Phỏng vấn một bác sĩ

Thứ Hai, 21/06/2021, 14:47
Phóng viên (PV): Thưa anh, trong những ngày này, ai cũng quan tâm tới bác sĩ, còn bác sĩ quan tâm tới gì?


Bác sĩ: Tất nhiên là tới dịch bệnh COVID-19.

PV: A, dịch bệnh ấy diễn ra ở nước ta đã gần 2 năm, trong 2 năm ấy, kết luận của anh ra sao?

Bác sĩ: Kết luận của tôi, cũng như của mọi bác sĩ khác, và mọi nhà khoa học trên khắp thế giới, là vũ khí chống dịch hiệu quả nhất và duy nhất chỉ có thể là vắc-xin.

PV: Vậy ư?

Bác sĩ: Chắc chắn. Chỉ cần nhìn vào biểu đồ tiêm vắc-xin của một quốc gia, người ta có thể đánh giá được quốc gia ấy đang ở giai đoạn nào của việc chiến thắng dịch bệnh.

PV: Việt Nam mình thì sao?

Bác sĩ: Việt Nam chúng ta rất có uy tín, rất có hiệu quả trong việc phòng chống, nhưng tiếc thay, rõ ràng không phải là một đất nước đứng đầu trong tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin này.

PV: Ai cũng hiểu như vậy. Nhưng lý do từ đâu?

Bác sĩ: Từ rất nhiều nguyên tố khách quan và chủ quan. Nhưng có một thực tế là chúng ta không phải nước giàu.

PV: Vâng.

Bác sĩ: Vắc-xin là một loại hàng hóa. Đã thế, tới giờ phút này còn là một thứ hàng hóa vô cùng đặc biệt. Muốn mua nó hôm nay phải cần hai thứ: Thời gian và tiền.

PV: Thời gian chúng ta có, vì tình hình dịch bệnh ở Việt Nam tuy có nặng nề hơn ngày trước nhưng còn xa mới tới mức thảm họa. Còn tiền thì....

Bác sĩ: Tiền chúng ta vừa có lại vừa không, vì đây là một khoản cho đột suất, không nằm trong dự toán quốc gia.

PV: Nhưng đến giờ phút này, việc mua vắc-xin là điều đã được quyết định dứt khoát.

Bác sĩ: Rất hay. Khi Chính phủ đã đặt vấn đề sức khỏe của toàn dân lên trên hết.

PV: Nhưng Nhà nước vẫn kêu gọi sự đóng góp của toàn dân.

Bác sĩ: Điều ấy cũng đúng vô cùng. Nhưng tôi vẫn còn một chút băn khoăn.

PV: Anh băn khoăn gì ạ?

Bác sĩ: Tôi có cảm giác phong trào vận động đóng góp kinh phí mua vắc-xin còn hướng về các doanh nghiệp. Chưa quá chú trọng tới mỗi cá nhân.

PV: Xin anh nói rõ điều này.

Bác sĩ: Tôi tin rất, rất nhiều người Việt Nam, chỉ cần không quá nghèo, vẫn sẵn sàng trả tiền tiêu vắc-xin cho mình.

PV: Tôi cũng tin thế.

Bác sĩ: Họ có thể chưa đủ sức đóng góp cho cộng đồng, nhưng thừa khả năng đóng góp cho riêng họ và gia đình.

PV: Đúng. Vậy thì sao?

Bác sĩ: Vậy thì khi vắc-xin được nhập về vì được tiêm chủng, tôi đề nghị Nhà nước kêu gọi ai có khả năng và hoàn toàn tự nguyện thì thanh toán tiền cho mũi thuốc của mình, và thanh toán ngay tại chỗ.

PV: Ừ nhỉ.

Bác sĩ: Tôi tin chắc là với rất, rất nhiều người dân Việt Nam, việc trả phí chích vắc-xin cho bản thân là điều không có gì khó khăn.

Thậm chí người ta còn vui vẻ làm, sẵn sàng làm và cảm thấy công bằng khi làm.

PV: Tôi cũng tin.

Bác sĩ: Do đó tôi nghĩ việc "xã hội hóa" ngân sách tiêm chủng phải nghĩ tới cách này, nó sẽ khiến cho nhà nước còn tiền để lo cho nhiều việc khác, và nó khiến cho nhiều công dân thanh thản, chứ không phải chỉ các doanh nghiệp mà thôi.

PV: Xin ghi nhận ý kiến của anh, và sẽ đề nghị ngay lên Chính phủ.

Bác sĩ: Cảm ơn nhà báo.

Lê Thị Liên Hoan
.
.