Phố Hàng Tiện, thành Nam

Thứ Sáu, 24/06/2016, 14:54
Trong tấm bản đồ thành Nam Định do quan năm Henri Rivière vẽ sau ngày quân Pháp đánh chiếm thành Nam lần thứ hai (27-3-1883), phố Hàng Tiện ở phía Đông tòa thành gạch. Tòa thành bị người Pháp dỡ bỏ từ năm Thành Thái thứ 6 (1894), để xây dựng lại thành phố Nam Định.


Tại thành Nam, những phố cũ bắt đầu bằng chữ Hàng: Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Song, Hàng Thao, Hàng Nâu, Hàng Cau, Hàng Cót, Hàng Bát, Hàng Nồi, Hàng Mâm, Hàng Lọng, Hàng Mành, Hàng Đàn, Hàng Giấy, Hàng Giầy, Hàng Đường, Hàng Rượu, Hàng Dầu, Hàng Mũ, Hàng Nón, Hàng Cấp, Hàng Quì, Hàng Thùng.

Các phố nghề hầu hết đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán nhỏ và đã đổi tên. Các phố vẫn giữ nguyên tên cũ: Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Thao, Hàng Cau, Hàng Nồi. Phố Hàng Đàn, còn chừng  hơn chục hộ, làm nghề đàn, hàn gò tôn, sắt. 

Trong những tên phố trên, phố Hàng Nâu vừa dân dã lại vừa ý nhị, có chất thơ, là phố xưa bán củ nâu nhuộm quần áo. Phố Hàng Song thì đã vào thơ đả kích thế sự của Trần Tế Xương. Phố Hàng Tiện còn một hộ làm nghề, duy nhất.

Theo soạn giả Vũ Ngọc Lý, trong cuốn sách biên khảo  Thành Nam xưa (Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nam Định, xuất bản năm 1997), thời Pháp thuộc, phố Hàng Tiện có tên Pháp: Rue des Tourneurs, dài 800 mét gồm 5 "khúc", bắt đầu từ Hàng Cấp, chuyên dệt cấp, thứ lụa quí rồi đến dãy dài Hàng Tiện của thợ tiện, liền đoạn phố Hàng Khay của thợ mộc, thợ chạm, thợ khảm, tới dãy Hàng Quì của thợ dát vàng quì. 

Đoạn phố gần chợ Rồng là phố Hàng Nón xưa. Rue des Tourneurs (phố Hàng Tiện) là phố dài với 7 nghề thủ công nổi tiếng ở thành Nam của thợ lành nghề từ Thăng Long, Hà Đông, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, La Xuyên, Cổ Chất, Cát Đằng (Nam Định) về đây sinh cơ lập nghiệp.

Phố cổ Hàng Tiện xưa, có 40 hộ của 9 dòng họ làm nghề gia truyền mở tiệm. Thợ tiện đến đây sớm nhất quê gốc vùng Nhị Khê, được ông tổ nghề Đoàn Tài làng Hoàng Xá, cách Nhị Khê một con sông truyền dạy, chạy giặc từ thời Lê xuống vùng này.

Tại đây, những người thợ tiện giỏi Nhị Khê đã chế tác những khúc gỗ: mun, mít, nhãn… thành những bộ đồ thờ - ống hương, cây đèn, đế bát hương, đài rượu… Các sản phẩm tinh chế, có thứ để mộc, có thứ chuyển đến thợ sơn để sơn thếp, quang dầu, vẽ hoa văn trang trí thành những bộ đồ thờ chuyên dụng trong không gian tín ngưỡng thiêng liêng. 

Những cỗ máy tiện thủ công đạp chân, chạy êm êm rù rì theo nhịp điệu riêng của những người thợ tài hoa. Thợ tiện đội mũ vải mềm, choàng cái tạp dề vải dày che bụi. Trên bộ bàn tiện cao ngang thắt lưng, đám phôi gỗ kêu xoe xoe, rơi lả tả, thơm nồng nồng, hăng hắc, mùi của lao động cần mẫn quyện mùi hương của những đời cây dâng hiến.

Qua đôi tay người thợ tiện, gỗ lim, gỗ gụ, gỗ sến… hóa thân thành con song cửa, song bàn, song ghế, song giường, trường kỷ, chân bàn, chân án thư… lịch sự trang nhã. Người thợ tiện đa năng còn tiện ròng rọc, trục dệt vải lụa, ống sợi, cuộn chỉ… chuyển giao về các làng dệt thủ công.

Từ bộ dùi trống cái, trống con đến con lăn cán bột làm bánh; từ cái đấu, thưng đong gạo, khuôn đóng oản chùa đến cái chày giã bánh dầy, giã cua, giã hành, giã bột… cũng từ tay thợ tiện chuyên cần làm ra. 

Hàng Tiện - thợ tiện, cái nghề không chấp nhận sự méo mó, lấy mực thước vuông vức ngay ngắn để gọi về hình thể tròn trặn, suôn óng theo tinh thần "quy phương củ viên" của các vị tổ nghề truyền dạy. Bàn tay, con mắt, tấm lòng người thợ gửi gắm vào các công cụ tiện dụng, các mặt hàng ưa nhìn, góp công làm đẹp, làm sang cho cuộc đời này.

Với tôi, một người nhà quê gốc thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, lên thành phố Nam Định từ tháng 2/1960, vẫn nhớ như in bộ tràng hạt gỗ đàn hương, do thầy tôi, một lần lên tỉnh Nam, đến phố Hàng Tiện, mua về biếu bà nội. Bà tôi lên chùa lễ Phật ngày Rằm, mồng Một hằng tháng đều không quên đeo chiếc túi vải nâu, bên trong túi là bộ tràng hạt, báu vật của bà.

Cho đến ngày bà về chầu Phật, cùng bộ áo lục thù qui y Phật pháp, bộ tràng hạt gỗ đàn hương cũng theo bà lâng lâng siêu thoát về cõi siêu sinh tịnh độ chốn Tây phương xa thẳm.

Ngày hè cuối tháng Năm, tôi - đứa cháu nội của bà lại được ngày thong thả dạo phố Hàng Tiện. Kia là chợ Rồng to đẹp "bày đủ mặt hàng" tấp nập kẻ bán, người mua. Bên đây, phố Hàng Tiện, "đoạn" Hàng Nón xưa của thợ ở làng Tràng Sơn, làng Chuông… ngấp nghiêng nón ba tầm cho người trảy hội; nón nhỡ chắc bền cho người làm ruộng, làm muối đội mưa, đội nắng quần quật quanh năm. 

Nón dứa chóp đồng cho các chánh tổng, lý trưởng vung vinh. Nón trắng nữ sinh thành Nam thanh lịch mùa tựu trường… Hàng Nón mát rượi bóng nón miệng cười nay đã chuyển sang mấy chợ lớn nội thành: Mỹ Tho, Phù Long, Năng Tĩnh.

Đây dãy Hàng Quì như còn nghe văng vẳng tiếng búa dát vàng "chốp chốp, chát chát" vui tai. Tiếng búa quý phái vỗ về những hạt vàng bé tí ém trên lớp giấy dó bền dai thành giấy quỳ vàng dùng cho việc "thếp vàng" sang trọng. 

Giờ đây, hàng phố hai bên bày hàng hóa thời thượng nhiều loại mẫu mã bắt mắt, chen vào, là vài cửa hàng đồ thờ bằng gỗ, bằng đồng, bằng sứ… lặng lẽ trầm tư. Dãy cũ Hàng Quì giờ là đoạn phố mới sạch bong.

Không còn mảy may một hạt bụi vàng chính hiệu nào cho giấc mơ Bông hồng vàng của anh chàng Jean Chamet*, binh nhì Trung đoàn Thuộc địa số 27, tham chiến ở xứ Annam thời Napoléon đệ Nhị giải ngũ, làm nghề quét rác ở kinh thành Paris về đây gom nhặt. 

Nam Định hiện thời, những người thợ dát vàng quỳ, thợ chế tác "bông hồng vàng", "bông sen vàng", "bông sen bạc", những chùm "vòng ngọc lưu ly", những bộ "khay khảm xà cừ", những "lụa là gấm vóc nhiễu thao" đều bái biệt phố nghề thân thiết thành Nam, giã từ chúng tôi mà đi.

Phố Hàng Tiện tân trang san sát nhà cao,  không biết ai còn nhớ lời truyền tụng về "người thợ tiện giỏi nhất Đông Dương" thời Pháp thuộc xa xưa? Tôi bước vào cửa tiệm cũ, số nhà 114, gặp ông Nguyễn Văn Lợi, 60 tuổi, làm nghề gia truyền đã qua năm, sáu đời. Ông là chủ tiệm hàng tiện duy nhất còn lại ở đây.

Phố Hàng Tiện tiếp giáp phố Trần Hưng Đạo, Nam Định.

Hỏi ông về công việc làm ăn, về nghề tiện, ông cho biết: con cái đã bỏ nghề đi làm công việc khác để đủ sống. Ông vẫn giữ lại cỗ máy tiện cũ, phủ bạt nằm phía gian nhà trong để "cố thủ" nghề cha truyền con nối. Cả tháng, thi thoảng được dăm ba "ông cơ bà nhỡ" đến đặt làm đồ gia dụng đơn chiếc, chi tiết đồ tiện quý đã hỏng phải thay mới. 

Tôi hỏi: Ông còn nhớ chuyện thợ tiện kỳ tài tiện quả cầu gỗ cho kháchTây năm xưa? Ông lặng đi: Chuyện lâu lắm rồi, thời Tây bảo hộ cơ mà, ai còn nhớ nữa… Nhưng tôi biết là ông đang kiềm chế nhớ nén buồn.

...Ngày ấy, viên thuyền trưởng tàu buôn người Pháp về Hàng Tiện. Thứ hàng tiện đặc biệt ông ta cần là tiện một quả cầu bằng gỗ lõi theo bản vẽ, đường kính 40cm có lỗ khoan 2mm xuyên qua tâm quả cầu.

Thời hạn một tuần phải giao hàng, trả năm mươi đồng Đông Dương. Tiền đặt cọc là năm đồng, khi nhận hàng sẽ thanh toán hết. Đây là khoản tiền to, thời giá lúc ấy, gạo hai đồng rưỡi một tạ, vàng  hai đồng một lượng.

Sau một hồi trao đổi, ông chủ tiệm thợ tiện thành Nam nhận làm. Để làm được quả cầu, ông tìm mua cây gỗ mít cỡ hai người ôm, cắt lấy đoạn gốc, thuê người đẽo gọt chỉ còn 45cm đường kính, đặt lên bàn tiện.

Mấy ngày tác nghiệp, việc khó đã qua: một khối cầu vàng ròng gỗ mít hoàn mỹ ngự trên bàn tiện. Đến lúc ông bắt tay vào công đoạn khó nhất mà các tiệm khác không làm được. Ông đóng cây đinh vào điểm đã xác định ở một đầu quả cầu, buộc dây và treo lên giá đỡ rồi lấy gáo nước dội lên quả cầu. 

Đợi giọt nước cuối cùng đọng lại phía dưới quả cầu, ông lấy bút chì đánh dấu và khoan lỗ "xuyên tâm" từ hai đầu vào tâm điểm. Mũi khoan được định vị chuẩn xác, hoàn tất công việc cuối cùng của người thợ giỏi.

Hôm ông Tây thuyền trưởng đến nhận hàng, nhìn ngắm, đo đạc bằng thước dây, compa, ông ta vô cùng kinh ngạc: quả cầu tiện đúng kích cỡ không sai một li! Càng kinh ngạc hơn khi kiểm tra lỗ khoan xuyên tâm nhỏ như ruột bút chì đúng giữa tâm cầu. Thuyền trưởng bước đến choàng ôm ông thợ tiện thành Nam và sung sướng kêu lên: "Très bien - Giỏi quá! Ông là người thợ tiện giỏi nhất Đông Dương!

Tôi đã qua Bangkok, Phnom Penh, Hà Nội, Hải Phòng… không đâu nhận làm. Tôi đâu ngờ lại có thể tiện được quả cầu phụ tùng thay thế ở Nam Định. Nếu phải quay về Pháp, tôi mất ba tháng và tốn phí hàng nghìn đồng". Ông ta thanh toán đủ, trả thêm năm mươi đồng Đông Dương nữa, rồi gọi xe chở quả cầu đi.

Chuyện ông thợ tiện "giỏi nhất Đông Dương" tôi được nghe qua ông Lương Đức Vinh, cố nhân ở Đoàn Chèo Nam Định kể, còn có thêm một nhân vật nữa. Chỉ mươi năm sau kỳ tích tiện quả cầu mở mang cơ nghiệp, ông chủ hàng tiện có cuộc hội ngộ với người chơi nhị cừ khôi, con cả cụ chủ gánh chèo Phạm Văn Thục nổi tiếng ở Thịnh Long, Hải Hậu.

Biết tiếng ông thợ tiện giỏi ở Hàng Tiện, kép đàn Văn Phức tìm đến đặt ông tiện chiếc bầu nhị để làm cây nhị mới. Ông thợ tiện lục từ đống gỗ sơ chế, lấy ra thỏi gỗ mít từ cây mít tiện quả cầu mười năm trước và bắt tay vào làm ngay. Sau mấy giờ chờ đợi, Văn Phức đã có chiếc bầu nhị rất đẹp óng nuột như ngà.

Anh tìm về Cửa Đông, vào một tiệm đàn để hoàn tất các bộ phận của cây nhị hoàn chỉnh. Cây nhị mới âm sắc trong suốt, cần mã vĩ đưa đẩy trên hai sợi dây nảy căng vút lên điệu huyền, tiếng nhị sóng nhau ngân dài tha thiết. 

Nghệ sĩ trẻ mừng hơn bắt được vàng. Cây nhị thành bạn đồng hành tâm giao chí thiết. Yêu chèo, học hát, học đàn từ tuổi thiếu niên, Văn Phức thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc, học nhạc lý tại nhà thờ rồi thành người cầm chịch trong Ca đoàn xứ đạo Thịnh Long.

Ông Nguyễn Văn Lợi, thợ tiện bậc cao, chủ tiệm Đức Tân. Ảnh: Phạm Trọng Thanh.

Vì "máu nghề nghiệp" nên đầu năm 1959, Văn Phức xin "từ chức" Chánh trương họ đạo, giao cả một gia sản cho vợ và các con trông nom, gia nhập Đoàn Văn công tỉnh Nam Định vừa thành lập, sau lời mời mọc ân cần từ lãnh đạo Ty Văn hóa Nam Định.

Tham gia đoàn Văn công tỉnh, sau là Đoàn Chèo Nam Định, nghệ sĩ Văn Phức mang theo cây nhị "bất ly thân" suốt các chuyến tập huấn, biểu diễn, hội diễn gần xa. Cây nhị cầm chịch trong dàn nhạc chèo, làm "thanh mẫu" cho các giọng ca nổi tiếng của đoàn. Đáng nhớ nhất là lần biểu diễn tiết mục độc tấu nhị bài Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), dịp Hội diễn nghệ thuật Chèo miền Bắc năm 1962.

Đang lúc cao trào, tiếng nhị vút lên thì một dây nhị đứt. Với cây nhị chỉ còn một dây, Văn Phức vẫn điềm nhiên biểu diễn, không sai nhịp nào với dàn nhạc đệm, đưa tiết mục đoạt huy chương Vàng, về đích huy hoàng đất nước ta sáng ngời… cờ chiến thắng tưng bừng trên trời... với nốt Sol nồng hậu ngân dài. Tiếng vỗ tay vang dậy rạp Hồng Hà đêm ấy.

Hơn hai mươi năm với nhiều suất diễn thành công cùng các nghệ sĩ Đoàn Chèo Nam Định, cây nhị quý của Văn Phức bị kẻ gian lấy trộm. Phờ phạc như mất hồn, ông cùng một nhạc công trẻ trong đoàn tìm về lối phố năm xưa. Tiệm cũ còn đây, người xưa khuất bóng. Biết chuyện, anh thợ tiện trẻ, cháu nội ông thợ giỏi quá cố, tiện ngay cho ông một bầu nhị mới.

Văn Phức lại tìm đến tiệm đàn Cửa Đông… Lúc so dây, cầm cây vĩ kéo thử, cây nhị mới không sao sánh được cây nhị quý đã mất. Buồn chán, ông xin nghỉ hưu sớm, nhân cớ bệnh dạ dày tái phát. Ông qua đời ở tuổi 61 tại quê nhà, khi chưa kịp nhận sổ hưu, khiến đồng nghiệp, khán giả, người thân tiếc nuối.

Nhưng bao nhiêu tiếc nuối cho đủ khi những phố Hàng mất tên, mất nghề như những hạt bụi vàng bay đi, mãi mãi không thể nào tìm lại. Chúng chỉ trở về trong văn chương và những hoài niệm lưu truyền.

(*) Nhân vật chính trong kiệt tác Bông hồng vàng của văn hào Nga K.Paustovsky (1892 - 1968). 

Phạm Trọng Thanh
.
.