Nam Cao sẽ cùng suy nghĩ với tôi

Thứ Năm, 12/05/2011, 15:34
Phóng viên: Thưa anh, những tác phẩm như "Bi - đừng sợ" gây nhiều tranh cãi. Nhưng có một thứ ai cũng nhất trí: Đó là chúng không có nhiều người xem.
Đạo diễn: Đúng vậy.

Phóng viên: Tôi cũng công nhận việc làm một bộ phim có người xem, nhất là trong tình trạng Điện ảnh Việt Nam hiện nay là một nhu cầu cấp bách.

Đạo diễn: Vâng.

Phóng viên: Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận. Đó là vì nhân danh dành cho khán giả, nhiều bộ phim ăn khách có nội dung thấp kém, thậm chí vô cùng thấp kém, khiến những ai có tri thức phải nổi giận. Tóm lại, đã xuất hiện một tầng lớp đạo diễn chê người ta làm phim khó hiểu, nhưng bản thân thì lại thực hiện những phim… dễ hiểu đến thô thiển. Như thế có gì hay nào?

Đạo diễn: Nếu xét về lý thuyết đơn thuần thì những nghệ sĩ như vậy chả có gì hay cả. Việc lợi dụng sự thấp kém của những người bình dân về nhận thức để trục lợi là điều luôn luôn xảy ra trên mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì Điện ảnh. Thiên hạ đã cảm thấy lờ mờ rằng, hàng năm, đặc biệt là dịp Tết, các nhà làm phim luôn luôn "phục kích" để tung ra các tác phẩm dễ dãi, trong đó đầy rẫy những màn chọc cười rẻ tiền để thu lợi nhuận.

Phóng viên: Và do đấy, những kẻ làm phim theo dạng này lên án "Bi - đừng sợ” thì có hay ho gì không? Có quyền không?

Đạo diễn: Thứ nhất, tôi không lên án. Tôi chỉ tuyên bố không đi theo con đường đó. Thứ hai, quyền phê phán hay tỏ thái độ là quyền của tất cả mọi người, không dành riêng cho "phe" nào hết. Nhưng những nghệ sĩ khó hiểu xưa nay có một điểm chung là "cao đạo". Họ thường hành xử theo lối "ta cao quý, ta không thèm nói". Còn đám làm phim "bình dân" lại hồn nhiên hay trình bày. Bởi vì đi với bình dân, buộc phải trình bày.

Minh họa của Lê Tâm.

Phóng viên: Hãy trở lại với câu hỏi của tôi.

Đạo diễn: Muốn trả lời, đầu tiên hãy xác định đâu là khán giả mua vé của Điện ảnh Việt Nam hôm nay. Tôi nhấn mạnh chữ "khán giả mua vé". Bởi không ít nhà trí thức suốt đời chỉ vào rạp bằng vé mời.

Phóng viên: Tôi biết điều đó. Khán giả vé mời tạo ra những dư luận của vé mời. Đó là một thứ dư luận rất khác biệt.

Đạo diễn: Khác biệt lắm. Ngay chính những con người đấy, nếu bỏ ra bảy chục ngàn mua một cái vé, họ sẽ có thái độ chả giống với "xem chùa" chút nào. Người mua vé xem phim của chúng ta, theo thống kê (và cũng có thể biết chả cần thống kê) có những phẩm chất sau :

- Đa phần từ 17 đến 25 tuổi.

- Đi xem với bạn bè chứ không phải với cha mẹ.

- Có trình độ nhận thức nghệ thuật nói chung và Điện ảnh nói riêng ở mức dưới trung bình.

Phóng viên: Dưới trung bình?

Đạo diễn: Chắc chắn thế. Mác viết: "Muốn hiểu nghệ thuật, phải được giáo dục nghệ thuật". Và sự giáo dục của nước ta nhìn chung rõ ràng yếu kém, từ đó suy ra giáo dục nghệ thuật cũng yếu kém theo. Đó là suy luận khoa học.

Phóng viên: Vâng.

Đạo diễn: Ví dụ như Hà Nội, mảnh đất tự hào là cao cấp thì vừa qua, những đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Vũ cũng đông chật tại Nhà hát Lớn. Đông hơn nhiều những buổi biểu diễn của Đặng Thái Sơn. Đấy là sự thực.

Phóng viên: Một sự thực không dễ chịu.

Đạo diễn: Song lại hiển nhiên.

Phóng viên: Vậy hãy trả lời câu này thẳng thắn nhất: Anh theo Tuấn Vũ hay theo Đặng Thái Sơn?

Đạo diễn: Tôi theo dân tôi, nếu dân theo Tuấn Vũ thì tôi theo Tuấn Vũ.

Phóng viên: Vậy vai trò người "giáo dục nghệ thuật" của anh ở đâu?

Đạo diễn: Tôi không tưởng tượng được một sự giáo dục mà không đồng hành. Một nhà toán học có thể đứng trên bục giảng. Nhưng một nhà làm phim không thế. Một nhà làm phim phải giảng bài bằng cách ngồi xen lẫn với khán giả của mình. Đó chính là đặc trưng của Điện ảnh. Nói cách khác, muốn làm phim cho khán giả xem thì phải cho khán giả hiểu. Muốn họ hiểu đôi lúc phải dùng chính ngôn ngữ của họ.

Phóng viên: Đó chính là điểm "trí mạng" của các anh. Là chỗ các anh sẽ bị những nhà phê bình lên án.

Đạo diễn: Lắng nghe các nhà phê bình và làm phim cho họ là hai việc khác nhau. Cũng như chế tạo thuốc phải nhằm mục đích cho bệnh nhân chứ không phải dành cho bác sĩ. Việc những người làm phim hướng về số đông khán giả bị la ó "rẻ tiền", bị kết tội lạm dụng sự yếu kém thẩm mỹ để trục lợi xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những quốc gia văn minh chứ không riêng gì Việt Nam.

Và đúng là nhiều kẻ trong số ấy rất đáng bị la ó. Thậm chí ngay cả những người cao quý trong số ấy cũng có thời điểm đáng phê phán. Đơn giản, họ có phải là thánh đâu. Họ rất dễ sa đà. Nhưng những nghệ sĩ theo xu hướng phục vụ khán giả vẫn đông đảo nhất và có sức mạnh nhất, bởi theo tôi, về nguyên tắc thì họ đúng.

Phóng viên: Ai cùng suy nghĩ với anh?

Đạo diễn: Nam Cao. Trong truyện ngắn Trăng sáng,  phút cuối cùng ông để cho nhân vật ngồi viết văn trong khi con ốm, vợ khóc và hàng xóm đang chửi mất gà. Người làm phim cũng thế thôi!

L.T.L.H.
.
.