Một thời tem phiếu trôi qua
- Tái hiện ký ức Tết thời bao cấp
- Cuộc sống ở Hà Nội thời… rưng rưng nước mắt
- Thế hệ 8X với “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”
Con bé sinh đầu năm 1985. Năm sau, cuộc đổi mới được khởi động. Tôi đang làm ở một viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng. Lương ba cọc ba đồng. Cuộc sống của công nhân viên chức hưởng lương, ai cũng khó khăn. Tất cả mọi nhu yếu phẩm như vải vóc, dầu đun, gạo, mắm muối, thịt cá, xăm lốp xe đạp…, đều có tiêu chuẩn, theo chế độ tem phiếu.
Chuyện tiếu lâm chính trị được mùa, thơ ca hò vè bỡn cợt đắng cay, được lưu truyền bàn tán khắp nơi, không phải lãnh đạo nào cũng được nghe và cũng nghe được.
Năm 1978 đổi tiền, thống nhất tiền tệ trong cả nước sau cuộc chiến tranh dài dằng dặc. Tháng 2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, khó khăn thêm chồng chất. Đất nước càng thêm xơ xác, đói nghèo. Trụ được đến tháng 9-1985, lạm phát phi mã, bí quá, lại đổi tiền tiếp.
Phải trải qua những năm tháng khốn khổ này, mới thấu hiểu tình trạng đất nước sau cuộc chiến dài từng bộn bề khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ, sản xuất đình đốn, phân phối lưu thông cụ thể là "giá, lương, tiền" có vấn đề, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc cùng lúc bị bọn Tàu xúi bẩy và trực tiếp gây xung đột, bất ổn...
Tôi đã tìm đọc hồi kí của một số nhân vật trực tiếp tham dự vào cuộc đổi mới. Trong nhà, có người tham gia hội nghị lịch sử Đà Lạt, trong vai trò một chuyên viên. Có kể lại những chuyện nghe lỏm, nhớ bập bõm chuyện nọ, chuyện kia. Không định viết kiểu nhật ký niên sử, tôi chỉ nhắc lại thế.
Cậu út Bùi Huy Cường gửi từ Sài Gòn một hộp sữa bột MEIJI khoảng trên dưới 800gr, chắc chưa được một kg. Thời điểm đó, miền Bắc XHCN ít ai biết, rằng trên đời còn có cả sữa bột MEIJI.
Vặn mãi, vặn mãi mới mở được hộp sữa pha cho con bé uống. Trắng tinh, mịn. Thơm ngạt cả mũi. Hộp sữa bột MEIJI là một món quà, một kỉ niệm không thể quên.
Con bé uống nhiều loại sữa khác nhau, chủ yếu là sữa mẹ. Nó không lớn lên bằng hộp sữa bột MEIJI, chỉ được pha dè sẻn. Nhưng kỉ niệm này, được tôi lưu giữ trong tim, mỗi khi nhớ về một thời khó khăn, đói khổ, cái gì cũng thiếu, trừ những khẩu hiệu.
Có gia đình, mới hiểu việc có đứa con đầu lòng quan trọng thế nào. Tôi yêu Nó, hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Một con bé, ra đời trong một ngày đông lạnh giá, sinh ra đã phải nằm chung với một đứa trẻ thiếu tháng trong một chiếc lồng kính tại bệnh viện C.
Giờ, nếu đẻ thêm đứa nữa, sau 30 năm vật vã bươn chải kiếm sống, tôi đủ tiền mua một ngàn hộp sữa bột MEIJI, chắc chắn không nói quá. Cái vỏ hộp MEIJI bằng kim loại này, tôi giữ 10 năm sau. Mãi khi chuyển về Phan Đình Phùng ở, hộp bị gỉ sét loang lổ, mới bỏ.
Thời ấy, chỉ nhân viên ngoại giao làm việc tại các sứ quán, cán bộ của các tổ chức quốc tế, các đoàn công cán nhà nước mới có cơ hội đi nước ngoài. Một chuyến xuất ngoại là có thể cứu cả nhà, có thể sống khỏe vài năm. Các nghiên cứu sinh cũng có thể sẽ được xuất ngoại. Nhưng đầu vào tuyển chọn khó hơn lấy bằng tiến sĩ, giáo sư bây giờ. Nào chuyên môn, ngoại ngữ, nào bình bầu, lí lịch xét tận ba đời; nào là phải đảng viên hoặc chí ít cũng đang được Đảng cảm tình…
Tập trung học ngoại ngữ, thi kiểm tra lần cuối, không đạt, loại tiếp. Rồi được đi học loanh quanh trong các nước Xã hội chủ nghĩa cũ, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bungaria, Đông Đức… Một số ít, rất ít, được đào tạo ở các nước tư bản như Áo, Pháp, Hà Lan, Thụy Sỹ, Anh… Việc tuyển chọn còn khắt khe, kĩ càng hơn nữa, chỉ dành cho những kế hoạch, nhu cầu đặc biệt.
Tôi từng có một ước mơ, lớn hơn mọi ước mơ khác, là được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Vừa đổi đời, có tiền, thoát khỏi phận nghèo, mua được chiếc xe máy mơ ước, vừa để chống lại lời tiên tri “đểu” chắc nịch của mấy ông thầy tướng số, nói giống nhau, rằng tôi không có số xuất ngoại.
Năm 1989, đói quá, nghèo quá, tôi bắt đầu trốn giờ làm việc, thử "đánh quả". Vụ đầu tiên trót lọt, tôi kiếm được mấy chỉ vàng. Mỗi lần nhận tiền bên A, trừ chi phí, ra Hàng Bạc, mua được vài phân vàng mỏng dính.
Bắt đầu thấy ham.
Vụ thứ 2, cuối 1989 đầu 1990, lần đầu tiên, sau gần năm nhận cả thiết kế, cả tổ chức thi công nội thất, tôi cầm gần hai chục cây vàng. Số tiền này, khi ấy khá lớn, có thể mua được vài căn nhà. Tôi không có duyên với đất cát, nhà cửa. Thậm chí, chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà. Tôi vẫn ở căn nhà nhỏ với cha mẹ trong mọt con hẻm, phố Ngọc Hà.
Chuyện tiêu gần hết số tiền trong chuyến đi Sài Gòn, nghĩ lại giờ vẫn thấy buồn cười. Một chiếc Honda 81-89 màu ốc bươu kim vàng giọt lệ, mơ ước. Một đầu Video Shapp 790 mới nhất, một TV Sanyo màu 25 inch, một cây vợt tennis Graphire, túi Prince đen, một dàn máy nghe nhạc... Tất cả được quyết rất nhanh, chả đâu vào đâu, chỉ để "thỏa mãn bần cố". Con bé nghe bà nội nói thế, nhưng líu lô nhắc lại, chả hiểu sao ra "cổ mãn bần từng".
Năm 1992, tôi quyết định rời Nhà nước, xoay qua làm doanh nghiệp, đúng vào lúc con đường sự nghiệp đang có cơ hội thăng tiến, đầy hứa hẹn.
Tôi mở vũ trường QueenBee Hà Nội chỉ vì tự ái khi nghe một doanh nhân miền Nam chê "…dân Hà Nội biết thế nào là làm dịch vụ", sau một đêm karaoke, nhảy nhót, uống rượu ở Queenbee Sài Gòn trên đường Nguyễn Huệ.
Cuối tháng 8-1993, vũ trường Queenbee Hà Nội bắt đầu hoạt động. QueenBee từng được xem là vũ trường đẹp và đông khách nhất Hà Nội một thời gian dài. Có lãi, tôi bàn với các đồng chủ, đầu tư xuống tầng trệt, làm một nhà hàng tàu Hongkong. Tôi và thằng bạn qua Hongkong lê la ăn uống, tìm hiểu và quyết định tuyển đầu bếp, quản lý, chuyên gia từ Kowloon sang với chi phí khá đắt, chỉ để xây dựng một thương hiệu. Lấy lãi vũ trường, nuôi nhà hàng, làm nơi tiếp khách, gặp gỡ bạn bè.
Một lần mời lãnh đạo to to ăn tối tại nhà hàng Phúc Quần Các, tôi dẫn ông lên tầng 2 nơi vũ trường, karaoke chưa đến giờ đón khách. Ông vừa thật thà, vừa ngạc nhiên bảo, "Ừ, các anh làm đẹp đấy, giống hệt nước ngoài. Có khó khăn gì cần giúp đỡ gì cứ lên gặp tôi, ủng hộ, ủng hộ". Thực ra, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, nộp thuế nghiêm chỉnh, chả có việc gì phải nhờ đến lãnh đạo to to cả.
Ba mươi năm trôi qua, từ một nước hơn 90% là nông nghiệp, đói nghèo, lạc hậu, chủ yếu duy trì nhiều thứ một phần nhờ viện trợ, nay chúng ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy chưa phải mọi cái đều tốt hơn, đẹp hơn, nhưng những thay đổi về hạ tầng như đường sá, cầu cống, hàng không, viễn thông, đi lại, xuất cảnh, giao thương quốc tế… mang tính hội nhập, tích cực, hiện đại là những thành quả không thể phủ nhận.
Nhớ lại giấc mơ đi nghiên cứu sinh - điều tôi đã từng mơ ước cháy bỏng, chưa thực hiện được. Xem ra, tụi trẻ giờ dễ dàng ra nước ngoài du học, chỉ cần gia đình có tiền. Con bé và thế hệ những đứa trẻ sinh ra trước và sau cuộc đổi mới, giờ đều đã trên dưới ba mươi. Ba mươi năm, có nhiều thứ thay đổi đến chóng mặt.
Công nghệ thông tin bùng nổ. Những năm đầu 1990, chỉ biết cái máy tính 286 chậm rì rì, không điện thoại động, một vài kênh truyền hình, chỉ có thể đọc sách, báo giấy... Mới năm 1997, tôi dẫn ông bạn Ian Daly (Australia) đến gặp giáo sư tiến sĩ hàng đầu về tin học Việt Nam - Quang A, Ian giới thiệu về Internet, chả ai hiểu gì.
Đám trẻ thích nghi nhanh chóng với "toàn cầu hoá" không cần hô khẩu hiệu. Chúng đứng ngoài cuộc đổi mới ba chục năm trước. Hoặc chưa sinh, hoặc mới là đám nhóc tì mặc quần thủng đít, đeo bỉm, lăn lê bê bết tại các nhà trẻ, vườn mẫu giáo thời bao cấp còn sót lại chưa kịp chuyển mình. Làm thế nào để thế hệ ấy, những đứa trẻ sinh những năm 80, đã đến tuổi trưởng thành, quan tâm đến chuyện cuối năm nay là tròn 30 năm Đổi mới và nhìn lại, suy nghĩ?
Làm thế nào để chúng biết đến và tri ân những thế hệ đã hi sinh xương máu trên các chiến trường, các ngọn đồi, cánh rừng, dòng suối biên giới phía Bắc? Để chúng đừng quên, những đói nghèo, khó khăn thiếu thốn nhiều chục năm trước cuộc đổi mới, cha mẹ chúng đã phải oằn mình chống đỡ, chịu đựng, cho chúng có được cuộc sống như hôm nay?
Giờ nghe chuyện Ngọc Trinh, Hoàng Kiều, công chúa châu Á, chuyện thị phi showbiz…, chúng ào ào hưởng ứng. Thấy lỗi riêng mình và cả thế hệ mình, thấy buồn và lo lắng cho một thế hệ sắp làm chủ đất nước, nhưng lại thiếu hiểu biết và ít quan tâm đến lịch sử.
Tôi nhớ hộp sữa bột MEIJI Nhật Bản. Nhớ những năm tháng gian khổ. Nhớ những lần "đánh quả", nhớ cả câu nói nổi tiếng một thời của một chính khách, "hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu"... Tạm thoát khỏi đói nghèo, có thể mọi người dân của đất nước thu nhập trung bình đều mua được những hộp sữa MEIJI, có thể đám trẻ ai cũng có chiếc điện thoại thông minh, nhà cửa khang trang hơn, vật chất đầy đủ hơn.
Nhưng những nỗi lo, những nguy cơ, thách thức nằm ở chỗ khác. Môi trường bị hủy hoại đến mức cảnh báo đỏ; nợ công vượt trần, các nhà đầu tư lớn đang có dấu hiệu lần lượt rút ra khỏi thị trường VN; xã hội phân hoá sâu sắc bởi khoảng cách giàu nghèo; tham ô, tham nhũng tràn lan, đạo đức xuống cấp; lòng tin đang dần cạn kiệt và con người càng ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm...
Tôi lại nhớ một nhân vật lịch sử, 30 năm trước từ một người nổi tiếng bảo thủ trong giới lãnh đạo, đã thay đổi bất ngờ vào những năm cuối đời, quyết định khởi động cuộc đổi mới 1986.
MEIJI là tên của hộp sữa bột duy nhất có mà con gái tôi đã được uống trong những năm tháng khốn khó. Là kỉ niệm riêng của gia đình, của Cha Con tôi, không thể quên. Và Meiji tiếng Nhật, cũng chính là Minh Trị.
Dù đất nước có phát triển, thay đổi nhanh đến cỡ nào, thì giá trị tinh thần và giá trị nhân văn cốt lõi của một dân tộc sẽ không bao giờ thay đổi. Đừng để vật chất lên ngôi, vật chất dẫn dắt, vật chất là tất cả..., mọi giá trị sẽ bị đảo lộn và nguy cơ của một sự đổ vỡ là có thật.
Lại nghĩ thêm một chút, ai cũng phải qua một thời trẻ trung trước khi về già. Rất cần và thỉnh thoảng nên nhìn lại, quãng đường mình đã đi, để nhận biết mình là ai, có tử tế không, đúng sai, được mất.
Đất nước cũng vậy.