Phỏng vấn xe buýt (phần 2)

Thứ Sáu, 06/02/2015, 16:21
Phóng viên (PV): Thưa anh, lần trước chúng ta đã bàn về xe buýt dành riêng cho phụ nữ, và anh ủng hộ điều đó, vì sao?

Xe: Vì nói một cách ngắn gọn nhất, tôi luôn ủng hộ những hành động cụ thể. Một quốc gia chân chính phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em của mình một cách càng cụ thể càng tốt, chứ không nói chung chung. Mà chúng ta thì gần như vô địch về điều này.

PV: Ví dụ?

Xe: Ví dụ như có nơi đâu trên hành tinh, chồng đánh vợ thì mang ra tổ dân phố phê bình, kiểm điểm? Đánh vợ hay đánh bất cứ ai là phải bị bắt ngay lập tức, rồi sau đó đi tù.

PV: Nhưng rất ít bà vợ bị đánh muốn chồng đi tù.

Xe: Nói như vậy hoặc cô chưa có chồng, hoặc có chồng mà bị đánh chưa đau, hoặc tệ hơn, đau mà chả biết làm gì, chả biết có thể nhờ ai cứu giúp. Phải làm sao cho mọi cô gái, mọi bà mẹ trên đất nước này luôn có cảm giác quyền lực đang đứng sau lưng mình, đứng suốt ngày đêm, họ mới có trạng thái tự tin và an toàn.

PV: Như thế có bất công cho đàn ông không?

Xe: Không. Đàn ông phải nhớ họ sinh ra với “bất công” đó và chết đi với nó. Như thế họ mới kiêu hùng.

Khi tàu Titanic sắp chìm cách đây gần một trăm năm (Xin lưu ý: một trăm năm!) khẩu hiệu nghiêm khắc đưa ra là “Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên xuồng cấp cứu”. Không có chỗ cho đàn ông bất kể chức tước thế nào. Toàn bộ sĩ quan trên tàu đều hy sinh, mặc dù rất nhiều người là đàn ông ưu tú.

PV: Đúng là những anh hùng.

Xe: Chúng ta thì sao? Chúng ta có thừa anh hùng trong chiến tranh, anh hùng trong lao động, và anh hùng cả trong lĩnh vực kinh doanh. Nhưng có anh hùng nào được nêu tên vì hy sinh cho phụ nữ?

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Sự hy sinh cho vợ con phải diễn ra một cách âm thầm.

Xe: Vớ vẩn. Âm thầm gì mà tới mức chả thấy hiện ra. Hễ đi ngoài phố, thấy một người đàn ông mang con trước ngực hoặc đẩy xe nôi cho bé, thì gần như 100% đấy là ông Tây. Chả lẽ điều đó khiến cho các cô gái Việt tự hào?

PV: Không, không thể tự hào.

Xe: Tôi xin nhắc lại, trong vấn đề bảo vệ phụ nữ, đàn ông đừng có đòi hỏi công bằng, vì bản chất con gái sinh ra đã không có sự công bằng tuyệt đối. Con gái, do thiên chức của họ, bị rất nhiều thứ thiệt thòi.

Đừng có cười văn hóa phương Tây khi họ xếp đàn ông sau chó. Thứ nhất, đấy chỉ là xếp cho vui. Thứ hai, xếp như vậy để đàn ông nhún nhường. Thứ ba, xếp để đàn ông phấn đấu. Cuối cùng, xếp để phụ nữ tự tin.

PV: Cảm ơn anh.

Xe: Tại sao khi muốn tường thuật về chiến tranh, phóng viên thường miêu tả nạn nhân là phụ nữ và trẻ em trước hết? Vì đấy là đối tượng đáng ra không khi nào nên để tổn thương.

Nếu chúng ta chưa thể tự hào và lo cho các cô gái Việt Nam tốt nhất, ít ra chúng ta cũng phải vui mừng vì hễ xúc phạm con gái Việt Nam là phải bị đi tù.

PV: Vậy theo anh, phụ nữ chúng ta hôm nay đã hạnh phúc chưa?

Xe: Còn lâu lắm. Hạnh phúc làm sao khi mới có ý định dành cho vài chuyến xe buýt, dư luận đã tự ái ầm ầm. Hạnh phúc làm sao khi được an toàn chủ yếu vì lòng “kêu gọi”? 

Lê Thị Liên Hoan
.
.