Nhất tự vi sư

Chủ Nhật, 11/01/2015, 14:09
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ngô đã viết gần xong bài viết mới cho chuyên mục này, nhưng rồi Ngô phải bỏ đi. Bởi sáng nay, một sáng cuối năm nắng vàng ruộm như còn thơm mùi rơm khô, Ngô vô tình đọc được một bài mà cánh nhà báo như Ngô hay nâng tầm gọi là phóng sự điều tra. Bài viết ấy được xuất bản trên một trang báo mạng, có tên là giáo dục.

Nội dung của loạt điều tra ấy là gì?. Xin thưa, nội dung đánh trực diện vào những thầy cô giáo đang dạy thêm tại nhà. Đồng nghiệp (Ngô phải gọi những người này là đồng nghiệp thôi, dẫu danh xưng không hề thể hiện thiện chí) của Ngô biến những thầy cô trong bài thành đối tượng phạm tội một cách rất cương quyết, họ sử dụng câu chữ nặng nề, họ sử dụng hình ảnh quay lén hay chụp vội, nhòe nhoẹt.

Có ai nói cho Ngô biết, chuyện gì đang xảy ra cho nền giáo dục của đất nước Ngô hay không?

1. Tam Tự Kinh viết “Nhân bất học, bất tri lý”, người không học thì không biết đến lẽ phải, hiểu vậy thôi hiểu chi cho nhiều khiến rối trí.

Nhà báo, có phải đi học không?. Tất nhiên, nhà báo phải đi học rồi. Đi học đầu tiên là để biết chữ, sau để biết lễ, kế đến nữa là mong muốn vào một tương lai đủ đầy. Trong truyền thống Á Đông luôn quan niệm, trước phải học lễ, sau mới học văn.

Năm xưa, khi Nho học còn thịnh hưng. Thầy mất, nho sinh thọ giáo thầy phải mặc áo vải xô chịu tang. Huynh trưởng phải cất lều ở cạnh mộ thầy hầu hạ. Thật, không kém gì cha mẹ không may mất đi.

Bây giờ thì khác nhiều rồi, đã có thầy không giữ đạo làm thầy, đã có trò không giữ đạo làm trò. Thế nhưng, trong quan điểm của Ngô, thầy cô cũng như cha mẹ, đều là người không thể suy xét.

Cuộc đời nhiều điều kỳ lạ lắm, người trên đời cũng kỳ lạ lắm. Thế nhưng, lấy sự kỳ lạ của một vài cá nhân rồi đánh đồng sự kỳ lạ ấy cho toàn bộ những người khác là việc làm rất đáng trách, rất thiển cận, rất đáng xấu hổ, rất vô trách nhiệm. Thậm chí, là ngu xuẩn.

Có sự kỳ lạ dùng quyền lực để ép học trò phải đi học thêm không? Chắc chắn là có. Có sự kỳ lạ yêu thương ghét bỏ đều xuất phát từ việc không chịu học thêm không? Chắc chắn là có. Có sự kỳ lạ gạ tình lấy điểm, đổi tiền lấy học phần không? Chắc chắn là có.

Thế nhưng, điều này đâu phải là nguyên cớ hợp lý để hồ nghi vạn sự rồi từ đó đưa ra những thứ lề lối xúc xiểm đấng tôn sư.

Thế này nhé, Ngô muốn hỏi một chút.

Có nhà báo tống tiền doanh nghiệp không? Có bác sĩ không như từ mẫu không? Có quan nhân chỉ biết vinh thân phì gia không? Có thương nhân buôn gian bán lận không? Có tay tổ chức thi hoa hậu chỉ để “chim” gái không? Có cha mẹ nhẫn tâm quẳng con không?... Có hết, tất thảy đều có hết. Nhưng điều đó không có nghĩa là, gặp nhà báo thì mắng là đồ tống tiền. Gặp bác sĩ là mắng đồ không có lương tâm. Gặp quan nhân thì thét lên đồ tham nhũng. Gặp thương nhân thì bảo đồ gian lận…

Minh họa: Lê Phương.

2. Một xã hội muốn phát triển hay không, thì giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, làm sao có sự ưu tiên khi mà lãnh đạo giáo dục lại biến những bậc truyền trí thức thành những cá nhân khác biệt.

Học thêm, là một nhu cầu có thật. Như bản thân Ngô, Ngô cũng có nhu cầu cho hai con trai của Ngô học thêm chứ. Ngày bé Ngô đi học, Ngô vẫn học thêm và Ngô cảm thấy Ngô thu lợi được rất nhiều về mặt kiến thức từ những buổi học thêm như vậy. Ngô tự hiểu rằng, có những điều mà thầy cô không đủ thời gian để giảng dạy cặn kẽ trên lớp. Thêm nữa, lớp có tổng số 40 bạn thì trình độ tiếp thu kiến thức là khác nhau, thể loại ngu lâu dốt dai như Ngô thì chỉ phí thời gian của các bạn nếu Ngô cứ liên tục “Thưa cô (thầy), em không hiểu bài”.

Ngày đó, Ngô học ở trường, Ngô đi học thêm, Ngô học ở nhà… vậy mà Ngô thấy Ngô vẫn còn nhiều thời gian đến vậy. Ngô vẫn sống được trọn vẹn tuổi thơ của Ngô. Ngô vẫn đọc cổ tích của cụ Nguyễn Đổng Chi, Ngô xem truyện tranh của Nhật Bản, Ngô trốn vào lò gạch bắt dế, Ngô câu cá, Ngô chơi đuổi bắt với bạn bè, Ngô chơi đánh trận giả, Ngô chơi năm mười, Ngô chơi ô ăn quan… Nghĩa là, trẻ con chơi trò gì, Ngô chơi trò đó. Không chỉ vậy, những hôm mưa dầm đất, Ngô không ra sân chơi được, Ngô vẫn còn dư thời gian nướng bắp ăn, lùi khoai nếm.

Thế nên, Ngô tuyệt không hiểu được vì sao trẻ con bây giờ nhọc quá. Học hết nơi này đến nơi kia, học hết chỗ này đến chỗ nọ. Người lớn phản ứng học thế là đày ải trẻ con, là cướp đoạt tuổi thơ… là gì gì đấy rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, người lớn quên mất là trẻ con bây giờ thông minh và tự tin nhiều lắm. Hồi đó Ngô bé, Ngô thấy người nước ngoài là thét lên, mắt xanh mũi đỏ rồi bỏ chạy, vừa lạ vừa sợ. Trẻ con bây giờ, đã có thể tiến lại gần người nước ngoài, trao đổi hay đùa giỡn. Trẻ con bây giờ cũng biết cách liên lạc với nhau qua mạng internet, qua facebook. Trẻ con biết làm những thủ thuật toán học trên máy vi tính, tiệm cận hơn với những phương pháp giáo dục ưu tú.

Một người chị của Ngô khẳng định rất nhiều lần, nền giáo dục Việt Nam hoàn toàn không thua kém bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Chúng ta chỉ khác họ một điều duy nhất, họ biết khi cầm mảnh bằng cử nhân báo chí thì sẽ đi làm công tác truyền thông, cầm mảnh bằng cử nhân văn học thì sẽ giảng dạy hoặc làm nghiên cứu, cầm mảnh bằng kỹ sư sẽ lựa chọn được công việc phù hợp… Còn chúng ta, cầm mảnh bằng nào cũng được, miễn sao là bằng đại học. Còn công việc thì cứ từ từ tính sau.

Chúng ta hay gào thét, phải phổ cập đại học. Nhưng chúng ta quên mất rằng, nếu hơn 90 triệu công dân của nước ta cầm bằng đại học (là Ngô giả dụ vậy), thì chúng ta sẽ bố trí công việc như thế nào.

Công tác định hướng và cả tư duy tôn trọng sở thích dựa theo sở trường của mỗi cá nhân trong xã hội của chúng ta vẫn chưa được quan tâm, tôn trọng đúng mức. Bố mẹ vẫn ép con vào trường điểm, phụ huynh vẫn gáy cùng nhau về ngôi trường đại học của con…

Tất cả chúng ta đang sống trong một môi trường giáo dục đúng kiểu, “thua ai cũng được nhưng không được… thua con gã bạn bố”.

3. Trong những thứ rối rắm ấy, các bậc lãnh đạo giáo dục nước ta thay vì tìm cách gỡ dần từng thứ một, thì họ lại hiến các thầy giáo, cô giáo cho ngọn lửa tế thần mà dư luận rất khát khao. Ngô chưa thấy dư luận nào như dư luận xứ Ngô, chẳng may có con bị cô giáo (hay thầy giáo) dùng xảo thuật để ép đi học thêm, thì lập tức thù ghét tất cả các thầy cô giáo. Điều khiển giao thông vượt đèn đỏ bị CSGT xử phạt thì mắng cả lực lượng Công an. Thậm chí, tham nhũng bị xử tù thì oán cả đất nước. Chẳng bao giờ họ nghĩ được rằng, cá nhân không đại diện cho đồng nghiệp, lại càng không thể đại diện cho một tổ chức.

Nhẽ ra, các bậc lãnh đạo giáo dục phải biết xấu hổ khi giáo viên của mình, những đồng nghiệp của mình, những thuộc cấp của mình không đủ thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, nên họ bắt buộc phải dạy thêm như là việc làm thêm để mưu sinh. Ngô không bàn đến nhu cầu ở đây, mặc dù Ngô biết có rất nhiều phụ huynh khẩn khoản mãi thì thầy cô giáo mới nhận lời dạy thêm.

Các thầy cô biết quy định cấm dạy thêm của các bậc lãnh đạo giáo dục là vô lý, là cố tình gạt đi một nguồn thu nhập chính đáng của các thầy cô. Nhưng, các thầy cô thì không thể phản kháng trước một quyết định từ cấp lãnh đạo. Các thầy cô chỉ biết chấp thuận một cách không phản biện.

Vậy đó, thưa các bậc làm lãnh đạo giáo dục!

Khi mà các thầy cô biết rằng việc dạy thêm là không được các vị cho phép, nhưng các thầy cô vẫn làm, thì các vị phải lấy đó làm điều suy xét lại cho quyết định của mình chứ. Các vị không thể nào ép buộc các thầy cô phải vui vẻ biến thành cái bia đỡ dư luận cho các vị, nhưng các vị lại không cho các thầy cô một cuộc sống đảm bảo về vật chất.

Mà tại làm sao người ta có thể kéo một băng nhóm từ chính quyền địa phương, tổ khu phố rồi lãnh đạo nhà trường, kèm theo một tay nhà báo không não nào đó để đi “bắt giáo viên dạy thêm nhằm lập biên bản”. Làm sao người ta có thể đối xử với các thầy cô giáo bằng cái cách mà họ đối xử với bọn phạm tội, với ma túy, với mại dâm, với cờ bạc có tổ chức, với tống tiền, với nhận hối lộ…

Đau đớn chưa. Ngô khóc được chưa, Ngô bi phẫn được chưa. Đời Ngô, ngoài cha mẹ họ hàng, vợ con ruột thịt thì không xét đúng sai phải quấy; có hai đối tượng mà Ngô chưa một lần thôi kính cẩn. Thứ nhất, là các thầy cô. Thứ hai, là các bậc tu hành.

Bất hạnh thay cho các thầy cô của xứ sở Ngô. Bất hạnh vì họ phải làm việc với những vị làm lãnh đạo giáo dục theo kiểu “mang con bỏ chợ” như vậy.

Ngô thương các thầy cô lắm, Ngô xót lắm. Nhưng mà, Ngô tài hèn phận mọn, Ngô biết làm gì đây?

Bất hạnh thay, mà cũng khốn kiếp thay.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.