Tôi đi dạy tiếng Việt cho Cảnh sát Singapore hai nửa buồn vui

Thứ Ba, 02/12/2014, 14:27
Geylang, Joo Chiat, cháo ếch, hàng quán ngon và rẻ... Những cụm từ đã trở nên rất quen thuộc qua hàng loạt các bài báo viết về khu đèn đỏ ở Singapore, quen thuộc với người Việt Nam ở khắp nơi, kể cả đang sống lẫn không đang sống trên đảo quốc.
Tất cả các lorong (làn đường nhỏ với độ dài khoảng vài trăm mét, mọc ra từ Đại lộ Geylang (Geylang Road) như xương cá) đều là những ổ tội phạm lẫn tệ nạn xã hội. Các cô gái trong trang phục thiếu vải công khai mời chào khách khi đêm xuống. Quanh đó, nhiều xe máy nhấp nháy đèn, một dấu hiệu đánh tiếng muốn mua lậu thuốc lá. Việc mua bán được thực hiện trên dưới một phút. Kẻ bán người mua hài lòng với phiên giao dịch nhanh chóng.

Sẽ là thiếu sót nếu tôi miêu tả Geylang mà bỏ qua các tệ nạn xã hội khác: mua bán ma túy và các loại thuốc trái phép như codeine, thuốc kích dục, và các sòng bạc. Giữa tháng 9 năm nay, Cơ quan phòng chống ma túy quốc gia (Central Narcotics Bureau - CNB) đã bắt giữ 6.5kg heroine ở Geylang, đường Jalan Kayu, lượng ma túy lớn nhất trong năm. Số ma túy này đáng giá 506 000USD và đủ cung cấp cho 3,125 con nghiện trong vòng một tuần, giám đốc CNB Ng Ser Song cho biết.

Tất cả những điểm này, dĩ nhiên, không hề mới khi nhắc đến Geylang.

Điểm mới ở đây là sự gan lì và trơ tráo ngày một tăng của tội phạm. Điểm mới ở đây là mức độ bạo lực họ sẵn sàng sử dụng nhằm bảo vệ sào huyệt hoặc trốn thoát cảnh sát. Cảnh sát trưởng Ng Joo Hee cho biết, Geylang “có dấu hiệu vô luật pháp” và các băng nhóm xã hội đen liên tục đứng ra chặn đường cảnh sát thi hành công vụ. Ông nhắc lại vụ bốn cảnh sát chìm bị đánh khi bắt một sòng bạc ở Geylang. Có khoảng 200 người đã tụ tập ném chai lọ, mảnh kiếng, đá và rác vào cảnh sát. Cả bốn cảnh sát sau đó đều bị thương và được điều trị ở Bệnh viện Đa Khoa Changi.

1. Ông Lawrence Koh, giám đốc điều hành Công ty điều tra SK (SK Investigation Services) cho biết, đấy không phải là Geylang mà ông từng biết. Cũng theo ông Lawrence Koh: “Chúng sử dụng nhiều người nước ngoài hơn để thay chúng hành sự, điều hành các sòng bạc, ép gái mại dâm và buôn ma túy”.

Ông G.Goh, 62 tuổi, một người về hưu đã sống ở Geylang hơn 50 năm, cho biết: “Thập kỷ vừa qua ngày càng nhiều người nước ngoài đến đây. Nhưng đó không phải là nguyên nhân sinh ra tội phạm. Tội phạm đã luôn có ở Geylang và các trùm chính là những người địa phương. Cảnh sát xuống đường thường chặn người nước ngoài lại hỏi giấy phép, nhưng đó chỉ là ikan bilis (tiếng Mã Lai - “cá nhỏ”). Những con cá to, cá mập, đều đã núp sau những người nước ngoài đó”.

Tháng 4 năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ 18 người Việt Nam buôn lậu thuốc lá ở Kaki Bukit, Tampines và Geylang. Băng nhóm buôn thuốc lá lậu này đã giấu 1,020 gói thuốc lá trong một hố ga ở Lorong 17 Geylang. Cũng vào cuối năm ngoái, 3 người Việt Nam bị bắt trong vụ buôn lậu thuốc lá lớn thứ hai trong năm, với 17,638 thùng và 8 gói thuốc lá trị giá hơn 1.6 triệu đôla Singapore ở Soon Lee Street.

Và mặc dù gái mại dâm ở Geylang vốn có nhiều quốc tịch khác nhau, gái Việt Nam và Trung Quốc vẫn chiếm số lượng đông nhất. Một báo cáo của bác sĩ chuyên khoa HIV & Bệnh tình dục Tan Kok Kuan cho thấy gái mại dâm Việt Nam có tỉ lệ nhiễm bệnh HIV cao nhất (khoảng 4%). Nguyên nhân được cho là do các cô gái Việt Nam gặp phải rào cản ngôn ngữ khi cố gắng thuyết phục khách hàng sử dụng bao cao su, và vì thế, đa số họ đã phải làm việc mà không có biện pháp bảo vệ.

2. Thực trạng trên đã dẫn đến nhu cầu học tiếng Việt của Bộ phận Cảnh sát Bedok, hay còn gọi là Bộ Phận G (‘G’ Division). Bộ phận G trực thuộc Lực lượng cảnh sát Singapore phụ trách việc phòng chống và kiểm soát tội phạm khu vực hướng đông của đảo quốc.

Khóa học tiếng Việt đầu tiên kéo dài 4 ngày, 16, 17, 20 và 21 tháng 10. Trụ sở chính của Bedok Police Division nằm ở phía đông, thế nên bốn ngày đi dạy là bốn ngày dậy sớm bắt tắc-xi chạy từ tây sang đông của tôi. Con đường xuất khẩu tiếng mẹ đẻ của tôi bắt đầu từ thời sinh viên, khi tôi lăng xăng dạy tiếng Việt bán thời gian đây đó. Con đường ấy một ngày đã cho tôi cơ hội thú vị hôm nay. Thú vị vì tôi được đứng lớp ở một trụ sở cảnh sát, và thú vị một cách chua xót khi cái “job” này được tạo ra một phần nhờ chính những đồng hương của tôi. Lớp học gồm 16 học viên tất cả, 14 nam và 2 nữ cảnh sát. 16 người thuộc hai nhóm khác nhau: nhóm phụ trách bắt các sòng bài và buôn lậu thuốc lá, và nhóm còn lại bắt các đường dây mại dâm. Tất cả họ đều là cảnh sát chìm, trà trộn vào các nhà chứa, quán bar, nhà hàng, tụ điểm ở Geylang và Joo Chiat. Nữ cảnh sát chia sẻ với tôi: “Nhiều gái Việt Nam lắm. Nhiều hơn hẳn Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Myanmar. Việt Nam làm gái, Trung Quốc mát-xa”. Cũng theo cảnh sát, các cô gái Việt Nam đôi khi nói được chút ít tiếng Anh, nhưng cứ hễ bị bắt là lại giả vờ không nói được tiếng nào, và điều đó buộc họ phải học tiếng Việt.

Cảnh sát Singapore tại trụ sở Bedok Police.

Nội dung khóa học nhanh chóng bỏ qua những “chào ông”, “chào bà”, hỏi thăm sức khỏe, nghề nghiệp... để nhường chỗ cho ngôn ngữ đường phố và những ngữ cảnh thiết thực của cảnh sát. Họ tếu táo: “Mấy cái này không cần. Khi nào tụi tôi lấy vợ Việt Nam hẳn học”. Tôi cũng được nghe nhiều chia sẻ của họ về “công việc làm ăn” của các đồng hương của tôi.

Một cô gái đứng đường ở Geylang có độ tuổi trung bình vào khoảng 26 tuổi, làm việc 6-7 ngày một tuần. Thời gian làm việc trung bình là 9 tiếng/ngày vào những ngày trong tuần và 11 tiếng mỗi ngày vào cuối tuần, phục vụ khoảng 4 khách mỗi ngày với giá mỗi người từ 70 USD – 150 USD, thu nhập khoảng 3,200 USD một tháng sau khi trừ đi tiền nhà và các khoản khác. Đa số đến Singapore với danh nghĩa là khách du lịch. Một số các cô gái khác được thuê làm ca sĩ, vũ công, tiếp viên ở các hộp đêm có giấy phép lao động (work permit) hẳn hoi, và họ bán dâm bán thời gian. “Nếu muốn không bị cảnh sát bắt, họ phải làm việc ở những nhà thổ. Thực ra không hẳn là hợp pháp, nhưng chúng tôi cho phép. Còn việc bán dâm ngoài đường phố và có bảo kê ăn phần trăm, đó là phạm pháp”.

Mỗi lorong ở Geylang được kiểm soát bởi một bảo kê có nhiệm vụ bảo vệ các cô gái khỏi các khách hàng không biết điều, chu cấp chỗ ở, và tránh các cuộc đột kích của cảnh sát. Các bảo kê này lấy khoảng 30 - 40% số tiền mỗi lần các cô kiếm được, cộng thêm 10 USD mỗi ngày tiền chỗ ở và đi lại. Khi một cô gái được đưa tới Singapore, mọi chi phí ban đầu sẽ được lo bởi tú bà và các bên môi giới. Đổi lại, cô phải phục vụ 60 lần đầu tiên không được trả công và phải chia chát với bảo kê mỗi lần kiếm được sau đó. Đa số lợi nhuận được chia bởi môi giới và đầu mối hai bên. Chúng sẽ lo lót cho các cô đủ tiền túi chứng minh tài chứng để qua khỏi hải quan. Việc tán tỉnh và mặc cả với khách hàng thường diễn ra trong thời gian rất ngắn vì cả hai bên đều tránh thương lượng lâu trên đường phố. Giá cả cho khách hàng từng nước cũng khác nhau. Người da trắng thường bị tính trung bình 81USD vì họ được xem là giàu hơn, người Trung Quốc bị tính 69USD, trong khi người Bangladesh thường trả thấp nhất với giá chỉ 44USD vì họ được coi là nhóm người thu nhập thấp.

Những cửa hàng nhỏ ở Geylang chỉ là những bức bình phong cho các hành vi bất hợp pháp. Các sòng bạc hoạt động trong những phòng nhỏ sau khu vực bán hàng chính, hoặc ở tầng hai của tòa nhà. Một số cảnh sát trong khóa học đã trở thành gương mặt quen thuộc, bị nhớ mặt bởi các bảo kê, môi giới.

Họ cũng hỏi tôi về mức sống ở Việt Nam, rằng ngoài lý do vì tiền ra thì các cô còn lý do nào khác để đi bán dâm không, rằng nếu họ báo cho gia đình và đại sứ quán thì các cô có sợ không... Tôi cũng chia sẻ với các học viên về thu nhập, nghề nghiệp, sở thích, và gia đình của mình. Khóa học đa số là nam nên họ đùa nhiều, cười nhiều, và nhớ những tiếng chửi thề rất nhanh. Một điều thú vị là khi nghe tôi phát âm những tiếng đó, đa số họ đều nhận ra và bảo đã nghe thấy nó từ các cô gái lẫn bảo kê rồi.

Ngày cuối cùng khi khóa học kết thúc, tôi được một vài cảnh sát chiêu đãi cơm gà ở chợ Bedok. Tôi rất xúc động bởi những lời nhận xét hào phóng trong những tờ đơn đánh giá của các học viên.

Cách đây không lâu, tôi có đọc được một bài báo “Từ việc cảnh sát Nhật học tiếng Việt: Nỗi đau tiếng dân tộc”, cho rằng tiếng Việt đang gánh chịu bao xót xa, mất đi “ân tình”, tính thiêng liêng do những hành vi của một bộ phận người Việt ở Nhật Bản. Tôi không đến nỗi bi quan như thế. Ngôn ngữ chỉ là ngôn ngữ, có chăng ta chỉ nên ngăn chặn hành vi. Ngôn ngữ thì khi cần, người ta sẽ học, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Tôi cũng đã từng dạy cho đàn ông bản xứ lấy vợ Việt Nam, người Singapore muốn làm ăn ở Việt Nam, phiên dịch cho bác sĩ Singapore với bệnh nhân Việt Nam, cho cục du lịch muốn tuyển hướng dẫn viên du lịch cho khách Việt Nam... Khởi đầu chỉ mong kiếm thêm tiền túi cho đời sống sinh viên thêm thoải mái; dần dà, tôi vui khi tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình đã có đất dụng võ, tôi say mê tìm hiểu tiếng Việt ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, chiếc cầu ngôn ngữ Anh - Việt giúp cho tôi tiếp cận với nhiều người bản xứ và dễ dàng hòa nhập.

Bốn ngày dạy tiếng Việt ở bộ phận Bedok, cảnh sát đã gợi mở có thể tôi sẽ cần đến cho họ đôi lần ở tòa án, ở những lần truy quét qua đêm kéo dài lên đến 10 - 12 tiếng. Biết đâu, ngôn ngữ mẹ đẻ thân yêu sẽ còn mang đến cho tôi những trải nghiệm thú vị ở những chặng đường tới?
Huyền Vân
.
.