Tiễn biệt năm cũ

Thứ Tư, 03/02/2016, 09:43
Chầm chậm mà hết năm, dẫu muốn dẫu không thì thời gian cũng chẳng đợi Ngô ngoài ngõ, cũng chẳng có cô gái năm nào đang chờ trăng lên kịp một hẹn hò.


Năm nay vẫn như năm trước, có những xáo động xã hội hoàn toàn không như Ngô hay bạn đọc mong muốn.

Theo cái nhìn đầy thiển cận của Ngô, chung quy cũng không nằm ngoài mấy chữ, thiếu trách nhiệm.

1. Người dân thủ đô lại thêm lần nữa “hân hoan chào đón” sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà ngay trong ngày đầu năm 2016.

Lần vỡ ống nước Sông Đà này là lần thứ mấy, Ngô cũng không buồn nhớ nữa. Bởi, người ta chỉ nhớ chuyện xảy ra lần một lần hai, nhiều lắm là lần ba, lần bốn.,. Chứ đến lần mười một, mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm rồi nhiều hơn thế nữa thì hơi đâu mà nhớ nữa. Cái đầu bé xíu lại kém thông minh như Ngô, thì làm sao mà chứa hết mọi thứ diễn ra trên đời này, huống hồ chứa một thứ cứ xuân thu nhị kỳ lại vỡ một lần.

Ngô không nhớ, nhưng chắc chắn hàng triệu người dân thủ đô sẽ nhớ. Vì có ai không có nước sinh hoạt lại đủ khả năng để mà quên đâu. Nhưng nhớ hay quên gì cũng không thể thay đổi thực tế là đường ống nước sông Đà cứ liên tiếp vỡ.

Ống nước cho hàng triệu người chứ có phải cái ly thủy tinh được đặt trên bàn gỗ rồi trẻ con nhanh tay nhanh chân đâu mà vỡ hết lần này đến lần khác.

Ống nước vỡ thì chắc chắn phải sửa chữa cho lành lại, nhưng niềm tin của hàng triệu người dân vào trách nhiệm của các cơ quan thì rất khó để lành. Dẫu lành, cũng tơi tả dọc ngang.

Minh họa: Lê Phương.

2. Vaccine - khi cơn sốt khan hiếm vaccine lên đến đỉnh điểm, Ngô có viết đùa rằng: “Tại sao người dân lại có thể làm mọi thứ rối tung như vậy? Không phải, trời sinh voi sinh cỏ hay sao? Không phải, mấy trăm mấy nghìn năm trước ông bà mình có tiêm vaccine gì đâu mà vẫn duy trì nòi giống, thậm chí là ngày càng nhiều hơn, lớn mạnh hơn hay sao? Không phải chuyện sống chết trên đời này đều có số mạng hay sao, một mũi vaccine thì ăn thua gì mà phải sốt ruột?”.

Đùa kiểu này, rất đau xót. Bởi không biết vì sao có thể nhiễu thông tin vì vaccine, một loại hình y tế tối thiểu mà công dân được thụ hưởng. Bộ Y tế, vẫn như thói quen thường khi, đổ thừa đắm đuối truyền thông đang tạo nên cơn hỗn độn vaccine. Cao trào, trong cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức để trả lời về tình trạng hỗn loạn khi tiêm chủng vaccine dịch vụ, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã nói một câu rất trứ danh:  “Nếu có kiếp sau, tôi không làm ngành y nữa mà làm nhà báo”.

Bộ Y tế sai rồi. Ngay khi đám đông hỗn loạn, Bộ Y tế đã không thật sự có những giải pháp trấn an dư luận. Phải cho đến khi đỉnh điểm cảnh người dân bồng bế chen lấn tìm vaccine dịch vụ cho con diễn ra tại thủ đô vào đêm mưa phùn giá rét, Bộ Y tế mới vội vàng tổ chức một cuộc họp báo để lên tiếng về cách phân phối vaccine dịch vụ. Thật khó hiểu và lạ lùng.

Nỗi khó hiểu và lạ lùng này đến độ, chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phải ngạc nhiên: “Yêu cầu Bộ Y tế cần nói rõ, nói đúng sự thật về một số vấn đề liên quan đến vắc xin Quinvaxem để nhân dân hiểu đúng”.

Mấy chữ “nói đúng sự thật” từ kim khẩu của Phó Thủ tướng thốt ra không khác nào sấm động giữa trời quang khiến Ngô thập phần kinh ngạc. Lương y như từ mẫu, vậy mà từ mẫu nay lại “nói không đúng sự thật” về một loại vaccine miễn phí thì từ mẫu đang muốn gì?

Ngẫu nhiên mà Ngô lại nhớ mấy dòng ghi chép: Ông vua không ngai ở Sài Gòn trước 1975, Lý Long Thân, từng ăn đậm một cú áp-phe khi tung tin đồn. Tháng 5-1974, văn phòng của Lý Long Thân nhận được điện tín của một thuộc hạ ở ngoại quốc báo tin, lúc 6 giờ sáng cùng ngày tàu Viễn Đông đã rời cảng Stockholm (Thụy Điển) chở về Sài Gòn cho công ty X 6.000 tấn giấy, gồm 4.000 tấn giấy vở học sinh và 2.000 tấn giấy in báo. Đồng thời bức điện cũng cho biết giá giấy trên thị trường quốc tế đang tăng.

Ngay lập tức, Lý Long Thân chỉ đạo thuộc cấp bán giấy mà Lý Long Thân đang dự trữ thấp hơn 30% so với thị trường. Đồng thời, tung tin giá giấy thế giới giảm mạnh. Khi chiếc tàu chở giấy sắp cập Cảng Sài Gòn, Lý Long Thân cho quân của mình phát giấy trắng tinh cho người dân qua lại địa phận Cảng Sài Gòn. Kết quả, ông chủ tàu hàng hoảng loạn khi nghe giá giấy ở Sài Gòn khác hẳn với giá giấy quốc tế, lại thêm cảnh giấy trắng xả đầy bến cảng. Sau nhiều ngày chờ thời không được, ông bèn bán lại 6 nghìn tấn giấy cho Lý Long Thân với giá bằng 50% giá vốn. Sau khi có giấy, Lý Long Thân lại đẩy giá giấy lên cao ngất trời.

Trong quyển Chiến tranh tiền tệ, nói rất rõ ai nắm được thông tin sớm hơn người ấy sẽ trở thành tỷ phú. Vì đám đông thường có rất ít thông tin và hay hoảng loạn”.

Khi Ngô viết điều này trên facebook cá nhân, có vài người lây lan khí chất của lãnh đạo Bộ Y tế, mắng Ngô đang làm nhiễu thông tin vaccine. Thật ra, Ngô chỉ mong muốn một sự trấn an dư luận từ lãnh đạo Bộ Y tế. Đáng tiếc, những cá nhân trên thường như tín đồ quá khích, đầy lòng cao ngạo và định kiến, không thể nào đối thoại được.

Nay, đến Phó Thủ tướng còn phải yêu cầu Bộ Y tế phải “nói đúng sự thật” thì đủ hiểu trách nhiệm của những lãnh đạo Bộ Y tế vừa qua như thế nào để nên nông nỗi...

Thật sự, rất đáng lo ngại.

3. Trong năm vừa qua, vẫn ở Thủ đô xảy ra đại thảm sát cây xanh. Đến mấy nghìn cây bất kỳ đang khỏe mạnh hay phát triển tốt ngã rạp trên vỉa hè, dưới lòng đường.  Một đội quân ô hợp rầm rộ nhào ra đường đụng cây nào chặt cây đấy, đụng cây nào cưa cây đấy  bất kể mưa hay nắng, sớm hay chiều, đêm hay khuya…. Gây nên một thảm trạng hết sức khủng khiếp ngay giữa thanh thiên bạch nhật tại đất Tràng An.

Tất nhiên là dư luận phản ứng nhanh như cứu hỏa, không chỉ dư luận Thủ đô mà dư luận cả nước cũng sôi sục, không chỉ dư luận cả nước mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng lên tiếng mạnh mẽ trên trang mạng xã hội facebook. May mắn, chỉ có mấy nghìn cây xanh bị đốn hạ vì sau đó lãnh đạo Thủ đô đã thức tỉnh mà “buông hạ rìu đốn cây cố gắng giữ lấy ghế”.

Chỉ có mấy nghìn cây xanh bị đốn hạ, nói câu này thật quá ư dễ dàng. Bởi biết bao nhiêu tháng ngày mới có được một bóng râm, biết bao nhiêu tháng ngày mới có được một con phố xanh mát.

Vì sao lãnh đạo Thủ đô lại đồng ý với đề xuất đốn hạ cây xanh? Có cực kỳ nhiều giả thuyết và hồ nghi, bất chấp các vị lãnh đạo Thủ đô giãy lên như đỉa phải vôi khi bị quy trách nhiệm trong vụ thảm sát cây xanh này.

Ngô tin rằng, lãnh đạo Thủ đô không có ý trục lợi từ đề án hạ cây xanh, chỉ là lãnh đạo không lường trước hết phản ứng của dư luận, cũng như không đủ thời gian để suy xét xem đề án này có hợp lý và hợp lòng dân hay không? Chung quy, cũng chỉ gói gọn trong cụm từ “thiếu trách nhiệm”.

4. Đầu tháng 12 năm cũ, tức năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri TP HCM đau xót chia sẻ: “Xấu hổ khi Việt Nam bị xếp hạng tham nhũng cao”. Đồng thời, Chủ tịch nước thừa nhận, “Tôi đi đâu cũng nghe người dân than về tham nhũng. Dù thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhưng không ai dám nói là đã đẩy lùi được vấn nạn này. Phải thừa nhận là tình hình tham nhũng còn rất nghiêm trọng”.

Ấy vậy mà, ngay tại hai trung tâm kinh tế trọng điểm của đất nước là Hà Nội và TP HCM, đều có báo cáo khác lời của Chủ tịch nước.

Ở Hà Nội thì, “Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 của UBND TP gửi HĐND TP Hà Nội nêu rõ “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng””.

Còn tại TP HCM: “Chín tháng năm 2015 qua công tác thanh tra, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP HCM”. Đó là báo cáo của Phó Chánh thanh tra TP HCM.

Có đang tồn tại tham nhũng ở nước ta hay không? Câu hỏi này, có lẽ nhất thiết không cần có câu trả lời. Vì nhẽ đơn giản nhất, chắc chắn là có. Không chỉ là có, mà có rất nhiều, có rất phổ biến.

Vậy thì tại sao lại không thể phát hiện ra tham nhũng tại Hà Nội và TP HCM, có lẽ là vì câu “Dĩ hòa vi quý” tồn tại từ rất lâu rồi trong tiềm thức của người Việt.

Một khi mà trách nhiệm chưa được nhìn nhận là động lực thúc đẩy sự phát triển, là yếu tố tiên quyết để tiến đến sự minh bạch. Lẽ đơn giản, phải có minh bạch thì mới gây dựng được niềm tin từ người dân.

Dân có tin, mới có thể chung tay mà gây dựng đất nước ngày càng tiến lên theo đúng như mong muốn từ những câu từ hoa mỹ mà Ngô cũng như mọi người được nghe.

5. Năm mới là năm của hy vọng, bởi tất cả diễn ra ở thì tương lai đều chấp chới hy vọng. Còn sống là còn hy vọng, Ngô nghĩ vậy.

Ngô lại càng tin vào chuyện, “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Chạm đáy thì phải tự quay ngược trở lên trên.

Và trong quá trình quay ngược trở lên trên ấy, mong rằng mấy chữ “dám chịu trách nhiệm vì tiền đồ của đất nước, vì cọp chết để da, người chết để tiếng” sẽ được các bậc đang làm nhiệm vụ chăn dân lưu tâm.

Một vài dẫn chứng Ngô đưa ra trong bài viết cuối năm này chưa phản ánh toàn bộ bức tranh kinh tế xã hội trong năm đã qua, chỉ là mượn chuyện để lẩy ý mà thôi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.