Thuốc lào, thuốc lá và… thi ca

Thứ Ba, 07/07/2015, 11:09
Thuốc lào, thuốc lá đã gắn bó từ lâu với cuộc sống của con người, nhất là đối với cánh mày râu. Mặc dù người ta ngày càng nhận rõ những tác hại và nguy hiểm của thuốc lào, đặc biệt là thuốc lá nhưng để dứt bỏ hẳn với nó e cũng không phải là điều dễ dàng.

Trong bài này, tôi muốn nhìn thuốc lào và thuốc lá từ góc độ thi vị hóa, bởi chúng đã đi vào thi ca và tạo ra những câu thơ có sức sống lâu dài, găm vào trí nhớ người đọc, dù những câu thơ ấy được thể hiện theo phong cách dân gian hay phong cách bác học, hàn lâm.

Về thuốc lào, loại thuốc này thực chất là một chi của thuốc lá, hàm lượng nicotin cũng khá cao, có danh pháp khoa học là Nicotiana Rustica L. Theo Đào Duy Anh, cây thuốc lào vốn từ đất Ai Lao nhập vào Việt Nam nên mới có tên như thế. Thuốc lào trở nên quen thuộc hơn với các nước phương Đông như Iran, Irac, Jocdani, Thổ Nhĩ Kỳ rồi sau đó mới lan sang các nước châu Âu như Anbani, Hy Lạp, Bungari, Rumani.

Trong tâm thức người Việt, thuốc lào gợi một cảm giác rất gần gũi thân thuộc theo kiểu bình dân, nôm na, khác xa với vẻ kiểu cách và có phần hơi quý phái sang trọng của thuốc lá (vốn vào Việt Nam theo con đường từ phương Tây). Thế nên, ta rất dễ tìm thấy hình ảnh thuốc lào trong ca dao (văn học dân gian) mà rất hiếm gặp thuốc lào trong thi ca bác học. Diễn tả về nỗi nhớ nhung, người bình dân Việt Nam có câu quen thuộc: Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Cảm giác lâng lâng men say do thuốc lào đem lại được tạc thành mấy câu thơ khác: Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng bé châm thuốc lăn quay ra nhà/ Có cô hàng xóm đi qua/ Ngửi thấy hơi thuốc về nhà cũng say/ Ngọc hoàng thấy vậy hay hay/ Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào.

Đọc bài ca dao này, ta có thể tưởng tượng ta cái dáng vẻ khoái chí ngất ngưởng của người bình dân khi được hưởng thụ một niềm vui rất dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền mà lại rất ung dung đàng hoàng, thậm chí có thể ngoa ngôn cường điệu đến mức: Hút điếu thuốc lào/ Nâng cao sĩ diện/Thơm mồm bổ phổi diệt trùng lao.

Việc hút thuốc lào còn được ẩn dụ cho chuyện quan hệ nam nữ để tạo thành một câu đố mang phong cách đố tục giảng thanh: Bình tròn phành phạch đít bảnh bao/ Mân mân mó mó đút ngay vào/ Thủy hỏa tương giao sôi sung sục/ Âm dương nhị khí sướng làm sao.

Dường như trong suốt cả thời kỳ văn học trung cận đại của Việt Nam, tôi chỉ bắt gặp một lần hình ảnh thuốc lào đi vào thi ca bác học qua một bài thơ của Tú Xương: Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm/ Phong lưu đài các giống ông hoàng/ Phong lưu như thế phong lưu mãi/ Điếu ống xe dài độ mấy gang (Bợm già).

Mãi đến khi văn học Việt Nam bước sang thời kỳ hiện đại (tức thế kỷ XX), tôi mới gặp nhiều hơn những câu thơ có hình ảnh thuốc lào. Thời kỳ Thơ Mới, thuốc lào từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính: Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay (Giời mưa ở Huế).

Rồi đến thời kỳ chống Mỹ, thuốc lào lại có mặt  trong thơ Lưu Quang Vũ: Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu/ Chúng mình không có bom nguyên tử/ Chỉ có thuốc lào hút với nhau/ Thương nhà thương nước thương cho bạn/ Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn).

Thực ra, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Bính và Lưu Quang Vũ có thể đưa thuốc lào vào thơ một cách dễ dàng và hồn nhiên đến thế. Làm được điều đó theo tôi một phần lớn là do hai thi sĩ này đều có cái gốc nông thôn, đều mang cội nguồn là một người nhà quê với hồn quê đậm đặc.

Giờ chuyển sang bàn về thuốc lá. Trong nền thơ Việt Nam thế kỷ XX, thi sĩ Hồ Dzếnh có lẽ là người tiên phong trong việc đưa thuốc lá vào thơ, thi vị nó cùng bước chân của người lữ khách trong một buổi chiều nhớ nhà: Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây (Chiều).

Minh họa: Lê Phương.

Câu thơ có cái vẻ lãng tử ung dung của người thời trước, rất khó bắt gặp lại phong thái đó trong những câu thơ thuốc lá sau này. Bài thơ Chiều đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành bài hát cùng tên, nổi tiếng trong thời kỳ tân nhạc ở miền Bắc phát triển. Trong một bài thơ khác, Hồ Dzếnh viết: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/ Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/ Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần/ Tôi nói khẽ: Gớm, sao mà nhớ thế (Ngập ngừng).

 Điếu thuốc lúc này lại trở thành bạn của kẻ đang chờ mong người yêu. Nếu không có nó, ắt hẳn thi sĩ sẽ trống trải lắm. Sang đến thời kỳ chống Pháp, nổi tiếng nhất là câu thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ trong bài Sáng tháng 5: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút/ Bác Hồ đó ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông thanh thản một vùng trời.

 Mặc dù câu thơ không nói rõ song ai cũng hiểu ở đây Tố Hữu muốn tả việc Bác hút thuốc lá. Thực ra Bác của chúng ta cũng không hề khuyến khích việc thanh niên hút thuốc lá bởi có một lần Bác đã nói: “Các cháu thanh niên có hai việc không nên học theo Bác. Một là hút thuốc lá, hai là không lấy vợ”. Thế nhưng ở góc độ văn chương, câu thơ của Tố Hữu vẫn là một câu thơ hay, góp phần gợi nên phong thái an nhiên tự tại của Hồ Chủ tịch. Sang đến thời kỳ chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ về thuốc lá trong bài thơ nổi tiếng Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Bài thơ này nằm trong chùm thơ được giải Nhất của Báo Văn Nghệ trong cuộc thi thơ 1969-1970. Về sau, Bài thơ về tiểu đội xe không kính được in trong tập Vầng trăng quầng lửa và được đưa vào sách giáo khoa chương trình văn học lớp 9 nhiều năm nay. Cũng trong thời kỳ chống Mỹ, nhà thơ Vân Long có một câu thơ cực tài hoa về việc hút thuốc lá, trong bài thơ Vào tranh (Tặng họa sĩ Thọ Vân): Lật trang sách tiếng cá quẫy/ Đêm rơi đầy chiếc gạt tàn.

Không hề có một chữ “thuốc lá” nào mà câu thơ như chứa trong nó mênh mang trùng trùng thuốc lá bao la. Thủ pháp chuyển đổi cảm giác đã được sử dụng như một mẫu mực bậc thầy trong câu thơ này. Ở thời kỳ sau 75, nhà thơ Vân Long còn có một câu thơ thật hay nữa mà tôi thích, nhưng không phải về thuốc lá mà là về thuốc lào: Nghiền ngẫm cả mùa thu/ Được câu thơ hư ảo/ Mười lăm năm sau mới đưa được câu thơ lên trang báo/ Anh bắt gặp người vê bài thơ anh châm điếu thuốc lào (Khói thơ)

Quay trở lại với thơ thuốc lá, thời sau 75, tôi bắt gặp không phải điếu thuốc mà là píp thuốc trên bàn tay của nhà văn Nguyễn Tuân, qua bài thơ Năm phút với Nguyễn Tuân của nhà thơ Thế Hùng - một bài thơ ngắn nhưng có một cái tứ rất hay: Này Hùng, cậu làm nghề gì?/ Thưa bác, cháu là họa sĩ/ Cậu thích vẽ gì?/ Thưa bác, cháu thích vẽ hoa và thiếu nữ/ Một phút…hai phút…năm phút…/ Píp thuốc tàn trên tay/ Sao không vẽ người ăn mày...?

Nhìn chung, thuốc lá thường gắn với đàn ông và gắn luôn với thế giới cảm xúc của họ. Khi thuốc lá đi vào thi ca, không đơn giản là tôi thích thì tôi hút, mà nó thường ký thác vào đó ít nhiều tâm trạng, một chút nhớ, một chút buồn, một chút mênh mang lãng đãng giang hồ hay một chút sẻ chia của những người bạn hữu. Trong bài hát nổi tiếng Mùa sầu riêng của nhạc sĩ Hoàng Trang (cũng là tác giả bài Không bao giờ quên anh), người nghệ sĩ đã mở đầu bài hát bằng những ca từ như sau: Đêm nay sương lạnh/ Hai đứa chung chăn chuyền nhau chung điếu thuốc/ Anh hiểu cho tôi, dẫu rằng mình nhà binh/ Nhưng cũng đôi khi mình mơ mộng một lần…

Ôi, cái phút giây sẻ chia từng điếu thuốc của những người đồng đội mới làm ta ấm lòng làm sao, nó khiến tôi nhớ tới Đồng chí của Chính Hữu với những câu thơ: Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ. Không khó để bắt gặp trong dòng nhạc tình ở miền Nam trước 1975 những ca từ có hình ảnh thuốc lá. Bài Thị trấn về đêm là một minh chứng điển hình nữa khi điếu thuốc cháy trên tay người lính: Qua làn môi khói thuốc vàng tay, một ngày vui nào hay...

Hình như, trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, điếu thuốc lá là một vật rất trân quý, rất được nâng niu, thậm chí có thể trở thành phần thưởng, thành những món quà từ hậu phương gửi ra tiền tuyến cho những người chiến sĩ.

Điếu thuốc lá đương nhiên không chỉ khơi niềm cảm hứng và đi vào thơ ca của người Việt, người phương Tây cũng có những tác phẩm bất hủ mà trong đó, điếu thuốc lá là hình ảnh trung tâm. Tôi muốn nhớ đến một ca khúc của nhóm nhạc nổi tiếng Scorpions mang tên When the smoke is going down (Khi khói thuốc la đà), được hát rất nhiều trong những thập niên 80 của thế kỷ trước và đây là một trong những ca khúc đã góp phần đưa tên tuổi của Scorpions trở thành bất tử: I climb the stage again this night/ Cause the space seems still alive/ When the smoke is going down/ I climb the stage again this night.

Ngày nay, địa vị của điếu thuốc lá trong xã hội không còn được như trước. Trên khắp thế giới, người ta đua nhau “nói không với thuốc lá”, thậm chí chọn ra cả một ngày 31/5 là Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Như vậy, khả năng điếu thuốc tỏa sáng trong thi ca có lẽ sẽ khó khăn hơn trước. Thế nhưng, với những câu thơ, lời ca đã đi vào lịch sử như thế, tôi tin điếu thuốc sẽ còn sống mãi theo một cách nào đó trong tâm hồn của những chàng trai, những người đàn ông, những lãng tử giang hồ đã từng một thời nhả khói theo mây gió.

Đỗ Anh Vũ
.
.