Phỏng vấn một con chim (kỳ 2)

Thứ Năm, 10/05/2012, 13:35
Phần II: Mục đích và tính chất
>>Phỏng vấn một con chim

Phóng viên: Thưa anh chim, trong số báo trước chúng ta đã bàn về nguồn gốc sự ra đời của các giải thưởng và đã nhất trí rằng chúng được hình thành một cách tự nhiên.

Chim: Đúng thế. Các giải thưởng đầu tiên chỉ bao hàm như một sự công bằng, quy định cho những ai đóng góp và có thành tích nhiều hơn được nhận lấy phần đặc biệt hơn.

Phóng viên: Nhưng dần dần, rất nhanh chóng, xã hội phát hiện ra có thể dùng giải thưởng để nhằm các mục đích:

- Khẳng định một thương hiệu.

- Suy tôn một tài năng.

- Định giá một sản phẩm.

- Định hướng một phong cách.

- Công nhận một trường phái.

- Đề ra mục tiêu cho các cuộc tranh đua.

Chim: Trên thực tế, các yếu tố này không tách rời, mà hoà quyện lẫn nhau. Nhưng có thể tóm tắt là giải thưởng đã thúc đẩy quá trình cạnh tranh và phát triển của những sản phẩm vật chất và tinh thần.

Phóng viên: Và chúng ta có thể kết luận: Giải thưởng có từ khi con người xuất hiện và sẽ không bao giờ biến mất nếu xã hội còn tồn tại.

Chim: Vâng. Và hai ta tuyên bố như vậy để làm gì? Để cho thấy chả ai có ý định lao động trong cuộc sống mà thoát khỏi nó cả. Khi một nghệ sĩ tuyên bố “tôi không quan tâm tới giải thưởng” thì phải được hiểu anh ta không quan tâm tới một loại nào đó, ở một thời kỳ nào đó, chứ không bao giờ là toàn bộ. Ví dụ anh ta làm phim thương mại, anh ta không đi dự các giải thưởng nghệ thuật thì anh cũng hướng tới giải thưởng của công chúng thông qua số vé họ mua. Chứ nếu như anh chả quan tâm tới bất kỳ cái gì cả thì quá kỳ lạ, và anh  ta khéo là một kẻ điên theo nghĩa đen của từ này.

Phóng viên: Chính xác.

Chim: Trên thực tế, tôi chỉ thấy các nghệ sĩ coi thường giải thưởng này nhưng coi trọng giải thưởng kia, hoặc có thời kỳ không công nhận nhưng sau đó ngược lại. Tôi chưa từng thấy ai đóng cửa cấm tất cả các giải thưởng vào nhà cho tới hết đời.

Phóng viên: Vâng.

Chim: Nếu chúng ta để ý kỹ, sẽ thấy có mấy yếu tố nổi bật sau đây:

- Giải thưởng cho nghệ sĩ thường không phải do nghệ sĩ đặt ra, mà do các nhà khai thác, các nhà tài trợ, các nhà phê bình nghệ thuật.

- Chả ai tự trao giải thưởng được cho mình.

- Đa số công chúng có thói quen công nhận giải thưởng trước, rồi công nhận tác phẩm sau.

Phóng viên: Xin anh nói rõ ý thứ ba?

Chim: Trong bất kỳ một quốc gia nào, thì công chúng bình dân cũng chiếm số đông. Tất nhiên, mức độ bình dân có sự khác biệt, ví dụ một người Thụy Điển sẽ khác một người Campuchia. Nhưng về bản chất, dân thường không nghiên cứu quá sâu về nghệ thuật và hay bị các giải thưởng áp đặt giá trị.

Phóng viên: Hiểu rõ điều đó, nên nếu một bộ phim được giải thì giải to hay bé, giải lớn hay nhỏ, nó cũng hay in vòng nguyệt quế lên bìa đĩa DVD khi phát hành.

Chim: Sự cả tin vào giá trị của các giải thưởng, như trên đã nói, một phần do không tìm hiểu kỹ, một phần do tin tưởng vào những gì được quảng cáo và một phần do bản chất “sợ bóng sợ vía” thường tồn tại ở những nước có nền văn hoá ít giao lưu.

Phóng viên: Ví dụ?

Chim: Ví dụ như một tác phẩm đoạt giải ở Pháp, ở Mỹ hay ở một quốc gia lớn nào đấy rất dễ nhận được sự vị nể  ở nước ta. Do thiếu thông tin, do mặc cảm và do sự công nhận hiển nhiên nên những giải thưởng này luôn được phủ một lớp hào quang, thậm chí khối vị trí thức non yếu còn thấy chói mắt, nói chi tới kẻ tầm thường.

Phóng viên: Nghĩa là ngay từ rất sớm, các giải thưởng đã có nhiều giá trị cần tranh cãi, và có phần “ảo” đan xen phần “thực”.

Chim: Và có sự gian lận.

Phóng viên: Gian lận?

Chim: Tất nhiên. Giải thưởng ngày hôm nay như bao nhiêu loại hàng hoá khác, có hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng lậu, hàng gian. Bởi nói cho cùng thì giải thưởng cũng là một loại hàng hoá được sản xuất đặc biệt chứ đâu phải thứ hiện phẩm thoát khỏi thế gian này.

Phóng viên: Đúng.

Chim: Vào thế kỷ thứ XXI, kèm theo sự bùng nổ của thông tin, của công nghệ là sự bùng nổ về giải thưởng. Từ bánh kẹo, giày dép, tivi cho tới văn học, điện ảnh chưa khi nào người tiêu dùng đứng trước một mê hồn trận các giải thưởng, các danh hiệu nhiều đến thế. Một nhãn hiệu mỳ gói bây giờ cũng có thể gánh trên vai đủ thứ huy chương vàng, đủ thứ bằng công nhận và đủ thứ giấy khen chất lượng. Một ca sĩ hiện nay cũng không sao nhớ hết các festival âm nhạc trong năm, nào bài hát yêu thích, nào giọng ca yêu thích, album vàng, làn sóng xanh, làn sóng tím…

Phóng viên: Đã xuất hiện một “thị trường giải thưởng”.

Chim: Không thể nói khác được. Chả ai còn sức quản lý và việc đó cũng chả còn phù hợp với một nền kinh tế lẫn văn hoá đang chuyển dịch theo hướng thị trường.

Phóng viên: Và chính sự “bùng nổ” của giải thưởng đã làm cho chúng kém đi.

Chim: Nói vậy cũng đúng. Nhưng nói thế này có lẽ hay hơn: Người tiêu dùng cũng như người nghệ sĩ, người phê bình hôm nay đã tới lúc cần phải trang bị một kiến thức về giải thưởng cho mình, biết chọn lựa, phân biệt và đánh giá nó cho đúng chứ không còn nhắm mắt tuân theo và vội vã công nhận như thời gian trước.

Phóng viên: Nghĩa là bản thân mỗi cá nhân phải biết chọn lựa chứ không thể dựa vào những chọn lựa của kẻ khác.

Chim: Đó là chưa kể bản thân mỗi giải thưởng cũng có sự biến đổi. Nhiều giải ngày trước rất uy tín nhưng do không bắt kịp nhu cầu thời đại, không chịu đổi mới cách nhìn cũng như cách trao nên đã mất đi tầm vóc. Và ngược lại có nhiều giải thưởng đang lên.  Giải thưởng, cũng là một cơ thể sống, nếu không biết nuôi dưỡng, chăm sóc và thay đổi thường xuyên cũng sẽ già và sẽ chết như bao nhiêu thứ khác. Trong lĩnh vực nghệ thuật, một giải thưởng chân chính phải đi trước nghệ sĩ, làm cho nghệ sĩ muốn hướng đến nhưng rất nhiều thứ bây giờ đã không được như thế, chúng chỉ theo đuôi, thậm chí còn làm lệch lạc nhiều xu hướng sáng tạo. Và chúng ta sẽ bàn về chuyện đó vào lần sau!

Lê Thị Liên Hoan
.
.