gọi là "quốc phục" là trang phục có từ những năm 30 của thế kỷ trước. Dù được cải tiến cải lùi và qua bao nhiêu biến tấu, nó vẫn chỉ là một xu hướng thời trang.


Nhưng nếu gọi nó là "quốc phục" thì trước những năm 1930 "quốc phục" của phụ nữ Việt Nam là gì, không thấy ai nói đến. Và nói chung, tự cổ chí kim không có một thứ trang phục nào được gọi là "quốc phục" cả. Thời cổ đại, cũng chẳng có ai tranh cãi lấy cái khố đóng bằng vỏ cây hay lấy cái khố đóng bằng bẹ chuối làm "quốc phục".

Thời quân chủ, triều đình quy định các loại áo xống cùng màu sắc của chúng cho từng phẩm trật quan lại, gọi là quan phục. Còn trong dân thì ăn mặc tự do, chiếc áo dài khăn đóng của đàn ông cũng chỉ là trang phục của tầng lớp những người có học hoặc có chút danh vọng trong làng xã.

Trang phục trong dân chúng biến đổi dần dần cùng với sự phát triển thương mại và giao lưu văn hóa, mỗi thời kỳ đều có cách ăn mặc mới, gọi là "tân thời". Cho đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều phụ nữ vẫn bảo lưu chiếc quần đáy ngang và chê bai những cô mặc quần đáy giữa là tân thời đĩ thõa.

Quần đáy ngang là chiếc quần khi may có một tấm vải chặn ngang cuối phần mông, khi mặc không nhìn thấy đường khe giữa hai mông, được coi là cái quần "đạo đức" hơn cái quần đáy giữa như ngày nay khi mặc vẫn nhìn thấy đường khe giữa đôi mông. Quần đáy ngang ngày nay hầu như không còn người nào mặc, không có nghĩa là phụ nữ ngày nay kém đạo đức hơn phụ nữ ngày trước hoặc ngược lại. Nhưng đáy giữa hay đáy ngang vẫn không phải là "quốc phục".

Gắn chữ "quốc" vào một thứ gì đó nếu tôi không nhầm thì hình như bắt đầu từ cụ Phạm Quỳnh, khi cụ coi Truyện Kiều là quốc hồn quốc túy. Thời cụ Phạm người ta cũng bắt đầu coi việc dùng mẫu tự La-tinh để ghi tiếng Việt là "quốc ngữ", cái gì viết bằng quốc ngữ gọi là quốc văn. Trước đó, hàng ngàn năm người Việt chúng ta dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm, không ai gọi chúng là "quốc ngữ".

Gần đây, truyền thông khắp nơi còn gọi chó Phú Quốc là "quốc khuyển". Tất nhiên chó Phú Quốc là giống chó quý bản địa, nhưng chó bản địa không chỉ có chó Phú Quốc mà còn rất nhiều giống chó sinh sống hàng ngàn năm nay với dân ta. Đưa một giống chó lên hàng "quốc khuyển", đồng nghĩa với việc bỏ mặc hàng triệu những con chó tội nghiệp mỗi năm bị đưa vào lò mổ.

Bởi vậy, đàn chó Phú Quốc nhà tôi xin được từ chối nhận danh hiệu cao quý này.

Hoàng Hải Vân
.
.