Tán chuyện bóng đá hai đầu đất nước

Thứ Sáu, 06/02/2015, 17:27
Sáng Chủ nhật, vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bạn đồng nghiệp đã Alo: “Chiều đi sân nào? Long An hay Bình Dương?”. Tôi bảo: “Ngồi phố Tây xem Hoàng Anh Gia Lai đá qua VTV6”. Thế là bạn đồng nghiệp cũng huỷ luôn chuyến đi Bình Dương để qua phố Tây vừa xem Hoàng Anh Gia Lai vừa tiếp chiêu “đồng môn Bắc kỳ”.

Câu chuyện chính hôm ấy dĩ nhiên liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai, đến những Công Phượng, Xuân Trường rồi. Nhưng bia bọt mà, câu chuyện cứ tự nó lan man, và chẳng hiểu vì sao lại trôi về chủ đề: bóng đá Sài Gòn. Bạn bảo ngày xưa, khi còn là một chú bé, được theo ba vào sân Thống Nhất xem Cảng Sài Gòn đá là một trong những thích thú lớn nhất thời ấu thơ. Bạn bảo, sau này lớn lên, làm nhà báo thể thao, được gặp gỡ, trò chuyện với huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang bỗng thấy cái tên “Cảng Sài Gòn” có giá trị to lớn quá.

Giá trị vượt khỏi phạm trù bóng đá đơn thuần, mà trở thành một cái gì đó như thể một nguồn sống, một tình yêu, một niềm tự hào nói chung của người thành phố. Thế nên bạn thấy “cay” (cả cay mũi lẫn cay mắt) khi mới đây nghe ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng so sánh đại loại: Có lẽ ngày xưa, cổ động viên của Thể Công, Cảng Sài Gòn cũng không đông bằng CĐV của lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai hiện tại.

Chưa kịp đợi thằng bạn miền Bắc đưa ra vài nhận định, bạn đã tự thốt lên cả tràng: Ông ấy căn cứ vào một điều tra xã hội học nào mà dám nói như vậy chứ? Mà khi nói câu ấy, chắc ổng nghĩ mình đang là một CĐV như mọi CĐV bình dân khác, thay vì đang là người đứng mũi chịu sào một nền bóng đá thì phải? Cuối cùng bạn kết luận: “Khi chúng ta bắn vào quá khứ một viên đạn thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác”.

Nhưng quá khứ là thứ đã qua, tương lai là thứ chưa đến, chúng ta vẫn phải sống với hiện tại. Vấn đề là ở cái hiện tại này thì Sài Gòn đang là một vùng trắng toát trên bản đồ V.League. Nếu những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố xôm tụ với Cảng Sài Gòn, với Hải Quan, Công an Thành phố; nếu đến những năm đầu thế kỷ 21, khi bóng đá bao cấp nhường chỗ cho bóng đá thị trường nơi này vẫn có những Ngân Hàng Đông Á, Navibank Sài Gòn, và nếu hai năm trước vẫn còn đó một Sài Gòn Xuân Thành gắn mác Sài thành thì bây giờ tìm được một đội bóng “gắn mác” thôi cũng... không tìm nổi.

Có mục sở thị những sân bóng phong trào ở Sài thành, và có xem những trận đấu bóng lúc 1,2 giờ sáng - khi nhiều người thành phố đi làm về mới thấy tình yêu bóng đá ở đây không hề chết. Vấn đề nằm ở chỗ: mọi thứ chỉ dừng lại ở cấp độ bóng đá phong trào, chứ theo lời anh bạn: “Với bóng đá chính quy, bóng đá chuyên nghiệp kiểu dở ông dở thằng thì người Sài Gòn tránh xa”.

Tại sao thế nhỉ? Tại vì đời sống thị trường với vô số những cánh cửa vào đời lộng lẫy đã khiến các bậc phụ huynh dù yêu bóng đá cũng không muốn con mình theo nghiệp bóng đá? Hay tại vì bản thân nền bóng đá trong nhiều năm qua đã phát triển một cách què cụt, trở thành cái địa hạt đầy cạm bẫy nên người thành phố nhất quyết tránh xa? Thực ra thì vài mùa giải trước đây thôi, khi Sài Gòn Xuân Thành của ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ thực hiện một kế hoạch đầu tư mạnh mẽ về lực lượng, lại đầu tư cả những dịch vụ giải trí độc đáo ở sân Thống Nhất (điển hình là việc mời ca sĩ Ngọc Sơn làm chủ tịch danh dự và liên tiếp thực hiện những màn ca múa nhạc trước và giữa các trận đấu) thì cũng có những lúc cái sân kín người. Vấn đề là không lâu sau đó người ta nhận ra Sài Gòn Xuân Thành chỉ giống như một “gánh xiếc rong”, và khi nó sớm lụi tàn (nói cho đúng là tự lụi tàn) bằng những trận cầu xấu xí, những kiểu hướng đạo khác người thì niềm tin của các fan đã vỡ nhanh như bọt nước.

Kể từ ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội, những cầu thủ Hà Nội như Văn Quyết (số 10) trong đội hình chính cũng luôn có khoảng ba, bốn người. Thế mà...

Ca thán về một “Sài Gòn không V.League” rồi bạn nghề lại so sánh với bóng đá Hà Nội: “Dẫu sao ở đấy cũng có một ông bầu với một cách làm bóng đá thực sự tử tế”. Công bằng mà nói thì kể từ ngày hình thành ở giải hạng Ba đến khi vô địch V.League và luôn trở thành một thế lực của V.League thì Hà Nội T&T đã làm được vô số điều tích cực. Họ cố gắng tăng chất Hà Nội bằng cách dung nạp vào mình những cầu thủ Hà Nội sau mỗi mùa giải, và quan trọng nhất: luôn thực thi một lối đá tấn công đẹp mắt, giàu tính cống hiến. Nói không quá lời, trong khoảng 4 năm trở lại đây Hà Nội T&T chính là một trong những đội bóng ổn định nhất và có sức tấn công đáng sợ nhất ở trận đồ V.League. Thế nhưng tại sao cái sân Hàng Đẫy vẫn luôn vắng người, mà nhiều lúc còn vắng hơn cả... chùa bà Đanh?

Cũng giống như người Sài Gòn, người Hà Nội bây giờ có rất nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, và đã từ rất lâu dân Hà Nội thường chọn lựa một buổi dã ngoại, câu cá cuối tuần để giải trí thay vì mua vé tới sân vận động. Nhưng đấy là những biến động khách quan thuộc loại bất khả kháng. Vấn đề còn nằm ở chỗ, bên cạnh rất nhiều cái hay, cái được thì bản thân đại diện duy nhất của bóng đá Hà Nội ở sân chơi V.League lúc này cũng để lại rất nhiều vết đen. Đơn cử như vòng cuối V.Leauge 2012, khi Hà Nội T&T chơi thứ bóng đá tử thủ trên sân Thống Nhất (dù phải thắng mới vô địch) để giúp người anh em SHB.Đà Nẵng của mình lên ngôi ở sân Ninh Bình thì rất nhiều fan Hà Nội đã phê phán đội nhà.

Trước đó và sau đó, người ta đã nhiều lần đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng có phải là hai đội bóng thuộc cùng một ông bầu hay không? Hài hước ở chỗ chính VFF đã nhiều lần khẳng định sẽ trả lời câu hỏi này một cách tận cùng, và thanh tra của Bộ Văn hoá Thể thao - Du lịch cũng đã vào cuộc nhưng đến tận bây giờ nó vẫn là một câu hỏi lửng lơ. Và chừng nào nó còn lửng lơ thì những tâm hồn Hà Nội vẫn không thể yêu đội bóng này như yêu Công an Hà Nội ngày xưa.

Rồi nữa, cứ thi thoảng, ngay ở sân nhà Hàng Đẫy, những cầu thủ Hà Nội T&T lại thể hiện những pha bóng - những tình huống - những trận cầu khó hiểu, mà việc dẫn Quảng Nam tới 4-1 nhưng lại bị gỡ 4-4 chỉ trong 20 phút cuối ở vòng 3 V.League mới đây là một dẫn chứng điển hình. Vẫn biết bất ngờ là một phần của bóng đá, và sai sót cá nhân cũng là một phần của bóng đá, nhưng khi những sai sót cá nhân cứ lặp đi lặp lại, những tình huống “mời ông xơi” cứ chờn vờn đây đó thì cái hành trình trở thành một đội bóng đích thực của Hà Nội còn gập ghềnh gian nan.

Thế đấy, trong khi bóng đá Sài Gòn bói mỏi con mắt cũng không ra nổi một đội bóng V.League thì bóng đá Hà Nội có một đội bóng rất xịn, rất sang nhưng không  nhiều người Hà Nội coi đó là đội bóng của mình. Hai thằng phóng viên, một Nam, một Bắc, một Hà Nội, một Sài thành ngồi tán chuyện bóng đá với nhau rồi cùng gặp nhau ở một điểm: không biết bao giờ những địa phương giàu truyền thống này mới khôi phục lại địa vị xưa cũ của mình?

Mà hài hước ở chỗ, cái ngày xưa ấy, nói cho chính xác là thời thịnh trị, huy hoàng của cái ngày xưa ấy là thời mà cả hai thằng phóng viên còn... chưa kịp sinh ra!

Sân phong trào đông hơn sân chuyên nghiệp

Năm ngoái ở Hà Nội diễn ra giải bóng đá “phủi” Thủ đô mở rộng, và lạ là cái giải phủi này lại hút khán giả hơn cả sân chơi V.League. Người ta háo hức đến sân  xem những đội bóng đã khẳng định rõ giá trị của mình ở bóng đá phủi miền Bắc như Thành Đồng, như Top Group còn hơn cả sự háo hức khi xem Hà Nội T&T đấu trận.

Sân Hàng Đẫy lúc nào cũng lưa thưa khán giả.

Điều đáng chú ý nằm ở chỗ một vài đội bóng phủi đã bổ sung các cầu thủ V.League vào đội hình và theo tiết lộ của một thành viên trong BTC giải thì: “Năm tới chúng tôi sẽ hạn chế tối đa điều này”. Tại sao vậy? Anh này giải thích: “Vì người ta chán V.League, chán cầu thủ V.League rồi. Giờ cầu thủ V.League mà xuất hiện ở giải phủi nhiều quá tôi sợ người ta cũng chán giải phủi luôn”.

Ngọc Anh 

Phan Đăng
.
.