Nghĩ ngợi lung tung

Thứ Năm, 15/09/2016, 10:37
Ngô vừa đưa hai con trai đi tựu trường về, những ngày hè đã hết, những sớm ngủ nướng cùng nhau đã vãn, những trưa bơm hồ bơi đổ tràn nước đã hiếm hoi.

Sáng con trai lớn buồn buồn tiếc nuối, con trai nhỏ khóc háo hức hôm học đầu tiên. Ngô ngồi cà phê, lá vàng rơi nhè nhẹ, nghĩ những điều vẩn vơ.

1. TP HCM vừa tuân thủ theo chỉ đạo của ông Bí thư Thành ủy, tuyên chiến với nạn dạy thêm trong nhà trường, bất chấp nhiều thầy cô giáo đã lên tiếng phản biện, trình bày thực tế. 

Ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa lệnh, sức công văn sử dụng hai từ trong ngoặc là “đuổi việc” đối với giáo viên vi phạm yêu cầu này. Dư luận hồ hởi vỗ tay như đúng rồi, các bình luận trên nhiều trang báo mạng hân hoan như thắng trận. Ngô già rồi, mà ngay cả khi chưa già thì Ngô cũng không thích tranh luận với đám đông, thế nên Ngô chỉ viết những điều lẩn thẩn như đã từng.

Giáo dục là rường cột của quốc gia, triều đại nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy. Và người giáo viên bao giờ cũng là trọng điểm của rường cột ấy. Đáng tiếc hiện tại bằng sự hồ hởi của truyền thông, bằng sự hời hợt của phụ huynh, họ đã thành công trong việc tạo ra một thứ định kiến cho nhà giáo. Mà định kiến ấy mà, là thứ chẳng bao giờ có thể trao đổi được.

Thú thật là Ngô không tài nào hiểu được rằng, mấy ông lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM làm sao có thể hồn nhiên sử dụng cụm từ “đuổi việc” đến vậy. Sử dụng bằng cả ngôn ngữ trên báo giới lẫn ký tự trong văn bản. Hóa ra, tư duy giáo viên chỉ là người làm thuê, hay sang trọng hơn là thuộc cấp đang hình thành rất rõ trong những ông quan giáo dục này.

Họ sai ở chỗ nghề giáo không có lãnh đạo và thuộc cấp, đó đều là những người thầy, người cô. Và bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải giải quyết trên cơ sở nền móng của những người có giáo dục, có tri thức một cách chân chính. 

Đáng tiếc, tư duy cho mình cái quyền sử dụng quyền lực chính trị một cách vô phép, một cách ấu trĩ đã hằn sâu trong nhiều cá nhân được giao trách nhiệm quản lý. Tư duy ta là quan ta có quyền cũng từ đây mà nảy sinh.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô là một gã lười học, những độc giả đọc Ngô từ năm này qua tháng nọ, chính bản thân Ngô cũng cảm thấy thán phục sự chịu đựng của quý độc giả. Tếu táo vui thôi, chứ mang ơn còn không hết. Hạnh phúc của một gã theo nghề viết là viết ra còn có người đọc. Một người cũng được, mà hai người cũng được, miễn sao chữ đừng tuôn ra rồi trôi vào thinh không là may mắn lắm rồi.

Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, vác thân đến giảng đường, Ngô chỉ có đọc. Ngoài đọc ra, Ngô ngủ. Ngoài ngủ ra, Ngô đọc. Cứ vậy tuần tự nhi tiến, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày mưa cũng như ngày bão, ngày bão cũng như ngày trời râm, lằng nhà lằng nhằng một vòng không thay đổi. Thế nhưng, Ngô luôn tin rằng sự học là một điều cần thiết cho bất cứ ai sinh ra trong cõi đời này.

“Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý”, bây giờ mà nói những điều này thì không thể không có chút buồn cười vì mình nệ cổ. Cũng như thi thoảng đọc thấy ông tỷ phú này nghỉ học từ sớm, ông đại gia kia lớp bốn nghỉ ngang vẫn hay tự cãi nhau với chính mình vậy. Tuy nhiên, bằng những tháng ngày đã trôi qua, bằng những con đường đã đi qua, bằng những con người đã gặp gỡ, Ngô hiểu sự học đã thay đổi nhân sinh quan của một cá nhân, đã biến đổi một thân phận tốt như thế nào. Cái đoạn Ngô lười học chỉ đọc ấy, nó là thủ pháp trào phúng thôi, bạn đọc đừng tin.

Năm Ngô học lớp bảy, Ngô mải chơi, vào lớp cứ như ra pháp trường, đầu chỉ để giữ cho thăng bằng khi đi, ngoài ra chẳng còn chức năng nào khác. May mà có lớp học thêm của một người thầy ở quê.

Chính người thầy này đã cho Ngô biết Toán học hay như thế nào, Vật lý hay như thế nào. Cũng chính người thầy này đã dạy cho Ngô những câu chuyện ngoài cuộc sống như thế nào, đôi dép nhất định phải sạch, móng tay móng chân nhất định phải cắt ngắn tử tế quan trọng như thế nào. 

Giả mà không có người thầy ấy, giả mà không có khóa học thêm trong mấy tháng hè ấy, chắc chắn Ngô bây giờ đã gia nhập đoàn quân bốc vác ngoài bến xe ở quê, như những thằng bạn khốn khó của Ngô hiện tại.

Học thêm, là một nhu cầu có thật.

2. Học thêm là một nhu cầu có thật và nhu cầu kiếm tiền của người giáo viên cũng là có thật. Quên cái chuyện lý tưởng hay hy sinh hoặc gì gì đó đi. Còn nếu chưa quên, cứ thử ra đường vài hôm với cái túi rỗng không sẽ hiểu thiên hạ như thế nào.

Điều chán nản nhất của đám đông chính là thích kêu gọi sự hy sinh của người khác. “Bảo lương thấp sao không nghỉ?”. Cuộc đời đầy tù túng này ấy mà, có mấy người ném hết mọi thứ vào nhà kho rồi mặc nhiên rong chơi đâu. Cá nhân nào cũng loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn, việc việc việc việc, tiền tiền tiền tiền.

Có những giáo viên bằng thủ thuật cá nhân luôn tìm cách lôi kéo học trò đến lớp học thêm của mình, điều này hẳn nhiên là có rồi. Thế nhưng, đây không phải là tất cả. Vấn đề chính là sự phản kháng của phụ huynh trong những trường hợp này lại là con số không tròn trĩnh.

Họ không dám phản ứng, họ không dám lên tiếng, họ không dám thuật chuyện lại với ban giám hiệu hoặc một ông trưởng phòng giáo dục nào đó. Họ tự tước đi cái quyền được bảo vệ con em của mình. 

Họ sẽ đổ thừa chứ, đổ thừa sợ bị trù dập, đổ thừa chuyện sẽ chẳng được giải quyết đâu, đổ thừa không ai rảnh rang đến vậy. Sau quá nhiều sự đổ thừa, họ đồng ý cho con em đến lớp học thêm một cách bị động đầy ấm ức, có khi là cả căm tức.

Rồi sau đó thì sao, sau đó thì họ sẽ nhìn hàng nghìn, hàng vạn giáo viên như nhau. Kiểu con chim may mắn thoát tên, nhìn cái gì cong cong mà không giật mình thảng thốt.

Ngô thương những giáo viên trót bị đánh đồng vì những giáo viên khác. Kiểu như nghề báo ấy mà, cũng có nhà báo này nhà báo kia. Cũng có nhà báo chăm chăm gom hồ sơ sai phạm viết thành bài rồi đưa cho chính doanh nghiệp có sai phạm đọc trước để “thông cảm lần này, nhé”. 

Doanh nghiệp tự biết điều thôi. Cũng có nhà báo nhận quà của đối tượng này để tẩn đối tượng kia thừa sống thiếu chết. Cũng có nhà báo suốt ngày gọi điện thoại để xin quảng cáo, xin không được thì quay sang dọa nạt: “Tôi sẽ nhớ chuyện này suốt đời, có ai nắm chặt tay mình được cả ngày đâu. Đến lúc đó thì đừng tình xưa nghĩa cũ gì nữa, nhé”.

Nếu Ngô bị đánh đồng, Ngô có buồn không, tính Ngô tự lâu ít khi buồn vì đánh giá của người này hay người khác. Nhưng, người giáo viên thì khác.

3. Người giáo viên nước mình vốn dĩ cực nhiều, nội chạy theo cải cách giáo dục của mấy ông mấy bà lãnh đạo đã mướt mồ hôi huống hồ còn bị định kiến của phụ huynh, của những người mà con em họ đang chờ người giáo viên truyền thụ kiến thức.

Mà đã yên đâu, rồi còn chuyện thuyên chuyển, rồi còn người vùng cao non sâu, người thị thành ngoại ô. Mỗi lần xê dịch cho thuận tiện chăm sóc con cái, được gần chồng vun vén gia đình là cả một câu chuyện dài lê thê không hồi kết. 

Như cô bạn thời phổ thông của Ngô, vừa bỏ nghề giáo đi làm nhân viên bàn giấy của một công ty du lịch vậy. May mà công ty du lịch này là của người thân, nên mới có cơ hội được nhận vào làm. Bao nhiêu năm chỉ biết phấn trắng bảng đen giáo án, biết gì khác ngoài chuyện đến lớp rồi về nhà đâu.

Mọi người nhìn một vài giáo viên nội thành, có nhà có xe, có thứ này thứ khác đã vội vàng quy chụp cho tất cả giáo viên. Mọi người ít thấy một đời sống giáo viên với nụ cười hiu hắt, với nỗi lo xoay vòng cơm áo gạo tiền.

Không thể tăng lương cho giáo viên đâu, đây là chuyện không tưởng. Vì nếu tăng lương với lý do giáo viên là nòng cốt để phát triển thì sĩ quan công an, sĩ quan quân đội không quan trọng cho sự nghiệp giữ gìn Tổ quốc à, rồi các y bác sĩ không quan trọng à, nhân viên thuế vụ không quan trọng à… Đó là một câu chuyện vĩ mô hoàn toàn không có lối thoát.

Thế nên, phải khuyến khích giáo viên có thể tăng thêm thu nhập cho bản thân để lo lắng cho gia đình một cách minh bạch. Minh bạch thật sự, không phải minh bạch theo kiểu đúng quy trình mà chúng ta vẫn thường được nghe thấy mỗi khi có con ông quan này được bổ nhiệm, hay vợ ông quan khác được đề bạt ấy.

Phải có những hướng dẫn, những quy định rõ ràng về việc dạy thêm và người giáo viên phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc mà công chức, viên chức cần tuân thủ. Còn quý phụ huynh không muốn con em mình học nhiều, không muốn con em mình học thêm thì có thể kèm cặp thêm cho con em, bỏ bớt thời gian mưu sinh để hướng dẫn, bổ sung cho con em, khuyến khích con em tự học.

Trong lúc chờ một bước ngoặt của giáo dục thì đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất chứ không phải là chuyện cấm đoán.

Làm gì thì làm, nhất định không được tạo thêm định kiến cho giáo viên. Bởi càng gieo định kiến cho nghề giáo càng triệt tiêu hy vọng về một xã hội văn minh trong tương lai.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.