Phỏng vấn con vẹt
Vẹt: Vẹt đăm chiêu, có nghĩa vẹt đang suy nghĩ.
PV: Suy nghĩ về vẹt hay suy nghĩ về gà?
Vẹt: Không. Suy nghĩ về người.
PV: Con người chúng tôi có nhiều mặt lắm. Nào thể xác, nào tâm hồn, nào văn hóa, nào trí tuệ, nào danh vọng, cho nên anh để ý chuyện gì?
Vẹt: Chuyện cơ bản thôi. Đó là ăn và học.
Ai mà không biết người khác vẹt ở chỗ có khả năng ăn nhiều thứ. Từ rau củ, thịt cá cho tới bánh kẹo, cây cỏ người đều có thể xơi, cho no, cho nhiều, cho béo.
PV: Đúng thế. Người biết tập trung mọi nguồn dinh dưỡng, chứ không như vẹt ăn mỗi món trên cành. Chính vì vậy người mới lớn hơn, mới sáng tạo nhiều được.
Vẹt: Vâng. Nói cách khác người ăn tạp. Ăn tạp rõ ràng tốt nhưng học tạp thì chưa chắc.
PV: Học tạp là gì?
Vẹt: Tôi cũng không biết. Tôi đang tự hỏi câu đó.
PV: Tại sao anh tự hỏi?
Vẹt: Tại vì tôi chứng kiến kỳ thi đại học vừa qua. Và tôi ngạc nhiên quá khi thấy trong những ngày cuối cùng có hàng ngàn bạn trẻ nháo nhào nộp đơn hết trường nọ tới trường kia, nhiều trường chẳng có chút liên quan gì đến nhau cả.
PV: Do đâu anh ngạc nhiên?
Vẹt: Do từ xưa tới nay, tôi cứ nghĩ loài người cao quý lắm. Mà một trong những hành vi cao quý nằm ở chỗ họ làm gì cũng có say mê, có ý tưởng.
PV: Đúng thế.
Vẹt: Chọn nghề nghiệp là điều quan trọng. Nếu không nói quan trọng nhất của mỗi cá nhân. Nghề nghiệp xuất phát từ say mê, từ năng khiếu, từ ước mơ hình thành từ nhỏ đúng không ạ?
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Rất đúng vẹt ơi.
Vẹt: Để theo đuổi một nghề có rất nhiều người đã nỗ lực, cố gắng và học hỏi cho tới chết.
PV: Và cho tới bất cứ phút nào còn sống.
Vẹt: Thế nhà báo giải thích ra sao hiện tượng thí sinh trong mấy ngày, thậm chí trong mấy giờ đồng hồ đã chuyển hồ sơ nhanh như chớp từ trường này sang trường khác, từ ngành này qua ngành khác?
PV: A, có thể họ… đa tài.
Vẹt: Vẹt chả tin.
PV: Hoặc là họ đa ước mơ!
Vẹt: Vẹt cũng chả tin nốt. Chỉ có thể giải thích là các thí sinh ấy cũng mơ giống vẹt, nghĩa là mơ mà chả hiểu mơ cái gì.
PV: Ừ nhỉ.
Vẹt: Họ chả có một chút khái niệm nào về nghề nghiệp cả. Họ chỉ muốn mang một cái danh đại học mà thôi.
Thay đổi nguyện vọng nhanh chóng như thế, chắc chắn nói lên nguyện vọng đó không hề thôi thúc, không hề cháy bỏng, không chút khát khao. Mà khi ta đi học một ngành không khát khao, không cháy bỏng, ta sẽ học một cách vật vờ, sẽ lãng phí những năm trẻ tuổi vô cùng.
PV: Có vẻ anh nói đúng.
Vẹt: Tôi biết mỗi năm xã hội lại cảnh báo về hàng trăm ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp. Nhưng với kiểu đâm bổ vào lớp một cách bừa bãi như thế, tôi tin chắc nhiều sinh viên sẽ học rất nhạt nhẽo, rất thờ ơ; chả khác gì chung sống với một người ta vốn không yêu. Như vậy có thất nghiệp cũng chả nên oán trách. Có vào trong một số trường đại học, mới hiểu sự lãng phí sự nhiệt tình, lãng phí niềm say mê kinh khủng ra sao khi sinh viên chả thiết tha gì, chẳng có năng khiếu gì với môn mình học, chỉ tới lớp cho xong và cho có, với hy vọng mong manh kiếm việc sau này. Lúc đó, con người đâu có hơn con vẹt bao nhiêu.