Trong ngôi nhà của Sòng Mí Say

Thứ Năm, 12/01/2017, 19:55
Ở thị trấn Đồng Văn, những lúc ngang qua Phố Cáo, như có gì thôi thúc khiến tôi không thể không dừng lại. Sau này, tôi mới biết, điều níu chân mình lúc ấy chính là những bờ rào đá.

Những bờ rào đá từng lưu lại trong trí óc tôi từ khi đọc "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thúy, và sau này là xem phim "Chuyện của Pao". Chưa bao giờ tôi thấy giữa văn học, phim ảnh và đời thực lại gần gũi đến như thế. Tất cả đang diễn ra ngay tại Phố Cáo, trước mắt mình!

Phố Cáo nằm bên quốc lộ 4C, nối thành phố Hà Giang với huyện địa đầu Đồng Văn cực bắc. Như những vùng đất của cao nguyên Đồng Văn mà tôi đã đi qua, ở Phố Cáo hoa tam giác mạch cũng sắp vào mùa. Tôi có mặt ở thị tứ này vào đúng ngày cuối cùng của tháng 9, khi hoa tam giác mạch đang rục rịch cho một mùa khoe sắc mới. 

Có lẽ chỉ ít ngày nữa thôi, tam giác mạch sẽ đồng loạt nở rộ. Khi đó, cao nguyên đá sẽ được khoác lên mình chiếc áo mới diễm lệ và kiêu hãnh. Tất cả là nhờ hoa tam giác mạch. Thứ hoa gì lạ thế! Như thể đang đi gom những sắc màu của đất trời mà điểm tô cho những triền đá xám: nào màu xanh, màu trắng; nào màu hồng, màu tím. 

Và có đến tận nơi, mới thấy được sức sống kỳ diệu của loài hoa tưởng như bé nhỏ, yếu ớt kia. Giữa lô nhô những đá là đá, giữa những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, hạt tam giác mạch len lỏi trong từng thớ đất mỏng mảnh mà đâm chồi nảy lộc. Đến khi tiết trời vào hè hay cuối thu, lại ồ ạt nở hoa như một cách hiến dâng đầy hồn nhiên khiến những lữ khách mỗi lần đi qua lại ngẩn ngơ ngắm nhìn, ngẩn ngơ khi cao nguyên đá nở hoa.

Không biết có phải vì được thiên nhiên ưu ái mà con đường chạy qua Phố Cáo khá bằng phẳng, được đổ nhựa không khác gì những con đường dưới xuôi. Phố Cáo vừa qua mùa gặt, đồng bào người Mông lấy tấm bạt trải ở bên đường dùng phơi lúa. 

Bên bờ rào đá.

Nắng qua Phố Cáo vàng ươm khiến những hạt lúa nằm lặng lẽ dưới mặt đường cũng sáng rực lên. Buổi chiều hôm ấy, Phố Cáo lặng gió, trời trong. Tất cả mang đến sự bình yên quý giá mà trong một phút giây nào đó, tôi cứ ước rằng, những chiếc kim đồng hồ đừng quay nữa, hãy cứ đứng lặng như vậy để tôi có thể lưu giữ mãi khoảnh khắc này! 

Nhưng, làm sao có thể như vậy được khi lòng tôi không ngừng xao động, nhất là khi giáp mặt với những ngôi nhà nằm rải rác hai bên đường. Những ngôi nhà được lợp bằng tấm fibro xi măng, không còn là những ngôi nhà trình tường như tôi đã hình dung khi đọc trong một cuốn sách. 

Chỉ có nửa sau của ngôi nhà vẫn là trình tường, còn nửa trước được xây bằng những viên sò làm từ xi măng rắn chắc. Tôi lặng nhìn những ngôi nhà ở Phố Cáo, lòng se lại khi nghĩ về viễn cảnh nay mai, khi những ngôi nhà trình tường không còn nữa. Điều ấy có đến không, hay là do tôi cả nghĩ?

Lòng tôi chỉ thực sự dịu lại khi đến gần những bờ rào đá. Hầu như ở Phố Cáo, ngôi nhà nào cũng có những bờ rào đá bao quanh, có thêm cổng gỗ phía trước. Tôi say sưa nhìn bờ rào đá. Những hòn đá xám, bạc thếch với đủ kích cỡ được xếp chồng lên nhau tạo thành bức tường kiên cố và ngay ngắn. 

Nhìn bờ rào đá, tôi thầm nghĩ, phải khéo léo như thế nào, phải kiên nhẫn như thế nào mới có được những bờ rào đẹp đến như vậy! Đó hẳn phải là tác phẩm nghệ thuật đến từ bàn tay sắp đặt của một nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm(?).

Đến trước một ngôi nhà, tôi tình cờ bắt gặp nhóm nhiếp ảnh đang chĩa những ống kính hầm hố về phía bà cụ người Mông ngồi trước cánh cổng gỗ. Không rõ vì lý do gì, bà tuyệt nhiên không nhìn lên ống kính mà cúi gằm xuống. 

Chỉ đến khi nhóm nhiếp ảnh kia bước qua cánh cổng gỗ vào trong nhà, bà cụ mới ngước mặt lên. Giữa trưa nắng lộng lẫy, bà ngồi trên một hòn đá, đầu được trùm bằng chiếc khăn màu xanh lá cây. Đôi mắt bà cụ bé tin hin, nước da đồi mồi, nhăn nhúm. Một tay vắt lên gối, còn tay kia chống cằm, bà cứ lặng nhìn về chốn nào xa xăm. Không ai biết bà đang nghĩ gì. Vừa nhìn thấy bà, tôi những tưởng mình vừa ngược về quá khứ, trong một thời kỳ xa lắc xa lơ nào đó. Và bà cụ người Mông bước ra từ thời kỳ đó, mang đến sự xưa cũ và bí hiểm. 

Bà ngồi như thế cho đến lúc nhóm nhiếp ảnh lên xe và di chuyển đi nơi khác, thì bà mới trở vào nhà. Tôi theo chân bà rồi bước vào nhà lúc nào không hay. Giữa sân là những chiếc váy Mông đang được treo trên dây phơi. 

Những chiếc váy có màu sắc rực rỡ, càng nổi bật hơn giữa cơn nắng chói chang. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng chính lúc đứng giữa sân, bỗng thấy lòng mình dịu lại. Cái đẹp giản dị mà lộng lẫy ấy khó lòng quên được.

Bà lão không nói không rằng, lẳng lặng đến ngồi bên chiếc thúng chứa những bắp ngô đã khô rang vì được phơi phóng từ trước, cặm cụi nạy những hạt ngô ra khỏi lõi, không bận tâm đến những người lạ đang có mặt trong nhà để làm gì, sẽ gây phiền toái gì. 

Ngay cả lúc tôi xin chụp với bà một kiểu ảnh, bà cũng im lặng, không ra vẻ từ chối mà cũng không đồng ý. Chỉ đến sau này, khi cậu thanh niên từ trong nhà bước ra, thì tôi mới biết bà không thể nói tiếng Kinh. Cậu thanh niên đó là Sòng Mí Say.

Sòng Mí Say năm nay 18 tuổi. Thoạt nhìn, trông cậu không khác là bao so với đứa cháu đang học lớp 11 của tôi. Học hết lớp 9, Sòng Mí Say ở nhà, nhờ thế cậu là người duy nhất trong nhà biết tiếng Kinh dù vẫn còn lơ lớ. Như một cách thăm hỏi thông thường trong vai một người khách lần đầu tới nhà, tôi hỏi về bố mẹ cậu. 

Sau một vài giây im lặng, Sòng Mí Say nói cả bố và mẹ đều đã mất. Tôi như người bước hụt vì lỡ lời. Không nghĩ rằng, lời thăm hỏi vô tư của mình lại gợi lên cho cậu nỗi mất mát ngày cũ. Liệu nó còn sưng tấy trong trái tim son trẻ ấy? 

Tôi cùng Sòng Mí Say bước qua nỗi đau cũ bằng câu chuyện về bà cụ đang cần mẫn nạy ngô đằng kia. Đó là bà nội của cậu, vừa bước sang tuổi 85. Ngoài bà nội, Sòng Mí Say còn có cậu em trai tầm 7-8 tuổi và cô vợ mới cưới tết năm rồi. Cô vợ của Sòng Mí Say có khuôn mặt trẻ măng, nếu không được giới thiệu, dám chắc tôi và nhiều người đều nghĩ đó là cô bé vừa chớm tuổi dậy thì. 

Mà thực vậy, trong cái nhìn và nét cười vẫn còn đượm sắc thời niên thiếu, không ai nghĩ cô bé đã có chồng. Có vẻ như chưa quen với người lạ nên cô bé chỉ ngồi bên vách nhà, chốc chốc đưa mắt nhìn những người khách lạ một cách e dè. 

Bà nội nuôi của Sòng Mí Say.

Tôi hỏi đùa Sòng Mí Say: "Cưới nhau mấy tháng rồi, tính khi nào thì có em bé?". Cậu thanh niên 18 tuổi cười bẽn lẽn bảo: "Chưa đâu, còn phải đi làm mà!".

Tôi xin phép Sòng Mí Say được vào trong nhà. Không vì cái gì cả, chỉ là một chút tò mò của lữ khách lần đầu ghé ngang, không biết trong ngôi nhà của người Mông sẽ như thế nào. Tôi nhón chân bước qua ngưỡng cửa bằng gỗ. Trong nhà hơi tối, hai bên đặt hai chiếc giường, đều được quây ri-đô kín mít. 

Dưới nền nhà, một đống ngô đang chờ nạy hạt. Cách không xa là những quả bí ngô có lẽ vừa được thu hoạch về đang nằm bên dưới mé giường. Chợt có tiếng trẻ sơ sinh e e từ bên trong chiếc giường trước mặt. Tôi ngẩn người, rồi ra ngoài hỏi Sòng Mí Say: "Ô, có em bé kìa?". 

Sòng Mí Say bấy giờ mới cười xác nhận, đó chính là con của cậu, bé vừa được 3 tháng. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, Sòng Mí Say nói thêm, người bà đang ngồi nạy ngô đằng kia là bà nội nuôi. Trước ánh nhìn đầy ngạc nhiên của tôi, Sòng Mí Say nói, vẫn bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Hồi bố mình 17 tuổi, bố đưa bà về nuôi. Giờ bố mẹ mất rồi, mình nuôi bà. Ông bà nội mình sống bên kia kìa".

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại ở đó. Bởi, tôi không có nhiều thời gian để ở lại hàn huyên thêm với Sòng Mí Say. Tôi phải lên đường, phải đến Đồng Văn. Trước khi rời khỏi ngôi nhà của Sòng Mí Say, tôi mở ví lấy ra tờ một trăm ngàn rồi đưa cho cậu. Có thể, một trăm ngàn của tôi chẳng thấm tháp gì so với những khoản phải chi cho bốn, năm con người trong ngôi nhà này. 

Nhưng dù sao, với số tiền ấy, tôi vẫn mong họ sẽ có một bữa ăn tươm tất. Chỉ cần một bữa ăn có cá có thịt, thế cũng đủ vui rồi. Như cách đây nhiều năm, nó là ước mơ suốt thời thơ ấu của tôi. Lúc tôi đưa tờ một trăm, Sòng Mí Say định từ chối, nhưng tôi nhanh chóng nhét vào túi áo ngực của cậu, với lời dặn: "Để dành mua bánh cho em bé". Nói xong mới nhớ ra mình hớ, em bé mới 3 tháng thì bánh trái nỗi gì.

Bước ra khỏi cánh cổng gỗ, tôi ngoái đầu ngắm lại bờ rào đá một lần nữa. Câu chuyện của Sòng Mí Say chợt gợn lên trong đầu. Không. Tôi không muốn nghĩ ngợi thêm. Dù cho bất cứ điều gì, tôi vẫn luôn dặn lòng phải tin rằng cuộc đời còn nhiều điều đẹp đẽ và tử tế. 

"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa. Tại sao cây táo lại nở hoa?", chẳng phải Lưu Quang Vũ từng nói như vậy đó sao. Cũng liền sau đó, tôi sực nhớ đến lời mời của Sòng Mí Say ban nãy: "Tết các chú lên đây mà chơi. Ở đây vui lắm! Người Mông chơi tết vui lắm, 7, 8 ngày cơ".

Tiếng Kinh lơ lớ của Sòng Mí Say lúc này bỗng nhiên thấy dễ thương đến lạ. Có lẽ, ai đó đã nói đúng, rằng mỗi nơi ta đi qua đều có một mảnh linh hồn của ta để lại. Với riêng Phố Cáo, tôi không biết mình đã để lại bao nhiêu mảnh linh hồn, nhưng chắc chắn không phải là một. Phút chốc, tôi cảm thấy lòng đầy khấp khởi. Sự chờ đợi cũng bắt đầu được nhen nhóm từ đó. Có hay không một lần thứ hai như vậy ngang qua Phố Cáo?

Hồ Huy Sơn
.
.