Từ quân phường, bị gậy đến ăn mày
Thế thì, trước mắt hãy cứ ba chớp ba nháng (thật ra nếu viết/ nói đúng phải là “ba chớp ba sáng”) chọn lấy một bài học thuộc lòng trong tập “Ấu học bị thế” in năm 1916 tại Sài Gòn. Ngoài bìa phía trên cùng ghi “Các sách học mới để các trường ở Đông Dương dùng - ông Henri le Bris - đốc học Trường Pháp Việt Thừa Thiên soạn. Sửa lại theo tiếng Nam Kỳ đặng thông dụng trong các trường làng và trường tổng”. Bài “Ghẻ” như sau:
“Anh em bạn học tôi tên là Mít có nhiều ghẻ; nó gãi hoài. Khi đầu ở trường có một mình nó có ghẻ mà thôi, sau lại trò Tư và trò Năm cũng có ghẻ nữa. Thầy tôi biểu ba trò ấy ở nhà kẻo lây ghẻ cho các trò khác. Hôm qua trò Mít đến học mà đã lành ghẻ rồi, thầy tôi hỏi làm sao mà mau lành như vậy. Trò Mít trả lời rằng: Cách tám ngày rày ông Thầy thuốc Tây có đi đến làng tôi; người biểu tôi lấy xà-bông đen mà tắm, mỗi ngày phải lấy thuốc gián vàng của người cho mà thoa lên chỗ có ghẻ. Đương lúc ấy tôi mặc áo cũ. Mẹ tôi đem trụng mấy cái áo tôi thường mặc.
Khi ghẻ lành rồi, tôi mặc áo quần sạch sẽ. Mẹ tôi lấy mà nấu mấy cái áo dơ đi, lấy nước sôi mà rửa cái giường tôi nằm và đem ra phơi nắng. Tôi hết đau ghẻ đã đươc ba ngày rày, không còn một mụt ghẻ nào nữa. Chị tôi và thằng đầy tớ tôi cũng có ghẻ, mà cũng làm như vậy, rồi cũng nhẹ ghẻ hết. Thầy tôi khen trò Mít mà nói rằng: “Như trong mình và áo quần sạch sẽ luôn luôn thì không bao giờ mà có ghẻ”.
Ảnh: L.G |
Câu hỏi: - Ghẻ có lây không?- Phải làm sao cho khỏi ghẻ? - Nếu có ghẻ, phải làm gì cho hết ghẻ?
Cách dạy: như có nhiều học trò có ghẻ, thì Thầy phải khuyên cha mẹ chúng nó mua thuốc Pommade dHelmerich và xà bông đen giá không bao nhiêu tiền”.
Bớ này, em Mít! Có phải ghẻ là do con ghẻ sinh ra không? Mới vừa hỏi, bỗng đâu ông Tô Hoài đẩy em Phàn Lê Hoa đứng lên giữa lớp dõng dạc: “Dạ, thưa thầy, có ạ”. Rồi nó liến thoắng: “Xứ mình có những năm bệnh ghẻ: ghẻ nước, ghẻ cái, ghẻ ruồi, ghẻ cóc và ghẻ đặc biệt. Ghẻ nước là thứ ghẻ có nhiều mọng nước. Đến ghẻ cái, bàn tay lổm ngổm bò các thứ cái ghẻ. Ghẻ ruồi thì ghê gớm, khắp người mẩn lên. Ghẻ cóc mới kinh tởm, da chỗ nào cũng rám đen lại như da cóc. Còn thứ ghẻ đặc biệt thì… ”.
Thôi, thôi, khiếp quá. Nín miệng lại ngay trò Hoa ạ. Vậy, xin dám hỏi rằng, thế nào là con ghẻ? Trời đang đẹp. Nắng đang non. Gió đang giòn. Cần gì phải như anh chàng si tình tình kia: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” (Xuân Diệu). Gượm đã. Cứ từ từ. Cứ khoan thai. Và hãy cứ đọc thơ. Thơ rằng:
Giang hồ lang miếu trời đôi ngả,
Bị gậy cân đai đất một hòn.
Rõ ràng, trong tiếng Việt, có những từ dùng không nói rõ cụ thể ngành nghề, danh phận của ai đó, nhưng khi nghe/ đọc tự khắc ta cũng hiểu. Chẳng hạn Nguyễn Văn Giai (có tài liệu lại cho rằng của Nguyễn Khuyến) vừa nêu. “Bị gậy” là nghề ngỗng gì đây? Đã thế, tục ngữ còn có câu Ăn mày cầm tinh bị gậy; Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. Ta hiểu, cái bị, tức cái bao rộng đáy, đan bằng lác, vải…; gậy là đoạn tre, gỗ dùng để đánh, chống lại, chống đỡ. Cả hai dụng cụ này đã “song kiếm hợp bích” thành “bị gậy” là nhằm từ ám chỉ hạng người ăn mày. Đôi khi không cần dùng từ bị gậy, thí dụ đồng dao có câu:
Chị coi hát
Em vỗ tay
Chị ăn mày
Em xách bị
thì xách bị/ mang bị được hiểu là “đi ăn mày”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) đã ghi nhận. Với từ bị, ta còn thấy dấu vết của nó trong các câu Đâm bị thóc, chọc bị gậy; Múa tay trong bị; Bị gạo có đầy, gậy tầy mới chắc... Gậy tầy là gậy hai đầu bằng nhau, ngày trước ở nông thôn tuần đinh thường sử dụng trong các tuần phiên.
Bị còn có nghĩa là mắc phải như bị bệnh, bị ốm… tức là bị mắc phải tai ách, hoạn nạn gì đó không may, thế nhưng với cách nói tếu táo hiện nay khi dùng “hơi bị”, chẳng hạn, có người trầm trồ: “Chà, cô ấy hơi bị đẹp/ Món này hơi bị ngon”, ta lại hiểu “hơi bị” lại ngầm khen chứ không phải chê bai; hoặc cũng tùy trường hợp như: “Chuyến du lịch này hơi bị tốn kém”, ta hiểu là tốn kém thật nhưng không khẳng định một cách chắc nịch như cách nói: “Chuyến du lịch này bị tốn kém” mà chỉ lấp lửng, còn hàm ý nghi vấn nữa. Như đã biết, bị là dùng để đựng vật dụng gì đó, thí dụ, bị dùng đựng thịt thì gọi bị thịt nhưng với câu nói nhận xét về một ai: “Thứ bị thịt đó, chỉ vứt đi” thì lại hàm ý chỉ người đần độn, to xác như con voi nhưng não bằng hạt tiêu, thứ vô tích sự, chẳng làm nên trò trống gì.
Bị na ná như bao nên bao bị/ bao bì là từ dùng để chỉ bao, bị nói chung cũng như từ gậy/ gậy gộc. Gậy, có nhiều loại gậy, nhưng ta hiểu thế nào về câu tục ngữ: “Đàn bà gậy vông, đàn ông gậy tre”? “Tự điển từ và ngữ Việt Nam” (NXB TP.HCM - 2000) của Nguyễn Lân giải thích: Gậy vông: Gậy bằng gỗ cây vông mà người con trai chống trong đám tang cha mẹ, theo tục cũ” (tr. 724). Có đúng vậy không? Theo “Việt Nam phong tục” (NXB TP.HCM-1990) của Phan Kế Bính: “Cha mất thì con trai chống gậy tre, mẹ mất thì chống gậy vông” (tr. 32). Sách “Gia lễ” của Bùi Tấn Niên (NXB TP.HCM - 1992) cũng giải thích như vậy và cho biết thêm: “Sở dĩ tục định ra việc chống gậy vì muốn tỏ rằng con cái quá thương xót nên yếu sức phải chống gậy mà đưa đám. Gậy tre tượng trưng cho Trời, gậy vông vuông tượng trưng cho đất” (tr. 55-56).
Vậy, với câu: “Gậy vông phá nhà gạch” thì sao? So với nhiều loại cây được dùng làm gậy thì gậy vông không cứng, không rắn bằng, thế nhưng tại sao có thể sử dụng phá được nhà gạch, tức nhà xây kiên cố, vững chắc, so với nhà tranh vách đất?
Theo tự điển của Nguyễn Lân: “Ý nói: Có những người con trai phá cơ nghiệp của cha mẹ để lại” (tr.724). Cách giải thích này, xét ra ngộ nghĩnh quá, không đáng để bàn tới. Nhiều người cho rằng đây là câu nói ám chỉ, dùng phương tiện thô sơ, sức yếu mà làm được việc lớn; hoặc “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Tổng hợp TP. HCM - 2010) của Nguyễn Đức Dương cho rằng: “Hay dùng để miêu tả những việc tuy được bỏ công làm ra nhưng chẳng hề thu lại được gì (vì thiếu sự tương xứng giữa mục đích và phương tiện (tr.392). Theo y, hiểu đúng nhất vẫn kết hợp cả hai cách giải thích này, vì còn tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.
Vâng, bị gậy là từ dùng để chỉ hạng ăn mày. Trước đây, người trong Nam còn dùng từ tương tự, đó là nậu phường, quân phường nhằm chỉ chung: “Quân giữ thói ăn mày”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích. Trong tiếng Việt, không chỉ có từ “ăn mày” mà còn có từ “con mày”. Chà, có gì khó hiểu đâu mà phải nêu ra? “Con mày”, ai lại không hiểu là cách nói gọn “con của mày”, chứ gì? Đúng là thế, nhưng không hẳn là thế.
Trước khi đưa ra một thí dụ cụ thể, xin thưa rằng, khi khảo sát ca dao, tục ngữ, thành ngữ có đôi từ, ta phải chấp nhận lấy nó như ông cha ta đã từng sử dụng chứ đừng nhân danh đạo đức, thuần phong mỹ tục mà chối bỏ nó, chẳng hạn, Qua sông đấm bòi vào sóng, Qua khỏi truông trổ bòi cho khái, ta hiểu là khi qua khỏi sóng gió, nơi nguy hiểm rình rập thì vội khinh thường nơi ấy, vênh mặt tự đắc, chứ không thèm tìm hiểu cặn kẽ đường đi nước bước để tìm biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm cho lần sau. Khái ở câu tục ngữ này là thổ âm, thổ ngữ xứ Nghệ chỉ con cọp. Còn bòi, xin tự hiểu lấy.
Và bòi, ta còn gặp trong câu Con mày không bằng con bòi. Ai đó nói ra câu này, nếu người đối thoại hiểu “con mày” như cách hiểu vừa nêu trên ắt… phùng mang trợn mắt, đùng đùng nổi giận, nộ khí xung thiên ngay tắp lự. Ai đời lại nhận xét về con của mình thế này? Không chỉ giận mà còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” nữa là khác. Oan quá, “con mày” là: “Con người khác mà mình nuôi làm con mình” (“Đại Nam quấc âm tự vị”, 1895). Với câu này, ta hiểu con nuôi không thể bằng con do mình sinh ra. Nói thì nói thế, với tính chất nói “nước đôi” người Việt, vì còn có câu Con mày như con đẻ.
Cha chả là hay. Phân tích hay đến thế là cùng. Tự khen và phổng mũi, ấy là Mèo khen mèo dài đuôi. Cũng tốt thôi. Mình không khen lấy mình, ai khen? Đã gật gù ưng ý với “con mày” rồi, ta hãy quay ngược về năm 1916 với chuyện em Mít từng khốn khổ khốn nạn với bệnh ghẻ, nói như trò Phàn Lê Hoa đích thị do “con ghẻ” gây ra. Vậy, con ghẻ là gì? Đọc đến đây, bạn mình ơi, có phải bạn đang rắp tâm cậy nhờ đến ông Google chứ gì? Thì cứ việc, nào ai dám ý kiến ý cò gì đâu? Chỉ thưa rằng, từ năm 1651, ông A. de Rhodes giải thích như sau: “Con ghẻ: con riêng”.
Nếu “con bòi” là con nuôi do vợ chồng đồng thuận xin con người khác đem về nuôi, vì lý do gì đó thì “con ghẻ” lại là con riêng của vợ hoặc của chồng. Nếu ai đó chì chiết ai đó: “Đồ ăn hại đái nát. Việc đó, mày cứ làm như gãi ghẻ/ gỡ ghẻ”, ta hiểu là ý muốn nói làm chẳng đâu vào đâu, không tiến triển mảy may, chỉ dẫm chân tại chỗ. Nhưng nếu ai đó bảo ai đó: “Mày gỡ ghẻ tơ đấy hả?” thì ghẻ tơ này lại là cái bợn trong sợi tơ, tiếng nói trong nghề của người canh cửi dệt lụa.
Mà, đã ghẻ (dấu hỏi) ắt có ghẽ (dấu ngã).
Ban đêm ghẽ nữa khéo hay là,
Giữa tối giáp canh, ban trống ba.
Ghẽ này là chia ra, rẽ ra, rời khỏi. “Việt Nam từ điển” (1931) nêu thí dụ: “Chia ghẽ cho có thứ bậc”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Ghẽ miếng sành: Lấy miếng sành mà khẽ đập ra lần mà làm ra hình thể gì; ghẽ hàu: Khẽ lần lần, đập lấy lần lần mà bắt con hàu, chỉ nghĩa là làm lần lần, sửa lần lần một khi một ít”. Từ ghẽ này, nay đã biệt tích giang hồ, chỉ còn trong áng văn chương cổ, chẳng hạn, trong “Hồng Đức quốc âm thi tập” thời vua Lê Thánh Tôn, thế kỷ XV vừa nêu trên.
Trở lại với từ ăn mày, xin hỏi cắc cớ một chút, mày trong ăn mày có nghĩa là gì? Mày là “Vảy nhỏ ở ngoài hạt ngô, hạt đậu” (“Việt Nam tự điển”, 1931). Người bần cùng, nghèo hèn chỉ dám xin kẻ khác rủ lòng thương xót, bố thí chút tẹo tèo teo, không đáng kể - chứ nào dám “Ăn mày đòi xôi gấc” hay “Ăn chực đòi bánh chưng”, thiên hạ cười cho thúi đầu.