Thiên hạ thật khó hiểu

Thứ Tư, 04/02/2015, 17:14
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Thiên hạ thật khó hiểu, rất nhiều lần Ngô đã nghĩ vậy. Mấy lâu, Ngô cố gắng lý giải thiên hạ khó hiểu là vì nhẽ này, vì nhẽ kia. Thiên hạ mắng Ngô, phải ở bên trong thiên hạ mới hiểu thiên hạ.

Tình thật, Ngô có bao giờ đứng ngoài thiên hạ đâu. Có điều, càng ngày Ngô càng cảm thấy thiên hạ khó hiểu vô cùng tận.

1. Thiên hạ đang rất cáu vì có một số thiên hạ khác đang hào hứng tham gia vào trò chơi hóa thân thành Võ Tắc Thiên trên trang mạng xã hội facebook. Thật, Ngô chưa thấy nơi đâu phức tạp bằng facebook. Ngô cũng chưa thấy chốn nào nhộn nhịp như facebook.

Ngô chơi facebook, thiên hạ cũng chơi facebook. Hôm đẹp trời, Ngô than “Đời, chán như chó thiến chạy rông”. Thiên hạ nhào vào, gào lên phẫn nộ “Bớ Ngô! Ngô ỷ Ngô là nhà báo rồi Ngô muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói sao Ngô. Tại sao cuộc đời đang đẹp vậy Ngô lại dám bảo rằng như chó thiến chạy rông. Tại sao Ngô dám xúc phạm chúng tôi, tại sao Ngô dám ví von đầy thô thiển và biến thái đến vậy… Bớ Ngô”.

Ơ, Ngô thấy đời chán như chó thiến chạy rông là quyền của Ngô, là cảm quan của Ngô, là góc nhìn của Ngô. Chứ Ngô có bảo “Ê, bạn. Đời của bạn buồn như chó thiến chạy rông vậy”. Khi nào Ngô xía vào chuyện của thiên hạ thì thiên hạ mới có lý do để phẫn uất với Ngô chứ, đằng này Ngô tự nói chuyện của Ngô vẫn bị mắng, hà cớ làm sao?. Mà Ngô nói đời Ngô buồn như chó thiến chạy rông, chó không mắng Ngô thì thôi, mắc mớ gì thiên hạ lại càm ràm Ngô.

Một số thiên hạ khác đùa vui bằng việc biến mình thành Võ Tắc Thiên cũng vậy. Facebook là của thiên hạ khác, thiên hạ khác cảm thấy việc chỉnh sửa cái mặt của thiên hạ khác thành Võ Tắc Thiên là niềm khoái hoạt của thiên hạ khác, chứ thiên hạ khác có làm gì đến thiên hạ đâu mà thiên hạ lại xúc xiểm thiên hạ khác kinh đến vậy.

Không phải, mọi ham muốn cá nhân nếu không vi phạm pháp luật đều là quyền tự do hay sao?. Không phải, mọi cá nhân đều có quyền mưu cầu niềm vui cho bản thân, miễn sao niềm vui ấy không phạm luật, không phạm đến người khác hay sao?.

Vậy thì, thây kệ thiên hạ khác đi. Thiên hạ khác thích Võ Tắc Thiên thì thiên hạ khác biến hình thành Võ Tắc Thiên thôi. Thiên hạ khác thích Võ Tòng thì thiên hạ khác biến hình thành Võ Tòng thôi. Thậm chí, thiên hạ khác thích thì có thể biến hình thành Phan Kim Liên, Trần Ích Tắc, Chung Vô Diệm, Lao Ái, Thái Giám, Công Công, Hoạn Quan… gì gì cũng được. Miễn sao thiên hạ khác cảm thấy thích thú là được.

Đừng nâng cao quan điểm, chúng ta luôn cảm thấy rất có vấn đề khi bị nâng cao quan điểm. Việc thiên hạ khác hóa thân thành Võ Tắc Thiên không có nghĩa là thiên hạ khác đồng tình cho cái giàn khoan quái quỷ nào đó đang nhởn nhơ vào vùng biển của nước mình.

Tin Ngô đi, nếu cần thiết thì thiên hạ khác vẫn mỉm cười dâng máu cho quê hương. Chứ không có nghĩa hóa thân thành Võ Tắc Thiên để mua vui trên facebook thì lập tức biến thành Lã Bố, thành giống thờ cha khắp chốn đâu.

Minh họa: Lê Phương.

2. Trong cuộc họp tổng kết Bộ Y tế vừa rồi, rất nhiều lãnh đạo của các bệnh viện trọng điểm ký vào cam kết “Xin hứa, năm nay không để xảy ra tình trạng hai bệnh nhân nằm cùng giường, hay một giường có đến ba bệnh nhân. Xin đảm bảo như vậy, xin hứa như vậy, xin cam kết như vậy. Nếu mà không làm được thì thiên hạ… chết”.

Ngô nghe bản tin phát đi nội dung này trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), vừa nghe Ngô vừa cảm thấy hoang mang. Làm sao mà lấy ý chí để  có thể tin rằng sẽ giảm tải được tình trạng quá tải ở các bệnh viện?

Ví như nói, thái độ của y bác sĩ, nhân viên bệnh viện, sự nhếch nhác của căn-tin bệnh viện, toilet bệnh viện, phòng lưu trú của bệnh nhân… lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm thì còn có lý. Vì lãnh đạo nếu tận tụy với công việc thì chắc chắn sẽ quản lý được những vấn đề xảy ra trong phạm vi bệnh viện. Chứ đằng này, bệnh nhân nhập viện thì làm sao mà lãnh đạo bệnh viện quản được.

Ngô thí dụ, bệnh viện có 600 giường bệnh. Nhưng bệnh nhân nhập viện lên đến 1.000 người thì lãnh đạo bệnh viện phải làm sao(?). Không nhẽ, lãnh đạo bệnh viện vì thực hiện đúng như cam kết nên cứ lựa bệnh nhân nào không nguy kịch lắm đuổi sang bệnh viện khác hoặc cho họ về nhà rồi khám chữa bệnh sau(?). Ngô rất nghi ngờ khả năng này xảy ra, vì lãnh đạo nào mà không sợ trách nhiệm. Nhất là trách nhiệm đã được bảo chứng vào chữ ký với lãnh đạo cấp cao hơn.

Thế nên, cái bản cam kết mà Ngô vừa nhắc, e rằng chỉ có tính xoa dịu hoặc trấn an dư luận. Như cái cách mà Thượng thư ngành y đình chỉ công tác vị bác sĩ trưởng với lý do bác sĩ trưởng đuổi nhà báo ra khỏi bệnh viện vậy. Thật sự, Ngô cực kỳ không hiểu vì sao lại đình chỉ công tác vị bác sĩ trưởng ấy khi mà theo Ngô, ông ấy đã làm đúng trách nhiệm của một lãnh đạo bệnh viện.

Làm sao bác sĩ trưởng lại có thể bị đình chỉ công tác trong tình huống đó được, các y bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân, hàng tá nhà báo lô nhô đứng ngoài phòng cấp cứu đòi phỏng vấn cái này, muốn ghi âm cái khác, yêu cầu chụp hình người này, mong muốn quay phim người khác… thì bác sĩ trưởng đuổi ra hết để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân là chính xác quá rồi. Không tuyên dương thì chớ, Thượng thư lại chơi trò ngắt cầu chì để lấy lòng báo giới, chiều lòng thiên hạ.

Một khi những biện pháp mà các nhà lãnh đạo đưa ra chỉ nhằm chữa cháy, chỉ nhằm để thiên hạ bớt cáu gắt thì quá khó để hy vọng vào một sự tươi mới thật sự. Ngay cả kẻ đần độn như Ngô còn biết, muốn mỗi bệnh nhân được nằm một giường bệnh, được chăm sóc chu đáo, lương y như từ mẫu thì cần thiết phải có những giải pháp căn cơ.

Phải mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ các y bác sĩ, nâng cao tâm thế của y bác sĩ… Quan trọng hơn, phải xây dựng tốt đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện vệ tinh. Để làm sao, bệnh viện huyện A, bệnh viện tỉnh B đủ khả năng để chữa trị, cấp cứu cho nhân dân huyện A, nhân dân tỉnh B… Như vậy thì không cần phải mong muốn, mà tự dưng bệnh viện trung tâm tại các thành phố lớn sẽ được giảm tải.

Không ai nhà ở tỉnh C lại muốn thuê xe lên đến thành phố D để khám chữa bệnh khi mà bước vào bệnh viện của tỉnh C họ đã có thể yên tâm về sức khỏe của mình. 

Đừng cho thiên hạ ăn bánh vẽ, thiên hạ thì dễ cáu nhưng cũng thật ngây thơ.

3. Ban nãy Ngô có nhắc đến cụm từ “ngắt cầu chì”. Đây là cụm từ được những người làm truyền thông sử dụng. “Ngắt cầu chì” nghĩa là khi một sự vụ xảy ra khiến thiên hạ căm phẫn. Để thiên hạ bớt căm phẫn, người có trách nhiệm sẽ xử lý đến nơi đến chốn người gây ra sự vụ ấy. Một dạng, dòng điện tăng đột ngột thì ngắt cầu chì để đảm bảo cho các vật dụng điện tử sử dụng nguồn điện không bị hư hỏng.

Những người làm ở chương trình “Điều ước thứ Bảy” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa bị sử dụng cầu chì để ngắt. Họ đã phạm một sai lầm khiến thiên hạ cáu gắt loạn lên.

Nhân vật trong chương trình của họ đã không đúng như họ nghĩ. Mà Ngô rất ngạc nhiên, họ đã cẩn thận xác tín một lần và quyết định không phát chương trình. Vậy rồi, không hiểu sao họ lại phát sóng. Có tin nội bộ trong đấy đánh nhau, Ngô nghe mà không biết có chính xác không.

Trước khi nhân vật không đúng như họ nghĩ được lên sóng truyền hình, rất nhiều nhân vật khác đúng như họ nghĩ tạo được nhiều cảm xúc trong lòng thiên hạ. Vậy mà, chỉ cần nhân vật không đúng như họ nghĩ hiện hữu, thiên hạ lại lập tức lồng lên đòi xử lý họ không thương tiếc.

Cuối cùng, họ đã nhập vai cầu chì bị ngắt.

Ngô nghĩ rằng, những người làm truyền thông chân chính không ai dám đánh lừa độc giả, khán giả cả. Nghiệp chữ nó hạnh phúc đó, hanh thông đó nhưng rồi cũng bạc bẽo đó, nghiệt ngã đó. Không chỉ có nghề chữ đâu, nhiều nghề khác cũng vậy.

Thiên hạ ơi, thiên hạ à! Có phải thiên hạ luôn muốn nhận được sự bao dung từ thiên hạ khác hay không?. Có phải thiên hạ luôn muốn những sai lầm của thiên hạ được thiên hạ khác bỏ qua hay không?. Có phải thiên hạ luôn muốn những lần lỡ lời của mình được thiên hạ khác nhanh chóng quên lãng hay không?.

Vậy thì thiên hạ cho Ngô hỏi, làm sao thiên hạ có được sự bao dung từ thiên hạ khác khi mà ngay bản thân của thiên hạ lại luôn muốn xâu xé lỗi lầm của thiên hạ khác một cách không khoan nhượng?

Bao dung phải đến từ nhiều phía, bao dung không thể nào đến từ một phía được đâu. Tiền nhân dạy rồi, thiên hạ ạ. Cười người xin chớ cười lâu.

Giả như sau này, bản thân Ngô có sơ suất gì đó, thì thiên hạ cứ tin rằng Ngô đã chuẩn bị rất đầy đủ trạng thái tâm lý để chờ thiên hạ ném đá Ngô. Bởi Ngô biết, mình Ngô khản giọng thì không thể thay đổi điều gì cả.

Với lại, như Ngô đã viết ngay trên title bài, “Thiên hạ thật là khó hiểu”.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.