Một đoạn đường trần

Thứ Ba, 02/12/2014, 14:41
Năm đó, tôi hai mươi ba tuổi. Hăm hở lao vào cuộc đời với sự ảo tưởng về tài năng cũng như khí lực của bản thân. Người con gái ấy nói với tôi, “Em yêu nhất là gió. Gió xoắn tung hết cõi đời này. Như khi, anh ở bên cạnh em”. Tôi lặng im, lâu lắm mới bảo: “Gió đang như điên vậy”. Rồi lãng đi, người con gái tan như gió. Vô thanh vô ảnh, tôi không biết tìm kiếm nơi nào. Chúng ta vẫn thường trôi qua quá khứ mình như vậy, không biết tái hiện hay níu kéo bằng cách nào.
Một vài ghi chú vụn mà tôi đã nghĩ.

1. Có quá nhiều quãng thời gian đã trôi qua trong cuộc đời của mỗi chúng ta, những quãng thời gian đã mất. Chúng ta đón nhận quãng thời gian ấy một cách đầy bị động với quá nhiều tiếc nuối. Để rồi chúng ta nhận ra rằng, chúng ta nhỏ bé biết bao trong cõi đời này. Chúng ta thật đáng thương, thật tội nghiệp.

Tôi đi dự đám tang một người quen, khói nhang là thứ để lại trong tôi nhiều ám ảnh. Tôi không thể nào hình dung được rằng, làm sao vạn sự đều lại có chung một kết thúc buồn đau như thế này.

Làm sao mới cười nói với tôi đó, làm sao mới cạn chén cùng tôi đó, làm sao mới luận bàn chuyện nhân gian với tôi đó, làm sao mới khoác vai tôi đó, làm sao mới thở dài theo nhau đó… Bây giờ lại nằm im ắng nơi này. Im ắng như đèn vàng sương khuya tôi về, im ắng như đôi tình nhân cũ bối rối nhìn mũi giầy lặng đi trên vỉa hè đêm muộn, im ắng như tự nghìn năm rồi không có được thanh âm của giọt nước an nhiên rơi. Làm sao tôi có thể hình dung được cảnh một ngày nào đó, chúng ta lại im ắng đến thế. Có hết được chăng, như chúng ta vẫn thường tưởng tượng. Làm sao mà hết được? Tôi cho rằng như vậy. Tuyệt nhiên không thể hết được. Còn đó những người tôi yêu thương, còn đó những chỗ tôi ngồi, còn đó những nơi tôi qua.

Mấy lâu, có người nói, “Bạn thật sự thú vị”. Họ nói, khi cảm thấy tôi thường đứng ngoài lề những cuộc tranh luận. Bạn đọc tôi thường, bạn sẽ nhận ra rằng quan điểm của tôi, tranh luận không khiến người ta lớn lên, tất cả phải nhờ vào tu dưỡng mà thành. Ngay cả khi ai khen hay chê tôi, ai mắng hay ủi an tôi, ai khinh khi hay yêu thương tôi, tôi đều đón nhận như một nhẽ rất đỗi bình thường.

Nhưng, đời sống vốn dĩ đã chật chội và buồn chán. Nên tôi luôn ủng hộ (hay tán đồng) những cá nhân tìm niềm vui trong các cuộc tranh luận với một biên độ vừa phải.

Con người, luôn có những khoái cảm rất kỳ lạ. Ví dụ, có cá nhân cứ thấy cá nhân khác thành công hơn mình là lại tức giận. Ví dụ, có cá nhân thấy cá nhân khác thất bại là lại hạnh phúc… Không sao hết, cảm xúc luôn là thứ rất quý giá mà chúng ta phải trân trọng. Miễn sao, đừng bộc lộ thái quá để có thể cả hai đều vui.

Lại chuyện khác, lâu lắm trước, tôi có viết cái phóng sự trên Chuyên đề ANTG Tuần với nội dung “Bỗng dưng muốn chết”. Trao đổi với vị bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương mới biết được có những người lao vào cuộc đào thoát vĩ đại nhất của đời người một cách đầy hồn nhiên. Anh kỹ sư cãi nhau với bạn: tự tử. Cô nhân viên uất ức đồng nghiệp: tự tử. Cậu chàng thất tình cô hàng xóm: tự tử…. Giả mà mọi thứ đơn giản đến vậy, thì đâu còn là cuộc đời nữa.

2. Nghĩ ngợi loăng quăng, đột nhiên đến chuyện cậu thanh niên người Việt khóc lóc, quỳ lạy tay gian thương nào đó trong trung tâm mua sắm ở Singapore vì bị lừa mua Iphone giá cao. Đến lúc đòi trả lại tiền thì cái tay buôn bán ba lăng nhăng đó nhất định không trả. Vậy là, cớ sự xảy ra.

Thật ra thì đàn ông khóc để van xin một người xa lạ hay quỳ lạy nhằm thỏa mãn mục đích, chắc cũng hơi kỳ kỳ. Nhưng, của đau thì con xót, như câu chuyện cổ tích đồng bạc ném vào đống lửa vậy.

Như tôi đã nói, quan điểm cá nhân cần được tôn trọng. Có những cá nhân chỉ quan tâm đến mục đích chứ không quan tâm đến hành động. Với lại, có những lúc hoảng loạn quá, đau xót quá, cá nhân không thể chủ động điều khiển hành vi.

Như xưa bên Tàu có ông Hàn Tín chui trôn gã bán thịt vậy. Ai mà tin được rằng Hàn Tín về sau trở thành tam kiệt nhà Hán, một trong những đại công thần giúp Hán Cao tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên cơ nghiệp nhà Hán kéo dài 400 năm. Có lần, Hán Cao tổ khen Hàn Tín, “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm Hầu” (Hoài Âm Hầu - Hàn Tín). Hàn Tín, cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, mưu sinh bằng nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn muốn làm nhục, bắt Tín một là dùng kiếm đánh nhau với gã, hai là luồn qua háng y. Tín, chọn cách luồn qua háng. Mọi người thấy Tín bị nhục đều chê cười. Có hôm không câu được cá, Tín không có gì ăn, thường đi xin cơm của bà lão giặt lụa và hứa hẹn sau này làm nên sự nghiệp sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà lão giặt lụa trách: “Cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội chứ có mong cậu báo đáp làm chi”. Mọi người thấy thế đều cho Hàn Tín là người thấp kém, hèn hạ. (Trích từ điển Wikipedia).

Tôi có đọc hình như là trong quyển “Điển hay tích lạ” của Nguyễn Tử Quang hoặc một quyển nào đó liên quan đến điển tích, chương hồi, chuyện quái sự (Tôi không nhớ chắc lắm – NKL) kể rằng, Hàn Tín được phong vương tướng, vinh hoa danh vọng tột đỉnh bèn tìm về quê cũ. Trước là sửa sang mộ cho cha mẹ, sau là tìm người bán thịt thưởng cho ít vàng, kiếm con cháu bà giặt lụa ban cho ít vải vóc.

Người trong chợ thấy sự lạ, bởi họ cứ tưởng Hàn Tín sẽ trị tội người đã từng vũ nhục ông khi xưa. Nên vây lại coi Hàn Tín trị tội người bán thịt. Nhưng, mọi thứ đã không diễn ra theo lẽ đương nhiên, Hàn Tín bảo: “Ta cho ngươi vàng, vì nhờ cái nhục năm ấy mà ta mới có được như ngày hôm nay. Ơn ngươi cả”. Tôi nghĩ là lúc này thì Hàn Tín nói gì mà không được, chứ vài mươi năm trước quá khó để Hàn Tín nảy sinh ra ý niệm, “Thây kệ, cứ chui qua háng nó cho khỏi bị đánh đã, rồi sau này làm nên cơ nghiệp ta sẽ chứng minh cho thiên hạ thấy ta không hèn”.

Tất nhiên, cậu thanh niên kia không phải là Hàn Tín. Tôi chỉ muốn nói rằng, Hàn Tín lúc bần hàn còn phải lụy người, huống chi cậu thanh niên ấy đang đứng trước nguy cơ bị mất tiền một cách hoàn toàn. Số tiền mà theo bạn gái của cậu cho biết thì cậu đã phải dành dụm rất lâu.

Chúng ta ít nhiều đều sẽ lâm vào hoàn cảnh bế tắc, tuyệt vọng hay chán chường đến cùng cực như trường hợp mà cậu thanh niên kia đã trải qua. Chúng ta sẽ khó có thể biết trước mình sẽ hành xử như thế nào. Khi mà chúng ta không biết cách giải quyết ra sao, tốt nhất nên quan sát sự tương tự mà người khác đã từng trải qua để rút kinh nghiệm sẽ tốt hơn biết mấy chuyện mạt sát một nạn nhân cùng giống nòi bị lừa đảo. Tôi có người anh, viết trên facebook cá nhân là sau vụ Iphone này chắc cô bạn gái của cậu thanh niên sẽ bỏ cậu vì không ai lại chịu nổi cảnh bạn trai mình vừa khóc vừa lạy một kẻ gian trá.

Trưa giữa tuần, gặp cô em là diễn viên nổi tiếng Ngọc Lan, tôi có hỏi: “Giai nhân, nếu bạn trai em như cậu thanh niên mua điện thoại ở Singapore, em sẽ phản ứng như thế nào?”. “Em thấy càng thương nhiều hơn, mà có khi em còn yêu nhiều hơn. Vì không phải ai cũng đủ dũng khí để gạt bỏ hoàn toàn cái tôi lớn lao chỉ mong nhận lại được số tiền mà anh ấy để dành giúp cho bạn gái mình một kỷ niệm”, Ngọc Lan trả lời vậy.

Phụ nữ, luôn có những ánh nhìn lạ lùng mà không gã đàn ông nào trong chúng ta lường trước được.

3. Nghe Ngọc Lan nhắc đến cụm từ “cho nhau một kỷ niệm”, tôi lại nghĩ, có nhất thiết phải cho nhau một kỷ niệm trong đời sống này không. Vì ký ức luôn là thứ khiến chúng ta xót xa.

Vẫn thói quen cũ, mỗi lúc bật ra một liên tưởng nào đó, tôi thường nhớ đến một vài đoạt lặt vặt mà tôi đã đọc ở đâu đó, mà tôi cảm giác rằng có liên quan so với tâm tưởng của tôi.

Những thứ tôi trích dưới đây là tản văn của Tam Mao, một nhà văn chuyên viết tản văn rất nổi tiếng của Đài Loan – nghe nói đã qua đời. “Bạn đừng buồn nếu bạn đãng trí. Đãng trí là chuyện bình thường, còn hơn là cái gì cũng nhớ rành rành”, “Trên đường tình, những người thản nhiên đầy rẫy. Nhưng dù họ chỉ chân tình trong giây phút, cũng không thể nói họ giả dối”. “Tình yêu nếu như không trở về với những gì chân thực trong cuộc sống như áo mặc, cơm ăn, đếm tiền, giấc ngủ, thì sẽ không thể dài lâu”. Có những lúc chúng ta nhầm tưởng một thói quen trong cuộc sống, với một người đàn ông hoặc đàn bà nào đó, là tình yêu”…

Cũng đừng tin Tam Mao hay những người viết văn làm thơ khác, bởi những thứ họ viết thường là cho đám đông từ câu chuyện của mình. Nhưng rồi, chính họ cũng sẽ không vượt qua được những gì mà họ đã khúc chiết để gửi đến đám đông.

Như khi họ nói, “Quên đi em, mai là một ngày khác”. Thật ra thì khi ấy họ đang muốn mãi mãi không có ngày mai. Y như người Trung Hoa bảo rằng, “Sống thì dễ, làm người thì khó. Tốt nhất là không có ban mai”. Như có lúc, tôi ra bờ sông Thanh Đa ngồi nhìn nước trôi lững lờ, nghe “Hẹn hò” của Phạm Duy “…Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu. Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào…”, tự dưng thương ngút ngàn nhân vật Chu Chỉ Nhược trong “Ỷ Thiên Đồ Long ký” (Kim Dung).

Rất muốn hỏi, có buồn nào hơn, Nhược?. Mà không có ai trả lời.

Ngô Kinh Luân
.
.