Phỏng vấn con vẹt

Thứ Ba, 16/02/2016, 11:44
Phóng viên (PV): Thưa anh vẹt, anh là một loài chim nổi tiếng hơn rất nhiều loài chim khác, có bao giờ anh nghĩ một cách nghiêm túc nhờ đâu chưa?

Vẹt: Nói thật nhé, về oai phong, tôi kém đại bàng; về sặc sỡ, tôi thua chim công; về hót hay tôi thua họa mi; ngay cả thịt ăn ngon tôi cũng thua le le hay vịt trời.

PV: Vậy anh nổi tiếng tại sao?

Vẹt: Kể ra thì xấu hổ, tôi biết mình được thiên hạ nhớ đến chỉ nhờ tài nói mà thôi. Đặc biệt là nói rất thành thạo những câu mình không hiểu.

PV: Thôi mà, có ai bắt anh hiểu đâu.

Vẹt: Đúng thế. Bởi suy cho cùng tôi là vẹt. Tôi đâu có nhiệm vụ phải hiểu tiếng người. Nhưng tôi vẫn day dứt.

PV: Đừng băn khoăn quá, anh ạ. Ai chả biết vẹt chỉ toàn bắt chước, những lời vẹt nói ra cũng chả hại gì.

Vẹt: Cám ơn. Đúng là gần đây tôi thấy thanh thản nhiều, đặc biệt là sau khi đọc một bài đăng trên một tờ báo mạng danh tiếng.

PV: Bài ấy viết gì?

Vẹt: Viết về một nữ đại gia Việt Nam có bộ sưu tập hàng hiệu lên tới tỉ đô.

PV: Ối trời, tỉ đô là bao nhiêu?

Vẹt: Theo thời giá hiện nay, cứ một triệu đô bằng hơn hai chục tỉ. Vậy cứ thế nhân lên ngàn lần.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Khiếp.

Vẹt: Quá khiếp. Ngay trên thế giới, số cá nhân sở hữu tỉ đô la ít vô cùng, nhưng tài sản của họ cũng phải tính toàn bộ cổ phiếu hay bất động sản cùng giá trị thương hiệu của các công ty… Tôi tin chắc toàn hành tinh không có ai lên tới tỉ đô chỉ nhờ túi xách, quần áo, giày dép và khăn quàng. Thế mà qua bài báo ấy được đăng một cách trang trọng trên trang chủ, bà đại gia nổi tiếng của chúng ta sở hữu những thứ đó là chính thôi.

PV: Ghê nhỉ?

Vẹt: Ghê gì đâu. Buồn cười thì có. Sự giàu của một cá nhân nếu ngồi chơi nói chuyện phiếm thì bao nhiêu cũng được. Nhưng nếu đã đưa lên một tờ báo chính thống theo kiểu một tư liệu khách quan thì phải có căn cứ rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ thống kê của một bên thứ ba chứ đâu phải viết theo tưởng tượng hoặc theo lời khoe của ai đó.

PV: Anh vẹt ạ, chúng ta chủ yếu là những người lao động, quan tâm và ưu tư quá làm gì tới chuyện tỉ đô. Kệ người ta đi. Người ta có lên giời cũng đâu hại gì đến mình.

Vẹt: Không nói thế được. Đây không phải tiền ít hay nhiều mà là nhận thức cao hay thấp. Cách đây mấy năm, nếu tôi nhớ không nhầm, đã có một kẻ đi lừa đảo nhiều tỉnh thành và thành công vài vụ ở vài địa phương nhờ hứa hẹn sẽ đầu tư vào địa phương đó vài chục tỉ đô la.

PV: Vậy mà cũng có người tin à?

Vẹt: Tin mới kỳ quái chứ. Thậm chí có khối vị còn tiếp đón om sòm coi đấy là một đối tác quan trọng cần nghiêm túc đàm phán và tạo đủ mọi điều kiện trong khi đáng lẽ phải biết một dự án vài chục tỉ đô la nếu có chắc chắn phải là dự án giữa các chính phủ với nhau.

PV: Chuyện ấy kết thúc ra sao?

Vẹt: Kết thúc khi người ta tới tận quê của nhà tỉ đô thì thấy đang ở trong một căn nhà thuê nợ mấy tháng chưa trả. Bài học đó chứng tỏ ngây thơ về tỉ đô có khi cũng hại còn hơn ngây thơ về mấy chục đồng. Qua chuyện ấy tôi phát hiện ra nghèo vì tiền có khi chưa tác hại bằng nghèo về không hiểu tiền. Đến vẹt cũng không dám nói tới tỉ đô một cách dễ dàng, không hiểu tại sao lại có phóng viên dám cả quyết như thế mà ban biên tập không thấy buồn cười.

PV: Anh vẹt ạ, nếu nước mình có nhiều tỉ phú tỉ đô thì tốt chứ sao.

Vẹt: Tốt thôi, bởi xét đến một mức nào đó thì tài sản cá nhân cũng là tài sản xã hội, nhưng có xã hội nào khá lên bằng cách lưu trữ túi xách và giày?

Quyền mua sắm và tự hào về những thứ mua sắm là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng báo chí không phải công cụ để “nổ” hoặc để khoe “sự vẹt” của mình.

Lê Thị Liên Hoan
.
.