Trẻ em ở đâu trong điện ảnh Việt?

Thứ Năm, 29/08/2019, 17:51
Như mọi mùa hè khác, mùa hè 2019 dần khép lại mà trẻ em Việt không sao tìm được một phim truyện Việt dành cho lứa tuổi của mình. 

Điện ảnh Việt đã và đang có nhiều phim đạt doanh thu tiền tỉ, đã và đang khai thác nhiều đề tài khác nhau, đã và đang chứng tỏ không thiếu chiêu trò để lôi kéo người xem đến rạp, ngoại trừ, thật ngạc nhiên, ít khi để tâm làm phim cho khán giả nhi đồng lẫn tuổi teen.

Không nhiều lựa chọn, những mầm non tương lai đất nước hoặc vội vàng mua vé “The Lion King” (2019) hoặc quanh quẩn ở nhà bật tivi xem thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh Tây Trúc.

1. Cha cõng con (2017) của đạo diễn Lương Đình Dũng có lẽ là phim truyện gần đây nhất có trẻ em là nhân vật chính. Cậu bé Cá và người cha, anh Mộc, sống lủi thủi trong căn nhà tạm bợ nằm chơ vơ bên bờ sông. Người cha đánh cá, khi có khi không, đủ kiếm ăn qua bữa và nếu may mắn hơn, đủ mua cái áo mới mươi lăm ngàn cho con. Khi mùa lũ đến, cha con anh Mộc phải di chuyển lên ngôi nhà trên đồi, cũng là nơi tạm trú của vài gia đình khác. 

Họ cũng nghèo khó, líu díu nương tựa bát cơm, manh chiếu dưới mưa rừng ngút trời. Tuy nhiên, với cậu bé Cá, những ngày tránh lũ trên ngọn đồi này thì cậu có thêm nhiều người bạn, đều lem nhem mặt mũi, háo hức nghe chú Mù kể chuyện thành phố. Chú Mù từng là công nhân xây dựng tòa nhà chọc trời ở thành phố, không may bị tai nạn, giờ đây là người vẽ ra những sắc mây, những con chim sắt (máy bay) cho bọn trẻ thỏa sức tưởng tượng. 

Trong trí tưởng tượng hồn nhiên đó, thành phố đầy thân thiện chứ chưa hề là con ngáo ộp tàn nhẫn. Khi bé Cá bị bạo bệnh, anh Mộc lật con thuyền giấu kín dưới sông lên để đưa cậu bé về thành phố chữa trị. 

Hành trình của anh Mộc và bé Cá, từ đó, phơi bày tính chất hai mặt của đô thị: hào nhoáng, lộng lẫy và lạnh lùng, cứng nhắc. Bệnh viện không phải là nơi để người nghèo tìm thấy cơ hội sống dù họ vẫn nhận sự sẻ chia nhỏ nhoi nào đó. 

Để chữa bệnh cho Cá, anh Mộc phải nộp viện phí hơn 800 triệu đồng. Anh nhẩm tính mãi không ra, cho đến khi nhân viên bệnh viện tính giúp: cần phải có 160 nghìn con cá, với giá 5 nghìn một con, thì mới có đủ số tiền khổng lồ ấy. 

Lạc lõng, bất lực và tuyệt vọng, anh Mộc chỉ có thể thỏa ước mơ của con trai bằng cách cõng cậu bé leo từng bậc cầu thang một lên đến tầng cao nhất, nhìn thấy mây, máy bay và bầu trời mênh mông. Sau khoảnh khắc ấy, hai cha con lại thui thủi trở về chốn rừng núi. 

Đoạn kết bị kéo dài ra nhưng cần thiết để kí ức của Cá không phải chìm nghỉm trong bệnh viện, mà trong dư vị của trời cao sông rộng, của tình yêu thương rất đỗi thật thà, nhỏ nhặt từ người cha.

Dễ thấy Cha cõng con, ngay từ đầu, đã lựa chọn lối đi không đơn giản: kể câu chuyện về nhóm người vùng cao, nghèo khó và đơn độc chống lại thiên tai, bệnh tật. Cũng đã khá lâu điện ảnh Việt mới quay trở lại miền núi, nơi mà trên thực tế, dù đã có nhiều bước phát triển, vẫn còn kém xa đồng bằng/ đô thị về mọi mặt. 

Trong diễn ngôn báo chí và nhất là trong cảm nhận của số đông cộng đồng thiện nguyện hoặc du lịch, vùng cao vẫn là nơi chốn cần đến yêu thương, chia sẻ, cần thái độ cảm thông tận đáy. Ngoại trừ thiên nhiên, chứng kiến sinh kế ở vùng cao vẫn phải buông tiếng thở dài. Chuyện phim cũng ít thoại, đa số là thoại ngắn, câu cú đơn giản, có phần ngô nghê. Nó thuận với môi trường sống hoang sơ,  nhất là thuận với đám trẻ con lít nhít mà tâm trí chẳng cách gì để diễn đạt được những điều chưa từng thấy. 

Và với việc sử dụng phần lớn diễn viên không chuyên (những em bé trong làng trẻ SOS) vào loạt vai này, Lương Đình Dũng dường như muốn đặt ra một thử thách cho khán giả: hãy xem bộ phim như là cách quan sát, tiếp xúc đời sống thực, những con người thực. Bỏ qua yêu cầu kĩ thuật diễn xuất, người ta sẽ bắt gặp ở đó nét tươi tắn, sinh động hiếm khi buồn bã của trẻ em vùng cao thiệt thòi nhiều mặt.

Dẫu vậy, theo tôi, không dám chắc rằng khán giả trẻ em sẽ thực sự hiểu, yêu thích bộ phim này. Những trẻ em thành thị đã quen hít thở trong thế giới siêu nhân, từ Superman cho đến Người nhện (Spider-Man), Người dơi (Batman) sẽ khó mủi lòng trước cảnh núi rừng khắc nghiệt và càng khó cắt nghĩa cho tường tận những thông điệp, biểu tượng, ẩn ý vốn khá rối rắm ở bộ phim. 

Tình cảnh thiểu số, ngoài lề, bị lãng quên của bé Cá, rốt cuộc, là ở đâu đó trên núi đồi ngoài kia, mà không phải ở thành phố, nơi những khán giả nhí đến rạp bằng xe hơi và nhõng nhẽo đòi popcorn có giá bằng vài chục bữa cơm của bé Cá.

2. Đối kháng vùng cao/ miền núi và thành thị từng có ở Thung lũng hoang vắng (2002), Chuyện của Pao (2006) và thường tập trung diễn tả bi kịch của con người dưới rừng núi khắc nghiệt, biệt lập, tập tục sống lạc hậu. 

Khán giả tuổi teen thành thị không được thấm đẫm thực tế ấy nên nhanh chóng đón xem những gì mình thân thuộc, nằm lòng như Em chưa 18 (2017) hoặc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015). 

Em chưa 18, thế giới của cậu ấm cô chiêu với tất cả sự phù phiếm, bóng bảy, những tâm tư ra dáng éo le ẩn dưới vẻ ngoài nổi loạn, những pha hài hước đúng điệu trai hư gái đẹp, tuy không điển hình cho tất cả, nhưng đủ mua vui cho một bộ phận khán giả “rich kid” ngày càng đông trong các đô thị. 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, những hình ảnh và câu chuyện thơ mộng, gắn với làng quê bình yên gợi nhắc tuổi thơ nghèo khó, thân thương, lại khiến trí óc lãng mạn có dịp bay bổng, không ngọt ngào vì kí ức ùa về thì cũng xốn xang vì cảnh sắc trong phim thần tiên mê đắm. 

Nếu không thuộc về hai tuýp khán giả ấy, không thấy lãng mạn ngôn tình hay phiêu lãng quê mùa là hấp dẫn thì đơn giản và ít tốn kém nhất, là xem phim truyền hình Tây du kí! Lẽ nào các bậc phụ huynh lại khuyên con xem Bi, đừng sợ (2011), tuy cũng có trẻ em làm nhân vật chính nhưng nhiều “cảnh nóng” lại phù hợp hơn với người lớn.

Thật khó giải thích vì sao bao nhiêu năm qua thầy trò Đường Tăng gắn với trẻ em Việt từ khi còn đóng bỉm cho đến khi thôi quàng khăn đỏ mà chẳng mấy phụ huynh lấy làm giật mình. 

Trong lúc các nhà giáo dục không ngừng tung ra các triết lí và phương pháp giáo dục mới thì cũng đồng thời, chính họ lại loay hoay không biết tìm phương tiện hữu dụng nào, cụ thể như một bộ phim chẳng hạn, để hỗ trợ cho cái tinh thần giáo dục hướng về bản sắc văn hóa dân tộc. 

Ba bộ phim chiếu trong tháng tám ở rạp Kim Đồng Hà Nội thì đã có hai phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (Scary stories to tell in the dark [2019], Crawl [2019]) vì quá giật gân, kinh dị; phim còn lại, Angry Bird 2, như thường lệ, là phim hoạt hình, thể loại vẫn có trong điện ảnh Việt nhưng thực sự không biết đang chiếu ở đâu! 

Chưa kể, kéo được một lượng khán giả nhí trung thành đến xem ở những rạp thường thường bậc trung như rạp Kim Đồng giữa thời CGV hay Lotte Cinema bành trướng quả không dễ dàng. Nếu chẳng có gì thay đổi, mùa hè năm sau hoặc năm sau nữa, háo hức của mỗi cô bé cậu bé sau những ca học thêm vẫn là tiếng gọi sư phụ tha thiết của Ngộ Không giỏi phi thân độn thổ.

3. Lịch sử điện ảnh thế giới ghi nhận trẻ em là một “quyền lực” lớn, cả trên màn ảnh lẫn ở vị trí khán giả.

Hollywood ngay từ thập niên 1930 đã nhắm đến trẻ em như là đối tượng phục vụ chính khi bắt đầu sản xuất The Wizard of Oz (1939), một tuyệt phẩm kinh điển, không chỉ đặt định dòng phim huyễn tưởng về sau trở thành thế mạnh của Hollywood mà còn đánh thức khả năng phim ảnh tham gia giáo dục trẻ em nhờ những thông điệp giàu tính nhân văn. 

Vào thập niên 1950, khi các rạp phim bị sụt giảm bởi tivi đã vào đến từng nhà thì cũng chính trẻ em gợi dẫn cho Hollywood tìm hướng đi phù hợp bằng cách làm phim hoạt hình dài tập (việc hãng Walt Disney phát hành Alice in Wonderland [1951] và Sleeping Beauty [1959] là minh chứng), dòng phim phiêu lưu của người hùng như The Story of Robin Hood and His Merrie Man (1952), The 7th Voyage of Sinbad (1958), The Adventures of Huckleberrry Finn (1960)…, và sau đó, mở sang dòng phim khoa học viễn tưởng mà siêu phẩm E.T. Extra Terrestrial (1982) của S. Spielberg là ví dụ.

Trường hợp điện ảnh Iran càng đáng chú ý hơn khi chủ đề trẻ em, diễn viên trẻ em là nhân tố giúp nền điện ảnh này vươn lên hàng đầu thế giới, trở thành mẫu mực khó quốc gia nào bì kịp. 

Khởi từ bậc thầy A. Kiarostami với Where is the friend's home? (1987), Taste of Cherry (1997), The Wind will Carry Us (1999), trẻ em, thường xuyên và cho đến gần đây, vẫn là nhân vật trung tâm, gói trọn chiều sâu tư tưởng nghệ thuật trong hàng loạt các phim danh tiếng: The white Balloon (1995), Children of Heaven (1998), The Apple (1998), The color of Paradise (2000), Turtles Can fly (2004),… 

Trẻ em trong điện ảnh Iran, có thể nói, đang khiến tất cả công chúng phải cúi đầu vì những bài học thấm thía cho hiện tại, tương lai.

Nhưng thành tựu điện ảnh đó, chắc chắn, vẫn nằm ngoài tầm với điện ảnh Việt nếu muốn bắt chước. Chúng ta đã từng có Áo lụa Hà Đông (2006) học theo Children of Heaven để rồi vỡ lẽ rằng, chính xác, tài năng của chúng ta chưa thể sánh ngang vai!

Mai Anh Tuấn
.
.