Phỏng vấn một nhạc sĩ
Nhạc sĩ: Nhiều lắm, nhưng có hai thứ thường lặp đi lặp lại, đó là gió và mây.
PV: Nhưng tại sao gió và mây hay vang lên trong cảm xúc, thưa anh?
Nhạc sĩ: Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là chúng mờ ảo.
PV: Mờ ảo?
Minh họa: Lê Tâm |
Nhạc sĩ: Vâng. Mây gió không nhìn thấy được, không cân đo đong đếm được, luôn phảng phất dịu dàng nên rất lãng mạn.
PV: Và điều ấy đúng mãi mãi thưa anh.
Nhạc sĩ: Trước đây tôi tưởng là đúng mãi mãi. Đúng muôn đời. Nhưng vừa qua có một dịp khiến tôi choáng váng bừng tỉnh.
PV: Thưa anh, dịp gì thế ạ?
Nhạc sĩ: Dịp một cơn bão đi qua các tỉnh Miền Trung. Ai cũng biết bão là mưa và gió.
PV: Thậm chí gió mạnh?
Nhạc sĩ: Ừ. Gió mạnh. Gió không thơ mộng, không lãng mạn, không mơn man. Nhưng dù có mạnh tới đâu, gió cũng không phải đại bác, đúng không nhà báo?
PV: Dạ, đúng ạ.
Nhạc sĩ: Vậy mà hàng trăm cột điện bằng bê tông cốt thép, tôi xin nhắc lại: Bằng bê tông cốt thép, theo thiết kế vẫn bị gió bẻ gãy.
PV: Ái chà chà. Gãy như thế nào ạ?
Nhạc sĩ: Gãy như gãy. Có nghĩa là đứt từng khúc.
PV: Vô lý. Bê tông không thể đứt thành từng khúc được.
Nhạc sĩ: Tất cả những ai có kiến thức đều biết như thế. Bê tông không phải là bìa carton. Bê tông chả kém gì đá, thậm chí còn hơn đá vì nó có xương bằng thép bên trong.
PV: Mà gió làm gãy được thì chắc gió này khác thường lắm.
Nhạc sĩ: Không. Gió cũng như cơn gió bão khác, mỗi năm thổi trên nước Việt Nam và cả trên thế giới. Tuy có mạnh nhưng cũng không làm cho bê tông ở những nơi khác bị vỡ.
PV: Như vậy có lẽ đành phải kết luận là bê tông miền Trung của ta không giống ai.
Nhạc sĩ: Tôi tuy dốt nát về khoa học, nhưng cũng hiểu bê tông nào cũng bao gồm xi măng, sỏi, cát, trộn với cốt thép theo một tỷ lệ nghiêm ngặt đã có từ cả trăm năm. Bê tông không làm từ bột mì cũng không làm từ đất sét.
PV: Vậy mà bê tông cột điện gãy trong khi rất nhiều bê tông ở nhà dân không gãy, tại sao nhỉ?
Nhạc sĩ: Cả nước đang hỏi câu đó. Tại sao nhỉ?
PV: Thế các ông tỉnh trả lời thế nào ạ?
Nhạc sĩ: Họ trả lời bê tông của họ giống tất cả các bê tông trên đời, nhưng cơn bão vừa qua đặc biệt.
PV: Có ai tin không?
Nhạc sĩ: Tôi không biết. Tôi không có dịp và có nhiệm vụ cũng như chức năng để hỏi từng người. Nhưng cá nhân tôi không tin.
PV: Tôi cũng không tin
Nhạc sĩ: Nếu như các nhạc sĩ có thể sáng tác về gió theo những giai điệu khác nhau thì những kỹ sư đổ bê tông không được phép làm như vậy, họ phải tôn trọng một tỷ lệ đã được toàn thể nhân loại tiêu chuẩn hóa từ lâu.
PV: Vâng.
Nhạc sĩ: Từ đấy suy ra cột bê tông gãy đổ là không theo tiêu chuẩn đó. Nói cách khác, xi măng và cốt thép đã bị ăn bớt, cho nên mới xảy ra việc đổ vỡ này.
PV: Không còn cách giải thích nào khác ư?
Nhạc sĩ: Không. Nếu như người ta có lương tâm, có trách nhiệm và có cái nhìn nghiêm túc.
PV: Nhưng ở đây hình như không có.
Nhạc sĩ: Chắc chắn là không có, cho nên mới giải trình ấp úng, giải trình loanh quanh. Họ hy vọng vấn dề này sẽ “để gió cuốn đi” như bao nhiêu lần ăn bớt vật tư trong xây dựng khác
PV: Và có vẻ gió cũng cuốn đi thật, đến phút này cũng không thấy ông nào bà nào bị làm sao.
Nhạc sĩ: Cho nên từ nay tôi không sáng tác nhạc về mây và gió nữa. Tôi mất lòng tin vào gió rồi.
Tôi cảm thấy gió cũng có khi đồng lõa.
PV: Thôi anh ạ, gió trong đời và gió trong nhạc không giống nhau đâu.