Nhật ký "Tây du": “Cướp Ngày” giữa paris hoa lệ

Thứ Bảy, 01/10/2016, 17:39
Và, nếu có lần "đi Tây" nào mà tôi cảm thấy sợ như bị cướp, bị hành hung hay bị bắt cóc, thì đó là hôm ở Pháp. 

Xe vượt qua đường hầm, nơi có hình tượng ngọn lửa vàng rực đang cháy mãi, ghi dấu khu vực xe của công nương Diana đã bị nạn khi "chạy" các tay săn ảnh và bà đã chết. 

Khi xe của bạn đưa đến đồi Mông Mác (Montmartre, ở quận 18, Paris, nơi tụ hội của nhiều họa sỹ và văn nghệ sỹ nổi tiếng, điểm du lịch thu hút khách bậc nhất của thủ đô Pháp). Tôi cứ gọi nôm na thế. Đồi khá cao với một khu nhà thờ bằng đá trắng lung linh bề thế. 

Khổ, Paris hầu như chả có núi, nên ngọn đồi toen hoẻn cũng gọi là cao. Trên ấy còn có mấy tòa lâu dài hay chóp nhọn gì đó bằng đá khá đẹp. Trước khi đi bộ ngược đồi, thì có một dãy phố "đèn đỏ" bán đủ thứ từ dụng cụ tình dục (sex toy) đến thân xác thật của đàn bà (mại dâm công khai có đóng thuế môn bài và khám sức khỏe định kỳ). 

Quay lại chụp phố đèn đỏ xong, tôi cắm cúi leo đồi. Giữa ban ngày, nắng khá to, nóng bức. Các công trình bằng đá, đường lên cũng bằng đá trắng nên có cảm giác như đang giữa mùa hè ở xứ sở nhiệt đới ẩm.

Tôi leo được vài chục bậc thì thấy từ trong các lùm cây lúc nhúc dăm bảy gã da đen, răng trắng ởn, tay đeo đủ thứ vòng vèo, cổ khoác thắt lưng da nâu đen các kiểu. Nhìn đã biết người nhập cư bán hàng rong. 

Những người vào vai công chúa, hoàng tử đứng ở ngã ba đường để chờ tiền bố thí ở châu Âu.

Tôi có nhiều ký ức đẹp về người da đen ở châu Phi, hôm ở Ý, giật mình là chỉ hơn 100km đường biển là từ Ý sang đến châu Phi. Sao gần "dã man" vậy nhỉ? Một khúc đường biển thôi, mà sao người châu Phi xăm lá cây lên thân thể giữa bộ tộc mà tôi gặp ở quê hương họ, họ lại đáng yêu đến thế. Còn khi họ sang "miền đất hứa" châu Âu, dường như họ phải xù lông nhím lên để sống sót. 

Để rồi, lúc nào họ cũng bệ rạc và đáng phải đề phòng như thế này sao? Kệ, tôi tự tin bước đi. Xung quanh vắng ngắt. Mắt tôi vẫn còn lóa nắng khi từ ngoài trời tiến lại các lùm cây xanh um râm mát. Thì các gã xông về phía tôi, giả lả chào mời. Tôi từ chối. Anh ta xông đến, buộc dây vào cổ tay tôi, bảo rằng đẹp chưa. Tôi rụt tay lại. Một gã nữa xông đến, giơ ra cái thắt lưng và cái ví. Tôi ngoái lại thì 5 gã khổng lồ đã vây quanh. Họ giữ tay, bá vai, cười cợt. 

Nghệ thuật “hai ngón” bắt đầu dạo quanh túi và ba lô của tôi. Có gã túm lấy cái máy ảnh đang đeo ở cổ. Nếu không biết hoãn binh, giả vờ mắc mưu mua hàng, nếu không luồn qua khe hẹp chạy bán sống bán chết, thì chắc chắn hôm đó tôi đã sạch túi và thậm chí còn ăn đòn. 

Đó là một thứ cướp cạn, cướp ngày. Tôi cảm nhận rõ điều đó, khi các bắp tay đàn ông của tôi không phải là mềm lắm, thế mà bị chúng khống chế hầu như tê liệt. Ngoài máy ảnh đắt tiền đeo hai cái trước ngực, tiền thì để trong lớp áo gi-lê bó sát, đúng là chúng sờ khắp nơi một cách ma lanh nhất, nhưng vẫn chưa cuỗm được cái gì. Nếu phải người nào hớ hênh thì đã sạch sành sanh. 

Khi kể lại chuyện này, tôi vẫn thấy lạnh sống lưng. Nó là một vụ cướp hội đồng, chứ không phải bờm xơm móc túi hay "vừa bán vừa la" thông thường.

Biểu diễn làm thủy tinh màu ở kinh thành trên sông nước Venice.

Châu Âu gieo trong tôi nhiều cảm xúc thiên thần và xúc động, quả là danh bất hư truyền, nhưng châu Âu, lục địa được coi là kinh đô ánh sáng của nhân loại cũng có rất nhiều hạt sạn kiểu đó. 

Chung quy cũng cứ suy từ tiền là ra hết. Hôm ở biên giới Pháp, theo thói quen uống nước mía cũng wifi free (miễn phí Internet) ở Việt Nam, vào một nhà hàng sang trọng, tôi nhã nhặn như... người Pháp, đến cúi chào ông chủ râu ria bạc kiểu tài tử xi-nê. Ông có thể cho tôi biết mật khẩu wifi được không? "Ngài phải trả 5 ơ rô thì mới được cung cấp mật khẩu". Tôi chưng hửng, "dùng của chùa thì tôi xin, chứ chếch cái "meo" mà 5 ơ rô thì tôi cảm ơn, bái bai". 

Ở nhiều khách sạn 5 sao giữa Paris, mỗi ngày họ đổi mật khẩu wifi một lần và đặc biệt, nếu bạn mang 2 thiết bị cần nhập mật khẩu và sử dụng Internet, wifi sẽ từ chối ngay thiết bị thứ 2. Rất bất tiện, nhất là rất buồn với những người cả ngày lang thang mồ hôi mồ kê, về khách sạn muốn hỏi thăm tình hình quê nhà một tí mà bị "ông wifi" hành cho thất điên bát đảo. 

Chưa hết, ông chú tôi ở phòng bên cạnh, ở quê ra tận châu Âu thăm thú cho nên hồn nhiên vào phòng là bật tivi. Để xem thằng Tây nó "chiếu" tivi kiểu gì. Lúc bật, truyền hình trả tiền khách sạn lấy giá rất đắt (giá dịch vụ chứ không chỉ là giá tiền nhà đài thu), "nó" hỏi ok kênh này không, ông cứ ấn bừa, nó bảo phải trả tiền, cứ ok. 

Ông đâu có biết tiếng Anh. Ông cụ mất ngủ, cứ bật và chuyển kênh cho vui mắt, hy vọng nó mỏi mắt sẽ dễ ngủ. Thế là sáng hôm sau khách sạn yêu cầu thanh toán cả triệu tiền Việt.

Cũng ông này, trong chuyến ấy, còn có hành vi giống như "thánh phượt" người Mông ở Mèo Vạc, "anh cu" Vừ Già Pó. Ông cụ 70 tuổi bị lạc trong siêu thị ở Fờ-Ranh-Phuốc (Đức). Vé máy bay và hộ chiếu của cụ thì con cháu giữ. 

Cụ đi mua sữa cho người hàng xóm, vì họ gửi "khênh hàng" xịn về hộ. Khênh cả một va ly kéo, đúng là lòng tham vô đáy và đúng là những lời nhờ vả trục lợi vô duyên nhất mà tôi từng biết. Lúc lạc, cụ không biết một câu tiếng Anh hay tiếng Đức. 

Không hộ chiếu, không vé máy bay, không biết phải đi đằng nào. Chỉ biết là phải về Việt Nam. Thế là cụ gọi taxi, vẽ một cái máy bay và phi trường mêmh mông có cất hạ cánh cho nó xem. Cụ ra đến nơi, đứng gọi ngao ngáo ở đó mãi, cụ vẽ cái loa và tóe tóe ra tiếng gọi để người Đức cho cụ nói bằng tiếng Việt gọi con cháu. 

Phương pháp vẽ lá cờ các nước để dò hỏi xem Vừ Già Pó người nước nào của cảnh sát Pakitstan đã được cụ già áp dụng với gã taxi và cả cảng hàng không Fờ-Ranh-Phuốc. Quá thành công.

Lại nói chuyện xe cộ, phố xá, có lần sang Lào, có một nụ cười, một câu nói tôi đã thấm để rồi cứ đau đáu muốn cho nó vào Sách đỏ của Việt Nam. Như thế này. Chúng tôi lái xe đi khắp các nước để làm phim, bằng cái xe của mình, biển số Việt Nam và tự mình lái, tự mình quay phim và nói về những trải nghiệm. 

Biểu diễn nghệ thuật nâng người tại chân tháp nghiêng Pisa, Italia.

Đêm ấy, ngủ bên bờ sông Nậm U, bên hông thành phố di sản Luông Pha Băng, tôi thấy cặp vợ chồng già người Hà Lan cũng mở toang cửa sổ xe - cái nhà di động khổng lồ - của mình ra để bắc thang xuống khu dân cư xin nước, xin nấu cơm và ăn chung với người bản xứ. Tôi cũng ngủ bên bờ sông. 

Sáng ra muốn tìm cái gì ăn, mới đỗ xe ở một nhà hàng và gọi món có nước non cho dễ nuốt như kiểu phở bún ở Việt Nam. Đã dặn bằng tiếng Anh là: "Không cay, không ớt", chị người Lào phốp pháp cười tươi "OK, đừng lo" cũng bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn. 

Phố này là phố mặt tiền river side (bên sông) đắt đỏ và sầm uất nhất của Luông. Tuy nhiên, lúc chị mang bát miến mỳ đỏ và ớt lên thì tôi nhận thấy nước dùng vốn đã quá cay, dù chị chủ không hề cho thêm ớt. Thì tôi bị đau dạ dày, vẫn rất nguy hại. Thế nên, tôi xin phép trả tiền và sang quán khác vì món truyền thống của người xứ ở Chăm Pa quá cay. Chị chủ bảo, "không ăn thì không phải trả tiền mà". 

Rồi khi chúng tôi định nổ máy đi, thì chị níu áo bảo, cứ để xe ô tô ở đây, xe của các em làm gì mà nó to quá vậy. Để xe ở đây, chị trông cho. Chị đưa sang nhà hàng bên cạnh ăn đồ Tây, khỏi lo cay, nóng. 

Chị dắt chúng tôi sang. Bảo rằng xe ở Lào đêm ngủ cũng vứt ngoài đường, cả tháng ròng khu này không nghe thấy một tiếng còi xe, lúc đi đường, muốn vượt thì xi-nhan rồi nhích bánh sang trái là người lái trông thấy ý định của bạn qua gương hậu, họ tự ý nhường đường. 

Giản dị vậy thôi, không ăn cũng không sao, không đốt vía buổi sáng nhé. Thích thì cứ đỗ xe trước nhà, sang quán khác ăn, chị dẫn đường cho mà đi. Tưởng như "nhân chi sơ, tính bản thiện", tưởng như chuyện vặt vãnh ai cũng có thể "không mất gì" mà vẫn giúp được người khác như thế, mà sao ở Việt Nam mình nó hiếm đến thế. Sao mà chuyện vặt vãnh lại làm xiêu lòng người đến thế. Chúng đã trở nên hiếm như sao buổi sớm, hiếm như lá mùa thu tự bao giờ?

Nếu không tin lời tôi, ở Hà Nội, bạn cứ thử đỗ xe trước cửa nhà, trước cửa quán của một ai đó, thì sẽ biết tay nhau ngay! Kể cả quán của họ chả ma nào rờ đến bao giờ, kể cả nhà họ không có cái xe nào để đỗ, nhưng để thể hiện sự giỏi giang, tinh ranh và hơn người của mình, thì họ cứ đuổi thẳng cẳng đã, cứ đốt vía đã. 

Được quyền đuổi và được nguyền rủa người xâm phạm "lãnh địa" của mình, tội gì mà không "hưởng". Không "xù lông nhím" lên thì chẳng hóa ra nó bảo mình ngu à? (có phải họ nghĩ vậy không nhỉ?).

Đỗ Doãn Hoàng
.
.