Nhớ hoa cùng người

Thứ Ba, 27/01/2015, 15:56

Xin được mượn ý thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để đặt tên cho bài viết này. Trong cuộc trường kì kháng chiến 9 năm oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Bắc với lòng dân và núi rừng trùng điệp hùng vĩ, là căn cứ địa cách mạng vững chắc. Những cái tên Sơn Dương, Định Hóa, Tỉn Keo, Đèo Khế, Nà Lừa... đã trở thành địa danh lịch sử.

Một ngày xuân hơn 7 năm về trước, tôi được cùng cụ Nguyễn Bá Bảo (hiện 93 tuổi, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Australia và New Zealand) và các cựu cán bộ kháng chiến chống Pháp hầu hết đã ở tuổi ngoại bát tuần, trở lại Việt Bắc...

Khúc bi tráng ở xóm Cây Thị

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (tháng 12/1946), nhiều thanh niên trí thức Hà Nội quyết một lòng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Đầu năm 1947, giữa lúc cuộc chiến đang ngày một lan rộng, có một trường ngoại ngữ đặc biệt được triệu tập, với học viên đều là những cử nhân, tú tài vừa bước vào cuộc kháng chiến.

Nhớ hoa cùng người -0
Cụ Nguyễn Bá Bảo lúc sinh thời. Ảnh: Duy Hiển, chụp năm 2005.

Mới đầu, Trường Ngoại ngữ Việt Bắc đóng ở bản Thành Cóc, cách thị xã Tuyên Quang khá xa, đường đi rất hiểm trở; sau lại rời ra bản Nghẹt (xã Trung Thành, huyện Sơn Dương). Dưới sự chỉ đạo của người phụ trách lớp là anh Phạm Hoàng, kiến trúc sư, anh em học viên vào rừng chặt gỗ, nứa, vầu dựng lên một nhà hội trường rộng rãi làm nơi học tập. Có những học viên chưa từng lao động vất vả, nay nhanh chóng hòa mình vào cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Anh Trần Đức Tảo (anh trai của nhà triết học lừng danh Trần Đức Thảo) là một cử nhân Luật, từng làm tri huyện, cũng sải tay cuốc đất, san nền, chuyển đá, vác gỗ… như một người thợ thực thụ.

Tuy là Trường Ngoại ngữ Việt Bắc, nhưng ngoại ngữ gần như là môn học phụ, bởi anh em học viên đều là trí thức, đã thông thạo tiếng Pháp, một số khác biết cả tiếng Anh, Hoa. Môn học chính là đường lối kháng chiến, kiến quốc; triết học Mác-Lênin… với những giáo viên đặc biệt: Hiệu trưởng kiêm dạy triết học Mác-Lênin và tiếng Nga là thầy Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục; dạy tiếng Anh là một thầy giáo người Nhật, có tên là Utsumi; dạy tiếng Trung có thầy Tiền Ngọc Thông.

Vinh dự đặc biệt với các học viên là được đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh giảng dạy môn chính trị, với những bài phân tích sắc sảo rút từ cuốn Kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi của chính tác giả.

Bản Nghẹt ngày ấy, trên nhà sàn, bên bờ suối đâu đâu cũng gặp những chàng trai sinh viên Hà Nội, từng nhóm nói chuyện học tập với nhau bằng tiếng Anh, vài anh hỏi nhau bằng tiếng Trung, nhóm khác lại túm tụm nói tiếng Nga… Sự hào hoa, lãng mạn của những sinh viên Hà Nội khiến bản Nghẹt vốn âm u, tĩnh lặng trở nên sôi động trong nhịp sống mới. Tối tối anh em học viên lại tổ chức hoạt động văn nghệ.

Trong ánh lửa bập bùng trên nhà sàn, tiếng vĩ cầm của anh Thiết Chí réo rắt những bản nhạc cổ điển như Dòng Đa-nuyp xanh, Phiên chợ Ba-tư… Anh Nhị Kha nói tiếng Pháp thuần thục âm điệu như Tây con, sẵn lòng phục vụ mọi người những bản tình ca nổi tiếng qua giọng “Ti-nô-rốt-xi”, ca sĩ Pháp lừng danh một thời. Anh bạn đẹp trai Trịnh Hữu Lư, hay hát những bài ca cách mạng với bài tủ Tiếng gọi công nhân…

Một kỉ niệm khó quên nữa, bản Nghẹt có cô Túc, tuổi trạc mười sáu, mười bảy, khuôn mặt rạng ngời với hàm răng như ngọc ngà tăm tắp đều, nước da trắng hồng, dáng người thon thả, xinh tươi như bông hoa rừng đầy quyến rũ; nhiều học viên lần đầu gặp gỡ phải thốt lên: Hà Nội ít có cô nào sánh kịp!...

Cụ Nguyễn Bá Bảo (bìa phải) và cụ Lương Văn Đổng.

Trung tuần tháng 7/1947, Trường Ngoại ngữ chuyển đến địa điểm mới là xóm Cây Thị, xã Văn Lãng, (nay là xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên). Gọi là xóm Cây Thị vì trong xóm có một cây thị cổ thụ, không ai biết được trồng từ khi nào. Trường mượn được nhà của cụ Chu Văn Mão, một ngôi nhà sàn lớn nhất xóm, làm nơi học tập. Ngôi nhà này nằm ngay sát cây thị cổ thụ, cách chân Đèo Khế vài cây số, đi lại thuận tiện nên đồng chí Trường Chinh có thể đều đặn tuần hai lần đến giảng bài cho lớp học.

Bảy tháng miệt mài học tập, trong đó gần 3 tháng tại xóm Cây Thị, anh em học viên đã trưởng thành vượt bậc về nhận thức, trình độ chính trị được nâng lên rất nhiều. Những “hạt giống” tốt được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ đang chờ ngày vươn lên thì một sự kiện đau xót diễn ra, đã dẫn tới một bước ngoặt của hơn bốn chục học viên Trường Ngoại ngữ Việt Bắc.

Hôm đó nhằm ngày 3/10/1947, tầm 3 giờ chiều, lớp học đang chăm chú nghe Tổng Bí thư Trường Chinh giảng bài kháng chiến toàn dân, bỗng có tiếng máy bay vọng lại; lát sau, chiếc máy bay vút qua nóc ngôi nhà sàn. Đồng chí Trường Chinh ra lệnh: “Mọi người giải tán ngay, tìm nơi ẩn nấp!”... Anh em học viên người lao xuống cầu thang, người nhảy từ nhà sàn xuống đất trong lúc chiếc máy bay vòng lại cắt những quả bom xuống mục tiêu vừa phát hiện.

Một quả trúng ngay ngôi nhà sàn! Lửa cháy ngùn ngụt, tiếng kêu la thất thanh. Chiếc máy bay còn liệng quanh xả súng liên thanh xuống khắp xóm Cây Thị... 6 học viên hi sinh tại chỗ, có người nấp dưới cối giã gạo đã bị cháy thành tro! Rất may, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn an toàn và được cảnh vệ đưa đi ngay. Vài hôm sau, có thêm 4 học viên nữa hi sinh do bị thương nặng.

Việc chôn cất các liệt sĩ được chính quyền xã và bà con xóm Cây Thị lo liệu. Ngay trong đêm, các học viên lên đường nhận công tác tại các cơ quan Trung ương, các đơn vị quân đội... Sau này trong số họ có nhiều người thành danh: Anh Phạm Hoàng trở thành Tư lệnh Bộ đội Công binh, anh Văn Duy trở thành Thiếu tướng Quân đội; anh Nguyễn Bá Bảo trở thành Đại sứ tại Australia và New Zeland; anh Nguyễn Đình Phương trở thành phiên dịch của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris, sau làm Đại sứ tại Thụỵ Điển; những người khác cũng có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc...

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Sau trận bom, Trường Ngoại ngữ Việt Bắc không còn nữa. Hơn ba chục học viên mỗi người mỗi việc trên những chặng đường cách mạng, song kỉ niệm về những ngày học tập ở bản Nghẹt và xóm Cây Thị không thể phai mờ...

Mãi đến giữa những năm 1980, họ mới tổ chức được chuyến hành hương đầu tiên về thăm chiến khu xưa. Hôm đó là một ngày đầu xuân sau tết Nguyên đán, hơn 10 cựu học viên do ông Vũ Quang Triệu (có bí danh là Triệu “Lão Công”), người lớn tuổi nhất dẫn đầu, trở lại bản Nghẹt. Cảnh cũ người xưa nhưng đã bao thay đổi, họ chỉ còn nhận ra con suối đằng xa vẫn róc rách chảy…

Các cựu học viên Trường Ngoại ngữ Việt Bắc và thân nhân cụ Chu Văn Mão bên gốc cây thị năm xưa.

Bồi hồi xúc động, họ hỏi thăm và tìm đến nhà ông trưởng bản. Gặp nhau, ông ngỡ ngàng vì chưa từng nghe nói tới Trường Ngoại ngữ Việt Bắc! Hai bên đang bối rối thì có vài cụ già thong thả đi tới, anh em cựu học viên vồn vã chào hỏi, các cụ nhớ ra và mừng rỡ gặp lại cố nhân... Triệu “Lão Công” thay mặt đoàn chúc tết bà con, rồi xin phép đốt một bánh pháo mừng buổi tái ngộ. Tiếng pháo nổ giòn tan, những làn khói xanh toả vào bầu không khí đầu xuân ấm áp, trong lành. Bà con bản Nghẹt kéo đến mỗi lúc một đông, nhiều người nhận ra nhau, mừng mừng, tủi tủi…

Những kỉ niệm xưa được tái hiện qua những câu chuyện, lời kể; nhắc tên người này, người kia. Buồn vui lẫn lộn, hỏi ra nhiều người đã mất rồi! Lát sau, một cựu học viên hỏi thăm về cô Túc, bông hoa rừng năm xưa; mọi người cười ồ lên, chỉ tay vào một bà già đứng ngay trước mặt - đúng là một bà già miền núi - và đồng thanh giới thiệu: “Đây, cô Túc ngày xưa đây!”…

Những năm tiếp theo các học viên đều có buổi họp mặt vào dịp đầu xuân, ôn lại kỉ niệm xưa. Họ đã tổ chức những chuyến thăm Yên Lãng, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. 

Đầu xuân Đinh Hợi 2007, nhân kỉ niệm 60 năm tựu trường, các cựu học viên Trường Ngoại ngữ Việt Bắc đã tổ chức buổi gặp mặt tại Nhà sáng tác Đại Lải và thăm lại xóm Cây Thị. Tôi may mắn được tham dự cả hai hoạt động này và không khỏi xúc động trước tình cảm chân thành của những người từng gắn bó thuở “cháo bẹ, rau tàu bay”.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng 10/3/2007, tiết trời se lạnh, mưa phùn giăng kín trời Hà Nội. Trên chiếc xe Mecedes 15 chỗ ngồi êm ro, các cựu học viên ai nấy đều mong chóng đến nơi. Xe vừa tới đất Thái Nguyên, trời bỗng quang đãng, có nắng vàng nhẹ. Đến xóm Cây Thị, đồng hồ đã chỉ gần 12 giờ trưa.

Chúng tôi vào ngay nhà cụ Lương Văn Đổng, vị chủ tịch đầu tiên của xã Văn Lãng từ năm 1946, người đã chỉ đạo việc chôn cất các liệt sĩ hi sinh trong trận bom năm xưa. Cụ Đổng năm ấy 82 tuổi (cụ đã mất năm 2010), còn khoẻ mạnh, chỉ đôi mắt bị mờ; họ xúc động nắm chặt tay nhau. Cụ Đổng vẫn nhớ được hầu hết mọi người và những kỉ niệm xưa… 

Giữa trưa, chúng tôi lên đến nghĩa trang liệt sĩ của xã. Trong khói hương lan toả, trưởng đoàn Triệu “Lão Công” kính cẩn khấn vong linh các liệt sĩ được siêu thoát, mong các anh phù hộ cho quốc thái, dân an... Sau đó, mọi người cẩn trọng dọn dẹp, nhặt lá cây, nhổ cỏ dại mọc quanh những ngôi mộ liệt sĩ. Nhiều cụ thẫn thờ ngồi xuống, xoa tay lên tấm bia tưởng niệm có ghi tên 10 liệt sĩ, nước mắt lưng tròng...

Cụ Nguyễn Bá Bảo (năm ấy 86 tuổi) cẩn thận đọc tên từng liệt sĩ để tôi ghi lại, lần lượt có Phạm Văn Giao (Thiết Chí), Đinh Gia Hy (Từ Linh), Nhị Kha (Phạm Đan Khổn), Nguyễn Khang (Phạm Đức Khang), Hiếu Lan, Trần Đức Tảo (anh trai triết gia Trần Đức Thảo), Phan Kế Tín (cháu ruột cụ Phan Kế Toại), Chu Hiến Thành, Từ Thục, Hoàng Triển... Mỗi người là một tài hoa nhưng đã sớm ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước.

Chúng tôi trở lại xóm Cây Thị. Ai nấy xúc động bước chân vào chiếc sân gạch nhà cụ Chu Văn Mão (cụ đã mất năm 1952). Trên nền ngôi nhà sàn của cụ Mão bị bom năm xưa, nay con cháu cụ đã dựng lại một ngôi nhà gạch mới. Dấu tích của trận bom hầu như không còn nữa, ngoại trừ một phiến đá trước dùng kê ở chân cầu thang nhà sàn còn vết cháy đen thui, nằm lăn lóc ở góc vườn...  Hai người con của cụ Mão là Chu Văn Luận, Chu Văn Tài năm ấy đã ngoài bảy mươi, nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm lại ngôi nhà.

Ông Luận cho biết, sau trận bom, ngoài ngôi nhà bị thiêu trụi, cây thị cổ thụ cũng bị mảnh bom và lửa làm cho tơi tả, một thời gian sau thì chết. Thế nhưng không lâu sau, từ gốc cây đó, một mầm cây thị khác đã bật lên... Mọi người hối hả giục nhau ra thăm cây thị. Dưới tán cây thị toả rộng bên con đường nhỏ, anh em cựu học viên xúc động hàn huyên cùng bà con. Trong tiếng lá cây thị rì rào lẫn với tiếng người có già, có trẻ... dường như thời gian đang trở lại hơn 60 năm về trước.

Trần Duy Hiển
.
.